Saturday, October 1, 2011

Nam Phi không cấp thị thực cho Đạt Lai Lạt Ma vì sợ phật lòng Trung Quốc

Đức Đạt Lai Lạt Ma trong một cuộc họp báo tại Mehico ngày 9/9/11.

Đức Đạt Lai Lạt Ma trong một cuộc họp báo tại Mehico ngày 9/9/11. – REUTERS/Tomas Bravo

Minh Anh – RFI

Hôm qua 30/9, tuần san Mail & Guardian đã cho đăng lời tuyên bố của ông Desmond Tutu rằng việc Đức Đạt Lai Lạt Ma không thể đến dự sinh nhật thứ 80 của ông vào ngày 7/10 sắp tới, sẽ là một món quà sinh nhật buồn. Ông cho biết đã mời, nhưng nghĩ rằng chính quyền Nam Phi sẽ không cấp thị thực nhập cảnh cho Ngài do sợ làm phật lòng Trung Quốc, đối tác quan trọng của Nam Phi.

Ông Desmond Tutu, cựu Tổng Giám mục Giáo hội Anh, là một trong những biểu tượng của phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, được trao giải Nobel Hòa bình năm 1984. Ngoài việc mời dự sinh nhật, ông Desmond Tutu còn mời Đức Đạt Lai Lạt Ma khai mạc hội thảo quốc tế đầu tiên của ông về hòa bình, sẽ diễn ra vào ngày 8/10 tới đây. Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng dự trù sẽ có buổi thuyết trình tại Đại học Witwatersrand vào ngày 12/10 về chủ đề «bất bạo động».

Hôm thứ Hai tới, một cuộc tập hợp phản đối sẽ được tổ chức tại Cap Town và một bản kiến nghị cũng đang được phổ biến, nhấn mạnh «cách hành xử của chính quyền gợi nhớ thời kỳ apartheid».

AFP cho biết, do Phó tổng thống Nam Phi Kgalema Motlanthe đang viếng thăm chính thức Trung Quốc, nên trong tuần này sẽ không có một quyết định được đưa ra. Ông Motlanthe không một lời nào nhắc đến « Đạt Lai Lạt Ma », phía Bắc Kinh cũng thế. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn tuyên bố rằng « Bắc Kinh đánh giá cao sự ủng hộ quý báu mà Nam Phi dành cho Trung Quốc trong các vấn đề Đài Loan và Tây Tạng ».

Trước mắt, Pretoria vẫn khẳng định rằng không hề chịu một áp lực nào từ phía Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà bảo vệ nhân quyền, nếu như việc từ chối cấp thị thực được xác nhận, thì « lý do nêu ra cũng không mấy cao thượng ». Theo họ, việc cản trở một lãnh tụ ủng hộ các phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc « không những đi ngược lại lịch sử, mà nó còn gây ra nhiều vấn đề ».

Theo AFP, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nam Phi từ năm 2009. Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa hai nước cũng không dễ dàng : thâm hụt mậu dịch của Nam Phi với Trung Quốc trong quý I năm nay đã ở mức 3 tỷ rand (tương đương với 300 triệu euro). Trao đổi thương mại của Nam Phi đã bị mất cân bằng, chỉ có lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc, góp phần phá hủy nhiều việc làm trong nước, chẳng hạn trong ngành dệt may.

0 comments:

Powered By Blogger