Tác giả:Nguyễn Ngọc Già
Nhìn lại vài năm qua, tình hình đất nước ngày càng bi đát trên mọi lĩnh vực. Sự chán ghét, phẫn hận chế độ phản dân hại nước hiện nay ngày một tỏ rõ, trong đó niềm tin dành cho một cuộc sống an ổn, bình yên ngày càng xa rời tầm tay người dân, đặc biệt đối với tầng lớp dân nghèo và trung lưu. Một trong các yếu tố quyết định sự sụp đổ của chế độ Cộng sản, đó chính là kinh tế.
Kinh tế Việt Nam đang hồi nguy ngập, mặc dù Louis Taylor-Tổng giám đốc Standard Chatered dự báo rằng lạm phát năm nay xoay quanh 19% với tỉ giá VNĐ/USD là 20.600(1). Thực tế cho thấy, tỉ giá tại thị trường tự do cách đây ba hôm đã là 21.320 (2) cao hơn khoảng 500đ so với tỉ giá ngân hàng công bố. Nhà nước đối phó bằng biện pháp tăng dự trữ ngoại tệ lên thêm 1% (3) một biện pháp mang tính tạm thời nhằm trấn an thị trường và lòng tin người dân, tất nhiên tỉ giá tạm lui một ít ngay sau đó, về mức 20.900. Lễ 2/9 đang diễn ra, nên để biết được tỉ giá sẽ lên tới mức nào có lẽ chờ thêm vài hôm, tuy nhiên cũng không lâu, chỉ cần từ giữa tháng 9 đến giữa 11 sẽ thấy được gần như toàn cảnh vấn đề tỉ giá (theo hướng tiêu cực). Theo ước đoán của một chuyên viên ngân hàng quen biết (xin giấu tên) tỉ giá sẽ vào tầm 21.900 – 22.400 Đ/USD vào cuối năm nay, bất chấp TS. Phạm Đỗ Chí (nguyên chuyên viên cao cấp của IMF) e dè dự đoán 21.500 Đ/USD (3). Điều đó có nghĩa, nếu tỉ giá tự do ở vào mức 22.400 – 22.700 Đ/USD được coi là thành công của chính phủ trong việc kìm hãm tỉ giá. Nói bình dân, nếu bây giờ bạn đang có 2,1 tỉ ĐVN, thì 2 tháng sau, bạn sẽ phải bỏ thêm 170 triệu đồng để mua được 100.000 USD. Tính ra, bạn đã thiệt mất 4%/tháng, so với lãi suất hiện nay, giả sử bạn đem số tiền này gửi ngân hàng, bạn chỉ nhận được 1,5% (đây là lãi suất đi đêm với nhau, thật ra lãi suất hiện nay theo quy định của nhà nước chưa đầy 1,2%/tháng).
Ngân hàng nhà nước ngày càng không thể chi phối vấn đề tỉ giá theo ý muốn, mặc dù họ đã cố gắng nhiều bởi: nợ công là con số khổng lồ (4) mà theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính dự kiến:
Trong năm 2011, nợ công bao gồm cả vay nước ngoài lẫn trong nước sẽ lên đến mức 1.375 tỉ đồng, tương đương 58,7% GDP. Tính ra từ năm 2007 đến cuối năm 2011, nợ công của chúng ta đã tăng khoảng 25%, đạt mức trung bình 5%/năm, và với đà này thì trong vòng tám năm nữa, nợ công của Việt Nam sẽ lên 100% GDP theo cách tính của chúng ta, nếu tính theo WB và IMF sẽ còn cao hơn nữa.
Kèm theo là thâm thủng mậu dịch nhiều tỉ đô trong nhiều năm, nhập siêu không kiểm soát nổi, nạn bè phái ăn chia, tham nhũng, hối lộ lan tràn không kể xiết…
Bên cạnh đó, mới đây hãng xếp hạng uy tín các nền kinh tế Standard & Poor’s đã tiếp tục hạ bậc tín nhiệm Việt Nam xuống BB – (5) mặc dù cho biết sự xếp hạng này do điều chỉnh các yếu tố kỹ thuật, nhưng thực chất giới trong nghề đều hiểu, đó là cách nói làm nhẹ tình hình mà S&P không muốn giới cầm quyền VN buồn thảm, khó chịu thêm! Người viết bài không định nói về những học thuật chuyên ngành về tài chính ngân hàng, chỉ xin mở ngoặc một chút: nếu có ai tưởng rằng nợ công là thuộc pham trù kinh tế vĩ mô, có vẻ xa xôi không thiết thân đến bát cơm manh áo của người dân hàng ngày là lầm to, tất nhiên một phần sự lầm lẫn đó, do người dân luôn thấy khi nói về nợ công, Nhà nước luôn cho rằng “nó” vẫn trong tầm kiểm soát (!). Hậu quả của việc hạ mức tín nhiệm làm cho việc tiếp cận nguồn vốn sạch, rẻ càng thêm khó khăn (chưa dám nói về cái mà mọi người hay đề cập “bẫy thu nhập trung bình” mà VN vừa đặt chân vô, làm cho việc tìm kiếm nguồn vay giá rẻ càng không phải dành cho VN như trước nữa), thế là dẫn đến giá đầu vào sản phẩm tăng, giá đầu ra tăng theo. Lạm phát xoay vòng! Chết dân đen trước hết!
Những chỉ dấu nguy hiểm đó “góp thêm” cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay suy sụp nhanh chóng, bởi giá vàng đã vượt qua 48 triệu/lượng sau vài tuần kìm giữ (6), giá vàng thế giới tiếp tục tăng ấn tượng ở mức trên 3%, tương ứng mức giá mới là 1.886,68USD theo bản tin ngày 03/9/2011 (7), trong khi giới chuyên môn đã nghĩ đến mức giá 2.000 USD/ouce(8)!!!
Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra trong 2 tháng tới, có vẻ động thái này buộc nhà nước tung ra chiêu “đánh thức 500 tấn vàng” trong dân (9). Ai cũng biết, vàng là phương tiện cất trữ khi đồng tiền trở nên “nhẹ trong tay” với một nền kinh tế phập phù, lơi lả và ông Trương Văn Phước (TGĐ Eximbank) không giấu diếm việc huy động 500 tấn vàng này khi cho biết:
Vì thế, khi huy động vàng không theo hình thức tiết kiệm (có thể rút trước hạn) mà là huy động thông qua giấy tờ có giá như kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu vàng… (không được rút trước hạn).
“Hai năm rõ mười” bằng lời, ông Phước đã bộp ngay mặt tân Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khi có “nhã ý” “GIỮ vàng cho dân” (10). “Giữ giùm” bằng một “miếng giấy hứa” lãi suất hấp dẫn nào đó, (tưởng) người dân nhào vô chắc (?) Nhà nước quên mất, dân bây giờ không dễ bị đánh lừa nữa đâu! Buồn cười hơn, trang “Nhà báo & Công luận” lại thắc mắc khi đặt tựa “lại thêm một đề xuất khó hiểu” (11) để phàn nàn “Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa đề xuất với Ngân hàng Nhà nước nên cấm hoàn toàn việc mua bán vàng miếng”. Sao lại “khó hiểu”, nếu như tác giả bài báo này biết rằng Chính phủ đã đồng ý huy động vàng trong dân (12) và chấp thuận bảo lãnh nợ cho các dự án xi măng số tiền 1,365 tỉ USD (13), hình như (quên) chưa tính các khoản bảo lãnh khác mà không tài nào có đô la để trả cho chủ nợ, ví như con tàu Vinashin vẫn đang ngụp lặn hổn hển chìm dần (!)
Vậy là, dân chúng thấy rõ nhé: nhà nước cần vàng nhằm mục đích đổi ra đô để hà hơi tiếp sức cho “đám mập thây” mang tên “tập đoàn”, “tổng công ty nhà nước” làm thì dởm, ăn thì giỏi, phá thì hay. Nếu bà con nào còn ít đô hay ít lượng vàng, hãy suy nghĩ cho kỹ trước những phân lời lấp la lấp lánh mà nhà nước sẽ đánh vào lòng tham tức thời của chúng ta.
Hơ! Tính “ăn quen làm hoài” chắc?
Ông bà mình có câu “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”, tôi xin sáng chế: “lừa đảo quen thói, nói dối quen miệng”.
Sự thành công hay thất bại trong việc huy động vàng (mang cái tên nghe đầy nhân ái) “giữ giùm cho dân” sẽ là thước đo khá chuẩn xác về lòng tin người dân còn bao nhiêu gờ-ram cho chế độ này. Nếu nhà nước huy động được cỡ trăm tấn vàng trong 2 tháng (nghĩa là 20%) (tất nhiên tôi không chịu màn ăn gian bằng cách kết hối, kết kim) thì tôi tự phạt mình bằng cách: không viết bài trong 2 tháng. “Hay không bằng hên”! Chờ xem…
Nguyễn Ngọc Già
Nói thêm:
Các số liệu tham khảo mà người viết bài dẫn ra để minh chứng cho câu chuyện “túi tiền” của nhà nước ngày càng mỏng như lá lúa đều là các trang “nhà ta” để tránh có người nói bị “xúi giục”, “kích động”, hay “cầm tiền của bọn phản động”. Theo kinh nghiệm cá nhân, những con số này có thể còn “ghê” hơn nữa trên thực tế bởi: nợ công (kể cả nợ xấu) vẫn còn là số liệu chưa bao giờ nhà nước dám nói thật với dân (14), do bản chất chế độ CS là bản chất nói láo, bưng bít cho đến khi nào không còn bưng bít được thì sự vỡ lở trở nên hết cứu vãn, thí dụ như vụ Vinashin.
Cần nhớ, “nguyên tắc” hoạt động QUAN TRỌNG NHẤT của chế độ CS là VÔ NGUYÊN TẮC(!). Chính cái “nguyên tắc” buồn cười này mà ĐCSVN trở nên muôn hình vạn trạng dễ biến hóa trong mọi trường hợp, dễ thích ứng, thích nghi theo tình huống thực tế diễn ra, nếu người dân không bám sát kỹ những động thái một cách liên tục.
Chính từ cái nguyên tắc quái dị, thiếu sòng phẳng đó, việc không tôn trọng pháp luật trong nước cũng như pháp luật quốc tế là điều hiển nhiên mà CSVN đang hành xử theo phương châm “cái gì có lợi cho cách mạng thì cứ làm”!. Việc gì có lợi cho ĐCSVN thì họ áp luật vào, việc gì không có lợi thì họ hành xử bất chấp luật lệ. Chúng ta đều thấy, tình hình biển Đông bất lợi cho Việt Nam thì CSVN kêu gọi sử dụng luật quốc tế khi đàm phán tranh chấp với Trung Quốc. Trong khi các vấn đề quốc nội như kinh tế, dân chủ, đàn áp người yêu nước, bỏ tù vô pháp, giết người ngang nhiên… thì họ không bao giờ áp dụng luật một cách lương thiện. Do đó, làm ăn kiểu vậy, trách sao càng ngày các chủ nợ trên thế giới không bỏ chạy mới lạ!
ĐCSVN hiện nay vẫn không từ bỏ thói kiêu căng hợm hĩnh của một trọc phú, cộng thêm tánh ương bướng, lì lợm nên cắm cúi đi vào đầm lầy chết người, bất chấp mọi lời can gián, khuyên ngăn. Họ đã sa chân vào đầm lầy tới ngực và đang lún dần, lún sâu. Càng quẫy càng lún nhanh, dù chúng ta có đưa cành cây ra cứu vớt thì họ cũng không bao giờ chịu nắm lấy, vì lẽ một cành cây tưởng cứng hơn được vươn ra từ phía người đồng chí của họ có vẻ đang cứu vớt họ, nhưng thật ra kẻ cầm cành cây kia cũng đang đứng bên bờ vực mà việc ngã chỏng lọn xuống lầy đang chực chờ không kém với một nền kinh tế tưởng đang lên nhưng hàm chứa quá nhiều nguy cơ bất ổn nội tại và không tạo cho hàng chục quốc gia trên thế giới chút niềm tin nào về mẫu người lương thiện, văn minh. ĐCSVN cũng chẳng phải tin tưởng ĐCSTQ gì cho cam, chẳng qua “ngưu tầm ngưu mã tầm mã”. Chỉ tiếc, ĐCSVN chỉ tiêu cực để nghĩ đến sự trừng phạt của nhân dân vì tội ác họ gây ra hơn là sự vị tha của người Việt Nam.
“Còn nước còn tát” là vậy!
0 comments:
Post a Comment