Author: Hoàng Vi Kha | Posted on: 2016-11-19 |
Tất cả những ai đã từng sống dưới chế độ cộng sản hoặc chế độ độc tài đều đã là nạn nhân của hai hệ thống phục vụ kẻ cai trị: 1. Hệ thống giáo dục và 2. Hệ thống truyền thông.
Ở mỗi khu phố đều có một cái loa mà ra rả từ sáng tới chiều không ngừng phát ra những bài đọc xưng tụng lãnh tụ và đảng lãnh đạo, chửi rủa những thành phần chế độ cũ và những ai không cùng chính kiến.
Ở tất cả mọi tờ báo, mọi đài truyền hình cũng là những bài vở đó, giọng điệu đó, hình ảnh đó, âm thanh đó.
Ở tất cả các thể loại giải trí và nghệ thuật như sách truyện, âm nhạc, phim ảnh, sân khấu cũng là những nội dung y hệt nhau: ca tụng lãnh tụ, ca tụng đảng lãnh đạo lên tận trời cao và dìm xuống tận cùng đáy xã hội những người của chế độ cũ, của những luồng tư tưởng không cùng hướng.
Ở nhà trường càng không thoát chính sách tẩy não và nhồi sọ. Từ bậc mẫu giáo cho tới trung học, đại học, học sinh luôn luôn bị nhồi nhét vào đầu những bài giảng bẻ cong sự thật, đầy dối trá và rất thâm hiểm để tạo ra những bộ não sùng bái lãnh tụ, tôn thờ đảng hơn cả dân tộc và đất nước.
Rồi mỗi tuần đều có cái gọi là “họp tổ dân phố” để mọi người nghe và nhận công tác nhưng cũng là lúc để thi hành việc đấu tố nhau. Người dân được khuyến khích bơi móc đời tư nhau, bơi xói những việc làm của hàng xóm để đem ra quyết liệt phê phán, chỉ trích trước tập thể.
Đất nước với lề lối cai trị như thế đã đưa xã hội tới những hậu quả như ngày hôm nay, đó là: lòng tin, tình người, đạo đức, tri kiến thức, giá trị nhân văn tất cả đều suy thoái, băng hoại và sự phân hóa dân tộc càng sâu.
Người dân đã không thể sống được đã phải bỏ nước ra đi và cho tới bây giờ vẫn còn ra đi. Trong số các quốc gia mà người Việt mong muốn đến thì Hoa Kỳ luôn nằm đầu bảng. Bởi không chỉ do đời sống ở Hoa Kỳ với sự phát triển của kỹ thuật, của y khoa, của giáo dục tương đối khá hơn so với các nước khác mà còn vì nền tự do, dân chủ mà Hoa Kỳ luôn tự hào.
Tôi là một trong số hàng trăm ngàn người Việt may mắn đánh đổi tất cả để tìm tới miền đất tự do, mong được thoát khỏi những ngày tháng sống dưới một hệ thống cai trị đầy bất công cùng một bộ máy tuyên truyền đầy dối trá, chia rẻ và luôn nuôi dưỡng hận thù của chế độ cộng sản.
Nhưng qua cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi tại Mỹ, tôi đâm ra lo âu. Những báo chí, đài truyền hình, truyền thanh trong suốt thời gian ấy và cho tới tận bây giờ vẫn là những công cụ cho xuyên tạc, cho chửi rủa, cho công kích, cho tuyên truyền. Giọng điệu và cách thức không khác gì cộng sản. Thậm chí còn có phần hơn cả cộng sản. Chính giới truyền thông đã góp tay không nhỏ trong việc tạo ra sự phân hóa giữa người dân với nhau.
Nhưng tai hại hơn hết chính là việc tuyên truyền, nhồi sọ học sinh trong trường học. Những gì mà một số nhà trường đang đưa vào giảng dạy học sinh chỉ với mục đích tuyên truyền một chiều cho việc đánh phá ông Trump và ca tụng bà Hillary hoàn toàn không khác những gì mà chúng tôi đã từng bị nhồi sọ dưới nhà trường cộng sản: ca tụng bác đảng và nguyền rủa Mỹ “ngụy”. Trước kia chúng tôi bị dạy rằng chỉ có đảng và bác là đúng, là tốt, là yêu thương nhân loại còn Mỹ ngụy là đại diện cho tồi bại, cho xấu xa, cho gian ác, cho hiểm họa của nhân loại. Cho nên giờ đây tôi thấy quen quá khi nghe từ báo chí, từ nhà trường những luận điệu y hệt. Và tôi lo ngại cho giới trẻ. Nếu tình trạng này vẫn kéo dài và lan rộng thì không bao lâu sau, thế hệ trẻ của Mỹ sẽ không thua gì thế hệ trẻ tại các quốc gia cộng sản hay độc tài.
Tôi không quên, ngày lễ giỗ ông Hồ, hoặc một bác lãnh đạo nào tạ thế thì toàn dân cả nước PHẢI buồn, phải khóc. Dù không liên quan họ hàng, dù không thích cũng phải buồn, phải khóc bằng không sẽ bị “dân chúng” công kích, đấu tố thậm chí có thể nguy tới tánh mạng. Tôi không quên khi đảng cai trị lớn giọng chỉ trích Tàu, chửi rủa Mỹ thì toàn dân cả nước PHẢI a dua chỉ trích, chửi rủa theo. Dù không hề biết rõ lý do vì sao nhưng vẫn phải đồng chửi, đồng thét gào bằng không cũng sẽ nguy tới tánh mạng. Có lẽ những bạn trẻ cho rằng tôi nói ngoa. Xin hãy nhìn vào Bắc Triều Tiên như một chứng minh cụ thể.
Thật là trớ trêu khi mà người dân tại các nước cộng sản luôn nhìn sang các nước như Mỹ để muốn có được bầu không khí tự do, dân chủ, thoát cảnh sống bị kềm kẹp bởi tuyên truyền một chiều thì giới truyền thông, giáo dục tại Mỹ lại đưa dân Mỹ đi vào cảnh sống của người dân tại các nước cộng sản.
Ai trong chúng ta không khỏi bất bình khi xem các video clip về tình trạng trẻ em đánh nhau tại Việt Nam – kết quả của những năm tháng dài của lối cai trị xảo trá, tuyên truyền khiến đạo đức xã hội băng hoại. Giờ đây, ở Mỹ cũng đã bắt đầu nhìn thấy cảnh người khác chính kiến bị đám đông rượt đánh, bị uy hiếp. Các thủ đoạn của những kẻ ma cô chính trị đang lủng đoạn xã hội.
Khi mà giáo dục và truyền thông chỉ còn biết gieo rắc tuyên truyền cho mục tiêu chính trị thì đất nước sẽ suy vong. Khi mà giáo dục và truyền thông chỉ còn là công cụ cho đánh phá chứ không giáo dục tình người, giáo dục lý trí thì dân tộc sẽ suy vong.
Tôi công tác tại thủ đô Hoa Kỳ cho nên cũng thường đi loanh quanh qua các khu vực tượng đài tưởng niệm các vị danh nhân. Đã nhiều lần tôi lặng người khi đọc những dòng chữ đầy nhân bản được trân trọng khắc trên các phiến đá hoa cương tại đài tưởng niệm Abraham Lincoln, Martin Luther King Jr. hay tại các đài tưởng niệm người lính Mỹ qua các cuộc chiến.
Hoa Kỳ được gọi là nước Mỹ - tức nước Đẹp, đối với tôi chính là nhờ xây dựng trên những nền tảng như đạo Phật: Bi Trí Dũng mà chữ Bi (compassion) luôn đi đầu nhưng vẫn không thể thiếu Trí (wisdom) và Dũng (courage) cùng đồng hành. Biến loạn là do Tâm thúc đẩy. Giải quyết biến loạn cũng là do Tâm có chịu hay không.
Tôi mong đại đa số những người làm truyền thông, những người trong ngành giáo dục, những người trong giới lãnh đạo mọi cấp của Hoa Kỳ hãy biết đặt lợi ích dân tộc lên trên, hãy nhìn vào thực trạng tại các nước độc tài, cộng sản mà thức tỉnh. Tôi cũng mong những người dân luôn sống theo tinh thần và cách hành xử của nước Mỹ. Xin dừng tay. Đừng góp thêm hận thù và chia rẻ. Xin chung tay. Góp thêm trí thức và nhân đạo (đạo làm người). Có thế, quốc gia này mãi mãi sẽ luôn là nước Mỹ, nơi mơ ước, nơi điển hình cho nhiều nước khác học hỏi theo.
-------
Nước có luật nước - Nhà có luật nhà - Bầu cử có luật bầu cử
và tôi không là "fan" của Hillary hay Trump mà là "fan" của đất nước Hoa Kỳ
và tôi không là "fan" của Hillary hay Trump mà là "fan" của đất nước Hoa Kỳ
Electoral vote là luật chơi
Khi Trump đánh bại các ứng cử viên đảng Cộng Hòa bởi sự ủng hộ của số đông dân chúng thì cánh của Hillary đã trấn an các fan của họ rằng: cho dù Trump có được số đông thì lá phiếu đại cử tri đoàn vẫn có thể đánh thắng Trump. Có nghĩa là khi đó, họ tin rằng họ sẽ thắng Trump không qua số đông “popular” mà qua cử tri đoàn “electoral college”. Họ đặt niềm tin vào cử tri đoàn chứ không đặt niềm tin vào số đông (Trump đã được các “nhà phân tích” cánh tả gọi là kẻ theo chủ nghĩa số đông)
Trong suốt mùa bầu cử, cả hai cánh Trump và Clinton đều đã tích cực đi vận động tại những tiểu bang “swing” để có được số phiếu từ “electoral college”. Có nghĩa là cả hai Trump và Hillary đã tranh cử vào ngôi vị tổng thống căn cứ trên cuộc đua giành số phiếu từ electoral college chứ không từ “popular”. Cả hai đều đã vận động trên căn bản này, tức cả hai đã đồng ý luật chơi và chơi theo luật đó.
Hillary cũng như rất nhiều người, cả phe Cộng Hòa cũng đã tin tưởng rằng Hillary sẽ dễ dàng đạt thắng lợi từ cử tri đoàn.
-------
Phản đối electoral vote hay phản đối vì thua
Nhưng sau đó, kết quả bầu cử xảy ra hoàn toàn ngoài dự kiến của nhiều người, nhất là từ fan của Hillary và từ chính nội các của Hillary. “Gậy ông đập lưng ông”. Hillary thua bởi số phiếu của cử tri đoàn.
Sau thất bại ê chề này, những fan (và cả những người nhập cư trái phép vốn không thể bầu nhưng rất mong có thể sinh sôi nảy nở tại Mỹ) tức giận và đòi dẹp bỏ electoral hoặc đòi electoral phải thay đổi lá phiếu. Điều này cho thấy họ không khác kẻ độc tài hay cộng sản: khi luật lệ khiến họ thất bại, họ đổi luật. Có nghĩa là luật pháp cứ như trò của trẻ con. Hôm nay thích luật ABC thì dùng, ngày mai thấy luật ABC không có lợi cho riêng mình thì đùng đùng nổi đóa đòi xé bỏ. Chúng ta gọi các kiểu luật này là luật rừng!
Nếu như những gì họ nêu ra hôm nay để đòi cử tri đoàn thay đổi thì tại sao họ đã không nêu ra từ trước kia? Vào năm 2000 Bush đã thắng Al Gore qua lá phiếu cử tri đoàn. Tại sao khi đó họ đã không ùn ùn phản đối như bây giờ? Rồi khi Obama thắng cử tri đoàn, họ cũng đã không chỉ trích cử tri đoàn một lời nào cả? Tại sao cho tới hôm nay khi mà bị “gậy ông đập lưng ông” họ mới nổi đóa? Những câu hỏi đơn giản này chỉ ra rằng họ phản đối vì thua chứ không vì luật.
---
Họ không sử dụng luật bầu cử
Thực ra cử tri đoàn làm việc theo ý họ đó chứ! Nếu họ đi bỏ phiếu thì lá phiếu của họ sẽ quyết định lá phiếu của cử tri đoàn. Nhưng họ đã không đi bỏ phiếu mà nằm nhà mà tin rằng Hillary sẽ thắng vẻ vang. Trong khi những người khác chịu khó xếp hàng hằng giờ để thực hiện đúng luật bầu cử. Chính họ đã đánh mất cơ hội thì tại sao giờ đây họ chỉ trích? Họ thua vì electoral điều mà họ đinh ninh là sẽ thắng cho nên họ trở mặt chỉ trích. Nhưng chính điều luật về electoral college đã bảo đảm được sự công bằng giữa những phố thị và nông thôn. Hãy cứ nhìn vào bản đồ hai màu xanh đỏ trong giai đoạn bầu cử sẽ thấy rõ điều này. Khi đó, cả hai Hillary và Trump đều tất tả đi vận động tại các bang / thành phố quan trọng. Nhưng Hillary có lẽ vì quá tự tin mà đã không cần lưu ý tới các miền xa xôi. Luật bầu cử đã có từ nhiều năm nay cũng như mọi trò chơi, mọi cuộc thi đấu đều có luật lệ. Khi chấp nhận tham dự là chấp nhận luật. Nhưng nếu thua lại giở giọng chỉ trích luật, đòi bỏ luật thì còn gì là một xã hội có luật pháp, có tôn ti trật tự?
Đã biết luật chơi, đã chấp nhận luật chơi, nhưng đến lúc thua thì đòi thay đổi luật cho thuận lợi về phía mình, giới bình dân chúng ta có câu kết luận rất chính xác: “thích thì chơi, không thích thì biến, chơi vậy chơi với ai, lên rừng mà chơi với khỉ”
---
Đời không gì hoàn hảo và số đông chưa hẳn đúng
Họ lớn giọng kêu gào Popular – số đông thắng nhưng họ cố tình không nghĩ tới khả năng bị lạm dụng - “manipulated”. Một kẻ có tiền hoặc có sức ảnh hưởng có thể tạo số đông đi theo. Lịch sử đã chứng minh qua Hitler nhất là qua chủ thuyết cộng sản. Giai đoạn lịch sử đó có hàng triệu triệu người theo cộng sản (popular – số đông) và có mấy ai dám nói cộng sản là sai? Và nhân loại đã phải trả một cái giá quá đắc cho sự cổ súy ào ạt của số đông dành cho chủ nghĩa cộng sản. Theo thống kê đã có hơn 100 triệu người là nạn nhân của cộng sản.
Chính nhờ luật pháp như luật bầu cử mà có thể ngăn chặn được tình trạng mị dân, dân túy (populism) Ngay cả bác học Albert Einstein cũng đã từng nói: những gì phổ thông chưa hẳn luôn đúng và những gì đúng chưa hẳn luôn phổ thông (What is popular is not always right and what is right is not always popular)
Một nền dân chủ tuyệt đối (pure democracy – ai muốn làm gì thì làm) chắc chắn tạo ra triền miên tranh chấp. Tất cả phải được đặt trên cơ sở luật pháp. Đời không gì hoàn hảo. Luật pháp cũng có những điều sẽ khiến người này thích, người khác ghét. Nhưng chính nhờ luật pháp xã hội con người mới tồn tại và phát triển có nền nếp mà không là một mớ rừng rú hỗn độn.
---
Ai đang gây bất ổn cho xã hội
Bây giờ thua thảm, họ tức tối đòi thay đổi cử tri đoàn. Nhưng kết quả của cuộc bỏ phiếu cho thấy số người ủng hộ hoặc bầu cho Trump không quá chênh lệch với họ. Vậy, họ có nghĩ tới việc những người này cũng sẽ như họ sẽ lồng lên chống đối lại họ hay không? Như thế chính là “nội chiến” – một cuộc “nội chiến” xảy ra vì họ không được mãn nguyện với luật
Nếu Hillary thắng qua electoral và Trump thắng qua popular như ban đầu phỏng đoán thì sao? Chắc chắn chẳng có chuyện họ đòi bỏ cử tri đoàn, đúng không? Giả dụ tiếp, nếu Trump thua ở electoral nhưng thắng ở popular và số người ủng hộ Trump biểu tình đòi thay đổi lá phiếu như họ đang làm thì họ sẽ nói sao? Chắc chắn họ sẽ tích cực bảo vệ cử tri đoàn và ồn ào chửi mắng.
Việc làm của họ minh chứng rằng: Họ đang dùng cảm tính để khuynh đảo nước Mỹ. Họ không coi trọng luật mà tệ hơn là họ không hề nghĩ tới an ninh quốc gia. Trump có nguy hiểm như họ (hay phe cánh của họ) miêu tả hay không thì chưa thấy, nhưng thấy rõ ràng họ chính là những kẻ gây ra bất an, gây nguy hiểm không chỉ trong hệ thống luật pháp khi phải thay đổi tùy tiện mà còn đời sống thường nhật như biểu tình đốt phá, đánh đập người bất đồng chính kiến (sao giống hoàn cảnh xảy ra tại VN hiện nay thế)
Tại sao những người ủng hộ Trump hoặc bỏ phiếu cho Trump vẫn giữ thái độ im lặng trước các hành động của họ? Thiết nghĩ vì những người này tin vào luật pháp và tin vào quyền tự do ngôn luận. Nhưng chắc chắn khi cần thiết những người này sẽ hành động.
Tại sao họ kêu gọi dân chủ mà co-exist – cộng sinh là một trong những yếu tố của nền dân chủ thì họ lại không thể chấp nhận những người khác quan điểm? Như thế ở đây ai là kẻ quá khích, ai là kẻ manh động, ai là kẻ đi ngược lại dân chủ? Hỏi tức là tự trả lời vậy.
---
Nước Mỹ của người Mỹ chứ không của người ngoài
Khi nhìn vào đoàn người biểu tình, có bao nhiêu kẻ là di dân lậu, là thành phần tội phạm không thể bỏ phiếu nhưng muốn tiếp tục sống tại Mỹ? Ở Mỹ đã và đang có hàng triệu di dân bất hợp pháp. Không phải ai trong số họ cũng là những “dreamer” một mỹ từ mà giới truyền thông cánh tả vẽ ra để khích động dư luận. Cạnh đó, nước Mỹ không trong giai đoạn cực kỳ phồn thịnh và an toàn. Người Mỹ họ phải lo toan cho chính họ trước khi họ có thể lo toan cho kẻ khác. Có lẽ dễ dàng nhận ra và đồng cảm với vấn đề nếu cùng nhau dùng hình ảnh ngôi nhà / gia đình như một đơn vị thu nhỏ của nhà nước
Bạn và gia đình bạn tần tảo bao năm để tạo ra một ngôi nhà tốt đẹp và bạn tự hào về điều đó. Một hôm bước vào nhà bạn phát hiện có những kẻ lạ mặt, những vị khách không mời đột nhập vào nhà bạn. Vì lòng nhân đạo, bạn chấp nhận những kẻ lạ sống chung ngôi nhà. Trong số đó, có những kẻ không thiết tha cùng bạn xây dựng nhà mà lại đòi bạn phải đồng ý chia bớt phần ăn mặc của bạn cho họ. Khi đó, bạn còn dư giả chút đỉnh, vì lòng nhân đạo, bạn bảo gia đình bạn chia phần. Tuy rằng chẳng phải ai trong số họ cũng ăn bám, có vài người muốn làm việc. Nhưng công việc lại không có nhiều, thế là thành viên trong gia đình hoặc ngay chính bạn bị cạnh tranh công việc hoặc bị mất việc vào tay người lạ. Vì lòng nhân đạo bạn vẫn tiếp tục cưu mang. Nhưng một hôm thành viên trong nhà bạn bị kẻ lạ đánh, đồ vật trong nhà bạn bị kẻ lạ cướp, chiếm. Khi bạn lên tiếng thì bị họ sử dụng số đông để uy hiếp, thậm chí đòi thay đổi những nền nếp sống vốn đã rất ổn định trong ngôi nhà của bạn. Rồi họ thấy nhà bạn còn rộng, đồ đạc còn nhiều, họ kêu gọi thêm thân nhân của họ kéo vào ở bất chấp hỏi ý kiến của bạn. Vì lúc đó họ là “tiếng nói của số đông”. Ngôi nhà mà bạn khổ công gây dựng là hữu hạn không thể nào đáp ứng những đòi hỏi vô hạn. Cho nên, ngôi nhà tốt đẹp kia suy sụp, khánh kiệt đi. Liệu khi đó lòng nhân đạo của bạn còn không? Liệu khi đó bạn còn muốn chứa chấp họ không? Hay lúc đó bạn sẽ mong tìm mọi cách tống khỏi nhà bạn những kẻ tráo trở, những kẻ trộm cướp, những kẻ gây hại cho an toàn của bạn và gia đình? Hoặc khi đó, dù bạn rất tốt bụng nhưng bạn vẫn phải tập trung lo chỉnh đốn lại ngôi nhà, ổn định lại gia đình là những việc tối quan trọng và ưu tiên hàng đầu. Nếu bạn nói bạn sẽ không làm thế thì bạn hoặc là đức Phật, đức Chúa hoặc bạn là một kẻ nói dối, hay một kẻ điên rất nặng.
---
Thay vì a dua hãy dùng đầu óc. Thay vì công kích hãy cùng làm việc
Chúng ta hiện đang ở chung nhau trong một ngôi nhà to lớn: đó chính là nước Mỹ. Nước Mỹ không là thiên đàng. Nước Mỹ không hoàn hảo. Nước Mỹ luôn có nhiều vấn đề và nước Mỹ vẫn giữ vai trò cường quốc vì những giá trị căn bản từ khi lập quốc cho tới nay vẫn được gìn giữ và tôn trọng.
“Ăn cây nào rào cây nấy” – “Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”. Giá trị tự do của nước Mỹ có lẽ là giá trị cao nhất đã thu hút được di dân từ bao nước khác đổ về. Nhưng đó không phải là thứ tự do muốn làm gì thì làm. Hợp chủng quốc này đã qui hợp nhiều sắc dân và từ bao năm qua, mỗi sắc dân đóng góp những tinh túy của dân tộc mình vào mãnh đất này để tạo ra một ngôi nhà chung vững mạnh. Nhưng, như ví dụ nêu trên, không phải ai khi vào ngôi nhà chung cũng là những “dreamer” hoặc biết tuân thủ theo “quốc có quốc pháp, gia có gia qui”. Cạnh đó cũng không phải ai khi vào ngôi nhà chung cũng biết dung hòa tinh hoa, văn hóa của dân tộc mình với các tinh hoa, văn hóa khác mà lại đòi hỏi đứng riêng, đòi hỏi phải cải đổi để phù hợp theo cung cách của riêng mình.
Có những kẻ đang lạm dụng quyền tự do để xách động, xúi giục nhiều người cho quyền lợi của họ. Hoặc những hành vi ngố ngáo, thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm cũng đã góp phần băng hoại những nền tảng giá trị của Hoa Kỳ, những nền tảng giá trị mà trước kia đã khiến Hoa Kỳ là một “miền đất hứa”. Khi nước Mỹ không còn là “miền đất hứa” có nghĩa là khi các giá trị tạo ra nó đã không còn thì chúng ta nên công tâm nhìn cho rõ cội nguồn vấn đề là ở đâu. Chính vì vậy mà Trump đã đưa ra câu “Make America Great Again”
Nước Mỹ thuộc về công dân Mỹ. Thịnh suy của mọi quốc gia đều phụ thuộc vào sự chung tay đóng góp của mọi công dân. Nước Mỹ đã có những vị tổng thống không được lòng toàn dân, kẻ thích, người ghét, nhưng nước Mỹ vẫn tiến triển, vẫn vượt qua thử thách cam go vì đại đa số người ghét hay người thích đều cùng chung tay làm việc chứ không chỉ biết đả đảo, làm loạn. Vì thế, không ai là kẻ thắng, không ai là người thua. Những xung đột dẫn đến cuộc nội chiến từ năm 1861 đến năm 1865 đã kết thúc trong sự mở rộng vòng tay kết nối. Nước Mỹ, trên nền tảng tự do, vẫn luôn đón nhận ý kiến đối lập nhưng trên tinh thần tôn trọng và ôn hòa. Nước Mỹ, trên nền tảng nhân quyền, vẫn luôn đón nhận di dân nhưng phải gạn lọc và đúng luật. Nước Mỹ, trên căn bản đa văn hóa, vẫn luôn tiếp lấy các di sản các văn hóa khác nhưng phải dung hòa và bổ sung.
Một ngôi nhà mơ ước – dream house đã được xây dựng trên những tiêu chuẩn mà những ngôi nhà khác không có. Nhưng chính những giá trị tiêu chuẩn đó thay vì được gìn giữ, bồi đắp thì lại đang bị đục phá đi. “A house divided against itself cannot stand” - Abraham Lincoln. Mọi chúng ta phải chung tay gìn giữ lấy ngôi nhà chung này theo đúng luật pháp của nền tảng dân chủ.
Hoàng Vi Kha
0 comments:
Post a Comment