19/1/1974 – 27 tháng Chạp năm Quý Sửu, cái ngày nóng lên vì tin tức về chiến sự Hoàng Sa, cũng là những ngày mưa và lạnh của miền Trung bước vào giáp tết.
Một cái tết chẳng bình thường, vẫn chiến tranh giữa những người anh em, lại thêm kẻ thù ngoại bang đục nước béo cò. Vẫn hừng hực các cuộc biểu tình của học sinh sinh viên miền nam chống tham nhũng, chống bầu cử độc diễn trong cái bối cảnh được phép biểu tình ra biểu tình, dù biết rằng đâu đó vẫn có những chiếc dây giật vì nhiều mục đích khác nhau.
Những ngày sau tết, cơn mưa đông xuân vẫn kéo dài, thê thiết. Các trường học miền trung mở lại muộn vì nổ ra các cuộc biểu tình chống Trung Cộng. Dọc theo quốc lộ 1, nhiều điểm tổ chức đốt hình nộm Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh. Không thấy bóng dáng của nhân viên công lực nào ngăn cản.
Đó là những ngày yêu nước.
Tối 17/2/1979, bản tin 18 giờ của Đài tiếng nói Việt Nam loan báo chiến sự biên giới phía Bắc và công bố lệnh Tổng động viên. Nhân dân rất bất ngờ. Bỗng dưng môi hở răng lạnh, núi đứt sông lìa. Cái tình hữu nghị vô sản được tuyên truyền bưng bít mấy chục năm bằng cái quyền chiếm đoạt sự thật của nhân dân đã phá sản; và ung nhọt của dối trá vỡ ra. Công thức yêu nước gắn với yêu chủ nghĩa xã hội và tình quốc tế vô sản vô tư cao cả đã trở thành thử thách, cản ngại cho lòng yêu nước thuần khiết truyền thống; tạo ra tình thế khó xử cho cả nhà cầm quyền và người dân yêu nước. Rất nhiều lệnh gọi tái ngũ cho số bộ đội đã phục viên đi học, chuyển công tác đã bị xé bỏ. Phần lớn nhân dân miền nam xem đó là chiến tranh nội bộ của những người cộng sản vì chính những điều không bình thường của lý thuyết cộng sản. Đó là cách mà sau này Grant Evans và Kelvin Rowley đã viết nên Red Brotherhood in War được nhà xuất bản Verso, London ấn hành năm 1984 và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân của Việt Nam dịch in dưới tiêu đề Chân lý thuộc về ai năm 1986. May còn phản ứng vũ trang tự vệ tại chỗ của các lực lượng địa phương, khả năng điều động nhanh từ các đơn vị chủ lực đã sẵn sàng chiến đấu từ phía tây nam và hệ thống quản lý xã hội vẫn còn thời chiến. Nếu chỉ động viên lòng yêu nước và dựa vào tin tức tình báo trong cái cảnh mơ hồ hữu nghị ấy thì chắc cơn nguy biến sẽ lớn hơn nhiều.
Lòng yêu nước không còn là động lực thường trực và chủ động cho việc giữ yên bờ cõi.
Ngày 24/3/1988, nhân dân hoàn toàn không biết gì về việc Trung Quốc tiêu diệt cả một đơn vị hải quân Việt Nam. Lòng yêu nước hình như không còn cần thiết.
Và đến những ngày này, sự động viên, thừa nhận, phát huy lòng yêu nước của toàn dân được cân nhắc, xử lý, chế tài trong toan tính lợi hại với an toàn chế độ chính trị; việc biểu tình yêu nước của dân, vốn được xem là con sóng ngầm trong lòng dân tộc, nguyên nhân của mọi thắng lợi của cách mạng như đã ghi trong các văn kiện, trong giáo khoa lịch sử, lại được gọi là tụ tập, như chuyện của một đám trẻ con ham vui và hiếu kỳ.
Sao lại có chuyện bi đát như vậy với dân tộc anh hùng này, khi lòng yêu nước bị chính trị hoá đến mức có thể sự biểu hiện của nó ngược hướng hoặc chứa đựng nguy cơ với sự an toàn của chế độ chính trị hoặc bị các thế lực bên ngoài lợi dụng và rồi nhà nước sợ cả lòng yêu nước của dân? Cái logic lịch sử nào đã dẫn dắt đất nước đến tình cảnh không giống bất cứ ai trên thế giới này vậy? Và từ cái mâu thuẫn vốn không có trong qui luật phát triển của xã hội đó, đất nước, dân tộc, truyền thống, văn hoá …sẽ đi về đâu?
Xích Tử
0 comments:
Post a Comment