Wednesday, June 22, 2011

Lên Mạng Xuống Đường: Nấc thang lớn cho cuộc chinh phục dài

Thành quả lớn nhất của những cuộc tuần hành xuống đường vừa qua là xây dựng được nền tảng cho hành động thể hiện chính kiến của một đám đông. Việc nhiều người dân cùng nói lên tiếng nói và nguyện vọng của mình nơi công cộng mà không nằm trong vòng tổ chức của nhà cầm quyền vẫn luôn là mối lo sinh tử của mọi chế độ độc tài. Hình ảnh cuối cùng của một cuộc cách mạng dân chủ là hàng trăm ngàn người cùng giương cao nắm tay biểu lộ khát vọng và sức mạnh của quần chúng. People Power. Lúc đó tập đoàn thống trị độc tài phải ra đi.


Để có hàng trăm ngàn người, phải có vài ngàn người, phải bắt đầu bằng vài trăm, vài chục người. Và mọi cuộc cách mạng thành công tưởng như là một phép lạ khi trong khoảng thời gian ngắn ngủi con số vài trăm người biến thành hàng trăm ngàn.

Đảng cầm quyền biết rõ điều đó hơn ai hết. Họ đã giành chính quyền cũng bằng con đường này. Chính vì thế mà trong suốt bao năm qua mọi cuộc biểu tình đều bị đàn áp. Những cuộc đình công của công nhân, khiếu kiện tập thể của dân oan, phản đối công an giết người... đều bị dập tắt bằng nhiều cách khác nhau và bằng nhiều lí giải lấp liếm sau đó để bảo vệ uy tín của của đảng và nhà nước.

Sau sự cố Bình Minh 2, đối diện với mục tiêu định rõ cho các cuộc tuần hành của những tập hợp quần chúng là để bày tỏ lòng yêu nước và chống ngoại xâm, Đảng và nhà nước bị lâm vào hoàn cảnh khó xử giữa hai chọn lựa: chấp nhận rủi ro của một cuộc bùng nổ cách mạng quần chúng, hay phải lộ diện bản chất tồi tệ khi ngăn chận, trấn áp những người yêu nước. Cho dù CA được lệnh chọn thái độ nửa vời lúc ban đầu, báo chí của đảng được lệnh im lặng hoặc xuyên tạc sự thật, cuối cùng thì mối lo mất quyền lực vẫn là kim chỉ nam cho mọi đối sách của đảng: phải kiểm soát được những cuộc biểu tình ở mức độ không thể bùng nổ.

Công an được lệnh bủa vây, ngăn chặn, thậm chí hành hung, bắt giam một số người tham gia tuần hành, mục đích để uy hiếp tinh thần đám đông, cùng một lúc tạo ấn tượng nhà nước Việt Nam không cấm đoán chuyện biểu tình đối với cộng đồng quốc tế. Kết quả là Sài Gòn, nơi có nhiều ngàn người trong hai cuộc biểu tình đầu tiên, đã bị chận cứng vào lần thứ 3; Hà Nội với vài trăm người trong 2 lần đầu đã được thả lỏng cho lần thứ 3. Kế sách đu dây giữa ngăn chận bùng nổ của một phong trào quần chúng và tạo ấn tượng người dân Việt Nam vẫn biểu tình chống TQ đã được đảng và nhà nước áp dụng triệt để.

Tuy nhiên kết quả của chính sách nửa vời và đu dây vẫn không ngăn được hệ quả: những gì còn bám víu được qua những công khó tuyên truyền để mị dân về chính nghĩa và tinh thần dân tộc của đảng và nhà nước CSVN đã bị phá sản. Hình ảnh công an ngăn chận, đàn áp những công dân Việt Nam yêu nước, tự phát, độc lập thể hiện lòng yêu nước đã phơi bày và lột mất lớp mặt nạ ái quốc sau cùng của những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam.

Do đó, xây dựng nền tảng cho việc thể hiện chính kiến của đám đông quần chúng và làm lộ rõ bộ mặt chư hầu bán nước của tập đoàn cầm quyền chính là điểm đến của những cuộc tuần hành. Cho dù có cá nhân chỉ xuống đường với mục tiêu đơn giản là thể hiện lòng yêu nước, hay là người chỉ thấy phẫn uất trước thái độ của TQ, hoặc chẳng quan tâm gì đến mục tiêu dân chủ... những cuộc tuần hành của tập thể nhiều ngàn người, tự nó đã đem lại những thành quả này.

Nếu nhìn vấn đề bằng quan điểm chiến lược thì những buổi tuần hành là chiến thuật giai đoạn với một  số mục tiêu ngắn hạn, làm bàn đạp để dẫn đến mục tiêu sau cùng là toàn dân làm chủ vận mạng đất nước

Từ đó, sau 3 tuần Lên Mạng Xuống Đường, một số câu hỏi cần được đặt ra cho giai đoạn kế tới là:
  1. Chúng ta đã đạt được những mục tiêu nền tảng cần thiết cho ngắn hạn? Hay phải tiếp tục thêm những buổi tuần hành cuối tuần mới đạt được mục tiêu? Nếu thế thì đâu là đích đến của giai đoạn này và điều gì chúng ta chưa hoàn tất để mong mỏi đạt được?.
  2. Chúng ta đang nhắm vào mục tiêu ngắn hạn của chiến thuật hay muốn (và có khả năng) để kéo dài chiến thuật trong một khoảng thời gian liên tục để leo thang đến mục tiêu chiến lược rốt ráo sau cùng?
  3. Điều kiện và xác xuất nào cho một chiến thuật được lập đi lập lại từ tuần này qua tuần khác sẽ đem đến kết quả tốt hơn sau mỗi lần?
  4. Ngược lại, có khả năng nào dẫn đến tình trạng: hình ảnh tích cực, sôi nổi cũng như thành quả tốt đẹp ban đầu sẽ bị lu mờ vì tình trạng thoái trào của một chiến dịch kéo dài không cân nhắc về khả năng, tâm lý và tình hình thực tế?
  5. ...

Điều cốt lõi là kết quả một chiến thuật chỉ có thể được coi là thành công khi quyết định đúng lúc để tuyên bố chiến thắng cho giai đoạn để sau đó bước qua một giai đoạn mới, chuẩn bị cho một tầm mức cao hơn, với cùng một chiến thuật hay chuyển hướng qua một chiến thuật khác.

*

Trong khi phải trả lời những câu hỏi trên để có những quyết định đúng đắn và sáng suốt chúng ta phải tiếp tục chuẩn bị. Một trong những việc cần làm là rút tỉa những bài học kinh nghiệm để từ đó xây dựng thêm sức mạnh cho chính cá nhân cũng như của tập thể. Chính từ những bài học kinh nghiệm sẽ soi rọi rõ hơn cho việc trả lời những câu hỏi mang tính quyết định chiến lược ở trên.

a. Trong những lần "lên mạng xuống đường yêu nước" này, mỗi người chúng ta có bắt tay thêm với ít nhất một người bạn đồng hành cùng chí hướng nào để cùng nhau làm việc, đóng góp cho quê hương trong những ngày sắp tới hay không? Trong mọi nỗ lực gây dựng phong trào quần chúng, mọi thành quả sẽ chỉ là biểu kiến và trở thành vô nghĩa nếu bạn không có thêm thành viên mới.

b. Những phương thức đã được áp dụng có phải là cách tốt nhất hay chưa? Qua những gì mà mỗi người kinh nghiệm trải qua, điều gì sẽ hiệu quả hơn:

-        Tập trung trước sứ quán của Trung Quốc hay chọn nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố đã có sẵn đông người ? Đi một đoàn hay đi nhiều đoàn ? Lộ trình địa điểm cố định, thông báo trước hay tự phát khắp nơi và thông tin tại chỗ khi có nhu cầu và hoàn cảnh cho phép cùng kéo về một hướng?

-        Chỉ thực hiện lớn tại Sài Gòn, Hà Nội hay nhỏ nhưng trải rộng nhiều tỉnh thành?

-        Chỉ đi bộ tuần hành hô khẩu hiệu hay cùng lúc cần thêm nhiều phương cách hoạt động khác như hát cho nhau nghe, lái xe từng đoàn và bóp kèn khắp phố, gõ vào những nắp nồi có hình hải tặc phương Bắc? Ban đêm hay ban ngày? Đi, ngồi, và cả nhóm đông người đứng như "Dáng Đứng Việt Nam" ? Dừng lại đối đầu với CA hay "đụng và chạy hit and run" - các chú CA ở đâu ta dời quân chỗ khác, tản mạn khắp phố phường ?

-        Xuống đường hay còn những cách khác song song như diễn một vở kịch chế diễu bá quyền / đề cao tinh thần dân tộc như Hội Nghị Diên Hồng tại công cộng; tổ chức đêm thơ, đêm nhạc, hội thảo về Biển Đảo; treo cờ tổ quốc ở trước mỗi cửa nhà; phổ biến dòng chữ Tôi Yêu VN bằng mọi hình thức và ở mọi nơi; làm một cái thùng có hình hải tặc để giữa phố ai đi ngang đánh một cái kêu cái đùng và bỏ vào 1 nghìn để làm quỹ hỗ trợ ngư dân, kêu gọi tẩy chay hàng hóa, phim truyện Trung Quốc... Những cách nào gia tăng tinh thần cho mọi người, làm nhẹ sự căng thẳng, thu hút thêm thành phần trẻ thích vui nhộn, dễ thực hiện và bắt chước, tạo tình thế khó xử hoặc tốn công tốn sức cho những người muốn ngăn chận? Mỗi việc làm dù nhỏ nhưng là cơ hội để chúng ta bày tỏ thái độ chính đáng nơi công cộng. Mỗi việc làm cũng là "phương tiện" để có thêm bạn đồng hành.

c. Nhân sự và những phương tiện bạn sử dụng có đủ chưa ? Những biểu ngữ bằng ngoại ngữ có đủ để nhắm tới thành phần dư luận quốc tế và chúng ta có những thông điệp rõ ràng, tập trung, đầy ấn tượng hay không? Nhóm của bạn có đủ người để mỗi cá nhân có thể tập trung vào một công việc: tham gia tuần hành, lấy tin chụp ảnh, làm quen kết bạn, phát hiện "kẻ xấu"...? Nếu là người làm vai trò "dân báo" bạn có cách để chuyển tải thông tin mỗi giờ thay vì chờ đến cuối ngày ? (cuộc cách mạng Hoa Lài bùng nổ về số người là do thông tin liên tục và sự tham gia, mời gọi khi vụ việc đang xảy ra). Nếu bạn bị "tịch thu" máy ảnh bạn có kế hoạch để tiếp tục "yêu nước"?

d. Những tình huống đã xảy ra mà chúng ta sẽ phải chuẩn bị kỹ hơn để đối phó: Nếu có 1 người trong đoàn bị trấn áp bạn sẽ làm gì cho nạn nhân, cho chính bạn và với những người chung quanh? Nếu có 1 kẻ "giả dạng côn đồ" trà trộn để tạo lý cớ gây khó khăn cho nhóm bạn sẽ làm gì ? Nếu tình trạng CA "xách cổ" một người bạn tái diễn bạn sẽ đứng yên nhìn, bỏ chạy hay chuẩn bị trước để tất cả những máy ảnh, máy quay đều chiếu thẳng vào CA côn đồ này? Nếu có những người "chụp cơ hội" để "nhân danh đảng phái" bạn sẽ đối phó ra sao ? Nếu điện thoại bị phá sóng bạn giải quyết cách nào để thông tin? Bạn có cách nào để liên lạc, vận động người khác ra tham gia ngay lúc bạn ở hiện trường?. Bằng cách nào để quyết định chấm dứt cuộc tuần hành vào lúc cao điểm nhất (trong hoàn cảnh nhiều thành phần quần chúng tự phát) để có hình ảnh ấn tượng nhất thay vì tiếp tục chờ đến lúc lác đác như tan chợ chiều?....

Có nhiều chọn lựa về phương cách. Chọn lựa nào tốt nhất tùy thuộc vào nhiều yếu tố của khả năng, phương tiện và tinh thần chung của đám đông. Nguyên tắc là những chọn lựa phải góp phần gia tăng sức mạnh từ tinh thần đến số lượng của những người yêu nước và làm yếu đi, gây mệt mõi, khó khăn, tổn thất uy tín chính trị cho những người ngăn cản những hành động yêu nước của công dân.

*

Lịch sử Việt Nam đang ở vào một thời kỳ vô cùng đen tối. Vấn nạn của tổ quốc không phải bắt đầu vào ngày tàu Bình Minh II bị cắt cáp. Công hàm của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, Hiệp ước cột mốc biên giới, Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, Hoàng Sa, Trường Sa, Tây Nguyên, Rừng đầu nguồn... là những tai họa đã trải dài qua nhiều năm tháng.

Tất cả đã chứng minh rõ ràng về một vấn nạn lớn hơn, nguy hiểm gấp bội phần: vấn nạn của một thiểu số người nhân danh hào quang quá khứ, sử dụng bạo lực chuyên chính để độc quyền quyết định vận mạng đất nước và loại trừ mọi vai trò làm chủ đất nước thực sự của nhân dân. Tập đoàn ấy lại là một tập đoàn đặt quyền lợi của đảng riêng và của cá nhân lên trên quyền lợi của dân tộc. 

Xuống đường để chống thảm họa ngoại xâm là một việc phải làm nhưng đó chỉ là những bước khởi đầu. Cần nhưng chưa đủ. Bởi vì không một đất nước nào có thể chống lại ngoại xâm khi trong đất nước ấy, nhà nước và người dân không là một mối; khi mà "yêu nước" là độc quyền của một thiểu số độc quyền quyền lãnh đạo, xem kẻ thù là đồng chí anh em; và những công dân nước đó vẫn tiếp tục bị ngăn chận, đánh đập, trù dập, và bỏ tù vì đã thể hiện lòng yêu nước chân chính.

  Vũ Đông Hà

0 comments:

Powered By Blogger