Nhân Quyền: Hiện nay người Việt tị nạn tại Thái Lan mỗi năm trung bình có khoảng từ vài trăm đến dưới 1 ngàn lượt người đến xin đăng ký tại Cao Ủy Về Người Tị Nạn (UNHCR) Bangkok. Rất nhiều người trong số này đều bị UNHCR từ chối, vì họ không cung cấp đủ dữ kiện để UNHCR công nhận họ là người tị nạn. Tình trạng này xảy ra vì một số người Việt xin tị nạn đã không biết cách khai với luật sư phỏng vấn mình, số khác thì có hiện tượng khai man, ngụy tạo hồ sơ chứng cứ. Mà đối với các luật sư của UNHCR, thì họ có đủ trình độ nghiệp vụ để lật tẩy điều này…
Tuy nhiên, từ vài năm nay, một số luật sư của các tổ chức nhân đạo có quan tâm hơn đến người tị nạn Việt Nam, nên họ đã trợ giúp pháp lý cho nhiều người Việt xin tị nạn thành công. Nhất là từ năm 2010, một văn phòng mới của Ủy Ban Cứu Trợ Thuyền Nhân Vượt Biển (BPSOS) do tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng làm giám đốc điều hành, được mở tại Bangkok, chuyên lo trợ giúp hồ sơ cho người Việt xin tị nạn. Nên có nhiều người đã được văn phòng này hỗ trợ pháp lý, điển hình là việc gần đây 49 Giáo dân Cồn Dầu Đà Nẵng đã được BPSOS hỗ trợ pháp lý thành công…
Quyền được tị nạn là vấn đề Nhân quyền của con người, đã được xác định trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc. Dẫu vậy thì UNHCR chỉ đáp ứng được cho người có đủ ít nhất 1 trong 5 điều kiện để được công nhận là người tị nạn mà thôi, cụ thể đối với đặc thù người Việt chỉ nên chú ý đến 3 điều kiện: Bị đàn áp về quyền tự do tôn giáo, bị kỳ thị và đàn áp sắc tộc, bị đàn áp về quyền tự do chính trị. Riêng về việc xét trường hợp xin tị nạn chính trị là rất khó khăn, người có ý định xin tị nạn chính trị tại Thái Lan nên cân nhắc trước, và rất cần được trợ giúp về pháp lý, cần có luật sư hướng dẫn cách khai báo như thế nào cho đúng yêu cầu của UNHCR.
Đối với các trường hợp từng bị tù đày về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hay gây rối trật tư công cộng do tham gia biểu tình và đấu tranh với chế độ Cộng Sản, sau khi mãn hạn tù mà họ đến trình diện tại UNHCR thì những năm tù trước đây của họ có rất ít giá trị cứu xét. UNHCR chỉ quan tâm chủ yếu đến những mối nguy hiểm hiện tại của người xin tị nạn mà rất ít chú ý đến những nguy hiểm đã qua. Bởi vậy nên đã có nhiều người đã bị UNHCR từ chối, mặc dù những người đó từng bị tù hàng chục năm hoặc lâu hơn. Mọi chi tiết cụ thể tốt nhất là nên liên lạc với Văn phòng của BPSOS của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng để được hướng dẫn kịp thời…
Chi tiết về việc làm sao cho hồ sơ của một người xin tị nạn được thể hiện rõ ràng và khoa học nhất thì khá dài dòng. Trong khuôn khổ bài này người viết chú ý giới thiệu cách và con đường xin tị nạn đơn giản nhất, đỡ tốn kém và thuận lợi nhất cho người bắt đầu xuất phát từ Việt Nam:
Thứ nhất, ai đó thấy mình thực sự gặp nguy hiểm nếu còn ở lại Việt Nam, và có đủ hồ sơ chứng cứ chứng minh là mình đã bị đàn áp, đang gặp nguy hiểm, thì có thể nộp hồ sơ ngay tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội hoặc Lãnh sự của họ tại Sài Gòn. Đã có hàng chục gia đình trong vài năm qua được Hoa Kỳ xét cho tị nạn nhân đạo, như các trường hợp bà Bùi Kim Thành, cô Lư Thị Thu Duyên, cô Thanh Phương vv…
Thứ hai, Nếu ai đó có Passport thì có thể đáp máy bay từ Việt Nam sang thẳng Thái Lan, hoặc Campuchia. Nhưng hiện nay rất ít người Việt đến xin tị nạn tại Campuchia vì UNHCR tại đó đã được chuyển giao cho Bộ nội vụ Campuchia từ tháng 07/2008. Tuy nhiên cũng có thông tin bên ngoài cho rằng người đến xin tị nạn bằng đường bình thường dùng Passport qua cửa khẩu hàng không hoặc đường bộ thì UNHCR đánh giá là họ ít gặp nguy hiểm hơn. Nhưng trên thực tế thì đã có nhiều người từ nhiều quốc gia, xin tị nạn có Passport qua cửa khẩu vẫn được UNHCR công nhận là người tị nạn.
Thứ ba, nếu ai đó vì bị nhà nước Việt Nam Cộng Sản tịch thu hoặc không được cấp Passport thì có thể tìm đường vượt biên qua ngả Lào hoặc Campuchia. Hiện nay việc qua lại biên giới giữa các nước ASEAN không mấy khó khăn, chỉ tốn ít tiền cho “cò” là có thể được dắt qua biên giới hết sức đơn giản. Nếu trong tay chưa có một mối quen biết nào thì xin hãy tìm liên hệ các nhà xe chuyên chở khách đi từ nội địa đến các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Lào hoặc Việt Nam – Campuchia là sẽ được giúp đỡ ngay. Cần nhớ rằng hiện nay vượt biên không còn là tội phạm như cách đây hơn 15 năm về trước, khung hình phạt đối với người vượt biên trái phép của Việt Nam đã được gỡ bỏ khỏi luật hình sự. Nhưng đối với người đứng ra tổ chức cho người vượt biên thu lời thì vẫn “có vấn đề”…
Nếu là người không có giấy tờ Visa, nhập cảnh vào Thái Lan theo cách đi chui, thì họ có thể đối mặt với chuyện bị cảnh sát Thái bắt giữ ngay tại biên giới, hoặc trên đường về Bangkok. Trong trường hợp ấy, người tị nạn xin chớ quá sợ hãi và lo lắng. Vì họ sẽ được dẫn giải về một trung tâm tạm giữ người nhập cư trái phép tại Bangkok, đó là một nơi thuộc Bộ Di Trú Thái Lan quản lý, địa chỉ tại số 507 Soi Suan Phlu – South Sathorn Road– IDC Bangkok. Sau đó cảnh sát Thái sẽ liên lạc với UNHCR để người đó được phỏng vấn, cấp giấy tờ cứu xét tiêu chuẩn tị nạn như bình thường. Có điều người bị tạm giữ sẽ phải ở lại nơi tạm giữ này cho đến khi được xác định là người tị nạn (Refugee) rồi cho đi định cư ở nước thứ 3; hoặc sẽ bị trục xuất về nước nếu UNHCR từ chối cấp quy chế, mà không được phép ra ngoài “hít thở” khí trời tự do tại Thái Lan.
Nhiều người có ý định vượt biên mà không biết tiếng của nước mình cần quá giang (Lào, Campuchia) thì nên mua một cuốn sách học cấp tốc tiếng nước mình định quá giang. Nếu là người biết nói chút tiếng Anh giao tiếp thì rất tốt, nhưng Lào và Campuchia thường dân cũng… ngại nói tiếng Anh giống Việt Nam cả. Đến Thái Lan thì tiếng Anh tương đối dễ giao tiếp.
Một người tị nạn tốt nhất là không nên liên lạc với bất kỳ cá nhân nào đang sống tại Thái để xin họ đón tiếp hoặc giúp đỡ về nơi ăn chốn ở, nếu người đó không đủ độ tin cậy, vì người mới đến sẽ có nguy cơ bị các phần tử xấu lợi dụng vào những mục đích mưu lợi cá nhân. Điều này còn đặc biệt nguy hiểm đối với những người là trí thức, thành viên nòng cốt của các tổ chức chống Cộng. Nói chung là những người đó có tiềm năng gây nguy hại cho chế độ Công Sản Việt Nam về lâu dài. Trường hợp Lê Trí Tuệ bị mất tích ở Campuchia năm 2007 là một ví dụ: Nếu Lê Trí Tuệ không phải là người đồng sáng lập ra đảng Thăng Tiến và không phải là một trí thức thì chắc chắn là anh đã không bị hãm hại. Tai mắt, tay chân của công an Việt Nam có thể hiện diện trá hình và giấu mặt dưới đủ mọi loại vỏ bọc, nhất là vỏ bọc là người tị nạn.
Nếu là người đã có thành tích đấu tranh trong nước, chắc sẽ phải biết chị Bảo Khánh của Đài phát thanh Vietnam Sydney Radio ở Úc. Vì vậy hãy liên lạc ngay với chị Bảo Khánh, chắc chắn sẽ được giới thiệu những địa chỉ tin cậy có thể giúp đỡ được người tị nạn tại Thái Lan, kể cả về pháp lý và tiền bạc. Số điện thoại thường trực là 61412296155 (cần thêm mã gọi quốc tế, ví dụ từ Việt Nam là 00 hoặc 011). Thứ hai, có thể gọi cho Đảng Người Việt Yêu Người Việt theo số máy tại Thái Lan là 66845302512; và 0879231327. Đây cũng là một địa chỉ tin cậy, vì nhiều thành viên của đảng này đã từng được văn phòng BPSOS của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng trợ giúp pháp lý xin tị nạn và tiền bạc, nên từ đầu mối này có thể liên hệ trực tiếp được với tiến sĩ Thắng.
Cũng cần nói thêm rằng, Thái Lan là quốc gia không ký Công ước về người tị nạn 1951, nên tất cả mọi người tị nạn tại Thái vẫn bị coi là thành phần nhập cư bất hợp pháp, bởi vậy BPSOS cũng gặp những khó khăn nhất định về pháp lý trong hoạt động cứu trợ của mình cho đồng bào. Hiện tại họ đã đăng ký mở văn phòng chính thức ở Bangkok, nhưng chủ trương của văn phòng này là giúp đỡ về hồ sơ xin tị nạn cho người Việt, chứ không có chỗ ở cho người mới đến. Mặt khác, để đảm bảo an toàn cho các luật sư của văn phòng BPSOS, họ chỉ cung cấp số điện thoại cho những ai đã có tiếp xúc với họ, nên người viết bài này cũng tạm không thông báo địa chỉ và số Phone của văn phòng này. Nhưng người tị nạn cũng có thể liên lạc thẳng tới văn phòng trung ương của BPSOS tại Hoa Kỳ theo số điện thoại 7035382190 để được hướng dẫn tếp cận bất kỳ văn phòng BPSOS nào trên thế giới…
Người tị nạn quốc tế phải thầm cảm ơn Quốc Vương và chính phủ Thái Lan! Tuy không ký kết Công ước quốc tế về người tị nạn, nhưng họ lại là nước giang tay cứu giúp cho người tị nạn với số lượng hàng đầu thế giới. Có khoảng vài chục quốc gia trên thế giới có người xin tị nạn được giúp đỡ tại Thái như Lào, Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Nepan, Srilanka, Somali vv…Chỉ tính riêng người Myanmar đã có nhiều trại tị nạn dành cho họ dọc biên giới Myanmar - Thái Lan, năm 2010 đã có hơn 50 ngàn người Myanmar được nhà nước Thái Lan và UNHCR cho phép đi định cư tại Hoa Kỳ. Đây có thể gọi là một nghịch lý đáng yêu, và khá thú vị…
Trong trường hợp khẩn cấp, một người tị nạn đã đến được Bangkok mà không thể liên lạc được với người quen, thì có thể tự đến trình diện với UNHCR tại tòa nhà United Nations Tower nằm ngay sát cạnh cây cầu Saphan Makkavan nổi tiếng thuộc đại lộ Rachadamnoen Nok, kế bên ngôi chùa cũng rất nổi tiếng là chùa Wat Makutkasatriyram. Phải chỉ dẫn dài dòng như vậy vì thực ra văn phòng UNHCR không có số nhà riêng. Nó nằm ở cửa bên hông tòa nhà lớn của Liên Hợp quốc. Gần đây một số người tị nạn thiếu ý thức đã gây khá nhiều phiền toái cho UNHCR nên từ giữa tháng 06/2011 UNHCR đã không có nhân viên ra đón tiếp tại cửa văn phòng như trước nữa, mà chỉ có nhân viên an ninh có vũ trang ra tiếp nhận đơn và các loại giấy tờ.
Và kể từ tháng 07/2011 thì mọi giao tiếp của người tị nạn với nhân viên UNHCR tại cửa văn phòng sẽ chỉ sử dụng bằng đàm thoại, sau khi được chấp nhận thì sẽ có nhân viên an ninh ra cửa dẫn vào trong. Tuy nhiên người xin tị nạn có thể liên lạc với văn phòng UNHCR bất kỳ lúc nào để thông báo sự hiện diện của mình tại Bangkok theo số điện thoại: 022882230; 022882529; 0819147496 và ngoài giờ hành chính là số 0818997617. Trường hợp khác, có thể tìm đến số nhà 5 Soi 35 Inthamara – Sutthisarn - Dindeang – Bangkok, số điện thoại 012785770; Email: < brcthai@gmail.com Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. >. Đây là trung tâm có tên tiếng Anh viết tắt là BRC chuyên lo về đời sống cho người tị nạn. Ban đêm cũng vẫn có nhân viên an ninh canh gác, trong trường hợp cần thiết, họ cũng có thể lo chỗ ăn ở tạm qua đêm cho người tị nạn. Còn rất nhiều những tổ chức cứu trợ cho người tị nạn nữa như văn phòng AAT, JRS, NGO, IOM, Ủy Ban tị nạn Thái (TCL) vv.., nhưng ai muốn tìm hiểu thì nên để sau.
Nói chung, tuy tị nạn là quyền, và không có gì xấu, ngay cả Chúa Jesus trong hình ảnh con người cũng đã từng là người tị nạn, Ngài đã phải cùng cha mẹ mình đi lánh nạn sang Ai Cập. Nhưng nếu ai chưa thực sự gặp nguy hiểm và chưa tự tin trên con đường tìm tự do thì hãy cố gắng ở lại Việt Nam, vì rất nhiều khó khăn, thậm chí là nguy hiểm sẽ chờ đón họ ở trước mặt. Chủ trương của UNHCR là che chở cho người lánh nạn, nhưng không phải là cứ được công nhận là người tị nạn rồi thì chắc chắn sẽ được đi định cư tại Úc hay Châu Âu, Châu Mỹ. Nếu quê hương của người tị nạn mà có chuyển biến mới nào đó có sự an toàn thì ngay lập tức họ sẽ bị trả về quê cũ, lý do là sự hội nhập sẽ đơn giản hơn là đến một nước xa lạ. Và trên thực tế đã có những người được công nhận tị nạn (Refugee) rồi, nhưng hàng chục năm sau vẫn còn bị kẹt lại Thái vì rất nhiều lý do…
Với những sự tìm hiểu về hoàn cảnh của người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan và Campuchia, thực ra một người đã phải rời bỏ quê hương ra đi thì không có gì vẻ vang mà chỉ là phần nhiều cay đắng. Rất nhiều người vì lý do kinh tế mà ra đi đặng muốn tìm cuộc sống tốt hơn. Những người này hầu hết đều vỡ mộng. Có vô cùng nhiều những gia đình người Việt hiện đang sống vất vưởng vô thừa nhận tại Thái Lan do bị UNHCR từ chối cấp quy chế. Họ không thể trở về quê, nhưng cũng chỉ sống chui lủi, không an sinh xã hội, không bệnh viện, không trường học vì họ sống hoàn toàn bất hợp pháp. Vì vậy nếu ai đó muốn đem cuộc sống ra đánh bạc với số phận thì hãy thận trọng!
Lê Nguyên Hồng
0 comments:
Post a Comment