Lê Quốc Châu (danlambao) - Sau những bài báo TRUNG NGÔN NGHỊCH NHĨ, nhằm đưa TIẾNG DÂN đến tai một số lãnh đạo, góp ý cho lãnh đạo để lãnh đạo tốt hơn cho DÂN nhờ. Ai ngờ phản tác dụng! Tôi chịu bao nhiêu là áp lực, may mà mình còn đủ tư duy cũng như tấm lòng để thấy những việc làm của mình không sai, không trái đạo lý ở đời.
*
Tôi viết báo đã hai năm nay, có khoảng không dưới 100 tin, bài báo viết về các mặt của đời sống xã hội. Lúc đầu, khi gửi bài mà báo chưa đăng, tôi hồi hộp chờ đợi, đợi hoài đợi mãi chưa thấy báo đăng thì đâm ra thất vọng. Khi báo đăng rồi, tôi vui sướng vô cùng, đôi khi còn khoe khoang với bạn bè, người thân. Nhưng liền sau đó là tôi phải gánh chịu nhiều áp lực kinh khủng đến từ người thân, gia đình, bạn bè, cơ quan, đồng nghiệp và cơ quan chức năng…vì chính những bài báo đó. Năm lần bảy lượt tính bỏ “quách nó đi” cho yên ổn nhưng cái thứ này cũng gây nghiện kinh khủng không kém phần thuốc phiện, một khi nó ngấm vào máu rồi thì khó lòng mà dứt ra được. Và thế là cứ để nó sống chung với mình như một phần tất yếu của cuộc sống.
Vì sao một giáo viên hiền như thỏ lại phải lên tiếng phản biện xã hội?
Tôi vốn không phải nhà báo chuyên nghiệp lại không được đào tạo ở Trường báo chí bài bản như những anh em đồng nghiệp khác. Tôi bước chân vào làng báo cũng chỉ vì mình thích nó từ hồi còn học phổ thông mà không có điều kiện để học. Thành thử, bây giờ đi viết báo vì lòng đam mê mà thôi, vừa viết vừa học hỏi ở đồng nghiệp, các anh em phóng viên chuyên nghiệp. Đầu tiên, là tôi đi tìm và viết về các địa chỉ tình thương, tấm lòng nhân ái, phát hiện các nhân tố tích cực trong xã hội, rồi gương người tốt việc tốt.
Nhưng càng về sau, khi càng đi nhiều, càng biết nhiều, suy nghĩ quan sát nhiều tôi càng thấy xã hội vẫn còn nhiều rối ren, nhiễu nhương. Ở đâu đó quanh ta vẫn còn nhiều mặt trái xã hội cần lên tiếng, cần phản biện để xã hội tiến lên. Đó là các hiện tượng: cha giết con, chồng giết vợ, em giết anh, cha không ra cha - con không ra con, chồng không ra chồng - vợ không ra vợ, thầy không ra thầy - trò không ra trò, quan không ra quan - dân không ra dân,…, lương thì thấp mà giá cả thì tăng cao, bộ máy nhà nước cồng kềnh, chồng chéo nhau, làm việc không hiệu quả nhưng hàng tháng dân phải bỏ tiền thuế ra trả lương rất lớn cho đội ngủ “công bộc” rất hùng hậu của dân, các giá trị xã hội bị đảo lộn, con người ngày càng đánh mất niềm tin…
Xã hội ngày càng phân hóa giàu nghèo sâu sắc. Không cần ai nói, nếu chúng ta chịu khó quan sát sẽ thấy có hiện tượng “quan thì ngày càng giàu lên mà dân thì vẫn nghèo hoàn nghèo”, tham nhũng trở thành “quốc nạn”, người tài chưa chắc có được vị trí xứng đáng trong xã hội nhưng những kẻ cơ hội, lưu manh hóa do chạy chọt, lo lót lại ngồi vào vị trí tốt trong xã hội. Nguy cơ đánh mất lòng yêu nghề ngày càng cao. Vì ngay từ khi chân ướt chân ráo vào bước vào nghề đã phải móc túi mấy chục triệu VNĐ để lo cái gọi là “chạy việc”. Ngồi suy nghĩ nhớ lời nhà thơ Nguyễn Khuyến:
“Có tiền việc ấy mới xong nhỉ
Đời trước làm quan cũng thế a?”
Những điều đó, mặc dù Đảng, Nhà nước và Chính phủ tuyên bố rằng đã nỗ lực hết sức mình để xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh nhưng vẫn chưa làm hết được trong một sớm một chiều. Vì vậy, tùy vào vị trí của mình, mỗi công dân phải có trách nhiệm xây dựng xã hội ta ngày càng tốt đẹp hơn. Và ngòi bút của tôi rẻ sang phản biện xã hội lúc nào không hay biết.
Hậu quả của những bài báo phản biện xã hội
Sau những bài báo TRUNG NGÔN NGHỊCH NHĨ, nhằm đưa TIẾNG DÂN đến tai một số lãnh đạo, góp ý cho lãnh đạo để lãnh đạo tốt hơn cho DÂN nhờ. Ai ngờ phản tác dụng! Tôi chịu bao nhiêu là áp lực, may mà mình còn đủ tư duy cũng như tấm lòng để thấy những việc làm của mình không sai, không trái đạo lý ở đời.
Bây giờ tôi đang hoang mang, không biết DÂN được nhờ lãnh đạo hay lãnh đạo nhờ DÂN??? Có khi một bộ máy chính quyền nào đó tồn tại đã, đang và sẽ có lợi cho DÂN?! Bây giờ, người biết rửa tai nghe nói thật ít quá, kẻ thích nịnh bợ, thích nghe nói dối nhiều vô kể. Than ôi! Các cụ ta đã bảo cấm có sai đâu bao giờ: "quan nhất thời, DÂN vạn đại". Lối tư duy nhiệm kì (nếu có?!), nó ảnh hưởng ghê gớm đến sự phát triển, tiến bộ xã hội.
Thôi kệ! "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi!" - Trịnh Công Sơn.
Rượu uống quá sẽ say, cơm ăn quá sẽ bội thực... Đàn gãy tai trâu có khi bị báng vỡ đầu. Mình còn quá non dại trước những cạm bẩy của cuộc đời.
Sau khi báo đăng, ít kẻ gọi điện cho tôi, mà gọi điện “đe nẹt” các Sếp của tôi. Trước đây, họ gọi cho sếp H, vị sếp này đã phải bao phen hú vía. Thế là, sếp nhắc nhở giữa họp hội đồng; gặp đâu sếp nhắc nhở đó, trước mặt quan khách, trước mặt anh em bạn bè, đồng nghiệp… Tất nhiên là tôi phải “ngồi im nghe gió thổi sau hè”. Tiếp đến, sếp tía tai đỏ mặt hỏi tôi: “anh đi viết báo thế có thẻ không, nghe nói công an họ sẽ mời anh sang gặp…” Toàn là những chuyện “giật gân” hơn cả các bài báo tôi viết. Nghe sếp nói mà ngỡ như tôi đã phạm đến Trời, sắp phải ra rìa đứng chơi không bằng. Đó là áp lực từ phía cơ quan còn áp lực từ phía gia đình thì sao?
Gia đình, bố mẹ tôi thì cũng lo sút vó. Họ bảo con phải dừng lại ngay, ảnh hưởng đến công việc công chức nhà nước mà bố mẹ, vợ con đang làm. Có ai lội người dòng thác như con, một là rất vất vả, hai là sẽ bị thác cuốn trôi. Chẳng phải học ở đâu xa lạ mà cứ nhìn vào các bài học từ thiên nhiên, cỏ cây…con ơi là con. Báo đâu cha mẹ không biết, con đừng báo hại gia đình.
Vợ tôi là một người phụ nữ được giáo dục chu đáo trong một dòng họ nổi tiếng gia phong ở miền đất Vũ. Phụ nữ, đa phần trong số họ cần cuộc sống bình yên, ổn định. Vợ tôi cũng thế. Vợ tôi, bản chất lại quá thật thà, cả tin lại hay thương người. Khi biết tôi viết báo về mặt trái xã hội và nghe người ta nói qua nói lại thì lại phùng mang trợn mắt như chính tôi là giặc bên Ngô không bằng. Năm lần bảy lượt, vợ tôi bồng con về nhà ngoại ở vì sợ liên lụy do những bài báo mà tôi đã viết và đã đăng báo.
Tôi thì cứ phì cười mãi không nhịn được. Không biết xuất phát từ đâu mà cả cơ quan, bố mẹ và vợ con tôi… sợ phạm húy, phạm thượng, sợ mang tiếng đến vậy. Bây giờ, nghĩ lại thấy thương các nhà báo chuyên nghiệp, họ phải chịu bao nhiêu áp lực khi phản biện xã hội.
Báo chí đã cho tôi nhiều thứ
Đi làm báo, tai tôi luôn lắng nghe, chân tôi luôn đi nơi này đến nơi khác, tiếp xúc được nhiều vùng đất, nhiều mảnh đời nhiều số phận người trong cuộc sống, đầu óc luôn luôn phải tư duy, suy nghĩ. Tôi thấy cuộc đời thật nhiều ý nghĩa. Ở đời không nhất thiết phải đam mê và cạnh tranh nhau về quyền lực. Cuộc sống con người quả là rất ngắn ngủi, làm được gì cho xã hội, cho người khác thì cần làm ngay, đừng chần chừ gì nữa. Làm báo cũng vậy, không được lên tiếng quá muộn, làm báo là phải bảo vệ quyền lợi dân nghèo.
Đặc biệt, từ ngày làm báo đến nay những bài giảng của tôi cho học sinh mà chủ yếu là con nhà nghèo ở một vùng quê nghèo Hà Tĩnh sẽ bớt khô khan, giáo điều, sách vở đi. Ngoài chuẩn kiến thức, kĩ năng đã được Bộ quy định thì bài giảng của tôi cho học sinh sẽ giàu hơi thở cuộc sống hơn, giàu kĩ năng sống và kĩ năng làm người hơn.
Và như vậy, từ khi tôi bước chân vào làm báo đến nay, thú thật tôi mất nhiều nhưng cũng được nhiều. Cuộc sống là vậy, có cho thì có nhận, có được và có mất, được cái này thì phải chấp nhận mất cái khác, có hi sinh thì sẽ có thành quả… Cuộc đời vốn dĩ rất công bằng, không cho không ai bao giờ và không lấy đi của ai hết cả bao giờ. Cảm ơn cuộc đời dâu bể, cảm ơn cuộc sống muôn màu và cảm ơn những được-mất trong ngành báo mà tôi lớn lên.
Điện thoại: 0944010557. Email: quocchaudspl@gmail.com
0 comments:
Post a Comment