Một ngày cuối năm 1972, đang ở trại Tân Lập, Vĩnh Phú, chúng tôi được đọc danh sách, nhận ba phần cơm nắm cho mỗi người và hành lý rời trại khỏang 8 giờ sáng. Chuyến đi này, chúng tôi không phải đeo còng số 8 nên thật thỏai mái. Xe từ miền trung du về qua Việt Trì, ngừng cạnh mấy quán nhỏ ở giao lộ cho chúng tôi ăn phần cơm đem theo. Sau đó xe tiếp tục đưa chúng tôi theo đường Trèm, Phủ Lỗ về qua Hà Nội. Suốt ngày, ngồi trên xe chứng kiến những dấu vết, tàn tích của chiến tranh trải dài hai bên đường. Tổn thất, hoang phí, ảnh hưởng chiến tranh lộ rõ khi màn sương tan dần theo ánh nắng hừng lên từ phương đông.
Những đoàn xe kéo hỏa tiễn, cao xạ phòng không phủ bạt từ trong những làng mạc ẩn sau lũy tre xơ xác trên những cánh đồng cằn cỗi nay đã kéo ra nằm lộ thiên dọc hai bên đường. Việt cộng không nghèo vũ khí, khí tài chiến tranh như những nhà quân sự miền Nam tưởng tượng. Trên đường xe chạy với tốc độ không cao do nhiều ổ gà, hố bom nên nghẹn tắc, qua tận mắt nhìn số lượng vũ khí, hỏa tiễn phòng không, cao xạ, số đơn vị quân đội, chúng tôi chợt hiểu cái lưới lửa là sức mạnh của toàn khối cộng sản đưa đến để chống lại không lực Hoa Kỳ đã đưa toàn dân miền Bắc lâm vào cảnh “trên đe dưới búa”. …..

Năm 1967 tháng 7, nửa đêm xe giải đoàn tù đến Hà Nội, tạm dừng trước ga Hàng Cỏ dưới ánh đèn đường vàng vọt, âm u; mỗi người tù được phát cho một cái bánh bao ngọt nặc mùi mật mía, sượng sật. Rồi người bạn Mỹ được xe “comamca” đến đón đi riêng và nhóm tù còn lại đưa về phía ngoại ô....

Hơn năm năm tù tội, nhìn quanh chỉ bốn bức tường với một số người tù đồng cảnh, năm cha ba mẹ lạ hoắc vào tù mới biết nhau. Tôi chợt nhận ra cuộc phiêu lưu lý tưởng của mình đã rơi vào một cảnh ngộ hết sức trớ trêu. Một định mệnh hết sức nghiệt ngã. “Mình đã huỷ hoại đời mình một cách hết sức ngu độn”. Đang là một thanh niên công tử quen ăn diện “à la mode”, bát phố, sáng cà phê, trưa nhà hàng, tối “dancing”. Bỗng dưng tôi chọn con đường đi vào địa ngục…chờ ngày trở về khi đình chiến.
Trong thời gian năm năm, cậu công tử đã nếm trải đủ mùi tân khổ, hơn hai năm ở xà lim Trại Thanh Liệt, Hà Đông. Cái đói và rét đã tàn phá sinh lực của một thanh niên cường tráng nhưng ngược lại ý chí, nhận thức được tôi luyện tạo nên môt lòng căm hận cộng sản đến tột độ. Cuối năm 1969, từ trại Thanh Liệt lên trại Phong Quang lại biết thêm hình thức cùm kẹp mới, rồi suýt nữa vào cùm lần thứ hai để nếm nhục hình. Đầu năm 1971 lại chuyển về Tân Lập.
Hy vọng đã thắp sáng từ ngày đoàn công an do Võ Đại Nhân cầm đầu, đến tổ chức cho chúng tôi học tập trao đổi, trao trả. Mấy tháng trôi qua, sáng nay khi đọc danh sách ra xe, chúng tôi đã thấy lóe lên tia hy vọng. Lần đầu tiên, tất cả mọi người di chuyển đều không còn phải đeo còng số tám….

Buổi chiều cuối năm, xe chở chúng tôi qua cầu phao bắc ngang sông Hồng gần cầu Long Biên. Xe chở tù chạy khơi khơi qua Hàng Đào, Khâm Thiên. Vết tích của trận oanh tạc bằng B52 vào Hà Nội hiển hiện qua những dẫy nhà nằm trong tọa độ oanh tạc sụp đổ trở thành những đống gạch vụn. Bên cạnh đó vẫn còn những khối nhà đứng trơ trọi nhờ nằm ngoài khu vực ảnh hưởng của bom đạn. Hình ảnh Hà Nội hậu chiến-thành phố của xe đạp- thật tồi tàn, xơ xác từ cảnh vật đến những con người lam lũ. Tin tức về trận đánh bom tọa độ vào Hà Nội đến tai chúng tôi rất ít. Bởi những tờ báo chuyển cho chúng tôi đọc trong học tập đều được chọn lọc rất kỹ. Chúng tôi lờ mờ hiểu rằng hiệp định đã được bối thư. Sau đó Phùng văn Chức mới cho tôi biết rõ, ông Chức là người trong nhóm Hoàng Minh Chính mà tôi quen khi ông ta ở cạnh buồng giam tôi trong thời gian học tập, ông mến tôi và vẫn lo lắng cho tôi vì theo kinh nghiệm của ông khí phách ngang tàng của tuổi trẻ sẽ dẫn tới tai họa. Tôi đã không nghe ông. Khi tôi kể chuyện, tôi không chịu viết đơn xin khoan hồng. Ông kêu trời:
-”Sao lại không viết, có hại gì đâu. Hãy nghe tôi! Liberté, em phải biết “gỉa dại qua ải”. Trong mấy người ở đây, tôi chỉ nói chuyện với em, chọn em làm bạn vong niên vì em thông minh, có học, có tâm huyết, em phải tìm mọi cách để trở về. Thoát khỏi vòng tay của họ đã. Lúc đó em muốn làm gì chống họ cũng được. Người anh hùng phải biết nhẫn nhục để chờ thời cơ giáng cho địch những đòn sấm sét.”
-Nhưng em không chịu được, em biết họ làm trò “cấy sinh tử phù”.
- Sinh tử phù gì đâu. “Đơn xin khoan hồng” chỉ là thủ tục, mọi người ai cũng phải làm vì đó là chủ trương của họ. Em đừng nghĩ vậy. Trở về miền Nam, em báo cáo hết mọi chuyện bị ép buộc phải làm ở đây là xong. Nếu họ gọi đi làm lại nhớ đừng chống đối nữa. Tôi nhắc lại, em đừng đánh mất cơ hội, thoát sớm chừng nào hay chừng đấy. Đừng nghĩ họ không dám giữ em lại mà nhầm. Đồng chí mà họ còn thanh trừng, thủ tiêu; huống chi những người họ gọi là “phản cách mạng”. Đừng bộc lộ tư tưởng của mình cho họ biết, đừng để lộ kiến thức, hiểu biết cho họ thấy. Họ bày trò học tập để tìm hiểu, chọn lọc đối tượng để thực thi biện pháp “cảnh giác cách mạng” đối với những người có tư tưởng chống họ tới cùng, đồng thời gây áp lực tinh thần lên những người còn lại. Em phải biết những người lính Pháp sau Hiệp định Geneve bị giữ lại hàng nghìn. Hiện nay những người này vẫn nằm đầy trong các trại khổ sai vùng Sơn La - Nghĩa Lộ. Họ nguy hiểm lắm, tốt nhất đừng thể hiện tư tưởng căm thù cho họ thấy. Tôi biết em không sợ họ nhưng nếu cứ ở trong tù, khí phách và tâm huyết của em sẽ hoang phí vì chẳng làm được gì lợi ích cho đất nước và dân tộc.”…
Nghe ông nói, tôi thấy có lý, càng suy nghĩ tôi càng thấy mình thực sự thơ ngây, non dại và thấy hết tình cảm của người bạn già khi điểm hóa cho tôi, nhưng vài ngày sau đó im ắng, không động tịnh và sáng nay khi tôi bùi ngùi chào từ biệt, mang hành lý ra xe , từ trong buồng giam, ông còn tha thiết nói vọng ra:
-“Hãy nghe tôi! Liberté! Cố về với gia đình! Vive la liberté!”.
Tôi cảm động hô lớn: Vive la liberté!

Kỳ lạ! Thời gian tôi quen ông chưa quá ba tháng, ông biết mặt tôi nhưng tôi chưa thấy rõ diện mạo ông ta nhưng thật sự tôi biết ông đã cố truyền đạt kinh nghiệm, mở mang nhận thức về các âm mưu quỷ quyệt của người cộng sản cho tôi qua những câu chuyện ông kể lại. Ông lo lắng thực sự khi thấy tôi đã không biết dấu thân mà còn chủ xướng đấu tranh chống học tập. Ông là người đầu tiên nói với tôi:”Hiệp định Paris chỉ là mớ giấy lộn không gía trị gì. Đừng ngây thơ, việc những tù nhân từ miền Bắc được trao trả sẽ chỉ là tượng trưng.”
Vì thế ông khuyên tôi cố gắng mà trở về để làm được một được điều gì cho xứng đáng với tâm huyết của một thanh niên yêu nước. “Đừng để họ chôn vùi em trong tù ngục.”
………..

Mặt trời đã ngả sang hướng Tây, xe ra khỏi thành phố Hà Nội, người công an phụ trách đưa chúng tôi chuyển trại giữ lời hứa buổi sáng, cho xe tạm dừng trước một cửa hàng bên đường ngay ngã ba Văn Điển để cho chúng tôi ăn phở. Phở quốc doanh ở Hà Nội tạm ăn được vì gía không rẻ. Một số thực khách thấy chúng tôi mặc áo tù nên đến nói chuyện với người công an gỉai giao. Anh chàng được dịp nói: “Đây là những người tù miền Nam chuẩn bị đưa đi trao trả.”.
Nghe nói vậy những người xung quanh túm lại nhìn ngó, xầm xì, chỉ trỏ không có vẻ gì thù ghét, trái lại còn tỏ ra có thiện cảm với chúng tôi. Có cô còn bạo miệng chọc ghẹo: Lính Cộng Hòa cũng đẹp giai nhỉ? Ở lại đây chúng em nuôi. Một số người hỏi: Có anh nào quê ở ngoài này không?
Chúng tôi nhân cơ hội được chút tự do nên cũng bông đùa, vui vẻ.
Sau khi ăn uống, tuần tự đi làm vệ sinh xong. Chúng tôi lục tục ra xe, đám đông vẫn vây quanh, mấy em bé bán bánh kẹo, trái cây mời chúng tôi mua nhưng lấy đâu ra tiền. Lúc này người công an giải giao mới hỏi tôi: “Các anh còn tiền đi đường đấy. Có muốn mua gì không?.
Chúng tôi nhìn nhau, anh em đồng ý, tiền đâu có gía trị gì, và tôi thay mặt cả nhóm lên tiếng: “Còn bao nhiêu ông mua hết luôn đi. Chúng tôi giữ tiền làm gì.”
Sau khi mua được mấy nải chuối, trái cây, bánh kẹo, thuốc lá. Xe chuyển bánh về hướng Vân Đình, Ngọc Hồi. Khỏang gẩn sáu giờ chiều xe chở chúng tôi vào đến trại Bình Đà nằm giữa vùng dân cư của những hợp tác xã. Gọi là trại nhưng chỉ có hai dẫy nhà trống, một dẫy lợp ngói dở dang, một dẫy chưa quét vôi hoàn chỉnh và cũng chưa lắp cửa nằm trong vòng rào tre mắt cáo sơ sài, vật liệu xây dựng còn nằm ngổn ngang trên khỏanh đất trống đầy dấu vết vôi vữa. Chiếc xe vừa ngừng bánh, đã thấy có mấy người tù miền Nam chạy ùa ra theo hai người công an trại.
Có tiếng người hỏi:
-”Anh em bao nhiêu người, từ đâu về vậy?”
Tôi trả lời:
- ”Mười người từ trại Tân Lập về”.
-“Có ai ở Quảng Trị không?” “Có ai ở Huế không?”
Hai người công an cười vui vẻ:
”Từ từ để chúng tôi làm thủ tục bàn giao cho xong chốc nữa các anh tha hồ nói chuyện cả đêm. Nhà tù bây giờ không đóng cửa vì nếu có thuê các anh chắc cũng chẳng ai muốn trốn”.
Nhóm chúng tôi tổng số có mười người mà lần này đặc biệt không làm thủ tục giao nhận, chỉ đếm người, cũng chẳng khám xét gì cả nên chưa đến 10 phút. Người công an nhận chúng tôi tự giới thiệu tên là Liên điểm lại nhân số lần cuối rồi bảo chúng tôi: “Các anh mang hành lý vào rồi tự thu xếp chỗ nằm. Một tiếng nữa, cơ quan sẽ mang cơm nước cho các anh.”
Nói xong, anh ta với người công an trại và hai người giải giao bỏ đi ra, cánh cổng trại chỉ khép hờ lại.
Chúng tôi được anh em đến trước phụ mang hành lý vào phòng. Tôi bảo Ngọc lo sắp xếp chỗ nằm còn phần tôi vội đi thăm hỏi anh em. Nhóm này cũng 14 người từ vài trại chuyển đến trước chúng tôi vài ba ngày. Trong nhóm có mấy người khá cao tuổi điềm tĩnh ngồi uống trà xem đám thanh niên chúng tôi vồn vã nói chuyện với nhau.
Ngoài Đoàn là người tôi đã biết mặt, nói chuyện từ trại Phong Quang; những anh em còn lại, tôi chưa từng gặp bao giờ. Ghé đến mấy người ngồi uống trà trong góc khuất, tôi mở lời:”Chào các bác! Tôi tên Sơn, biệt kích Lôi Hổ bị bắt từ 1967. Các bác có ai là người ở Đà Lạt không?”.
Một vị lớn tuổi trả lời: “Chào anh Sơn, tôi tên là Tứ. Ở đây có ông Đãi từng làm việc ở Đà Lạt.”
Tôi giật mình thầm nhủ vậy là gặp người quen:
”Bác Đãi đâu rồi bác?”
Ông vừa đi ra ngoài cùng anh Lộc. Anh biết bác Đãi sao?
- Bác Đãi là Đại Biểu Hành chánh vùng 1 phải không? Tôi có gặp và quen bác từ ngày ở Đà lạt. Bà Đãi là hiệu trưởng trường nữ trung học Bùi thị Xuân.
- Đúng rồi! Vậy anh ngồi chơi nói chuyện, bác ấy vào bây giờ.
Nóng lòng không đợi được, vả lại cần gặp ngay ông Đãi để nói chuyện, tôi xin phép đi thăm hỏi anh em khác, thật ra để có thời gian ra ngoài tìm gặp người quen.
Bước ra khỏi căn buồng lớn, trời đã xẩm tối, thấy hai người đang đi bách bộ ngoài khỏang sân trống. Tôi hướng đến họ, và nhận ngay ra ông Nguyễn văn Đãi cho dù tù tội có làm nhân dáng và sắc diện ông thay đổi, tiều tuỵ. Tôi lên tiếng:”Chào bác Đãi, chào anh Lộc.Tôi tên Sơn, bác Đãi có nhận ra người Đà lạt không?”
Hai người đứng lại, ông Đãi hơi ngỡ ngàng:”Anh Sơn.. người Đà lạt?”
Tôi cười: Bất ngờ nên bác chưa nhớ ngay đâu, xin lỗi anh Lộc là Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh Thừa Thiên có phải không? Hân hạnh biết anh.
-Dạ đúng, sao anh biết?
-Việc bác Đãi và anh bị bắt Tết Mậu Thân có lên báo, đài Việt Cộng nên tôi đoán vậy.
Ông Đãi quan sát tôi một lúc rồi nói: Tôi thấy anh quen lắm nhưng không nhớ gặp anh ở trường hợp nào?
Tôi quay qua nói với ông Đãi:
-Lần đầu tiên, Sơn gặp bác ngay tại nhà ông Cao Xuân Thiệu, Đại biểu hành chánh vùng 2, sau đó bác và Sơn hay gặp nhau những buổi chiều bác đi tản bộ từ cầu Ông Đạo đến Thuỷ Tạ.
Tôi nói đến đây ánh mắt ông Đãi vui hẳn lên, ông gật đầu đồng tình:
-”Tôi nhận ra anh rồi! Anh là bạn của mấy người con ông Cao Xuân Thiệu, anh là cháu của ông tỉnh trưởng Tuyên Đức. Các anh là thanh niên công tử ở Đà lạt mà sao anh lại ở đây?.
-“Số mệnh thôi bác ạ. Sơn cũng đâu có ngờ. Thôi từ từ ngày rộng tháng dài, bác cháu mình sẽ nói chuyện. Bây giờ tạm vấn an bác và làm quen anh Bảo Lộc.
Anh Bảo Lộc tướng mạo thư sinh, nho nhã ; thấy bác Đãi đã nhận tôi là người quen biết nên cũng rất cởi mở.
-Anh Sơn bị tù lâu chưa? Các anh ở trại Tân Lập về, ở đó các anh có biết tình hình gì không? Chúng tôi thì chẳng biết gì cả, vừa đưa lên Lao Cai lại bất ngờ quay trở lại. Nghe đâu hiệp định đã ký rồi thì phải?
-Tôi bị bắt trước anh và bác Đãi nửa năm. Chúng tôi từ trại Tân Lập một trong những nơi được học tập trao đổi trao trả đưa về đây. Theo thông tin chúng tôi được biết, hiệp định đã được ký tắt, sẽ ký chính thức trong tháng đầu năm nhưng bây giờ đã gần giữa tháng 1 rồi. Tuy nhiên việc ký kết là chắc chắn. Chính vì vậy mà chúng ta được ở nhà tù không cửa, không lính gác.
-Ở trên trại Tân Lập còn đông không anh?
-Ước chừng khỏang trên dưới trăm người nữa, toàn Biệt Kích các loại, có người tù từ 1962. Họ bị bắt ngay khi nhảy dù ra Bắc.
-Ôi chao! Lâu vậy..!
-Chiến tranh càng kéo dài thì càng ở lâu, anh với bác biết quá rồi. Hy vọng hiệp định đình chiến ký kết và thực hiện đàng hoàng thì may ra những người bị bắt mới có ngày về.
-Sao lại may ra anh Sơn, chắc chắn được về chứ sao lại may ra?
-Trên nguyên tắc là chắc chắn nhưng thực tế chắc anh và bác cũng biết những binh sĩ và sĩ quan quân đội Đức Quốc Xã hiện vẫn còn nằm trong các trại tù ở Sibéria, và chúng tôi cũng được biết những người lính Pháp, “legionnaire” Âu Phi cũng còn nằm tù trong nhiều trại vùng Sơn La, Nghĩa Lộ, Hòa Bình.
-Sao anh biết chuyện này, anh có gặp họ không?
Tôi kể lại cho bác Đãi và anh Bảo Lộc nghe những điều ông Chức cho tôi biết. Hai người nghe chuyện rất chăm chú. Tôi nói luôn nhận định của ông Chức về thái độ sắp tới của Việt Cộng đối với bản hiệp định sẽ ký kết, đồng thời cho biết luôn sự thiệt thòi của VNCH theo như lời ông Chức kết luận.
Bác Đãi hỏi tôi: Như vậy theo ông Chức nói là chiến tranh sẽ tiếp diễn sớm.
-Đúng vậy! Ông Chức nói với cháu là bằng mọi cách phải cố mà về và hãy phổ biến cho tất cả mọi người biết những người cộng sản không bao giờ ngừng lại nếu chưa chiếm được toàn miền Nam.
-Những chuyện này anh có nói cho ai biết không?
-Những người đầu tiên cháu bộc lộ là bác và anh Lộc vì có lẽ chỉ những người như bác và anh mới hiểu vấn đề.
Bác Đãi đứng lại, chúng tôi cả ba người quay mặt vào với nhau, bác Đãi hỏi:
- Anh có tin ông Chức không?
- Cháu rất tin! Vì như bác thấy những điều ông ta nói với cháu chính là lưỡi dao trên cổ ông ta nếu cháu để lộ cho bọn Việt Cộng biết. Ông ta cho cháu biết ông là đảng viên đảng cộng sản từ trước khi có cái nhà nước VNDCCH mà những gì ông ta nói với cháu cho thấy ông ta đã phản đảng. Cháu thấy ông ấy thất vọng với lý tưởng mà ông ta đã theo đuổi và ông ta nhìn thấy hiểm họa của dân tộc khi miền Bắc chiến thắng. Đó là lý do để cháu tin ông ta. Hình như ông muốn uỷ thác cho cháu tâm sự và thông điệp của ông ta. Và cháu biết điều ông ta mong mỏi nhất là miền Nam sẽ Bắc tiến.
- Anh Sơn rất thông minh! Anh có tin tên Chức là tên thật của ông ta không?
-Cháu có nghe cán bộ công an trại gọi tên này.
-Anh Sơn gặp ông ta thật là may mắn, những điều ông ta nói với anh rất có gía trị.
-Làm sao ông ta chọn anh làm bạn vong niên anh có biết không?
-Biết chứ anh Lộc. Ông chọn Sơn vì qua đối thoại, ông thấy mình đủ kiến thức để hiểu những gì ông nói đồng thời mình cũng nói những điều ông ta không ngờ, không biết. Ông ta rất ngạc nhiên khi thấy Sơn nói về André Gide, Stalin, Churchill, De Gaulle, Mac Athur những nhân vật trong lịch sử đương đại. Ông ta đâu có ngờ gặp một con mọt sách.
Bác Đãi bật cười:
-Anh Sơn vui thật, khi ở Đà lạt tôi cứ nghĩ mấy cậu công tử này chỉ biết ăn chơi, chứ đâu có ngờ các anh cũng ham đọc sách.
Đang vui chuyện, bóng đêm đã ập xuống, tôi thấy loáng thóang từ xa, có mấy người xách đèn đi vào trại nên nói.
-Chắc họ mang cơm tối cho anh em mới đến. Thôi mình vào nhà đi bác.
Người công an của trại tên Liên vừa tiếp nhận chúng tôi yêu cầu nhóm mới tới nhận cơm, nước và thức ăn do hai người áng chừng là tù hình sự gánh tới. Vừa ăn phở lúc chiều nên không mấy người cảm thấy đói, chúng tôi mời anh em tới trước cứ tự nhiên.
Anh chàng Liên ngồi chơi nói chuyện với một số người đến sau 8 giờ thì chúc chúng tôi ngủ ngon rồi về. Sau khi Liên đi khỏi, tôi hội ý với mấy anh em xong tất cả đem một nửa số quà mua được bày ra bốn nhóm mời tất cả cùng uống trà, đánh dấu buổi tao ngộ của những người cùng chung chiến tuyến. Sau tuần trà, những người tù miền Nam nhóm vây quanh mấy bàn cờ, nhóm tản bộ ngoài xuân trò chuyện. Nhà tù không cửa, vòng rào trại sơ sài, trăng lung linh trên đầu, tiếng chó sủa từ phía khu dân cư xa xa vọng lại. Đêm đầu tiên ở một vùng nông thôn miền Bắc trong sự buông lỏng đầy tính toán không xóa được những cảm giác bất an trong lòng tôi. Tôi vẫn là một người tù nằm trong tay đối phương, vẫn là thân “cá chậu, chim lồng”. Sinh mệnh, tự do của chúng tôi vẫn do những người khác quyết định. Chỉ còn hơn tuần nữa lại qua một năm mới. Hơn năm năm đi qua những nhà tù gian khổ như một ánh chớp. Tôi cùng mấy người bạn trở vào phòng ngồi bên song cửa uống trà “thưởng trăng” tiêu sầu. Cảnh và tình đêm nay gợi nhớ bài tuyệt cú Tĩnh Dạ Tứ của Lý Bạch. Ánh trăng hạ tuần rọi bên thềm sáng vằng vặc, khuấy động lòng người xa xứ.
Tôi buột miệng đọc:

Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Bác Đãi nhìn tôi cười:
-Thanh niên Tây học mà cũng thuộc Đường Thi.
Hồng và Văn bên nhóm khác nhảy qua:
-Văn nghệ ! Văn nghệ đi! Các bác ơi, đừng nặng nề chuyện gì tới tính sau.
- Đúng rồi chúng ta mở đầu đi Quốc Ca, Quốc Ca nhé!
Chúng tôi bắt giọng: Này Công dân ơi!......
Thế là tất cả mấy chục con người cùng trỗi dậy, những e dè nghi kỵ ban đầu tan biến trong tiếng gọi thiêng liêng của hồn sông núi. Thật cảm động! Hình như lá quốc kỳ kiêu hùng đang bay phần phật trong tâm tưởng của tất cả những người có mặt. Việt Nam! Việt Nam nghe từ vào đời. Buổi văn nghệ hào hứng kéo dài đến nửa đêm về sáng mới chấm dứt, kết chặt tình thân, tình chiến hữu của những người mấy tiếng đồng hồ trước còn xa lạ…….




lược trích Hận Cùng Trời Đất

Kim Âu