Wednesday, April 27, 2011

Một tiến sĩ luật được bầu làm tân Thủ tướng chính phủ lưu vong Tây Tạng

Thụy My - Ông Lobsang Sangay, 43 tuổi, tiến sĩ đang làm công việc nghiên cứu tại khoa Luật trường đại học Havard, Hoa Kỳ, hôm nay 27/3 đã được bầu làm Thủ tướng chính phủ lưu vong Tây Tạng. Nhận lấy trọng trách mà Đức Đạt Lai Lạt Ma từng đảm nhiệm trong nhiều thập kỷ qua, Tân Thủ tướng có thể áp dụng chính sách triệt để hơn đối với Trung Quốc.

Ông Lobsang Sangay tại Dharamsala (Reuters/Mukesh Gupta)

Ông Lobsang Sangay tại Dharamsala (Reuters/Mukesh Gupta)

Đức Đạt Lai Lạt Ma, 75 tuổi, hồi tháng Ba đã thông báo rút lui khỏi sân khấu chính trị. Tuy vậy, vốn được xem là hiện thân của Đức Phật, ngài vẫn là lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng lưu vong. Tân Thủ tướng sẽ có quyền lực rộng rãi hơn, đồng thời việc chuyển giao nhiệm vụ này cũng giúp tránh được khủng hoảng chính trị một khi Đạt Lai Lạt Ma tạ thế.

Ông Lobsang Sangay, chuyên gia về luật quốc tế liên quan đến nhân quyền, đã dễ dàng vượt qua hai ứng cử viên khác với 55% phiếu bầu. Tenzing Tethong, trước đây là đại diện của Đạt Lai Lạt Ma tại New York và Washington, được 37,4% số phiếu, còn ông Tashi Wangdi, đã từng lần lượt nắm nhiều bộ trong chính phủ lưu vong, chỉ được có 6,4% phiếu bầu. Có trên 49.000 cử tri trong số 83.400 người Tây Tạng lưu vong có quyền bầu cử đã tham gia bỏ phiếu.

Sinh năm 1968 tại một vùng sản xuất trà ở đông bắc Ấn Độ, ông Sangay chưa bao giờ đặt chân đến Tây Tạng. Việc ông được bầu làm Thủ tướng đánh dấu một bước chuyển so với quá khứ, với các khuôn mặt lãnh đạo tôn giáo xưa nay vẫn thống lĩnh phong trào đấu tranh của người Tây Tạng lưu vong.

Hiện đang ở Hoa Kỳ, tân Thủ tướng sẽ chuyển đến Dharamsala ở bắc Ân Độ, nơi đặt trụ sở của chính phủ Tây Tạng lưu vong kể từ năm 1959. Ông cho biết có thể đi xa hơn đòi hỏi của Đạt Lai Lạt Ma về quyền tự trị của Tây Tạng đối với Trung Quốc. Được biết lúc còn là sinh viên ở New Delhi, ông Sangay từng lãnh đạo phong trào sinh viên Tây Tạng, vốn đòi được độc lập hoàn toàn.

Người Tây Tạng lo sợ Trung Quốc sẽ chỉ định một Đạt Lai Lạt Ma mới, một khi lãnh tụ tinh thần hiện nay của họ qua đời. Việc tách biệt quyền lực tinh thần và chính trị là cố gắng của Đức Đạt Lai Lạt Ma nhằm tránh nguy cơ này, còn Bắc Kinh lên án sáng kiến trên đây là một « ngụy kế ».

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110427-mot-tien-si-luat-duoc-bau-lam-tan-thu-tuong-chinh-phu-luu-vong-tay-tang

0 comments:

Powered By Blogger