Yếu tố sợ hãi của Cộng sản Việt Nam đang gia tăng


Như một người Libya xuống đường biểu tình đã từng nói, “Sau khi nhìn thấy sự thành công ở Tunisia và Ai Cập, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cũng có thể làm được”; “bức tường sợ hãi đã sụp đổ" và người dân Libya đã hết sợ cái chính quyền tham nhũng và tàn ác của họ. Ngược lại, viễn ảnh của cái nồi nước nóng ở Trung Đông có thể sôi tràn qua nước họ, đã đột ngột làm tăng thêm yếu tố lo sợ trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản Việt Nam và Trung Quốc. Với Việt Nam theo đuôi Trung Quốc, từ khi bắt đầu có cuộc nổi dậy ở Trung Đông, vì sợ dân chúng nổi dậy, họ đã phản ứng bằng cách tàn bạo gia tăng đàn áp và bắt bớ những người có thể thuộc thành phần bất đồng chính kiến.

Nỗi khó chịu bực bội của nhà nước Việt Nam chắc đã bị tăng lên thêm nhiều bậc khi Liên Hiệp Quốc chấp thuận một Vùng cấm bay trên không phận Libya, là một dấu hiệu ủng hộ mạnh mẽ của quốc tế đối với các nhà tranh đấu dân chủ tại đó. Chế độ độc tài tàn bạo ở Libya và chế độ cộng sản Việt Nam có nhiều điểm rất tương đồng. Có thể nào "bức tường sợ hãi” của người dân Việt Nam cũng sụp đổ?

Tại Trung Quốc, các nhà tranh đấu dân chủ kêu gọi mọi người hãy ôn hòa khởi xướng một “Cuộc cách mạng Hoa Nhài”.

Tại Việt Nam nhà tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ kỳ cựu là Bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã viết đưa lên mạng một thử thách cho dân tộc Việt Nam: "Hãy đứng thẳng người hiên ngang tuyên bố: Tự Do hay sống nhục!

Xuống đường dứt điểm độc tài nhũng lạm quyền thế: đòi việc làm, đòi cơm áo, đòi nhà ở, đòi được học hành; đòi được chăm sóc y tế; chống áp bức bất công, nông dân chống cướp đất canh tác, công nhân chống bóc lột sức lao động".

Mặc dù bị ngăn chặn trên mạng Internet và những phương tiện truyền thông khác, nhiều nhà tranh đấu dân chủ khác đã tham gia cùng với ông đồng kêu gọi cho một thay đổi chính trị ôn hòa, có thể là một cuộc “Cách mạng Nước Mắm” chẳng hạn.

Như một cách để xoa dịu quần chúng và kềm chế thiệt hại, chế độ cộng sản Việt Nam thỉnh thoảng cũng thử lấy lòng dân chúng trong nước và giới ngoại giao nước ngoài bằng cách áp dụng một chính sách bắt rồi thả; kiểu “một bàn tay sắt bọc nhung”. Bác Sĩ Quế bị bắt, nhưng sợ các phản ứng ngược sẽ thúc đẩy dân chúng xuống đường, nhà cầm quyền phải gấp rút thả ông ra và đặt dưới sự quản chế nghiêm ngặt –bị cô lập hoàn toàn– máy tính và các phương tiện thông tin liên lạc khác của ông đều bị tịch thu. Sau khi tất cả mọi xáo trộn đã lắng xuống thì nhà cầm quyền cộng sản sẽ bắt Bác sĩ Quế trở lại và áp đặt chính sách “bàn tay sắt”. Bằng một lối tương tự, gần đây nhà nước cộng sản đã đối phó với các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng khác bằng cách trì hoãn các phiên xử những người bị bắt và tạm thời thả những người khác; nhưng tất cả đều bị đặt dưới tình trạng quản chế nghiêm ngặt. Mục đích của họ là làm dịu bớt áp lực chính trị trong lúc này trong khi vô hiệu hóa phong trào tranh đấu dân chủ..

Chế độ cộng sản Việt Nam cũng phản ứng bằng cách phô trương sức mạnh, điều động lực lượng công an hùng hậu và sử dụng bọn an ninh mật vụ cũng như đám côn đồ tay sai được nhà nước trả lương (trong Mặt trận Tổ Quốc). Hàng trăm người hoạt động chính trị và sử dụng Internet đã bị bỏ tù hay bị quản thúc tại gia, áp đặt thêm mức hạn chế đối với báo chí trong cũng như ngoài nước. Cắt đứt việc tiếp cận vào mạng Internet và ngăn chặn truy cập vào các trang mạng có những chữ hay câu như “Libya”, “dân chủ” và “biểu tình” là chuyện thường xảy ra, và thêm nhiều sự kiểm soát khác đối với mạng Internet cũng được thực hiện, nhất là trên những mạng xã hội thuộc lọai nhỏ gọn như Twitter.

Việt Nam đang phải vật lộn với nạn tham nhũng lộng hành, mức lạm phát ở mức hai con số, thực phẩm thiếu hụt, cúp điện thường xuyên, giá xăng mới đây lại tăng lên (18%), đồng tiền mất giá, và giá nhập cảng nhiên liệu gia tăng. Tất cả các khó khăn này, kết hợp với việc gia tăng đàn áp và bạo hành của công an, có thể gây thêm nhiều phẩn nộ và bất ổn trong quần chúng. Một trường hợp điển hình đã xảy ra vào tháng 7/2010, khi hàng ngàn người xuống đường biểu tình ở tỉnh Bắc Giang sau khi một thanh niên bị cảnh sát hành hung đến chết. Nạn đình công cũng gia tăng, bao gồm một vụ đình công mới đây tại một xí nghiệp lắp ráp xe hơi của Nhật Bản với ba ngàn công nhân tham gia. Tuy nhiên, ở nhiều nơi khác, công đoàn lại do nhà nước kiểm soát nhằm mục đích ngăn ngừa không cho công nhân đình công. Không giống như nhiều nước khác, Việt Nam cho phép rất giới hạn không cho báo chí nước ngoài được lui tới những nơi có lộn xộn và chống đối, sợ rằng họ sẽ khuấy động biến nồi nước nóng bất an thành một cuộc cách mạng.

Việt Nam là một quốc gia với 86 triệu dân, 3,6 triệu là đảng viên cộng sản, và cưu mang một lực lượng công an vào khoảng 1,2 triệu người. Thêm vào đó, còn có lực lượng quân cảnh, cảnh sát cơ động và công an mật vụ, gồm cả lực lượng dân quân, dân phòng ăn lương nhà nước, công an tôn giáo, và các đơn vị đặc biệt chuyên về giết người như “Lực Lượng 04” được dùng để sát hại người dân tộc thiểu số.

Cộng sản Việt Nam gần đây đã tăng cường khủng bố các nhà tranh đấu và bất đồng chính kiến, thô bạo đàn áp quyền tự do bày tỏ tư tưởng, quyền thành lập hội đoàn và tự do hội họp. Chỉ trong Tháng Giêng, công an đã bắt và giam giữ 1,500 người trong các vụ bố ráp nhằm mục đích chặt chẽ kiểm soát an ninh cho Đại hội Đảng lần thứ 11 tổ chức ở miền Bắc Việt Nam.

Tại Việt Nam, các blogger, các luật sư tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo, giới công nhân và dân oan, các nhà vận động dân chủ và chống tham nhũng, các nhà báo, tu sĩ, linh mục, nhà sư, các tín hữu thuộc các hội thánh Tin Lành tại gia cũng như các cư sĩ của nhiều tôn giáo khác, đều bị chế độ liệt vào thành phần chống đối. Tất cả đều bị đe dọa, bắt bớ, đánh đập, tra tấn, tù đày, và thậm chí có cả một số bị chính quyền thủ tiêu.

Thêm một đòn phép nữa giáng vào quyền tự do bày tỏ tư tưởng là một sắc luật mới, đó là Nghị định số 2 tuỳ tiện thu tiền phạt vạ hoặc bỏ tù những ký giả và nhà xuất bản nào vi phạm những điều rất mơ hồ. Những điều này bao gồm việc cho đăng tải các bài viết trên báo giấy, cũng như trên mạng Internet, mà “không mang lại lợi ích cho nhân dân”, tiết lộ bí mật quốc gia, và đưa ra những tin tức trái phép, (thí dụ như những bài báo về tham nhũng và vi phạm nhân quyền). Nghị định này cho phép bất cứ quan chức hoặc cán bộ thuộc cấp nào trong nhà nước cộng sản và quân đội cũng có quyền quyết định đâu là vi phạm, và đòi hỏi các ký giả cũng như nhà xuất bản phải tiết lộ nguồn cung cấp thông tin.

Truyền thông nhà nước mới đây vừa đưa tin rằng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu công an phải chắc chắn rằng không có đảng phái chính trị nào khác được thành lập để có thể đe dọa quyền cai trị của nhà nước cộng sản.

Trong dân số 86 triệu người ở Việt Nam, thì 29 phần trăm thuộc lứa tuổi từ 15-29. Một kế hoạch của Đảng Cộng sản thường sử dụng để giữ yên mọi chuyện là đưa thành phần thanh niên hiếu động, có tiềm năng gây rối đi ra nước ngoài lao động kiếm tiền gởi về cho gia đình và trợ giúp nền kinh tế. Hồi năm ngoái, có đến 85,546 lao động Việt Nam được đưa ra nước ngoài làm việc; với mục tiêu của chế độ cho năm nay là 87,000 người.

Không phải chế độ tàn bạo ở Việt Nam chỉ theo dõi và kiểm soát chặt chẽ báo chí, mạng internet, các trang blog, các mạng xã hội và nhiều cách đưa bài lên mạng khác, nhưng còn nhờ vào các kỹ thuật do các công ty Hoa Kỳ và Anh cung cấp, cho nên bây giờ họ có thể theo dõi cặn kẽ cả điện thoại di động và điện thoại nhà của những người bị tình nghi chống đối và các nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo.

Người Thượng Montagnards dùng điện thoại có thể bị đặc biệt chú ý. Tuy bị chế độ Cộng sản Việt Nam giở trò khủng bố và thừa biết rằng những cú điện thoại sẽ bị theo dõi, nhưng các tín hữu Tin Lành Montagnards ở Việt Nam vẫn tiếp tục liên lạc với thân nhân của họ ở Hoa Kỳ, và ngược lại, nhằm trao đổi tin tức về tình trạng tín đồ Tin Lành Montagnard bị nhà nước liên tục bách hại và đối xử tàn bạo, nhất là những người bất tuân lệnh của nhà cầm quyền không chịu gia nhập các giáo hội quốc doanh do cộng sản kiểm soát.

Tin tức của Compass Direct cho biết hồi năm ngoái “nhà cầm quyền cộng sản đã cấm đoán không cho mừng lễ Giáng Sinh tại hai trong các thành phố lớn nhất Việt Nam” và ở trên 10 tỉnh “trong cái có thể được coi là động thái mạnh nhất gần đây để gia tăng đàn áp tín đồ Thiên Chúa Giáo”. Nhà cầm quyền cũng cấm Đức Ông Michael Hoàng Đức Oanh, Giám Mục Kontum không được dâng Thánh Lễ mừng lễ Giáng Sinh với các tín hữu người Thượng Montagnards.

Ông Phil Robertson của tổ chức Giám sát Nhân quyền mới đây đã tuyên bố rằng “Chiến dịch đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam có hệ thống, rất nghiêm trọng và càng ngày càng tồi tệ”.

Và ban nhạc tiếp tục hoà tấu

Vào ngày 1/12/2010, ba tín hữu Tin Lành Montagnard tên là Beo Nay, Phor Ksor và Rin Ksor, là những người thuộc một hội thánh tại gia ở tỉnh Gia Lai, đã bị bắt giữ và truy tố về tội “phá hoại đoàn kết dân tộc” vì họ làm công việc truyền đạo cho một hội thánh bất hợp pháp. Họ bị buộc phải ký đơn xin bỏ đạo. Khi họ từ chối, các công an tên Thịnh và Tuấn đánh đập tàn nhẫn cả ba người rồi ra lệnh cho họ phải ký vào đơn; tuy nhiên, vì họ đã bị đánh đập quá thậm tệ cho nên công an phải cầm tay họ ký tên vào đơn.

Vào tháng 11/2010, các nhà truyền giáo người Thượng Montagnard tên Y-Du Ksor và Y-Co Kpa của Hội Truyền giáo Tin Mừng Việt Nam ở tỉnh Phú Yên đã bị bắt và truy tố vì trái phép cử hành các nghi thức phụng vụ tại gia, truyền đạo, và giữ nhiều điện thoại di động – các hành động này bị coi như “phá hoại tinh thần đoàn kết dân tộc”. Họ bị kết án sáu năm tù và bốn năm quản chế, bốn năm tù và hai năm quản chế theo thứ tự từng người

Vào tháng 7/2010, ông Bih Ksor, một tín hữu Tin Lành Montagnard đồng thời là một bậc trưởng thượng trong một hội thánh tại gia, đã bị công an Gia Lai bắt giữ. Vì ông cũng mang theo trong người một điện thoại di động, cho nên cũng bị buộc vào tội “phá hoại tinh thần đoàn kết dân tộc”. Ông Bih đã bị hành hạ, tra tấn, và rồi bị đánh một đòn chí mạng vào ngay sau gáy. Ngay trước lúc ông bị giết, người em rể của ông là Thai Puih, ở thành phố Charlotte, tiểu bang North Carolina, Hoa Kỳ, nhận được một cú điện thoại gọi từ Việt Nam vào lúc 1 giờ sáng, và nghe được tiếng kêu của một người đang bị đánh, đau đớn rên rỉ ở phía sau. Người gọi đã tìm thấy số của Thai trong điện thoại di động của ông Bih. Kẻ đó tự xưng là một công an Việt Nam và bảo Thai hãy lắng nghe trong khi họ tra tấn ông Bih. Ông Thai trả lời rằng ông không biết họ nói gì và cúp điện thoại. Gả công an lại gọi lại vào lúc hai giờ sáng và nói với Thai rằng ông Bih đã chết, và bảo ông Thai phải gọi báo tin cho thân nhân ở Việt Nam đến nhận xác. Ngày hôm sau, xác ông Bih được tìm thấy bên một vệ đường cách làng ông nhiều cây số.

Vào tháng 1/2010, công an tôn giáo từ Hà Nội vào bắt hai anh em theo đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai, là Cop Ksor và Sia Nay, và ra lệnh cho họ phải bỏ đạo. Khi họ không tuân lệnh, Đại úy công an Phạm Nhật Toàn đem một con chó nghiệp vụ từ cũi ra và ra lệnh cho nó tấn công. Họ bị cắn nhiều lần ở chân. Sau đó họ được thả sau khi bị hăm dọa rằng nếu họ không bỏ đạo, thì họ sẽ bị bắt lại cho chó cắn chết.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền cho biết rằng Việt Nam đã cầm tù trên 300 người Tin Lành Montagnard kể từ năm 2001 vì “ôn hòa bày tỏ các quan điểm tôn giáo hoặc chính trị”. Nhưng, người Thượng Montagnard ở Việt Nam lại báo cáo rằng con số thật sự thì trên hẳn 500.

Thỉnh thoảng có lần người ta lại thấy thi thể nát bấy của một người Tin Lành Montagnard bị quăng ra từ hệ thống nhà tù Việt Nam. Nếu thi thể nhìn không đến nỗi quá tệ, quản giáo trại giam sẽ báo cho gia đình đến để nhận xác mang về chôn trong làng. Cũng như vậy, gia đình nạn nhân đôi khi được phép đem những người bị tra tấn đang hấp hối về làng để chờ chết. Việc này được làm để khủng bố gia đình nạn nhân và dân làng. Tuy nhiên, nếu tù nhân nào bị đánh đập quá thậm tệ thì thi thể của họ được chôn ngay trong trại giam và gia đình có thể được báo tin. Nếu không, gia đình họ chỉ còn giữ lại hình ảnh người thân của mình trong ký ức. Đây là cách mà người Thượng Tin Lành đã đơn thuần “biến mất” như thế nào trong hệ thống nhà tù tàn bạo của Việt Nam; tù nhân bị tra tấn và tàn sát bởi thế hệ cai tù thứ hai hay thứ ba được truyền nghề lại từ những kẻ đã trau giồi tài nghệ tra tấn của mình trên những tù binh Hoa Kỳ trong và sau chiến tranh Việt Nam.

Vào ngày 6 /9/2009, ông Tino Ksor, một người Tin Lành Montagnard bị tra tấn đến chết trong Trại tù Ba Sao thuộc tỉnh Hà Nam. Ông Tino đã bị bắt ngày 14/5/2004 vì giảng đạo trong một hội thánh tại gia ở tỉnh Gia Lai và khước từ không chịu gia nhập vào Hội thánh Tin Lành Nam Phương (Southern Evangelical Church of Vietnam) do nhà nước kiểm soát . Hai tuần sau, ông ta bị đem ra xét xử trong một tòa án kiểu luật rừng, bị kết tội “phá hoại tinh thần đoàn kết dân tộc”, và bị kết án 7 năm tù.

Trong lúc ở tù, ông Tino trở thành một người hướng dẫn tinh thần cho nhiều tù nhân người Thượng, nhưng vào ngày 22 /8/2008, công an biệt giam ôngTino và bắt đầu tra tấn, cố cưỡng bức ông phải bỏ đạo. Ngày 7/9/2009, an ninh mật vụ Việt Nam báo cho gia đình ông Tino biết rằng ông đã chết. Vợ và mẹ ông Tino đến trại giam để nhận xác, nhưng họ được bảo rằng “Ksor Tino chưa thi hành xong án tù cho nên chúng tôi phải giữ xương cốt cho đến khi hạn tù của ông ấy hoàn tất; rồi gia đình có thể đến nhận về”.

Đây không phải là một trường hợp riêng rẽ; như vào ngày 11/3 2010, một người Tin Lành Montagnard tên là K’pa Lot đã chết vì nội thương, do bị hành hạ và tra tấn liên tục lúc đang trong tù ở tỉnh Phú Yên, cũng như người một người Tin Lành Montagnard tên là Y-Kap Ayun đã chết vào ngày 17/8/2010.

Vào ngày 18/11/2010, ký giả Simon Roughneen đưa tin trên Asia Times Online rằng “Ngoại Trưởng Hillary Clinton hoan nghênh Hà Nội đã ký Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc trong buổi họp báo vào tháng 11/2010 cùng với người đồng nhiệm Phạm Gia Khiêm”.

Và ban nhạc tiếp tục hoà tấu

Chế độ cộng sản Việt Nam nên nhớ rõ rằng vụ biểu tình phản đối của các tín đồ Tin lành Montagnard vào năm 2001 đã làm cho Đảng bị rúng động đến tận gốc rễ. Những người phản đối ôn hòa đã gởi thỉnh nguyện thư yêu cầu nhà nước hãy chấm dứt vi phạm nhân quyền, cho họ được hưởng quyền tự do tôn giáo mà không bị chính quyền kiểm soát, và trả lại đất đai đã bị chính quyền tịch thu. Thay vì giải quyết vấn đề một cách ôn hòa, nhà nước đã ra lệnh cho công an và quân đội tấn công những người biểu tình bằng xe tăng và máy bay. Trong cuộc đàn áp tàn bạo này, hàng trăm người Tin Lành Montagnard đã bị bắt, bị giết, hoặc mất tích, và cho đến nay nhiều người vẫn còn bị tù. Mặc dù số người Thượng Montagnard chỉ có 750 ngàn trong dân số 85 triệu người Việt, và mặc dù chỉ có một số nhỏ trong họ tham gia biểu tình phản đối, nhưng họ đã làm chế độ cộng sản phải lung lay tận cốt lõi khiến cho Tổng bí thư Đảng phải mất chức . Nếu chiến dịch bách hại còn tiếp tục, “bức tường sợ hãi” của người Thượng Montagnard có thể sẽ sụp đổ trở lại; và lần này những người Việt khác bị đàn áp có thể sẽ tham gia vào.

Như thể là muốn trêu ngươi Hoa Kỳ, vào ngày 5 tháng Giêng năm nay, ông Christian Marchant, một đặc phái viên ngoại giao Hoa Kỳ đồng thời là tùy viên chính trị phụ trách nhân quyền và dân chủ của Toà Đại sứ Mỹ ở Hà Nội, đã bị một đám đông xô đẩy và đánh đập trong khi công an chỉ đứng nhìn chứ không làm gì cả. Ông được phép của nhà nước Việt Nam đến thăm một linh mục Công Giáo bất đồng chính kiến. Vì lẽ tụ tập đông người là điều trái phép, cho nên có thể đám đông đó toàn là bọn côn đồ tay sai ăn lương nhà nước, đây một chiêu bài (dùng côn đồ) mà cộng sản hay sử dụng để chối bỏ trách nhiệm một cách hữu lý. Một phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng, “Sự sách nhiễu này ‘không chấp nhận được’, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục bày tỏ mối quan tâm sâu xa của chúng tôi”. Đây là lối phản ứng đặc thù kiểu “cọp giấy” đối với các vi phạm nhân quyền mà chế độ cộng sản vẫn liên tục làm ngơ trong khi mọi công việc vẫn bình thường với Hoa Kỳ là nước nặng về “tôn sùng thương mại”.

Và ban nhạc vẫn tiếp tục hoà tấu

Điều hư cấu: Hoa Kỳ cần Việt Nam như một lá chắn chống lại Trung Quốc: Phần lớn những sai lầm trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Việt Nam là căn cứ vào việc dùng Việt Nam để chế ngự sự xen lấn đa dạng như loại trùng biến hình (amoeba) của Trung Quốc vào Đông Nam Á . Bất cứ ai tuôn ra điều hư cấu này cần phải học lại bài toán bổ túc : thí dụ, dân số Việt Nam ước chừng vào khoảng 85 triệu trong khi Trung Quốc có hơn một tỷ người. Không những Trung Quốc đông người hơn, họ lại có nhiều tiền hơn Hoa Kỳ và không bị cấm đoán trong việc hối lộ các quan chức chính quyền ở Đông Nam Á. Mới đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đã để lộ ra bộ mặt thật của mình khi bầu Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân vật chính trị nắm nhiều quyền lực nhất nước– và ông ta được xem là thân Trung Quốc.

Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế đã được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua và Tổng thống Clinton chấp thuận vào năm 1998, nhằm cổ súy tự cho tôn giáo như một chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Đạo luật đó uỷ nhiệm cho chính phủ Hoa Kỳ liên hệ với các chính quyền sở tại để quảng bá tự do tôn giáo đồng thời phải có biện pháp trừng phạt thích đáng các quốc gia vi phạm. Hành động trừng phạt này thông thường chỉ là một nỗ lực để làm mất mặt các quốc gia vi phạm trắng trợn đến tự do tôn giáo bằng cách đưa họ vào danh sách Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC). Nhưng theo chính sách ngoại giao tử tế với Việt Nam, và mặc dù có nhiều chứng cớ rõ ràng về sự vi phạm thô bạo của nhà nước Việt Nam vào quyền tự do tôn giáo, cho nên trong vài năm qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã từ chối không đưa Việt Nam vào danh sách đó. Bây giờ, Đạo luật này đã hết hiệu lực, và như Ken Blackwell, nguyên đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận trong một bài báo mới đây, có tựa đề, Hoa Kỳ đang lẩn tránh vấn đề Tự do Tôn giáo, “Chính phủ Obama và nhất là Bộ Ngoại giao chỉ nói miệng và không có hành động nào về chính sách này, nhưng qua sự thiếu hành động đó họ đã trợ giúp và khuyến khích việc bách hại các nhóm tôn giáo thiểu số trên toàn thế giới. Mặc dù Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ báo cáo rằng tự do tôn giáo rất "tồi tệ"’ trong năm 2010, nhưng họ lại từ chối đặt Afghanistan, và nhiều nước vi phạm khác vào danh sách CPC.” . Lẽ dĩ nhiên Việt Nam cũng là một trong các nước này.

Cho dù Đạo luật trên không còn hiệu lực, nhưng vẫn còn nhiều biện pháp trừng phạt khác có thể được ban hành nếu Tổng thống Obama và nội các của ông ta có luân thường đạo lý để làm như vậy. Hiện nay Tổng thống Obama đã chỉ định ông David B. Shear làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, thay thế cho ông Michael Michalak, cho nên TT. Obama và Bộ Ngoại giao có cơ hội để thay đồi chính sách đối với Việt Nam về những vi phạm trắng trợn quá mức của họ về tự do tôn giáo và các vi phạm nhân quyền khác.

Cựu Đại sứ Michael W. Michalak là một người hay bào chữa cho những vi phạm đáng khinh bỉ của Hà Nội về nhân quyền và tự do tôn giáo, ông lại nối giáo cho giặc bằng cách cung cấp cái vỏ bọc ngoại giao cho chế độ cộng sản. Ông ta làm như vậy dưới sự nguỵ trang trá hình rằng Việt Nam đã nhanh chóng cho phép cho các nhà thờ chùa chiền được đăng ký để tín đồ có thể “hợp pháp” hành đạo, nhưng đăng ký như vậy thật ra là buộc họ phải chịu sự kiểm soát của cộng sản.

Chế độ cộng sản đã nguỵ tạo ra những bộ mặt quốc doanh đội lốt Công giáo, Tin lành, Phật giáo và nhiều cơ sở tôn giáo khác, như các nhà thờ chùa chiền. Người Việt và người dân tộc thiểu số muốn hành đạo phải chọn lựa giữa các nhà thờ và chùa quốc doanh, hoặc phải chịu sự sách nhiễu, đất đai bị tịch thu và tù đày. Giới ngoại giao và báo chí nước ngoài được đưa đến những nhà thờ chùa chiền loại quốc doanh này để khoe khoang cho họ thấy chế độ đã tiến bộ như thế nào trong việc cải thiện tự do tôn giáo. Nhưng trong thưc tế, chế độ cộng sản hay hoang mang lo lắng về các tổ chức tôn giáo nào mà họ coi như mối đe dọa trực tiếp đến loại tôn giáo chính trị của họ là chủ nghĩa cộng sản. Sự bách hại đối với tất cả mọi tín ngưỡng là chuyện thường tình ở Việt Nam; Tin lành, Công giáo, Phật giáo và những người theo các tôn giáo khác, nhất là người Thượng Montagnard theo đạo Tin lành và tín hữu thuộc các hội thánh tại gia, đã và đang bị sách nhiễu, tra tấn, cầm tù và sát hại (việc sát hại thường bị chế độ quy chụp là do thành phần côn đồ xa lạ gây ra) . Tịch thu đất đai của giáo hội là việc chế độ cộng sản thường làm.

Vì thiếu sót các biện pháp trừng phạt, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã để yên cho cộng sản Việt Nam (là những kẻ xem đây là dấu hiệu dễ dãi hay lặng yên đồng ý) tiếp tục bách hại tôn giáo và vi phạm nhân quyền đối với người dân của họ.

Mới đây Bác sĩ Quế đã viết, "Chỉ mới vào mùa hè năm ngoái, Việt Nam và Hoa Kỳ đã kỷ niệm 15 năm dịp thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Phục hồi lại quan hệ ngoại giao cho thấy đó là một việc làm ích lợi cho Việt Nam: Hoa Kỳ là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, mậu dịch song phương hàng năm giữa hai nước có trị giá 15 tỷ đô la.'" Hoa Kỳ cũng tăng cường sự ràng buộc rất đáng kể của họ vào Đông Nam Á, và khi làm như vậy, đã yểm trợ về mặt ngoại giao cho Việt Nam trong khu vực (như cuộc tranh chấp với Trung Quốc về các quần đảo ngoài khơi). Như chuyên gia về các vấn đề Việt Nam, ông Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc phỏng đoán, sau 15 năm "cải thiện quan hệ ngoại giao rõ ràng là đã không gây được ấn tượng nào đối với giới lãnh đạo CSVN. Thái độ của họ rất rõ ràng : Đón nhận việc buôn bán và đầu tư với Hoa Kỳ, nhưng gạt dân chủ nhân quyền sang một bên".

Hà Nội cần Hoa Thịnh Đốn nhiều hơn là so với Hoa Thịnh Đốn cần Hà Nội. Ở từng thời điểm một, nhà nước Việt Nam hứa sẽ tôn trọng nhân quyền và tuân theo luật pháp quốc tế. Nhưng mỗi lần như vậy, Việt Nam lại nhận thấy rằng họ có thể gặt hái được tất cả mọi lợi lộc từ phía Hoa Kỳ, mà họ chỉ coi là con cọp giấy, và không cần phải tôn trọng bất cứ lời hứa nào. Plus ça change, plus c’ est la même chose. – “Càng thay đổi, càng như cũ”. Người Việt Nam thì vẫn đáng mến, còn chế độ cộng sản vẫn mãi mãi dối trá, tàn bạo và đa nghi, trong khi chính sách của Hoa Kỳ lại để yên cho cộng sản đàn áp và lừa lọc.

Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục ve vuốt Hoa Kỳ với thêm nhiều lời hứa hẹn nữa nếu họ có thể làm sâu đậm hơn mối quan hệ song phương. Một đối tác chân thật với Hoa Kỳ có nghĩa là mang thêm nhiều lợi lộc về cho họ từ việc tăng cường thương mại, các lợi ích quân sự và hỗ trợ ngoại giao trong khu vực. Tới phiên chính phủ Obama cũng khẳng định mong muốn tăng thêm quan hệ trong một tinh thần “đối tác chân thành” với Việt Nam; nhưng, nếu cái giá của mối quan hệ đó bao gồm những cải thiện đáng tin về nhân quyền và tự do tôn giáo, thì những cải thiện đó sẽ không dễ gì có được từ chế độ cộng sản tàn ác. Hoa Kỳ nên đưa ra một công hàm ngoại giao gởi cho chế độ đó đòi hỏi rằng sẽ không có một quan hệ đối tác đúng nghĩa cho đến khi nhà nước Việt Nam chấm dứt mọi vi phạm thô bạo trắng trợn đến nhân quyền và tự do tôn giáo đối với người dân của họ.

Xem ban nhạc có còn tiếp tục hòa tấu nữa không?

Phan Lưu Quỳnh phỏng dịch từ "Vietnamese Communists' Fear Factor is Rising", Michael Benge 3/4/2010

http://tiengnoitudodanchu.org/modules.php?name=News&file=article&sid=9659