Ba Tê (vietinfo-euro) - Nếu như Việt Nam thường chỉ lên tiếng về mặt ngoại giao với giọng điệu đều đều, cũ mòn, lấy “bảo bối” 16 chữ vàng và 4 tốt ra để phản đối các hành động hung hăng ngày càng càng leo thang, tỏ rõ dã tâm nuốt trọn Biển Đông của Trung Quốc thì ngược lại, chính quyền Philippines có vẻ đã mạnh mẽ, cương quyết hơn khi thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm.
Ngày 2/3 vừa qua Manila đã điều hai phi cơ chiến đấu đến để đuổi tàu chiến của Trung Quốc đang hăm dọa một chiếc tàu thăm dò của Philippines trên vùng biển Đông. Sự kiện này xảy ra vào lúc quan hệ giữa Manila với Bắc Kinh đang xấu đi và cũng trong bối cảnh Manila tìm cách cân bằng lại mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.
Theo lời kể của trung tướng Juancho Sabban, chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Tây, ngày hôm đó, hai tàu tuần tra của Trung Quốc đã áp sát một chiếc tàu của một công ty dầu khí tư nhân Philippines, lúc ấy đang thăm dò địa chấn ở Reed Bank, nằm giữa quần đảo Trường Sa và mỏ khí đốt Malampaya ngoài khơi Philippines. Tàu Trung Quốc ra lệnh cho tàu Philippines ngừng thăm dò và rời khỏi khu vực này.
Khi nhận được lời kêu cứu, Không quân và Hải quân Philippines liền điều động một oanh tạc cơ và một máy bay loại nhẹ bay ngay đến Reed Bank. Khi bay đến nơi thì hai tàu Trung Quốc đã bỏ chạy. Tướng Sabban tuyên bố « Chúng tôi không để cho ai bắt nạt. Đây là lãnh thổ của chúng tôi. Nếu họ doạ nạt chúng tôi, thì ngay cả trẻ con cũng sẽ chống trả ».
Hôm qua, tổng thống Aquino đã ra lệnh cho tàu tuần duyên Philippines hộ tống chiếc tàu để bảo vệ chiếc tàu thăm dò bị phía Trung Quốc sách nhiễu ở khu vực Reed Bank.
Về phía Trung Quốc dĩ nhiên là đã bác bỏ những lời tố cáo của phía Philippines và một lần nữa khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên toàn bộ quần đảo Trường Sa ( mà Trung Quốc gọi là Nam Sa) và vùng biển lân cận.
Khi trả lời báo chí hôm qua, phát ngôn viên Phủ tổng thống Philippines đã tự hỏi không hiểu vì sao Trung Quốc lại xâm nhập Reed Bank, vốn không phải là khu vực đang tranh chấp. Thật ra thì việc thăm dò dầu khí ở Reed Bank đã bị dừng lại từ thập niên 1980 do cả ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đều đòi chủ quyền ở khu vực này. Năm 2002, chính phủ của tổng thống Gloria Arroyo đã từng nhượng quyền thăm dò khu vực Reed Bank cho công ty dầu khí Anh quốc Sterling Energy, nhưng công ty này cho tới nay chưa thể khai thác dầu khí tại đây.
Sự kiện máy bay Philippines đuổi tàu Trung Quốc ở Reed Bank diễn ra trong bối cảnh mà Manila đang thay đổi đường lối ngoại giao đối với Trung Quốc. Kể từ năm 2004, chính quyền của tổng thống Arroyo đã dần dần chuyển hướng, bớt thân thiện với Hoa Kỳ và nghiêng về phía Trung Quốc. Vào năm 2004, bà Arroyo đã ký hiệp định ba bên với Trung Quốc và Việt Nam về thăm dò địa chấn chung. Ba nước đã thực hiện thăm dò chung cho đến năm 2008.
Nhưng ngay sau khi hiệp định nói trên hết hạn vào đầu năm 2008, tháng hai năm đó, dư luận Philippines đã rất bất bình sau khi tạp chí Far Eastern Economic Review tiết lộ là trong bản hiệp định nói trên, chính quyền Arroyo đã có rất nhiều nhân nhượng, cho phép thăm dò chung ở cả những phần thềm lục địa mà Việt Nam lẫn Trung Quốc đều không đòi chủ quyền.
Kể từ khi ông Benigno Aquino lên nắm quyền, Manila quay trở lại hướng dựa vào đồng minh Hoa Kỳ nhiều hơn (Reuters)
Kể từ khi tổng thống Benigno Aquino lên nắm quyền cách đây tám tháng, chính sách ngoại giao của Philippines đã quay trở lại hướng dựa vào đồng minh Hoa Kỳ nhiều hơn, trong khi quan hệ với Trung Quốc thì đang xấu đi, phần lớn là do vụ giải cứu con tin khiến 8 du khách Hồng Kông thiệt mạng vào tháng 8 năm ngoái.
Chính trong bối cảnh này mà đầu tháng 2 vừa qua, chính phủ Aquino đã quyết định nhượng quyền khai thác dầu khí cho Forum Energy, một công ty mà trong đó 65% vốn là do công ty Filex nắm giữ. Chủ nhân của Filex chính là Manny Pangilian, một nhân vật đã hổ trợ hết mình cho tổng thống Aqino trong những ngày đầu ông này nắm quyền và cũng là nhân vật có quan hệ chặt chẽ với giới tài chính Hoa Kỳ.
Như vậy, việc Philippines mạn bạo hơn khi đáp trả hành động cậy lớn nuốt bé của Trung Quốc ít nhiều sẽ có tác động đến Việt Nam. Gần đây Việt Nam cũng đã công khai lên tiếng, “vạch tội ác” của Trung Quốc đối vơi Việt Nam ở Biển Đông qua từng thời kì xâm chiếm.
Cũng cần biết thêm, năm 1995 Philippines đã từn cho phi cơ ném bom ra thả bom vào khu vực đảo Vành Khăn, Trường Sa khi Trung Quốc vừa chiếm từ tay của Philippines.
Hiện nay, máy bay chiến đấu hiện đại Sukhoi Su- 30 MK2 của Việt Nam vẫn thỉnh thoảng bay qua bầu trời Trường Sa, nhưng liệu có dám tấn công khi giả dụ Trung Quốc cho tàu chiến áp sát các đảo của Việt Nam hay không thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó yếu tố đã bị “thuần phục” dễ chi phối các hành động mang tính cứng rắn, sáng suốt thể hiện bản lĩnh người chèo lái đất nước.
Ba Tê tổng hợp
0 comments:
Post a Comment