Thời gian qua, Trung Quốc liên tục gia tăng đàn áp những tiếng nói đối lập ôn hòa, như giam giữ các nhà hoạt động nhân quyền và các luật sư, hoặc bắt họ đi mất mà không đưa ra một lý do nào.
Cũng trong tuần này, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có các cuộc đối thoại về nhân quyền tại Bắc Kinh, trong khi các cuộc đàn áp gia tăng.
Nhân dịp này, Thông tín viên Ngọc Trân đã phỏng vấn ông Nguỵ Kinh Sinh, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng, đã từng trải qua gần 20 năm trong nhà tù Trung Quốc, và được mệnh danh là “Cha đẻ của phong trào dân chủ Trung Quốc”.
Đàn áp vì sợ hãi
Ngọc Trân:Xin ông cho thính giả đài Á châu Tự do biết về việc đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền và các luật sư mà chính phủ Trung Quốc thực hiện trong thời gian gần đây?
Ông Ngụy Kinh Sinh: Chính phủ Trung Quốc gia tăng đàn áp các luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền trong thời gian gần đây, là vì họ thiếu tự tin. Đặc điểm của việc đàn áp này là họ có thể sử dụng việc tạm giam bất hợp pháp đối với các nhà hoạt động nhân quyền. Trên danh nghĩa, được gọi là "cư trú dưới sự giám sát", nghe có vẻ thoải mái hơn so với việc giam giữ bình thường, nhưng trên thực tế, có thể tước đi quyền tự do cá nhân mà không cần bất kỳ thủ tục pháp lý nào.
"Cư trú dưới sự giám sát" thậm chí còn khắc nghiệt hơn cả khi bị tước đoạt tự do cá nhân một cách hợp pháp, điều đó có nghĩa là các nghi phạm bị mất đi các quyền được pháp luật bảo vệ. Chẳng hạn như, trường hợp của ông Ngải Vị Vị, một họa sĩ nổi tiếng thế giới. Họ không thông báo cho gia đình và người thân của ông Ngải, cũng như ông không được phép gặp các luật sư.v.v... Nên trên thực tế, ông ấy bị bắt cóc bởi những kẻ cướp, vì vậy, Liên Hiệp Quốc gọi đó là ‘sự cưỡng chế biến mất’.
Do các luật sư bảo vệ nhân quyền nhằm ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp của Đảng Cộng sản, nên chế độ cộng sản đã gia tăng khủng bố các luật sư, như trường hợp của ông Lý Trang ở Trùng Khánh xảy ra gần đây. Đặc điểm của họ là buộc tội bằng khái niệm mơ hồ, chẳng hạn như tội khai man, để đưa các luật sư vào tù. Cùng lúc, họ sử dụng sự dàn xếp bịp bợm để buộc các luật sư nhận tội, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn vai trò của các luật sư, buộc các luật sư phải rút lui khỏi việc bảo vệ quyền lợi, và biến các luật sư trở thành đồng lõa với sự khủng bố của nhà chức trách, chống lại người dân.
Ngọc Trân: Được biết, chiến dịch đàn áp này là một trong những chiến dịch đàn áp khốc liệt nhất trong những năm qua. Một số nhà phân tích cho rằng chiến dịch đàn áp này có liên quan đến những lời kêu gọi trên mạng ở Trung Quốc về cuộc "cách mạng hoa lài", tương tự như ở Trung Đông và Bắc Phi. Ông có nghĩ như vậy không? Ông có biết vì sao chính phủ Trung Quốc làm những gì mà họ đang làm gì, liên tục đàn áp những tiếng nói đối lập ôn hòa?
Ông Ngụy Kinh Sinh: Vâng, đúng như các nhà phân tích đã nói. Mục đích của việc bắt giữ ông Ngải Vị Vị là do nhầm lẫn ông có liên quan đến tin đồn về cuộc cách mạng hoa lài. Đấu tranh giai cấp ở Trung Quốc đã phát triển đến mức sụp đổ có thể sắp xảy ra, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang sợ hãi, cả những chuyện thật hay tưởng tượng, không phải là mối đe dọa nhưng họ nghĩ là đe dọa, xem cây, cỏ như những người lính thật. Để giữ chế độ độc tài, độc đảng, họ làm việc cẩu thả, vô nguyên tắc, vô đạo đức.
Càng gia tăng đàn áp, càng sớm sụp đổ
Ngọc Trân: Những người như ông Ngải Vị Vị, các cộng sự, và luật sư của ông Ngải, ông Lưu Hiểu Nguyên, đã thắp lên ngọn lửa cho thế hệ trẻ ở Trung Quốc. Ông có nghĩ rằng việc bắt giữ những người này bất hợp pháp sẽ dập tắt ngọn lửa, hay là sẽ làm bùng lên một ngọn lửa khác lớn hơn?
Một số chuyên gia nói rằng, việc đàn áp khốc liệt của chính phủ Trung Quốc trong thời gian qua cho thấy, đó là những nỗ lực cuối cùng của chế độ cộng sản, cố nắm giữ quyền hành bằng vũ lực. Ông có nghĩ rằng, làm như thế, tức là chính phủ Trung Quốc đang cảm thấy hồi hộp và lo lắng về sự tồn tại của họ?
Ông Ngụy Kinh Sinh:Thực tế hành vi vô đạo đức, ngang nhiên, bất hợp pháp này đã làm dấy lên sự giận dữ hơn nữa từ phía người dân. Sự phê phán và khiếu nại của công chúng liên tục xảy ra. Nếu chính phủ không có phản ứng tích cực, rất có thể toàn xã hội sẽ bị hủy hoại vì sự lừa dối về pháp luật, thay vì xã hội sẽ phản kháng mạnh mẽ hơn. Thậm chí một sự phản kháng mạnh hơn, có nhiều khả năng đến từ nhiều tầng lớp quần chúng rộng lớn hơn.
Ngọc Trân: Ông có nghĩ rằng những hành vi đàn áp ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với các nhà hoạt động nhân quyền hiện nay có thể được xem như một thái độ thách thức đối với Mỹ, vì Trung Quốc thấy Mỹ đang trên đà suy yếu do khủng hoảng tài chính?
Giữa tuần này, Hoa Kỳ và Trung Quốc chuẩn bị đàn phán về nhân quyền ở Bắc Kinh, giữa lúc các cuộc đàn áp gia tăng. Những người bi quan cho rằng, các cuộc thảo luận như thế sẽ chẳng đi đến đâu, như lời của ông Nicholas Bequelin, thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở Hồng Kông, đã nói:
“Chỉ là thảo luận mà không đi đến hành động”. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Ngụy Kinh Sinh: Hơn một thập kỷ nay, tôi đã giữ thái độ phê phán, chống lại các cuộc đàm phán kiểu này, bởi vì đơn giản chỉ là nói chuyện, chứ thực chất không có nội dung gì cả. Đây chỉ là cách đánh lừa người dân Mỹ, chứ không có sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề nhân quyền.
Dưới thời Tổng thống George W. Bush, chính quyền Bush đã mất kiên nhẫn về các kiểu đối thoại vô ích này, cho nên đã có một lần, họ chấm dứt các cuộc đối thoại về nhân quyền. Chỉ có cách trừng phạt như hồi thập niên 1990 mới có thể buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc giải quyết vấn đề nhân quyền một cách cẩn thận.
Ngày nay, các chính phủ phương Tây đã đầu hàng Đảng Cộng sản vì các doanh nghiệp lớn của các công ty đa quốc gia. Đó là một đòn hiểm, đánh vào quyền con người ở các nước, như Trung Quốc và Việt Nam. Và đó cũng là lý do quan trọng, giải thích vì sao tình trạng nhân quyền ở nhiều nước khác nhau đi thụt lùi.
Ngọc Trân: Liên quan đến tình trạng gia tăng đàn áp ở Trung Quốc, trong một bài viết của ông đăng trên báo New York Times mới đây, ông có nói rằng, Trung Quốc có thể trở lại thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Điều đó có nghĩa là gì, thưa ông?
Ông Ngụy Kinh Sinh: Có nghĩa là trở về thời kỳ Cách mạng Văn hóa về bản chất, thay vì hình thức, khi không tuân theo luật lệ mà chỉ với mục đích duy trì sự cai trị độc đoán. Các nạn nhân không chỉ là thiểu số những người chống lại chính phủ, mà còn là những người dân bình thường và các quan chức chính phủ. Điều này sẽ dẫn tới sự hỗn loạn ở Trung Quốc, và chắc chắn sẽ dẫn đến sự phản kháng bạo lực hơn. Do vậy, chế độ Cộng sản sẽ sớm sụp đổ.
Việt Nam bắt chước Trung Quốc
Ngọc Trân: Như ông đã biết, những gì xảy ra ở Trung Quốc cũng đã và đang xảy ra ở Việt Nam. Nhiều tiếng nói đối lập ôn hòa đã bị bắt giam. Ông đã từng nói: “Đảng cộng sản Việt Nam bắt chước Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có tự do, dân chủ, thì Việt Nam cũng sẽ có”. Ông nghĩ có cách nào khác không? Có thể nào Việt Nam có tự do, dân chủ trước khi Trung Quốc? Lời khuyên của ông dành cho những người đấu tranh cho tự do, dân chủ ở Việt Nam là gì?
Ông Ngụy Kinh Sinh: Tôi nghĩ rằng những người bạn Việt Nam nên quan sát chặt chẽ tình hình ở Trung Quốc. Có hai lý do tại sao. Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam không có khả năng phát minh ra phương pháp đàn áp, cho nên họ sao chép việc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi các bạn học được cách của họ trước, thì các bạn có thể phòng ngừa trước.
Thứ hai, Cộng sản Trung Quốc không muốn thấy người dân Việt Nam lật đổ chế độ độc tài cộng sản, trở thành một mô hình cho người Trung Quốc. Do đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ giúp Đảng Cộng Sản Việt Nam duy trì sự thống trị độc tài của họ.
Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc không sụp đổ, họ sẽ không cho phép người dân Việt Nam lật đổ chế độ Cộng Sản Việt Nam. Vì vậy, sự sụp đổ của Cộng sản Trung Quốc là điều kiện tiên quyết cho sự sụp đổ của các chế độ độc tài khác ở châu Á, như Việt Nam, Bắc Hàn, Miến Điện và các nước khác.
Ngọc Trân: Xin cám ơn ông đã giành thời gian cho buổi phỏng vấn này.
0 comments:
Post a Comment