Chiều nay, nhận được điện thoại ông bạn, rằng, bố trí thời gian nhé, thằng Tiêu, mới nhận quyết định đề bạt phó tổng, ngày mai khao cả làng. Đánh răng, tẩy giun cẩn thận, ngày mai tha hồ rót. Uống đến say vãi ra quần mới về.
Tìm hiểu kỹ được biết, cái chức phó mà ông bạn tôi vừa mới được đề bạt là chức phó thứ năm, trong một cơ quan trực thuộc Chính phủ. Hàm thứ trưởng, rất oách. Ở đời, có tý chức sắc, đặc biệt là ở các cấp trung ương, dẫu là cấp phó nhưng đều có thể thừa lệnh bộ trưởng, bên dưới có các vụ chuyên môn trực thuộc, ở các địa phương là các chi nhánh trực thuộc.
Chán việc ở văn phòng, có thể kinh lý ở các nơi, đến đâu đều được đón tiếp cờ hoa, thảm đỏ rất trọng thị. Tiệc lớn, tiệc nhỏ, cơm bưng, nước rót, người đẹp hầu hạ, ra về có phong bao tiền tiêu vặt. Hoàng đế ngày xưa cũng chỉ sướng đến thế là cùng.
Ngẫm lại chuyện hôm trước, khi VTV6 tổ chức diễn đàn “Đối thoại trẻ” với chủ đề: “Người tài có được trọng dụng”, có ý kiến cho rằng, ở Hàn hay Sing, người tài được trả lương cao, được đãi ngộ thoả đáng nên ít có hiện tượng kiếm chác, tham nhũng. Một khách mời bảo, ở xứ thiên đường ta, người tài nhiều quá, ngân sách lại chỉ có vậy nên phải chia nhỏ ra mới đều. Tiền lương chỉ là danh nghĩa, bổng lộc mới là chuyện lớn.
Đơn cử, ở các nước vừa nêu, mỗi bộ chỉ có 1 hoặc cùng lắm là 2 thứ trưởng, với vai trò giúp việc cho Bộ trưởng. Còn ở xứ ta, riêng bộ NN, hiện có 7 thứ trưởng. Tưởng thế đã nhiều, nhưng Công thương còn có tới 9 thứ trưởng. Bộ CA, hiện cũng có số thứ trưởng tương tự. Người Tàu có câu rất hay: Thêm một vị bồ tát, phải thêm một tuần nhang.
Thêm một ghế, không chỉ thêm chế độ tiền lương mà kèm theo đó là chế độ văn phòng, chế độ thư ký, giúp việc, chế độ xe cộ, chế độ công tác và hàng loạt đặc quyền khác.
Tại sao ở xứ ta có nhiều quan chức đến thế? phải chăng vì chúng ta quá nhiều người tài? Mr. Giang bảo: Mỗi chiếc ghế đều có giá một số ngàn đô, thậm chí là một số triệu USD, tuỳ theo vị trí cụ thể, bổng lộc nhiều hay ít để ngầm định giá cả. Vậy tội gì không sắm thêm ghế, ông nào hãnh tiến, hãy “bỏ thầu” chiếc ghế ấy. Dĩ nhiên, chuyện mở thầu hay bỏ thầu chỉ là người ta rỉ tai với nhau, đa dạng và phong phú vô cùng.
Ở xứ Thiên đường ta, không có nghề kinh doanh nào nhanh và lãi bằng kinh doanh quyền chức, theo cách nói dân gian là kinh doanh ghế. Mua quan bán chức đã trở thành chuyện: biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Nó vẫn cứ diễn ra để rồi lâu lâu lại đưa ra bàn thảo ra vẻ ta đây có trách nhiệm với dân, với nước.
Trong một cuộc họp giao ban quận huyện mới đây, Bí thư Thành uỷ HN nói không dấu diếm: "Cơ chế có những sơ hở khiến nhiều người giàu bất thường, họ có quyền lực nên người khác cứ đưa hối lộ cho dù họ không đòi". Điều này đã phản ảnh một sự thật, rằng, mỗi dự án, một quyết định đều gắn liền với một lợi ích. Muốn thông qua phải được sự đồng thuận của các ghế. Thứ quà cáp, bổng lộc mà những người muốn nhận được quết định chính là giá của mỗi lá phiếu hay chỉ là cái dơ tay gật đầu, thậm chí là cái im lặng, không phản đối.
Việc mua quan bán chức khiến cho những chức sắc trở nên có giá bằng tiền tươi thóc thật. Điều này giải thích vì sao, ở xứ ta ngoài người đứng đầu chính phủ còn có đến năm phó. Mỗi bộ ngoài bộ trưởng còn có dăm bảy phó, thậm chí có bộ có đến chín phó như đã nói ở trên. Với lực lượng vũ trang, thì tướng lĩnh nhiều vô thiên lủng.
Trước đây, thứ trưởng Tuệ bộ CA chỉ có hàm thiếu tướng, nay đến chức Cục trưởng cũng có hàm ấy, còn thứ trưởng dĩ nhiên là Trung tướng, thậm chí là đại tướng.
Quan chức cao cấp ngày càng nhiều, không những không làm cho bộ máy mạnh lênh mà còn làm suy yếu hệ thống quản lý nhà nước. Câu “Bộ máy của ta cồng kềnh và kém hiệu lực” được nói ra cách đây ¼ thế kỷ, nay vẫn vậy. Chính sách cán bộ đang đẩy đất nước vào ngõ cụt, không chỉ trong việc phát triển mà trong cả nhân cách của một thể chế.
Nạn mua quan bán chức đang tạo ra bức “tường lửa" để ngăn chặn những người có tài, có đức có có tâm huyết với đất nước tham gia điều hành quản lý xã hội.
Chủ tịch hỏi: Lương thứ trưởng chưa được chục triệu tháng, hắn lây đâu ra tiền để khao cả làng? trả lời: chỉ cần hắn lên tiếng sẽ có thằng bỏ tiền ra. Chi phí ấy nằm trong giá của chiếc ghế mà người ta mới được ngồi. Chuyện này không mới, nhưng Tiệc ta chưa bao giờ bàn đến một cách thấu đáo.
Phan Thế Hải
0 comments:
Post a Comment