Người Anh Hùng Tháng Tư 75 hiển linh...
Bài của Trần Văn Phúc
Nguyên Đại Uý,
pilot Khu trục A-1, PĐ 518
Hình bên: Di ảnh Thiếu Tá Trương Phùng. Saigon có thể đã tan nát hơn, chết chóc bi thảm hơn, và sẽ không có những chuyến bay di tản ngày cuối cùng, nếu không có người anh hùng này.
Sau hơn 33 năm hoàn toàn mất dấu tích, nhờ sự hiển linh và ngoại cảm, tìm thấy di cốt của Thiếu Tá Không Quân VNCH Trương Phùng bị cộng quân xử bắn ngày 29 Tháng Tư 1975, tức ngày 19-3 Ât Mẹo. Di cốt hiện được thờ tại chùa Bửu Quang.
Ngày 29/4/75, cộng quân khai hoả trận địa pháo lớn nhất cuộc chiến nhắm uy hiếp Saigon. Hàng chục dàn đại pháo, mỗi dàn 4 khẩu, từ Phú Lâm liên tục nhả đạn. Đích nhắm đầu: phi trường Tân Sơn Nhứt, nơi cả ngàn người đang chờ di tản.
Bốn giờ sáng, dưới mưa pháo, 2 khu trục A-1 của Phi Đoàn 518 Phi Long, Không quân VNCH vẫn dũng cảm cất cánh và mau chóng đánh tan trận địa pháo. Nhờ vậy, Saigon đã tránh được thảm hoạ. Nhưng đi hai, về một. Chiếc A1 do Đại Uý Trần Văn Phúc đáp xuống phi trường. Chiếc thứ hai, loại AD-5 Skyraider của phi tuần trưởng là Thiếu Tá Trương Phùng thì biến mất, hơn 33 năm không tìm thấy dấu tích.
Sau cùng, nhờ sự hiển linh của một vị sư già và chính Thiếu tá Phùng, nhờ ngoại cảm, và nhờ tình đồng đội, di cốt người anh hùng bị VC xử bắn trong một vườn xoài đã được trở về với gia đình.
Nhân dịp 30 tháng Tư, tác giả Nguyễn Viết Tân đã giúp Việt Báo sưu tập đầy đủ chi tiết câu chuyện ý nghĩa này. Trước hết, xin mời đọc bài viết của cựu đại uý Trần Văn Phúc, kể về vị đồng đội anh hùng của "phi vụ cuối cùng". Chuyện kể này từng được phổ biến trên trang Không Quân Cánh Thép, được trích đăng với sự cho phép của cựu đại uý Phúc. Vì có những người chưa liên lạc, nên tên của họ trong loạt bài này xin được viết tắt.
Thiếu tá Trương Phùng sanh năm 1943 tại Thừa Thiên-Huế, gia nhập Không Quân vào đầu năm 1964, khóa 64B SVSQ/TTHLKQ Nha-Trang, tốt nghiệp khóa L-5 Quan Sát, sau đó được tuyển chọn xuyên huấn T28 và A-1 Skyraider tại Hoa Kỳ. Trở về nước, anh phục vụ tại Phi Đoàn 110 Quan Sát-Đà Nẵng, sau cùng là Phi Đoàn 518 Phi Long- Khu Trục A-1 , KĐ23CT, SĐ3KQ Biên Hòa. Trong những ngày sau cùng, PĐ 518 dọn về Tân Sơn Nhứt.
... Anh là mẫu người hùng KQ từng tham dự hầu hết các chiến trường: Cam bốt, Quảng Trị, An Lộc. Là một người đầy nhiệt huyết, không bao giờ từ chối bất cứ một phi vụ nào dù là nguy hiểm, anh là một Phi tuần trưởng gương mẫu, lấy phương châm: Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm làm điều tâm niệm.
Trong trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, khi Phi đoàn Khu Trục từ Biên Hoà tăng phái cho mặt trận Quảng Trị, anh Phùng chính là một trong ba Pilot diệt nhiều xe tăng nhất. Người đầu tiên là Trần Thế Vinh, 20 chiếc, anh Lành 17 chiếc và anh Phùng diệt 15 chiếc.
Tôi được hân hạnh cùng bay chung với anh hai lần...
* Phi vụ đầu tiên: Thả bom CBU-25
Vào tháng 8/1974 VC vi phạm Hiệp Định Ba Lê, pháo kích vào phi trường Biên Hòa. Để trả đũa hành động nầy, Đại Tá Hoàng Thanh Nhã, KĐT KĐ23CT,SĐ3KQ chỉ thị 2 phi tuần Khu Trục A-1 dùng bom CBU-25 để thi hành một nhiệm vụ lịch sử: oanh tạc Tổng Hành Dinh của MTGPMN ở đồn điền Minh Thạnh gần Lộc Ninh. Phi tuần số 1 do Th/tá Phùng và Tr/u Đinh văn Đức. Phi tuần thứ 2 do tôi và Tr/u Nguyễn Tứ Đức. Sau khi nghiên cứu kế hoạch hành quân, tính toán giờ bay, hướng bay một cách rất cẩn thận và để giảm thiểu sự nguy hiểm, Th/tá Phùng đề nghị nhập 2 phi tuần thành 1 hợp đoàn 4 chiếc, dùng chiến thuật truy kích, với yếu tố bất ngờ, chớp nhoáng, bay thấp trên ngọn cây. Với chiến thuật nầy đòi hỏi người Leader một khả năng, kinh nghiệm, bình tĩnh, sáng suốt cũng như gan lì vì thỉnh thoảng Leader phải lên cao 5 hay 7 trăm bộ để nhận dạng những "check point"(điểm chuẩn) tránh bị bay lạc.
Lợi dụng mặt trời sắp lặn, chúng tôi lấy Lai Khê làm điểm xuất phát, bay về hướng Bắc dọc theo Quốc Lộ 13, qua khỏi An Lộc 5 dặm, đổi sang hướng Tây, khi thấy Lộc Ninh thì chuyển hướng Đông Nam để oanh tạc vào bên hông địch. Chúng tôi phải vượt qua hàng rào phòng không dày đặc, trên đường đi, ngay cả đường về. Rất nhiều lần chúng tôi lướt trên những dàn cao xạ, nhìn thấy bọn chúng quay vòng những họng súng và bắn vói theo. Nhờ vào sự can đảm phi thường của Th/tá Phùng nên chúng tôi đã hoàn thành sứ mạng và trở về đáp an toàn lúc 8 giờ tối. Một điều tôi ghi nhận thêm là lần đó, Th/tá Phùng thà ngậm đèn bấm soi sáng những phi cụ để bay (vì phi cơ của anh bị hỏng đèn phi cụ) nhưng nhứt định không chịu hủy bỏ phi vụ dù rằng trong phiên họp buổi trưa Đ/Tá Nhã đã lưu ý 2 lần: "Nếu có gì bất trắc các bạn ráng chịu đựng qua đêm, sáng mai mới có trực thăng rescue".
Bốn giờ sáng ngày 29/4/75 VC pháo kích hàng loạt vào phi trường Tân Sơn Nhứt. Tôi nhận điện thoại rồi chuyển lịnh cất cánh khẩn cấp đến Th/tá Lê Văn Sang, Trưởng Phòng Hành Quân PĐ 518. Sẵn đó ông kêu tôi đi bay, nhưng vì thấy tôi thiếu wingman nên Th/tá Phùng tình nguyện và thách thức:
- Trâu đạp cũng chết, chó đạp cũng chết! Tao bay với mầy coi có chết thằng tây nào không?
Trên đường ra bãi đậu với tiếng rít, tiếng pháo nổ liên tục nghe rợn người nhưng không làm sờn lòng Th/tá Phùng mà ngược lại anh đã nung đúc tinh thần tôi qua câu nói:
- Đ... tụi nó pháo bằng loại súng gì mà liên tục, kinh người chưa từng thấy! Bằng mọi giá, tụi mình phải lên (cất cánh) cho bằng được, dù phải hy sinh! Hy vọng mình có thể bảo vệ được bao nhiêu người, trong đó có vợ con mình đang ở đây, chẳng lẽ mình nằm ở đây chờ pháo chết cả đám hay sao?
Đến bãi đậu phi cơ, dù trong mưa pháo, các anh em phi đạo đã chờ sẵn từ lúc nào .. Th/tá Phùng dõng dạc ra lịnh:
- Quay máy xong các bạn "choke out" ngay, chạy tìm chỗ núp ngay, mặc kệ chúng tôi. Đừng để chết chùm cả đám nghe chưa!
Tiếng rít, đạn pháo nổ gần đó liên tục, sau khi nổ máy lôi taxi ra khỏi ụ, Th/tá Phùng còn đứng dưới đất và ra dấu bình điện bị hư không quay máy được, buộc lòng tôi phải cất cánh một mình. Đến Phú Lâm, theo sự hướng dẫn của Tr/u Trần Văn Bảo, trưởng phi cơ AC-119K-Tinh Long 06, tôi thả 2 trái bom xuống chỗ có 2 làn khói trắng đang bốc lên.
Xin nói thêm là AC119 là loại vận tải hai đuôi to lớn dềnh dàng, chuyên đi thả trái sáng và yểm trợ Bộ Binh bằng những ụ súng 6 nòng bắn kêu ò ò như bò rống.
Sau đó tôi ngưng lại và tiếp tục bao vùng và nhìn thấy vài ba chiếc trực thăng đang quây quần ở hướng Đông. Độ 15 phút sau, có lẽ bọn VC nghĩ rằng phi cơ của tôi đã hết bom nên pháo trở lại liên tục. Quá nhiều dàn pháo! Bấy giờ tôi mới nhìn rõ và đây là lần đầu tiên trên chiến trường tôi gặp phải, mỗi dàn 4 khẩu, đạn pháo không ngớt bay lên. Nhìn về hướng Sàigòn, những cột lửa bốc cao, lòng đau như cắt, thương thay cho dân lành vô tội! Không do dự, tôi nhào xuống thả bom nhắm vào một trong những làn khói đang bay lên. Hơn bao giờ hết, tôi thấy cần sự trợ giúp, tôi thầm gọi:
- Anh Phùng ơi, anh ở đâu, sao không lên đây giúp tôi một tay, tôi đang cần anh, anh có biết không ?
Chừng 5 phút sau, khi tôi sắp sửa nhào xuống để thả bom, tôi thấy những đám nổ ở dưới đất, tôi nghĩ lầm là do một chiếc trực thăng võ trang nào đó vừa bắn rocket xuống mục tiêu nên cự nự:
-Tinh Long 06, bạn đã cho tôi đánh random attack, sao lại cho trực thăng võ trang vào "ăn có"? Nó bay cao độ thấp, nhỡ tôi không thấy mà nện trên đầu nó thì sao!
- Phi Long 51, tôi đã đuổi tụi nó bay sang hướng Đông của Quốc Lộ 4 rồi, chỉ có một mình bạn làm việc mà thôi, nhưng để tôi quan sát kỹ lại xem có phải là tiếng nổ phụ không?
Vòng kế tiếp, tôi vẫn thấy đám nổ phụ và nghe Tinh Long 06 trong vô tuyến:
- Dường như có thêm một chiếc A-1 nào nữa vào đánh phụ bạn đó Phi Long 51! Tôi không thấy rõ và không liên lạc được trong vô tuyến, nhưng không phải là trực thăng đâu bạn!
Tôi nghĩ ngay tới Th/Tá Phùng.
-OK, có thể Th/Tá Phùng lên giúp chúng ta, có thể ổng hư vô tuyến nên "monkey see monkey do" bạn đừng lo, thấy tôi đánh ở đâu, anh ấy sẽ thả bom ở đó.
Chúng tôi quần thảo và cày nát khu vườn đó và cũng nhờ hàng chục hỏa châu soi sáng nên rất dễ dàng "lượm" những dàn pháo nầy.
Hết 10 trái bom, tôi bay thêm năm bảy vòng trước khi trở về Tân Sơn Nhứt lúc 05 giờ 30 phút, không quên xin Paris (đài Kiểm Báo TSN) điều động thêm 1 phi tuần lên thay. Sang tần số đài Saigon Tower, tôi hỏi sau tôi có chiếc A-1 nào cất cánh không và được trả lời:
- Không biết nữa bạn ơi, nó pháo quá, chúng tôi phải chạy xuống hầm và vừa mới trở lên trên đây!
Tuy nghe vậy nhưng tôi tin chắc với bản tánh can trường, không khuất phục trước mọi khó khăn hay nguy hiểm, Th/Tá Phùng không bao giờ hủy bỏ phi vụ, nhất định là anh đã bay lên cùng tôi chiến đấu bên nhau. Chúng tôi tiếp tục bao vùng trên TSN và vùng phụ cận. Sau đó chiếc chiếc AC-119K Tinh Long 07 do Tr/u Trang Văn Thành, Trưởng phi cơ lên thay thế cho Tinh Long 06 về đáp.
Chiếc ACK 119, Tinh Long 6 đã có công cứu bao nhiêu đồng đội và dân chúng Thủ Đô vào những giờ phút chót, làm giảm bớt những vụ pháo kích tàn sát của Cộng Quân. Bây giờ Tr/úy Bảo đã bay "chuyến bay vĩnh biệt" anh em tại thành phố New Orleans!
Đến 6 giờ, trời mờ mờ sáng, tôi thấy anh Phùng bay bên cánh phải với 2 trái bom, đồng thời nghe trên tần số, một phi tuần 2 chiếc A-1 của PĐ 514 cất cánh từ Cần Thơ do Th/tá Hồ Ngọc Ấn và Đ/U Nguyễn Tiến Thụy đang trên đường tiến về Thủ Đô.
Lúc 6 giờ 25 phút, Tr/U Thành tình nghi một đám CSBV định cắt hàng rào phòng thủ ở hướng Bắc của phi trường, nên hướng dẫn Th/tá Phùng thả 2 trái bom còn lại. Sau đó vô tuyến của Th/Tá Phùng bắt đầu hoạt động tốt và anh gọi tôi đáp xuống TSN.
Vì biết vô tuyến của Th/tá Phùng bất thường nên tôi nhường anh đáp trước. Nhưng trước khi chạm bánh, đột nhiên anh tống ga bay lên và bảo tôi đáp trước rồi chờ anh. Lẽ ra tôi định bay theo nhưng vì lo lắng an nguy của vợ con đang tạm trú gần nơi bị pháo nên tôi đáp xuống TSN lúc 6 giờ 50 phút.
... Khoảng 5 hay 7 phút sau, tôi đứng ngoài phi đạo và theo dõi chiếc Tinh Long 07 đang bắn yểm trợ dọc theo vòng đai phía Bắc. Thình lình động cơ bên phải phi cơ bị hoả tiễn SA7 bắn trúng, kế đó cánh phải đứt lìa, phi cơ cắm đầu, quay như con vụ và rơi xuống đất trong sự ngỡ ngàng, thương tiếc của hàng vạn người trong và ngoài TSN...
Chờ Th/tá Phùng thêm 15 phút nữa mà không thấy anh trở về đáp, tôi quá giang xe xăng để vào biệt đội, trong lòng thầm nghĩ Th/tá Phùng vì thấy chiếc Tinh Long 07 bị bắn nên đã bay đi Cần Thơ? Chiều hôm đó đáp ở Cần Thơ, tôi cũng không thấy Th/tá Phùng! Coi như anh đã mất tích kể từ đó, không ai biết gì ngoài những tin đồn mù mờ.
Hơn 30 năm, lúc nào tôi cũng ưu tư về sự mất tích của Th/tá Phùng. Thông cảm nỗi niềm của tôi, Nguyễn Chí, một người em KQ đã hết lòng truy tìm suốt nhiều tháng và cuối cùng Chí đã tìm được hài cốt của Th/tá Phùng, mang về cho gia đình anh ấy ngày 2/12/2008.
TRẦN VĂN PHÚC
Kỳ tới: Hành Trình Tìm Di Cốt Thiếu-Tá Trương-Phùng, nhờ sự hiển linh và ngoại cảm
0 comments:
Post a Comment