Tôi đang đứng trên một bờ ruộng cạnh quốc lộ 22 hướng về tỉnh Tây Ninh, phía sau tôi là cây cầu cũng mang tên cầu Bông, trùng tên với cây cầu trong khu Đa Kao thuộc nội đô Sài Gòn. Cây cầu Bông này là mốc địa giới giữa quận Hốc Môn thuộc tỉnh Gia Định và quận Củ Chi của tỉnh Hậu Nghĩa. Thấp thoáng trên các thửa ruộng và sau hàng cây trâm bầu là những chiếc xe tank M 113, xe GMC, xe Jeep... của binh sĩ Sư Đoàn 25 Bộ Binh miền Nam Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ lại sau khi cả nước tan hàng tập thể trong hơn tháng trước. Trí tưởng của một thanh niên mới vừa 18 tuổi về hình ảnh người lính chiến đã khiến tôi háo hức rảo bước vào khu vực có các xe quân sự ở đây. Theo sát bên là Trí, em họ, con người cậu ruột tôi. Cả hai lần lượt trèo vào từng chiếc xe, nhất là xe tăng M 113, xà vào chỗ mà những người lính đã từng ngồi khi họ chạy xe hoặc lúc tác xạ. Súng trường M 16, súng đại liên M 60, súng M 79, mũ sắt, giầy trận, quần áo lính, giấy tờ và các dây đạn vàng chóe... vẫn còn sót lại trong lòng xe cùng nằm rải rác dọc theo các bờ ruộng, trên các đoạn đường nhựa nơi tôi và Trí vừa đi qua.

Là dân sống trong nội đô Sài Gòn, tôi theo mẹ về dưới đây, một xứ đạo di cư từ thời 1954 trong vùng Hốc Môn để bà nhờ thân nhân là cha mẹ của Trí dọ tìm mua ruộng trồng lúa trong buổi giao thời, thay vì chờ nhà nước Cộng Sản đưa đi vùng kinh tế mới như những lời đồn đãi của hàng xóm trong khu phố. Chợt có tiếng lên đạn loạt soạt vọng lại không xa, tôi vội trèo lên khỏi lòng chiếc xe tăng và đảo mắt nhìn chung quanh. Ngay sau các thân xe nhà binh gần kế, vài thanh thiếu niên cũng trạc tuổi hoặc nhỏ hơn tôi đang cầm một cây súng trường M 16 trên tay. Tiếng một thanh niên trong nhóm đó chỉ dẫn cho các bạn mình biết cách sử dụng cây súng và rồi là tiếng bấm cò, tiếng kim hỏa mổ vào chỗ trống. Cây súng đó không gắn đạn. Các thanh thiếu niên trong nhóm chuyền tay nhau, lập lại các động tác vừa được chỉ dẫn vài lần trong tiếng cười vui đùa giỡn rồi sau đó, họ vất cây súng vào một thùng xe và kéo nhau bỏ đi.

- Mấy thằng đó thấy có vẻ rành súng đạn quá mầy Trí. Tụi nó là ai vậy? Tôi nhìn theo đám thanh thiếu niên, buột miệng hỏi.

- Đám con lính đó anh. Tụi nó ở khu gia binh công binh gần chợ Thành Ông Năm, em biết mặt hết nhưng không quen. Trí trả lời tôi.

Thảo nào! Tôi nghĩ thầm, Trí quay qua tôi nói: " Mình ráng kiếm xem coi có cây ru lô nào không anh ". Tuổi thanh thiếu niên, hầu như ai cũng thích được sở hữu một khẩu súng lục trong tay, Trí và tôi cũng vậy. Do đó, nó mới rủ tôi đến đoàn xe nhà binh vô chủ trên cánh đồng để kiếm nhưng hai đứa leo tới leo lui lục lọi từng chiếc một mà vẫn không thấy. Nếu còn thì đám thanh thiếu niên ban nãy đã xí phần rồi vì khi tôi và Trí vào đây đã thấy mặt họ từ trước. Dù vậy, cả hai đứa tôi vẫn cố sục sạo trong đống đồ đạc lính bỏ sót lại ở thùng xe. Súng trường M 16 nằm đầy chung quanh nhưng làm sao tôi dám mang một khẩu về nhà! Đám du kích biết là chết, ru lô thì còn dấu trong người được. Chỗ nào cũng gặp lựu đạn thân tròn như quả vú sữa hoặc giống hệt quả na rất đẹp nhưng sợ nó nổ bất tử nên hai đứa tôi chẳng dám đụng vào. Gió đồng bắt đầu thổi tạo thành các vệt sóng màu cẩm thạch uốn éo trên mặt lúa con gái trong các thửa ruộng trông thật đẹp. Tìm không ra súng, tôi và Trí đành bỏ đoàn xe và quay trở ra ngoài đường lộ mà chưa biết sẽ làm gì tiếp. Trời đã gần chiều, xa xa có bóng một phụ nữ mặc áo trắng đang lui cui nhặt tìm cái gì đó ở gần lề đường. Hai đứa tôi tiến lại chỗ người phụ nữ. Bà đang xem từng tấm thẻ căn cước quân nhân, thẻ bài kim khí, thẻ lãnh lương của lính vất nằm vương vãi trên đường, ở các cạnh bờ ruộng hoặc dạt vào chân các bụi lúa. Nhiều tấm thẻ nhòe mực dấu đỏ, bết đất sình hoặc thấm ướt đẫm nước. Vài mũ sắt, giầy trận, dây thắt lưng lính... nằm rải rác sát đường nhựa. Mắt người phụ nữ này đỏ hoe như vừa khóc xong. Tôi nhìn bà, hỏi:

- Dì kiếm cái gì vậy hả dì?

- Chị xem coi có giấy tờ của anh ấy không? Chiến tranh chấm dứt rồi mà chị không thấy ảnh về nhà.

Rồi người phụ nữ kể thêm, chồng bà là một binh sĩ Biệt Động Quân tăng phái chiến đấu tại khu vực Hốc Môn-Thành Ông Năm này trong những này cuối cuộc chiến của tháng 4 vừa qua. Gượng gạo cười với hai đứa tôi, bà tiếp:

- Ảnh tên Tia, Nguyễn Văn Tia... Các em nếu thấy tấm thẻ bài hoặc giấy tờ nào có ghi tên Nguyễn Văn Tia thì đưa cho chị nha. Rồi bà lầm thầm: " Anh Tia ơi! Anh ở đâu sao không về. Để một mình em với các con biết làm sao xoay sở đây hả anh? ". Tôi và Trí nhìn nhau trong im lặng rồi gật đầu với bà. Người phụ nữ quay đi, lò mò nhặt tiếp các tờ giấy vương vãi dọc theo các bờ ruộng. Hai đứa tôi kéo nhau băng sang qua phía bên kia con đường nhựa. Ngay chân trụ điện cao thế sát lộ, loang lổ đất cát lấp vội vào một hố cá nhân nhưng vẫn còn để lộ ra các lóng xương, mảnh vụn thi thể người ở bên dưới. Mũ sắt, súng trường M 16 cùng vài băng đạn vẫn còn nằm gần bên trên mặt hố. Chúng tôi vội lùi xa khi luồng gió đồng thổi đến làm bốc lên mùi xác người đã rữa. Không xa lắm gần mép bờ ruộng có một gò đất nhỏ mới đắp, đúng hơn, đó là nấm mộ vì ngay phía trên đầu có một khẩu súng trường M 16 cắm ngập xuống đất với chiếc mũ sắt chụp phủ lên báng. Hình ảnh nấm mộ trông in hệt trong một cảnh phim chiến tranh lúc tàn cuộc. Chợt có tiếng người phụ nữ ban nãy gọi chúng tôi từ xa xa, hai đứa liền quay trở lại. Đến gần, tôi nhìn kỹ mặt bà, một phụ nữ người miền Nam khoảng 40 tuổi. Vẻ nhẫn nại, chịu đựng với nét buồn bã của người vợ lính đi tìm tông tích chồng nhưng vô vọng, làm tôi tự dưng có cảm tình với bà. Bà hỏi:

- Các em ơi! Có biết lính mình còn đóng quân ở đâu nữa không? Các em có nghe có thấy nơi nào trong vùng này mà... lính quốc gia mình vẫn còn chiến đấu chưa ra hàng không? Chỉ cho chị biết chỗ đó đi.

- Lính... thì... thấy hay đóng trong khu rừng Điều lắm... Mà khi đó chứ bây giờ chắc không còn ai nữa đâu dì ơi. Không còn ai nữa. Hết cả rồi. Trí luống cuống trả lời bà.

Mắt người phụ nữ sáng lên và nhìn trân trối vào Trí, miệng bà lắp bắp hỏi dồn dập: " Rừng Điều! Lính còn đóng ở đó hả? Cách đây bao xa? Làm sao đi vào trong đó được? Hay là em vào đó tìm anh Tia giúp chị đi. Chị gửi tiền cho em ngay bây giờ. Đi ngay đi em, giúp chị đi mà. Tội nghiệp chị ". Rồi bà nấc lên khóc, khóc ngon lành trong màn lệ khi nhìn chúng tôi. Tôi bối rối, thương cảm, quay qua nhìn Trí dò hỏi. Nó im lặng nhìn tôi, nhìn người phụ nữ trong chốc lát rồi khẽ lắc đầu, quả quyết:

- Không còn lính mình trong đó nữa đâu dì ơi! Cháu biết rõ như vậy, với lại muốn đi vào trong đó thì phải có xuồng chứ lội bộ sình lầy không cách nào được.

Người phụ nữ hai mắt đỏ hoe, sụt sùi nài nỉ Trí cố giúp nhưng nó vẫn lắc đầu, đứng yên. Thấy không xong, bà ta quay qua nắm lấy tay tôi, van nài:

- Giúp chị nha em? Tội nghiệp chị mà! Nhà chị ở xa lắm, đến đây nào có biết đường đi vào đó đâu.

Nước mắt bắt đầu từ từ rỉ ra ở khóe mắt tôi. Khẽ gỡ tay bà, tôi trả lời:

- Dì ơi, Dì! cháu cũng ở Sài gòn mới về đây có ít ngày hà. Cháu thực không biết chỗ đó đâu. Nếu biết thì cháu...

Tôi chưa nói hết câu thì đã bị Trí kéo tay đi ra chỗ khác. Được một quãng khá xa rồi nó mới nói:

- Anh đừng nhận lời giúp bả. Làm sao mà mình đi vào trong đó được? Hơn một tháng giải phóng rồi, không còn lính nào còn trong rừng Điều đó hết. Em biết rõ như vậy.

Tôi chưng hửng nhìn Trí rồi quay đầu về chỗ người phụ nữ, bà vẫn còn đứng đó, tay vẫy vẫy chúng tôi trong tiếng nấc. Hai đứa tôi lại đi dọc theo con đường nhựa và ở khoảng cách không xa lắm trước mặt, một thiết vận xa M 113 nằm khuất bên rặng cây bình bát mọc chung với các bụi sim dại cùng dứa gai gần sát lề đường. Tôi và Trí hăm hở tiến đến cùng ý nghĩ sẽ vớ được một khẩu ru lô trong chiếc xe tăng đó và quên hẳn chuyện bà phụ nữ đáng thương. Đến nơi, nhìn qua cánh cửa mở toang ở phía đằng sau, trong lòng chiến xa có nguyên một cây súng Cối khá lớn. Một chút ngạc nhiên vì lần đầu tôi thấy súng Cối được đặt trong lòng xe tăng M 113. Tôi hăm hở, nắm tay vào cạnh cửa xe, định trèo vào trong thì mũi ngửi thấy mùi khăn khẳn. Cái mùi của xác người chết. Tôi dừng lại để nhìn cho kỹ bên trong xe. Thi hài một quân nhân còn nguyên cả đồ trận, giầy saut nằm ngay trên sàn xe sát cạnh chân đế của cây súng Cối. Tiếng ruồi vo ve gần bên làm tôi bước lùi lại. Nhìn thân chiếc xe tăng không một vết đạn, không lẽ người lính này đã tự sát hoặc bị thương rồi chịu đựng không nổi, kiệt sức mà chết, tôi thầm nghĩ. Trí thò đầu vào cửa xe thì thấy có người nằm chết nên nó vội kéo tay tôi đi ra xa và nhăn mặt, nói khẽ:

- Sao không ai chôn ông lính đó đi... Để vậy trông ghê quá anh.

- Ê! Hay mình lại chỗ bà vừa rồi bảo bả đến đây xem thử cái xe tăng này. Biết đâu chồng bà là ông lính nằm ở trong đó mầy. Tôi nói với Trí.

- Thôi anh, hơi sức nào. Trí lắc đầu rồi sau đó tiếp: " Chồng bả là lính Biệt Động Quân còn ông nằm trong xe mặc đồ xanh bộ binh mà, không phải đâu, kệ bả ".



Hai đứa tôi đi thêm một đoạn đường nữa thì gặp một cây cầu xi măng đúc bắc ngang qua mặt con rạch sát với lề đường nhựa quốc lộ. Trí kéo tôi băng qua cầu, tiến vào bên trong của khu đất khá rộng. Một tòa nhà gạch lớn nhưng chỉ còn các bờ tường chung quanh cùng nền nhà loang lổ, trống trơ, toác hoác nằm giữa khu đất. Cây dừa cụt ngọn cùng cây mít èo ọt đứng gần một hố nước lớn nổi váng xanh rì. Mái nhà lợp ngói đã sụp gần hết, lòi ra những rui gỗ cháy đen nhẻm, lở dở. Những phần tường còn lại thì đầy vết đạn nham nhở lòi ra gạch nâu đỏ. Dấu vết một trận giao tranh đã từng xẩy ra ở đây. Tòa nhà được ai cất biệt lập giữa cánh đồng và bị hoang phế bao lâu rồi? Tôi thắc mắc hỏi thì Trí cho biết:

- Nhà này có từ thời Tây lận và bị tan tành khá lâu rồi. Mấy ổng năm đó kéo về cố thủ rồi trực thăng bay đến quần nhau mới teng beng như vậy. Xác người chết nhiều lắm, em nghe kể vậy chứ cũng không thấy vì lúc đó còn bé tí biết gì nhiều anh.

Phần cuối khu đất đó dẫn ra một con đường hẹp có các lùm bình bát, bụi ô rô, cụm cóc kèn, vạt nhành nhành, dứa hoang hoặc đám sim dại mọc xum xuê về một phía như khu rừng lưa thưa. Phía đối diện khu đất là con rạch nhỏ chạy song song với con đường đất. Hoa sim mầu tím sẫm cùng cánh trắng của các đóa nhành nhành đung đưa trong làn gió chiều. Vài con ong rung cánh u u bay kiếm mật lướt ngang các bông hoa dại. Cánh mỏng của con chuồn chuồn ngô đỏ sậm khẽ đáp rồi lại đậu chập chờn trên các cành cây bình bát la đà sát mặt nước. Nước trong vắt chảy lững lờ dưới con rạch, lôi vài nụ bèo cái cùng giề lục bình trôi nhè nhẹ. Chợt Trí lấy tay chỉ tôi xem cái gì như quần áo nổi lùm xùm trong một bụi năng. Hai đứa tiến lại xem. Trời! Một xác người đang rữa nát. Đi tiếp, tôi và Trí trông thấy thêm các xác người khác nổi dập dềnh đây đó trong lòng con rạch. Họ là thường dân, chắc chắn như vậy vì đều mặc thường phục. Hầu hết là xác đàn ông nhưng cũng có một xác phụ nữ qua mái tóc dài cùng bộ y phục hoa hòe trên người. Trí kéo tay, chỉ tôi nhìn một xác đàn ông nổi úp mặt, phơi lưng gần bờ mà hai tay bị trói chặt bằng sợi dây thừng. Bước chồm sát tới để xem cho rõ, chân của Trí vô tình đạp trúng vài cục đất trên bờ rạch làm chúng lăn tòm xuống nước. Nghe động nước, một đàn cá rô bơi ra từ dưới bụng của xác người đó. Tôi dõi mắt theo đàn cá phải cả hàng mấy chục con là ít rồi nhìn lại xác người. Trên lưng áo trắng bỏ vào quần của nạn nhân còn dấu những vết đạn, máu loang lổ đã phai, đổi sang màu nâu sậm. Tôi và Trí lấy tay bụm miệng kinh hoàng nhìn nhau. Những xác người nổi phình trong con rạch này là ai? Tại sao họ bị thảm sát bỏ xác ở đây và ai đã giết họ? Tôi khẽ gật đầu đồng ý khi nghe Trí thều thào: " Mấy người này chắc mới bị giết chừng hai ba tuần lễ, anh à ".



Khá xa, tuốt trong phía sâu con rạch có bóng 2 người lui cui khuất sau các hàng cây, lùm bụi xanh đen. Ai trong này? Họ có thấy xác người nổi phềnh không mà còn ở đó. Gan quá vậy! Tôi và Trí tò mò, im lặng từng bước tiến lại xem. Một người đàn bà cùng một cô gái tuổi thiếu niên đang quỳ gối, cúi đầu đọc kinh lầm thầm trước một tờ báo cũ trải ngay trên mặt đất với ít bánh ngọt bisquit và chung nước nhỏ. Gần mép rạch, vài cây nhang tỏa khói cắm gần một cái dép nhựa đã cũ. Loại dép có dây quai bọc gót và là chiếc ở phía chân trái. Tôi nhìn xuống con rạch, thoáng rùng mình khi thấy xác một người đàn ông áo trắng sọc ca rô, quần xanh đen nổi phình trên các bụi năn bụi lác. Chân phải nạn nhân vẫn còn dính chiếc dép có dây quai tương tự với chiếc vừa rồi nằm trên bờ. Một xe Honda Dam hai bánh dựng gần bên phía có nhiều cây cối. Trí quay sang hỏi vài câu với người đàn bà và cô gái nhưng cả hai người họ vẫn nhắm nghiền mắt, miệng lầm thầm nguyện kinh, không để ý đến sự việc chung quanh. Gió đồng thổi từng cơn, thoang thoảng mang mùi xác chết từ dưới lòng con rạch thốc vào mũi hai đứa tôi. Cái mùi kinh khủng, đặc biệt và không lẫn với bất cứ mùi nào khác. Tôi khoát tay ngầm ra dấu cho Trí thối lui. Cả hai đứa im lặng quay về lối cũ. Ngang qua những xác người chương sình, hai đứa tôi rảo chân bước nhanh hơn. Xác đàn ông đều nổi xấp, một điều siêu hình, ngẫu nhiên hay vì cấu trúc của cơ thể nên mới vậy? Những nạn nhân dưới lòng rạch này bị giết lẻ tẻ từng người hay cùng chung trong một vụ thảm sát tập thể. Người phụ nữ và cô gái, nhân thân họ thế nào? Nạn nhân chân phải mang chiếc dép có quai cột nổi dưới lòng rạch là gì của họ? Là cha, chồng hay anh em ruột thịt trong nhà? Tại sao họ lại nín lặng không trả lời khi Trí cất tiếng hỏi và đặc biệt lại không than van, khóc lóc mà chỉ lầm thầm đọc kinh. Có xe Honda Dam dựng gần bên, vậy thì hai người họ cũng ở đâu đó không xa trong vùng. Đã gặp được xác người thân, sao họ không mang về chôn cất? Sợ? Do hoàn cảnh riêng hay một cấm đoán từ chính quyền mới? Ở Sài Gòn, chốn phồn hoa đô hội, có bao giờ tôi gặp hình ảnh này. Tôi thắc mắc và choáng váng, bước chậm từng bước chân rã rời, mơ hồ như thấy cảnh thảm sát vừa mới xẩy ra ở trước mặt.



Đồng lúa ở đây vào lúc chiều thật êm ả cùng vài cánh cò trắng bay chập chờn như trong các câu chuyện, hình ảnh về cảnh thôn quê thời thanh bình. Trên con đường nhựa quốc lộ xa xa, xe gắn máy 2 bánh, xe đò và xe lam chở khách vẫn bình thản chạy vụt qua lại. Đâu ai biết bên vệ đường đang có một người tuyệt vọng mò tìm tung tích của chồng mình và trong tận cùng con rạch nhỏ, có hai người đang nguyện kinh bên thi hài của thân nhân.

Đứng trên mặt cầu xi măng đúc gần con đường nhựa quốc lộ, tôi và Trí dừng chân nghỉ ngơi trong giây lát. Trời bây giờ đã thật chiều trên cánh đồng lúa nhá nhem đổi thành màu xanh đen. Mây từ phương xa kéo về giăng giăng xám xịt khắp bầu trời nên trông thật ghê rợn. Một tiếng chớp nổ đùng chát tai thật to cùng với tiếng gió rít mạnh hơn làm tôi và Trí giật mình hoảng hốt. Nỗi hoảng hốt trước hiện tượng thiên nhiên cũng như hình ảnh đã thấy suốt buổi chiều hôm nay ở lòng con rạch làm tôi khiếp sợ. Bên tôi, Trí cũng vậy, da gà nổi nhọn trên cánh tay ôm khoanh trước ngực nó. Tiếng chớp và bầu trời đầy mây xám hứa hẹn một cơn mưa sắp đến gần sau những ngày khô hạn cũng như hình ảnh xác người chết nổi trong lòng rạch báo hiệu một tương lai ảm đạm, thê thảm cho người dân miền Nam Việt Nam Cộng Hòa sau những ngày bại trận.

" Tiếng ai oán hờn căm trong gió
Một tấc quê hương, một tấc người ".


Phạm Thắng Vũ.

(Viết để tưởng nhớ các nạn nhân Cộng Sản (viên chức hành chánh cấp Xã, Ấp vùng Hốc Môn-Củ Chi) đã bị thảm sát sau ngày 30-4-1975.