Họ đã cùng nhau bước xuống đường. Bỏ lại sau lưng những tủi hờn và đi về phía trước để thắp lên ánh sáng công lý. Họ mang trên mình hình Đức Mẹ Công Lý, giương cao những cành Thiên Tuế biểu tượng cho tinh thần tử đạo. Tay nắm tay, bước nối bước, giữa phố phường họ cất vang lời hát: “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm; đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng; dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu..”.
Họ là những người mẹ, người cha, anh, chị, em… Những người dân tay yếu chân mềm. Họ là những người dân của giáo xứ Thái Hà trước giờ phút phiên tòa Phúc thẩm của đảng và nhà nước CSVN xét xử 8 giáo dân vào ngày 27/03/2009. Phiên tòa xảy ra tại Hà Đông, cách Hà Nội 10 km. Hơn 10.000 người (căn cứ vào lượng bánh mì phát ra cho giáo dân) đã đồng hành 10 km từ Hà Nội đến Hà Đông để gửi lời nhắn nhủ đến các nạn nhân của nền pháp luật đảng trị phi công lý: chúng tôi đang ở cùng các anh chị em.
Đón tiếp họ trước khuôn viên tòa án là hàng hàng lớp lớp những kẻ mặc áo đen hàng chữ vàng CSCĐ. Phiên tòa lập xử công khai, nhưng không cho ai vào, trừ vài người nhà bị cáo. Giáo dân từng đoàn ở ngoài đường,vườn hoa, hát… và hô vang vô tội vô tội!!! Những cành Thiên Tuế vẫn được giương lên. Giơ cao hơn những cái đầu đội nón sắt CSCĐ là một tờ giấy viết hàng chữ: “Chúng tôi đồng trách nhiệm“. Xen lẫn giữa tiếng còi xe, còi cảnh sát vẫn trầm đều giọng hát của các Mẹ, các Chị… ”Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con đem yêu thương vào nơi oán thù…“
Họ đã đối diện với bạo lực bằng tiếng cười, trả lời những hù dọa, trấn áp bằng lời hát, xóa tan nỗi sợ hãi bằng nhịp vỗ tay. Trên mỗi gương mặt toát lên niềm phấn khởi, tự tin. Những cô gái cười tươi, những bà mẹ như trẻ lại 10 tuổi. Cùng nhau họ hát “Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam… Mẹ hãy giơ tay ban phúc Bình An, cho Việt Nam qua phút nguy nan…” Và lẫn lộn trong đám đông, đứng đó, là hình ảnh một chàng thanh niên với tấm bảng viết chữ “Sự Thật“.
Kết luận từ phiên tòa của các bạo chúa vẫn không thay đổi. Nhưng chiến thắng thuộc về phía người dân. Họ đã ra khỏi nhà, bước qua khỏi những sợ hãi cố hữu thường ngày. Từ họ, một thông điệp được gửi đến cho các nạn nhân: các anh chị em không cô đơn. Thông điệp cũng được tự gửi cho chính họ ngày mai: mỗi chúng ta sẽ không còn cô đơn. Sẽ không còn những người phải đứng thẳng trong cô đơn. Sẽ không còn những người phải sống một mình trong sợ hãi.
Những nạn nhân của nền pháp lý bất công đã được tiếp đón nồng nhiệt. Giữa bủa vây của đám đông công an CSCĐ, họ đã công khai cầm loa tuyên bố không đồng ý với kết quả của phiên tòa. Họ đã tuyên bố chiến thắng vì bản án và cả guồng máy chỉ là bàn tay không che nổi ánh sáng mặt trời công lý của 10,000 giáo dân Thái Hà.
Ngày ấy họ đã có mặt và trở thành những chứng nhân của lịch sử cho một cuộc đấu tranh cương quyết nhưng đầy tình người. Họ đã có mặt để làm chứng nhân của một nền pháp lý rừng rú và một thể chế cai trị bất nhân.
Các bạn, cùng nhau, chúng ta sẽ là những chứng nhân của lịch sử trong ngày V.
Tôi xin ai là chứng nhân trong cuộc,
nói dùm tôi quê hương giờ khốn khó
kể dùm tôi bao con đường bít lối,
kể giờ quê hương giăng mắc lao tù nói dùm tôi những hờn căm uất nghẹn,
những lầm than những chất ngất oán thù
nói dùm tôi bao kiếp người điêu linh,
nối bước về đâu tương lai rã rời
…
tôi xin ai là chứng nhân trong cuộc
nói dùm tôi cho quật khởi nẩy mầm
kể dùm tôi chuyện đất nước điêu linh,
nói dùm tôi cho vơi hết tội tình
kể dùm tôi chuyện đất nước điêu linh,
nói dùm tôi khi thế giới vô tình…*
* Chứng Nhân – thơ Đinh Tuấn
Dân Làm Báo
0 comments:
Post a Comment