30-4 : Cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và những trang đời tức tưởi
Cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và những trang đời tức tưởi
Con người từng trên dưới một thập niên làm Tổng thống của chính thể Việt Nam Cộng hòa do Washington hậu thuẫn và dung dưỡng, giờ đây chỉ để lại những đánh giá đầy mâu thuẫn và chủ yếu là tiêu cực, kể cả trong hàng ngũ những người từng ở cùng chiến tuyến với ông ta.
Đã tức tưởi hết lời trách móc những nhà bảo trợ đến từ bên kia Thái Bình Dương trong nguy khốn đã "đem con bỏ chợ" trong những ngày cuối tháng 4-1975, Nguyễn Văn Thiệu vẫn phải kết thúc kiếp nhân sinh của mình trên đất Mỹ (tại TP Boston) vào ngày 29-9-2001 ở tuổi 78.
Một đời xáo trộn
Trong số những viên tướng trở thành chính trị gia thành đạt ở Sài Gòn trước kia, Nguyễn Văn Thiệu có lẽ là một người đã mất công giấu giếm hành tung thực của mình nhất. Nguyễn Văn Thiệu quê ở thôn Tri Thủy, làng Khánh Giải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Có nhiều thông tin khác nhau về ngày sinh của Nguyễn Văn Thiệu. Vốn mê tín, hay tin vào tướng số và bói toán, ngay từ hồi trẻ, Nguyễn Văn Thiệu đã rất không thích để lộ "thiên cơ", sợ bị các đối thủ lợi dụng mà gây hại cho ông ta.
Một số nguồn tin cho rằng, ông ta sinh ngày 5-4-1923. Một số nguồn tin khác lại cho rằng Nguyễn Văn Thiệu thường khai ngày sinh của mình là 25-12-1924 cho được "ngày âm đẹp" là ngày 18 tháng 11 năm Giáp Tý (?!). Gia đình Nguyễn Văn Thiệu không thuộc loại cự phú nhưng cũng đủ sức cho con trai đi học hết các bậc tiểu học và trung học tại Phan Rang, thủ phủ của tỉnh Ninh Thuận.
Lớn lên, Nguyễn Văn Thiệu vào Sài Gòn kiếm kế sinh nhai, thoạt tiên học ở trường dân sự như Trường Kỹ thuật Đỗ Hữu Vị hay Trường Hàng hải nhưng tới năm 1948 đã ra Trường Sĩ quan Đập Đá ngoài Huế để theo học khóa sĩ quan trung đội trưởng trong vòng một năm. Có vẻ như ngay từ ngày trẻ Nguyễn Văn Thiệu đã biết cách gây dựng uy tín với cấp trên bằng sự khôn ngoan và khéo léo trong công vụ nên mới chỉ ở miền Tây được một thời gian ngắn, ông ta đã được đưa sang tu nghiệp ở Coequidan.
Khi chính phủ bù nhìn do thực dân Pháp dựng nên lập ra các đơn vị quân sự, Nguyễn Văn Thiệu đã trở thành một trong những trung úy trẻ đầu tiên của lực lượng này. Và ông ta đã thăng tiến khá nhanh. Mới ngoài 30 tuổi, năm 1955, Nguyễn Văn Thiệu đã là Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, tại Huế. Ba năm sau, ông ta được thăng cấp trung tá và giữ chức Chỉ huy trưởng Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt.
Các cố vấn Mỹ, lúc đó mới sang miền Nam Việt Nam để giúp đỡ chính quyền của Ngô Đình Diệm, đã mau chóng để ý tới viên sĩ quan thâm sâu và kín võ này. Kết quả là Nguyễn Văn Thiệu đã được đưa sang tu nghiệp hàng loạt khoá quân sự cấp cao về tham mưu, chính trị tại các cơ sở đào tạo quân sự của Mỹ như Port Leavenwort, Fort Blifshay Okinawa trên lãnh thổ Nhật...
Trong giai đoạn hết sức nhạy cảm và phức tạp đối với chế độ của anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, khi các cố vấn Mỹ luôn toan tính thay đổi luật chơi trên chính trường Sài Gòn, từ năm 1959 tới năm 1963, Đại ta Nguyễn Văn Thiệu đã ngồi ở vị trí cực kỳ quan trọng và có thế lực trong các cuộc thay ngựa giữa dòng là chức Tư lệnh Sư đoàn 5 bộ binh, đồn trú ngay tại Biên Hòa.
Và ông ta đã tận dụng uy lực quân sự trong tay để tìm cho mình những mối lợi lớn nhất trong các cuộc binh biến. Ngày 1-1-1963, nhờ đã đóng góp kịp thời vào việc dẹp bỏ anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu, Nguyễn Văn Thiệu đã được thăng làm thiếu tướng, giữ chức Tư lệnh Quân đoàn IV.
Hai năm sau, cũng trong một cuộc xáo lộn các quân bài chính trị ở Sài Gòn, ngày 18-1-1965, Nguyễn Văn Thiệu không chỉ được thăng trung tướng, mà còn được cử Đệ nhị Phó Thủ tướng trong nội các do ông Trần Văn Hương cầm chịch. Ngày 4-9-1967, trong một cuộc bầu cử đã bị lũng đoạn, Nguyễn Văn Thiệu đã đắc cử Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Ông ta cũng đã tái đắc cử vào vị trí này tháng 4-1972 với nhiều tai tiếng.
Cay cú ra đi
Mùa xuân năm 1975, trước sức tấn công như vũ bão của lực lượng vũ trang cách mạng và sự nổi dậy của nhân dân miền Nam, lại phải ở trong thế bị quan thầy bỏ của chạy lấy người, Nguyễn Văn Thiệu đã phải tuyên bố từ chức trong một bài diễn văn đầy ấm ức đối với người đồng minh Washington vào lúc 19h30" ngày 21-4-1975. Bắt đầu những giờ phút cáo chung của một chế độ Sài Gòn với bí quyết trụ sinh là phò tá các lợi ích của ngoại bang. Ông Trần Văn Hương lên thay thế Nguyễn Văn Thiệu, dù rất lão luyện trong trò chơi chính trị nhưng cũng chỉ sau vài ngày đã cảm thấy bế tắc nên bàn giao quyền cho tướng Dương Văn Minh.
Và ngày 30-4-1975, quân đội giải phóng đã tràn vào Dinh Độc Lập, buộc tướng Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng. Trước đó không lâu, Nguyễn Văn Thiệu đã sang Đài Loan rồi tới nước Anh tị nạn bằng chiếc DC-6 của Tòa Đại sức Mỹ từ Thái Lan bay qua Sài Gòn trong đêm 25-4-1975.
Trong cuốn "Decent Interval", trưởng đại diện CIA ở Sài Gòn năm 1975 Frank Snepp kể lại rằng, vào hồi 5h30" chiều 25-4, trùm CIA Thomas Polgar gọi tướng Charles Timmes và anh ta vào văn phòng và ra lệnh cho họ phải giúp cho ông ta đưa Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm đi Đài Loan vào tối hôm đó. Khoảng 8h30" tối, tướng Timmes, Frank Sneep cùng 2 nhân viên CIA khác lái ba trên chiếc xe đến tư gia của Trần Thiện Khiêm trong Bộ Tổng tham mưu và khoảng 9h tối thì Polgar cũng đến nơi.
Ít lâu sau thì một chiếc Mercedes chạy đến đậu ngay trước nhà. Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm vội vã bước vào nhà. Theo lời thuật của Frank Sneep, khi ấy, Nguyễn Văn Thiệu có mái tóc bạc chải bóng loáng, quần áo ủi thẳng nếp và trong lúc trời còn tranh tối tranh sáng, ông ta có vẻ giống như là "một người mẫu trong Tạp chí Gentleman"s Quarterly hơn là một cựu tổng thống".
Đoàn tùy tùng của ông Thiệu người nào người nấy đều to con vạm vỡ tay xách những chiếc va li quá khổ đến những chiếc xe của Tòa đại sứ Mỹ và họ đòi phải để cho họ đích thân đặt những chiếc va li đó vào thùng xe sau. Frank Sneep nói ông ta không biết trong những va li đó đựng gì, tuy nhiên có vẻ rất nặng vì những hành lý đó được đặt xuống xe thì nghe như có tiếng kim loại chạm vào kim loại... Theo nhận định của Frank Sneep, thực chất đấy là một cuộc bỏ trốn vì khi ra đi, Nguyễn Văn Thiệu đã chẳng có một giấy tờ gì chính thức biện minh cho việc ra đi không ngày trở lại.
Còn theo một nguồn tin khác, để cho việc ra đi của Nguyễn Văn Thiệu có vẻ hợp pháp, ông Trần Văn Hương lúc đó đã ký một sắc lệnh cử viên cựu Tổng thống này làm đại diện đặc biệt đến Đài Loan để phân ưu về việc Tổng thống Tưởng Giới Thạch từ trần ngày 5-4. Thật ra thì đây là một chuyện khôi hài vì tang lễ của cố Tổng thống Tưởng Giới Thạch đã diễn ra tại Taipei cách đó ba tuần lễ và là người đại diện cho chính quyền Sài Gòn "phân ưu" chính là ông Hương...
Cũng theo Frank Sneep, anh ta đã lái chiếc xe chở Nguyễn Văn Thiệu ra sân bay Tân Sơn Nhất. Xe đi từ ngôi nhà ở trong khu Bộ Tổng tham mưu của Trận Thiện Khiêm, người giữ chức Thủ tướng trong liên doanh với Nguyễn Văn Thiệu. Sau khi tới Đài Loan, Nguyễn Văn Thiệu đã không đi tiếp tới Mỹ mà xin tới định cư tại Anh. Tới cuối đời, Nguyễn Văn Thiệu mới sang định cư tại Boston và chết vì bệnh ở đó vào ngày 29-9-2001. Ông ta không để lại một trang hồi ký nào vì ngại công bố những suy nghĩ thực của mình về một chặng đường đen bạc của chế độ Sài Gòn mà giờ đây, nhiều người buộc cho ông ta trọng tội góp tay vào làm cho nó tan rã.
Một kiếp phân thân
Tìm hiểu những tư liệu viết về Nguyễn Văn Thiệu do những người từng có thời gian làm việc ở gần ông ta, có thể thấy rõ đó là một nhân vật luôn mang trong mình một tâm trạng mâu thuẫn, tiền hậu bật nhất. Và vì thế nên ông ta hay bị buộc tội giả nhân giả nghĩa.
Là người đã chỉ huy tấn công vào Dinh Gia Long ngày 1-11-1963, nơi anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu trú ngụ, Nguyễn Văn Thiệu sau khi anh em Diệm - Nhu bị sát hại lại tỏ ra "ân hận". Và cũng hay công khai lòng "trắc ẩn" bằng cách cùng gia đình luôn luôn tham dự các thánh lễ tưởng niệm Ngô Đình Diệm (?!). Nguyễn Văn Thiệu cho rằng, tuy thuộc Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh nhưng đối với hàng tướng lĩnh quyền cao chức lớn, tại Bộ Tổng tham mưu cũng như Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 của Sài Gòn, thì ông ta cũng chỉ là một thuộc cấp phải nhắm mắt thi hành mệnh lệnh trên, đúng kỷ luật nhà binh.
Ông ta cũng đã biện minh rằng, ông ta chỉ ra lệnh tấn công Dinh Gia Long khi biết chắc Ngô Đình Diệm không còn trong đó (có ý kiến cho rằng Nguyễn Văn Thiệu đã lần chần trong việc ra quyết định vì chờ xem bên nào thắng thế thì theo, chỉ khi biết chắc Ngô Đình Diệm không còn cơ hội tấn công lại phe đảo chính nữa thì ông ta mới ra lệnh tấn công Dinh Gia Long)... Và cũng từ cú tấn công quyết định này, dồn anh em Diệm - Nhu vào chỗ bế tắc hoàn toàn, đành phải "tẩu vi thượng sách" mà lực lượng phe đảo chính mới có cơ hội truy bắt hai người này và bị hạ thủ.
Bi kịch lớn nhất của Nguyễn Văn Thiệu mà ông ta đã cay đắng ngậm bồ hòn những năm tháng ly hương nơi đất khách là sự nhận thức ra sự thật: Cả đời ông ta đã uổng công phục vụ cho những thế lực ngoại bang miệng nam mô, bụng một bồ dao găm. Một thuộc cấp vào loại thân tín của Nguyễn Văn Thiệu gần đây đã kể: Năm 1983, trong một buổi chiều lái xe đưa ông này đi xem TP London (Anh), Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ vào cái ảnh nhỏ của đứa con út sinh tại đó sau năm 1975 gắn gần tay lái và kể, khi đứa bé đó mới tập nói, ông ta đã dạy cho nó rằng, "một trong hai kẻ thù của con là Mỹ...".
Bình sinh, Nguyễn Văn Thiệu luôn tỏ ra ác cảm với những ai trên chính trường Sài Gòn thân Mỹ, như ông ta hoặc hơn ông ta. Một phụ tá thân cận của Nguyễn Văn Thiệu thuật lại là ông ta hay nói với những kẻ thân CIA bằng câu rất "chợ" là "thằng này hay thằng kia là con điếm xịa...". Thế nhưng, oái oăm thay, bản thân ông ta cho tới phút cuối cùng trước khi thất thế, lại luôn cúc cung tận tụy phục vụ cho quyền lợi của Washington ở Việt Nam. Tâm địa thật của ông ta đã bộc lộ rõ nhất trong những lời cuối cùng trên chính trường Sài Gòn trước khi từ chức tháng 4-1975.
Có lẽ trên thế giới cũng có người lãnh đạo (dù hình thức) của mỗi chính thể nào lại công khai thừa nhận thái độ làm tay sai ngoại bang cho mình như trong bài phát biểu đó. Nguyễn Văn Thiệu đã nói huỵch toẹt ra ân oán giang hồ với quan thần đại loại là: "... Người Mỹ đưa viện trợ nhiều còn chúng tôi đánh nhiều, còn đưa ít thì chúng tôi đánh ít. Cũng chẳng khác một người đã đưa tiền mà đòi một bữa ăn thịnh soạn thì làm sao chúng tôi có thể làm được...".
Những năm cuối đời của Nguyễn Văn Thiệu đã thực sự chịu nhục. Ông ta dường như không thể xác định được vị trí của mình trong tâm thế cộng đồng oán hận ông ta. Một thuộc cấp của Nguyễn Văn Thiệu về sau thuật lại, năm 1990, Nguyễn Văn Thiệu có buổi nói chuyện với một đồng bào tại Westminster, California. Một người đàn bà được một tổ chức sắp đặt đã cầm micro chửi bới ông ta nặng nề. Không biết thanh minh gì hơn, Nguyễn Văn Thiệu chỉ trả lời: "Tôi rất thông cảm với sự căm phẫn của bà...". Cũng viên thuộc cấp này nhận xét: "Tôi hiểu sự im lặng của ông ta cũng như nỗi cô đơn và cay đắng ông ta mang theo đến cuối đời"...
Phong Hoàn Công
http://vietbao.vn/Phong-su/Cuu-tong-thong-Nguyen-Van-Thieu-va-nhung-trang-doi-tuc-tuoi/75168878/265/
0 comments:
Post a Comment