30-4 : Ðiếu văn của Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn trong Tang lể Cựu Tổng Thống VNCH NGUYỄN VĂN THIỆU
Ðiếu văn của Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn trong Tang lể Cựu Tổng Thống VNCH NGUYỄN VĂN THIỆU
Kính thưa quý vị,
Thưa các bạn, Mùa thu của Ðất Trời mới bắt đầu với lá vàng rơi rụng, thì cũng là lúc một cây cao vừa đổ xuống, một lãnh tụ của giai đoạn dài Lịch sử Việt Nam khói lửa vừa xa lìa trần thế, tìm về miền miên viễn. Cây cao đó, lãnh tụ đó là: Cựu Trung Tướng Nguyễn văn Thiệu Cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa.
Hôm nay, từ các nơi xa xôi cách đây hàng trăm hàng ngàn dậm, chúng ta đến đây, để kính cẩn nghiêng mình chào từ biệt lần cuối một Chiến hữu Niên Trưởng đã từng sát cánh với nhau trên chiến trường, một Lãnh đạo đã từng đồng tâm, nhất trí với nhau trong công cuộc đấu tranh bảo vệ miền Nam Việt Nam, trong suốt gần một thập niên của nền Ðệ nhị Cộng Hòa, vào hậu bán thế kỷ hai mươi. MỐI NGẬM NGÙI, THƯƠNG TIẾC NHƯ BÀY TỎ CHÂN THÀNH TÔN KÍNH...
Nhìn lại cuộc chiến trên quê hương Việt Nam chúng ta, hơn một phần tư thế kỷ trước đây, hình ảnh cựu Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đã gắn liền với vận mệnh nổi trôi của Ðất Nước, và nổi đắng cay đau xót của Dân Tộc. Ông là người Lãnh đạo quốc gia trong những năm tháng cực kỳ cam go, phải đương đầu với một cuộc chiến đa diện dai dẳng của Cộng sản đệ tam quốc tế đã đánh bại hai cường quốc Pháp và Hoa kỳ. Từ du kích chiến đến chiến tranh qui ước, từ khủng bố chọn lựa đến tàn sát tập thể không phân biệt dân lành của Cộng sản thù nghịch. Từ quỷ kế hèn hạ của đối phương đã hai lần bắt tay với thực dân và đế quốc để tiêu diệt hàng ngũ quốc gia yêu nước chân chính, đến bội ước và bất tín của người bạn đồng minh, và trên hết, sự giành giật quyền lợi giữa hai thế lực siêu cường Nga Mỷ thuở đó đã dày vò cơ thể bé nhỏ miền Nam Việt Nam, kể cả nhân dân và người Lãnh đạo.
Nếu như mới đây, 19 tên không tặc khủng bố liều mạng, chỉ với mấy con dao rọc giấy, đã sát hại hàng ngàn người tại Nữu ước và Hoa thạnh đốn, đã làm kinh hoàng cả thế giới, đã chọc thủng phòng tuyến kiên cố nhất, hùng mạnh nhất của Trung tâm quyền lực tối cao Hoa ky,ø thì bối cảnh quân sự và chánh trị ở Việt Nam hồi đó, gay go và phức tạp gấp ngàn lần, với hàng chục vạn chủ lực quân xâm lăng miền Bắc được toàn thể Nga sô, Trung Cộng và Khối Cộng sản triệt để kiên trì võ trang yểm trợ, trong lúc Hoa kỳ và cả Thế giới Tự do tháo chạy nửa chừng, ngoảnh mặt làm ngơ, cắt đứt 100% mọi viện trợ, bỏ rơi một Việt nam Cộng hòa cô thế, với bao nhiêu nghiệt ngã mà người Lãnh đạo, tiêu biểu là cựu Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu hay bất cứ một ai, khó có thể làm được khác hơn. Chúng tôi nghĩ rằng mọi sự bênh vực hay quy trách là những xúc cảm tự nhiên vì người dân Việt đã phải trải qua quá nhiều đau thương tang tóc. Tuy nhiên, Lịch sử trung thực vốn dĩ không thiên vị hay bất công. Cho nên những trang sử của cuộc chiến Việt Nam khởi đầu từ năm 1945 nói chung, và dưới thời đệ nhị Cộng hòa do Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu lãnh đạo nói riêng, rồi đây sẽ được các sử gia chân chính thận trọng lượng giá.
Trước năm 1975, với cương vị Chủ tịch Hạ nghị viện và sau cùng là Thủ Tướng Chánh phủ, tôi đã có rất nhiều dịp tiếp xúc, hội họp thảo luận với Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu về các kế hoạch điều hành quốc gia. Tôi nhận thấy Ông là một Lãnh tụ chánh trị cẩn trọng, cương nghị, và trên hết, Ông là người yêu nước. Ông ngày đêm lo âu về vận mệnh quốc gia, không ngừng toan tính về sự tranh thắng ngoài chiến trường chống kẻ thù, cũng như trên bàn hội nghị hòa đàm vừa chống kẻ thù và cay nghiệt thay, vừa đối phó với ngay cả đồng minh của mình. Trong suốt những năm ông lãnh đạo quốc dân bảo vệ miền Nam, Ông đã chiến đấu không ngơi nghỉ trên mọi trận đồ. Tóc Ông bạc nhanh hơn, và trắng đi trước tuổi. Những người làm việc chung quanh Ông, khi nói chuyện với nhau về Ông, đã gọi Ông là “Ông đầu bạc”, với tất cả sự kính mến.
Sau năm 1975 tại Hoa kỳ, tôi cũng có rất nhiều cơ hội gặp lại Cựu Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu. Trong những dịp hàn huyên tâm tình, Ông luôn luôn ôn lại ký ức về thời kỳ đen tối của đất nước, nhất là khi nhắc lại đường lối lật lọng của đồng minh đi đêm với giặc thù, cùng những hy sinh to lớn của chiến sĩ và thống khổ triền miên của đồng bào, tôi thấy mắt Ông ứa lệ. BÂY GIỜ THÌ ÔNG ÐÃ RA ÐI...
Thời gian và cuộc sống hối hả nơi hải ngoại có thể làm người đời quên đi giai đoạn trầm luân trước kia của quê hương bên kia bán cầu, kể cả người lãnh đạo. Nhưng chắc ai ai cũng sẽ còn nhớ mãi câu nói khẳng định của Oâng một thời vang vọng: “Ðừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm...” Câu nói đó là một định nghĩa bất biến, một cảnh giác thường trực cho mọi người, trong quá khứ, trong hiện tại, và luôn cả sau này, cho đến bao giờ mà chế độ Cộng sản vẫn còn thống trị trên đất nước Việt Nam.
Kính thưa Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu,
Tiễn biệt người đi bao giờ cũng mang nổi buồn cho người ở lại. Tiễn biệt một vị Nguyên thủ Quốc gia, một vị Tổng Thống lên đường về miền vĩnh hằng thực sự mang nhiều xúc động thương tiếc cho mọi người, đặc biệt cho những người một thời đứng chung quanh Tổng Thống, sau lưng Tổng Thống và cùng với Tổng Thống trong nhiều năm tháng chiến đấu cho Tự Do Dân Chủ và Hòa Bình cho quê hương. Chúng tôi xin cầu nguyện cho Tổng Thống mãi mãi an lạc nơi Nước Chúa thanh bình. Với Phu nhân của cựu Tổng Thống và quý tang quyến, chúng tôi xin được chia sẻ nổi mất mát đau đớn to lớn này, và nguyện cầu Phu nhân cựu Tổng Thống luôn luôn được sự an ủi và quan phòng của Ðức Mẹ Maria. Xin Chúa Nhân Lành hằng thương xót sớm đưa linh hồn Martino về hưởng Nhan Thánh Chúa.
Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn
Ngày 6 tháng 10, 2001 tại Boston, Massachusetts, Hoa kỳ
0 comments:
Post a Comment