“Tôi đề nghị QH nhiệm kỳ tới cần thông qua nghị quyết khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa và trên biển Đông. Tôi tin rằng một nghị quyết như thế sẽ được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước, kể cả đồng bào Việt kiều ở nước ngoài và cũng để cho mọi người hiểu rằng cho dù người ta có vẽ bản đồ lưỡi bò, lưỡi trâu hoặc lưỡi heo trên biển Đông thì cũng không có ý nghĩa, không có giá trị đối với chúng ta!..” – Đại biểu NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG, TP.HCM
Nhiều vấn đề Quốc hội thảo luận rất sôi nổi, chất vấn rất quyết liệt nhưng lại không ra được văn bản để xử lý.
“Tất cả các vấn đề quan trọng của quốc gia, vấn đề cử tri quan tâm trong nhiệm kỳ qua đều đặt lên bàn nghị sự thảo luận cả. Tuy nhiên, Quốc hội (QH) chúng ta không đi đến cùng, nhiều vấn đề không đi tới việc ra một văn bản để xử lý. Vì thế cử tri nói rằng nghe QH thảo luận thì rất sướng nhưng sau đó thì thấy dường như lại không quyết cái gì, xử lý cái gì” – đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch (TP.HCM) phát biểu tại phiên thảo luận hội trường về Báo cáo tổng kết hoạt động của QH và các cơ quan của QH trong nhiệm kỳ qua (2007-2011), sáng 28-3.
Phiên thảo luận dự kiến trong một ngày nhưng đã kết thúc sớm vào buổi sáng khi chỉ có 23 ĐB đăng ký phát biểu.
Chưa có một sáng kiến lập pháp nào
Điểm nổi bật nhất của QH khóa XII được các ĐB đánh giá cao là đã phát huy cao độ bầu không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, cởi mở và có tính xây dựng trong hoạt động nghị trường. Nói như ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) thì “trong tiềm thức của cử tri, ĐBQH hôm nay đã không còn là những ông, bà nghị “gật” nữa”.
Tuy nhiên, các ĐB đều nhìn nhận hoạt động của QH vẫn còn khá nhiều hạn chế, tính bị động còn cao, nhất là trong công tác lập pháp. “Hiến pháp năm 1946 cho tới Hiến pháp năm 1992 đều ghi nhận các ĐBQH có quyền trình sáng kiến pháp luật nhưng tôi nghĩ 65 năm qua chúng ta chưa có một sáng kiến pháp luật của ĐBQH nào” – Chủ tịch Hội Luật gia Phạm Quốc Anh dẫn chứng.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng nên sớm thực hiện công khai việc bấm nút của các ĐBQH để cử tri biết chính kiến của ĐB mình đã bầu ra. Ảnh: TV
Theo ĐB Ngô Minh Hồng (TP.HCM), QH đang bị động ngay cả trong những vấn đề quan trọng của quốc gia. “Ví như trước sự cố điện hạt nhân ở Nhật, không phải vì QH đã thông qua (dự án điện hạt nhân Ninh Thuận) mà chúng ta không bàn lại. Lẽ ra, QH phải đề nghị cơ quan thẩm định độc lập để xem lại sự an toàn của hai nhà máy điện hạt nhân này vì chúng ta chưa xây, nếu cần thiết thì dừng lại cũng không muộn” – bà Hồng thẳng thắn.
Tán thành với bà Hồng, ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) cho rằng muốn chủ động thì cần phải đổi mới phương thức, cần phải tăng cường năng lực cho hoạt động lập pháp. “Có những dự án luật thực tế đặt ra rất cần thiết như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Biển, Luật Hội… Nhưng không phải QH cứ muốn là được. Nếu không có quyết tâm cao, không có đổi mới thực sự thì tôi chắc là nhiệm kỳ tới cũng sẽ gặp khó khăn” – ông Nhượng nói.
Công khai việc bấm nút của đại biểu?
Về việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng QH khóa XII đã có những quyết định rất quan trọng, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và cử tri cả nước, đơn cử như việc chưa thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Tuy nhiên, theo ông Vinh, một số cử tri nhận xét hiệu quả quyết định một số vấn đề quan trọng chưa cao như việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội đã được hai năm nhưng chưa quy hoạch xong; chủ trương sáp nhập các bộ, ngành vẫn không tinh giản được tổ chức bộ máy…
Để hạn chế tình trạng trên, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề nghị QH cần được hoạt động một cách độc lập, không bị chi phối bởi điều này điều kia. “Có những quyết định nếu cứ để ĐBQH thực sự hoàn toàn theo tâm nguyện của mình thì kết quả chưa chắc đã như thế. Nhưng rồi lại có những tác động này kia, có khi bấm nút rồi mà lại cảm thấy rất buồn” – bà Loan nói.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) và Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đề nghị thực hiện ngay việc công khai hóa tính minh bạch trong các quyết định bấm nút của các ĐBQH. Bởi có như thế mới thực hiện được quyền giám sát của người dân đối với quyết định của mỗi ĐBQH – những người mà họ đã bầu ra.
Kiến nghị chắc chỉ đưa vào kỷ yếu?
Tổng kết này là tiếng nói cuối cùng không những của các ĐBQH mà là toàn thể QH khóa XII. Nhưng tổng kết này rồi sẽ để lại cho ai và có giá trị gì không?
Tôi thấy Chủ tịch nước trong báo cáo của mình cũng có những kiến nghị rất tâm huyết; báo cáo của Chính phủ cũng có những kiến nghị, trong đó có những việc rất lớn như sớm sửa hiến pháp. Nhưng QH khi thảo luận không ai đả động đến những kiến nghị này, chấp nhận hay không chấp nhận, nếu chấp nhận thì những kiến nghị này được gửi cho ai… Các cơ quan của QH cũng đã họp tổng kết và đưa ra nhiều kiến nghị rất xác đáng, tầm cỡ. Nhưng theo tôi những kiến nghị đó chắc cũng chỉ để lại trong các kỷ yếu.
Đại biểu TRẦN ĐÌNH NHÃ, Bà Rịa-Vũng Tàu
Mong có nghị quyết về Trường Sa, Hoàng Sa
Dân tộc ta đã từng có một Trần Bình Trọng “thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”, một Trần Thủ Độ “nếu bệ hạ muốn hàng hãy chém đầu tôi rồi hãy hàng. Đầu tôi chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo”. Một dân tộc như thế, chúng ta quyết không để mất một tấc đất, một vùng biển thiêng liêng nào của tổ quốc.
Thực hiện chức năng của QH là quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia, tôi đề nghị QH nhiệm kỳ tới cần thông qua nghị quyết khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa và trên biển Đông. Tôi tin rằng một nghị quyết như thế sẽ được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước, kể cả đồng bào Việt kiều ở nước ngoài và cũng để cho mọi người hiểu rằng cho dù người ta có vẽ bản đồ lưỡi bò, lưỡi trâu hoặc lưỡi heo trên biển Đông thì cũng không có ý nghĩa, không có giá trị đối với chúng ta!
Đại biểu NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG, TP.HCM
THÀNH VĂN
http://phapluattp.vn/20110328110343359p0c1013/nghe-quoc-hoi-thao-luan-rat-suong-nhung.htm
-------------------
Duc H. Vu :
0 comments:
Post a Comment