Wednesday, March 30, 2011

Chỉ phạt hành chính ông Thắng!

Nguyễn Quang A - Cán bộ nhà nước, công an càng phải gương mẫu và khi xét xử không thể coi tư cách “cán bộ”, “công an” là tư cách được giảm nhẹ, cũng chẳng ai đòi phải xử lý họ nặng hơn những công dân bình thường. Nhưng người dân cảm thấy luật pháp không nghiêm minh và những kẻ có chức có quyền luôn được nương nhẹ. Vụ Phó thủ tướng thông báo không kỷ luật ai trong Chính phủ vì vụ Vinashin cũng vậy…

Chuyện được báo chí đưa tin về Thiếu tá công an Bùi Minh Thắng, con của Đại tá Bùi Hoàng Bào Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang, say rượu đánh anh Đỗ Quốc Thái, lái xe taxi Mailinh, rồi sau đó chửi và dọa nạt cảnh sát giao thông (CSGT) trạm Cửa Ô – Hưng Phú ở Hậu Giang vào tối 20-3-2011, làm cho dư luận hết sức phẫn nộ.

Anh Thái đã kiện việc ông Thắng bắt anh vượt đèn đỏ và đánh anh khi anh không chịu vượt.

Sau đó, chắc lúc đã tỉnh rượu, ông Thiếu tá chối băng. Chẳng hiểu thực hư ra sao.

Tài xế taxi Đỗ Quốc Thái. Ảnh: Pháp Luật TPHCM

Tài xế taxi Đỗ Quốc Thái. Ảnh: Pháp Luật TPHCM

Thế nhưng chiều ngày 28-3-2011, theo công an phường Hưng Thạnh, Cái Răng, thì hành vi đánh người và chửi cán bộ CSGT của Thiếu tá Thắng đủ cơ sở để xử phạt hành chính. Và việc xử phạt hành chính đã diễn ra ngày 29-3. Như thế là có chuyện đánh người thật, có chuyện chửi và đe dọa CSGT thật.

Vậy việc xử phạt hành chính có hợp lý?

Đánh người gây thương tích là một tội hình sự được quy định tại Điều 104 của Bộ Luật hình sự. Tuy nhiên theo Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) thì những trường hợp cố ý gây thương tích (trong khung bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hay phạt tù từ sáu tháng đến 3 năm được nêu tại khoản 1 của Điều 104 Bộ Luật Hình sự) chỉ bị xử lý hình sự khi có yêu cầu của người bị hại.

Chắc đã có sự “dàn xếp” giữa các bên (không rõ là giữa các bên nào: công an Hậu Giang, Hãng Taxi Mailinh, hung thủ và người bị hại?), cho nên anh Đỗ Quốc Thái đã bãi nại, đã rút đơn kiện và không đòi bồi thường gì và chỉ coi đó là tai nạn rủi ro (!), dẫu vẫn giữ nguyên lời khai ban đầu của mình. Và như thế ông Thiếu tá Thắng đã tránh được việc bị xử lý hình sự.

Có lẽ hãng Taxi cũng ngán đụng với công an vì còn phải làm ăn dài dài ở địa bàn của ông Bào ông Thắng nên có thể cũng đã “biết điều” để khuyên nhân viên của mình giải quyết vụ việc cho “êm”. Lẽ ra Công ty đã phải mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ nhân viên của mình như dư luận hằng nghĩ vậy, nhưng chẳng thấy người sử dụng lao động lên tiếng gì cả. Việc này khiến người dân phải nghĩ, doanh nghiệp cũng lụy công an và không dám lên tiếng. Lợi nhuận là trên hết, chứ số phận người lao động có đáng chi. Nghĩ mà rùng mình.

Cách hành xử “êm” như vậy về mặt thủ tục là hợp pháp nhưng làm tổn hại nghiêm trọng đến tính nghiêm minh của pháp luật.

Còn bao nhiêu vụ mà những người lẽ ra phải bảo vệ pháp luật, bảo vệ người dân lại gây ra thương tích, thậm chí cái chết cho những người dân thường (như vụ đánh chết anh Nguyễn Văn Khương ở Bắc Giang, ông Trịnh Xuân Tùng và bao vụ khác) mà hoặc đều được xử lý một cách chưa thật thỏa đáng hoặc có lẽ cũng sẽ được xử lý qua loa.

Cán bộ nhà nước, công an càng phải gương mẫu và khi xét xử không thể coi tư cách “cán bộ”, “công an” là tư cách được giảm nhẹ, cũng chẳng ai đòi phải xử lý họ nặng hơn những công dân bình thường. Nhưng người dân cảm thấy luật pháp không nghiêm minh và những kẻ có chức có quyền luôn được nương nhẹ. Vụ Phó thủ tướng thông báo không kỷ luật ai trong Chính phủ vì vụ Vinashin cũng vậy.

Thật ra, cách ứng xử như thế là cách hủy hoại lòng tin hữu hiệu nhất và vô cùng tổn hại cho uy tín của bản thân cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng và của Nhà nước nói chung (tất nhiên cả uy tín của những người liên quan).

N.Q.A

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

http://boxitvn.wordpress.com/2011/03/31/ch%E1%BB%89-ph%E1%BA%A1t-hnh-chnh-ng-th%E1%BA%AFng/

0 comments:

Powered By Blogger