Monday, March 7, 2011

Những người phụ nữ đón 8-3 trong nỗi buồn


Trong khi nhiều phụ nữ đang hao hức đón ngày 8 tháng 3, lại có những người phải đón ngày phụ nữ trong thiếu vắng.

RFA File Photo

Chị Tuyết Mai, vợ nhà giáo Vũ Hùng bên ngoài tòa án hôm 7-10-2009.

Họ là những người vợ, người mẹ có chồng hoặc có con đang phải đi tù bởi bị chính phủ Hà Nội cho đã vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên trong thực tế những việc làm cuả họ chỉ xuất phát từ lòng yêu nước mà ra.

Vậy ngày 8 tháng 3 của những người phụ nữ này thế nào khi mà ngươì thân cuả họ đang ở trong chốn lao tù?

Khi nhiều phụ nữ vui sướng nhận được đóa hoa tình yêu của người mình yêu quý và khi nhiều người hưởng không khí đầm ấm của của một bữa cơm 8 tháng 3 cùng gia đình cũng là khi nhiều phụ nữ cảm thấy cô đơn nhân lên gấp bội.

Những buổi cơm thiếu vắng

Một mình vừa đi làm vừa lo nhiều việc nên chỉ nghĩ tới 8-3 nhưng không định làm gì cả. Con cái ở xa thì gởi lời chúc mừng, tôi phải đi mua đồ để gởi cho Kim trong trại.

Bà Nguyễn Thị Thơm

Đã trải qua 2 cái 8-3 không có chồng bên cạnh, chị Tuyết Mai, vợ nhà giáo Vũ Hùng, như càng thêm thấm thía cái quạnh hiu khi đêm về và thấm cái lạnh lẽo khi buổi cơm thiếu vắng người đàn ông của đời mình. Chị khẽ khàng chia sẽ:

“Tất nhiên là thấy thiếu vắng, đặc biệt là những ngày như thế này. Lúc trước thì anh Hùng cũng đưa mẹ con tôi đi chơi hoặc tặng 1 món quà nào đó trong dịp này.”
Tháng 10 năm 2009, nhà giáo Vũ Hùng bị tuyên án 3 năm tù giam và 3 năm quản chế vì theo cáo trạng, ông vị phạm điều 88 Bộ luật Hình sự. Nhà giáo Vũ Hùng là một trong các nhà hoạt động dân chủ kêu gọi đa nguyên đa đảng và viết khẩu hiệu tố cáo nạm tham nhũng – căn bệnh trầm kha của đất nước.

Từ khi anh bị bắt năm 2008, chị Mai phải thay anh quán xuyến việc nhà và chăm sóc 2 con. Chị bỗng gánh thêm vai trò của người đàn ông trong gia đình. Và ngày 8 tháng 3 cũng trở nên nhạt nhẽo.

Không chỉ riêng chị Tuyết Mai, khi trở thành hậu phương vững chắc của người thân hoạt động dân chủ, chịu cảnh lạnh lẽo là một trong những điều các chị phải đối mặt và chấp nhận. Bà Nguyễn Thị Thơm, vợ nhà dân chủ Trần Anh Kim cũng không ngoại lệ. Đối với bà, ngày 8 tháng 3 đã không còn gây cho bà cái cảm giác nao nức như ngày nào. Bà nói:

“Một mình vừa đi làm vừa lo nhiều việc nên chỉ nghĩ tới 8-3 nhưng không định làm gì cả. Con cái ở xa thì gởi lời chúc mừng, tôi phải đi mua đồ để gởi cho Kim trong trại”.


LTC-VH-250.jpg
Chị Mai vợ của Thầy Giáo Vũ Hùng và chị Trang vợ của Phạm Văn Trội (phải). Photo courtesy Vietnamexodus.

Đã sống cùng chồng đến lúc tóc hóa hoa râm, khi không có chồng bên cạnh, bà càng cảm nhận được sự thiếu vắng. Căn nhà trở nên lạnh lẽo hơn khi các con lại đi học xa:

“Cháu lớn đi học xa, một năm về khoảng 3-4 lần. Cháu nhỏ thì đi đi về về”.

Từ khi ông Trần Anh Kim bị bắt, bà Thơm đã không còn ở vị trí muốn được chồng lo lắng ngay cả trong ngày mà người ta gọi là ngày phụ nữ. Ngược lại, bà chỉ nghĩ làm sao để ông Kim khỏe mạnh và yên lòng. Mỗi lần đi thăm chồng, người phụ nữ này đều mua đầy đủ những thứ ông Kim ghi trong danh sách, chất đầy xe gắn máy và vượt qua đoạn dường dài 80 cây số để thăm ông. Hôm nay ngày của phụ nữ Việt Nam, bà Thơm vẫn không nghĩ sẽ làm gì cho riêng mình. Bà vẫn đi làm, vẫn đi mua từng viên thuốc để chờ ngày mang lên cho chồng. Và bà sẽ vẫn như thế ít nhất là trong 4 năm nữa bởi ông Trần Anh Kim đã bị kêu án 5 năm rưỡi tù giam và 3 năm quản chế.

Đã có một gia đình, hẳn ai cũng muốn có được một gia đình trọn vẹn. Khi gia đình vắng đi bất cứ một thành viên nào, dĩ nhiên nó sẽ để lại nhiều xáo trộn. Và xáo trộn càng nhiều khi thành viên đó là thành viên trụ cột trong gia đình.

Gánh nặng gia đình

Ở nhà cũng chẳng có gì đặc biệt. Khi anh trội còn ở nhà thì mọi thứ đầm ấm hơn. Gia đình cũng có một buổi ăn sum họp.

Chị Trang

Nếu ai có dịp nói chuyện với chị Trang, vợ nhà dân chủ Phạm Văn Trội, sẽ thấy sự xáo trộn này rõ ràng như thế nào. Khi kỹ sư Phạm Văn Trội bị mang chiếc còng số 8 vào tay, cũng là lúc chị Trang cái gánh nặng gia đình lên vai mình. Là một công nhân với đồng lương 2 triệu đồng 1 tháng, có thể thấy phải chật vật lắm, người phụ nữ này mới lo được cho 2 đứa con còn chưa lên 10 và bà mẹ già trong gia đình. Chính vì thế, ngày 8 tháng 3 của chị đã khác xưa rất nhiều. Chị nói:

“Ở nhà cũng chẳng có gì đặc biệt. Khi anh trội còn ở nhà thì mọi thứ đầm ấm hơn. Gia đình cũng có một buổi ăn sum họp”.

Kỹ sư Phạm Văn Trội bị bắt từ những bức thư và bài viết từ năm 1999 đòi đa nguyên, đa đảng, nhân quyền và dân chủ. Ông bị bắt năm 2008 và những lời kêu gọi này lấy đi 8 năm tự do của người kỹ sư này khi ông bị kêu án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế. Điều đó, cũng có nghĩa là, ít nhất 4 năm, người phụ nữ ngày không cảm nhận được cái ngọt ngào trong ngày lý ra dành cho chị.


nguyenthiloi-menghien200.jpg
Bà Nguyễn Thị Lợi, Mẹ của cô Phạm Thanh Nghiên. Photo courtesy thongtinberlin.de

Những nhà hoạt động dân chủ dấn thân vào chốn lao tù không chỉ để lại cô đơn cho các người vợ mà còn cho những bà mẹ. Họ là những người phụ nữ luôn dõi mắt đếm từng ngày để mong con về. Thời gian này, cô Phạm Thanh Nghiên đang thọ án vì phản đối Trung Quốc xâm lấn chủ quyền Việt Nam, cũng là lúc mẹ của cô không ngừng nhớ và trông mong có một ngày 8 tháng 3 mà cả bà và con đều cảm nhận được hết ý nghĩa của ngày đó. Bà nói rằng theo bản án thì đến tháng 9 năm sau cô Thanh Nghiên sẽ mãn hạn tù. Khi đó, bà sẽ rất vui nhưng đến tháng 9 Nghiên mới ra tù thì có nghĩ là bà phải trãi qua 1 cái 8 tháng 3 nữa không có Nghiên bên cạnh. Bà nói:

“Sang năm cũng không kịp gặp Nghiên vì đến 18 tháng 9 cơ mà”.

Còn nhiều những người vợ, người mẹ có chồng hay con cái dấn thân cho nền dân chủ dân tộc. Và đối với họ, niềm vui duy nhất là được nhìn thấy người thân của mình hằng ngày. Họ tiếp tục hy vọng:

“Cái đó thì ai cũng muốn nhưng mà điều kiện mình như vậy thì mình phải chấp nhận thôi. Bây giờ chưa có thì sang năm có, sang năm chưa có thì sang năm nữa có”.
Ngày 8 tháng 3, ngày của phụ nữ, ngày mà phụ tất cả phụ nữ Việt Nam phải được thật sự yêu thương, thật sự tôn trọng, và thật sự hạnh phúc. Ngày phụ nữ, không phải là ngày người ta nói đến phụ nhưng có thể sẵn sàng đối xử thiếu công bằng với phụ nữ. Hay nói cách khác, ngày phụ nữ chỉ có thể chỉ mang đầy đủ ý nghĩa khi ở Việt Nam không còn cảnh các phụ nữ phải đi đẻ thuê vì không còn cách nào khác để mưu sinh, không còn các em như Thúy và Hằng ở Hà Giang kêu oan vì bị cho là môi giới bán dâm, và không còn những bà mẹ, những người vợ kêu oan cho con, cho chồng vì điều 79 hay điều 88 Bộ luật Hình sự.

Quỳnh Chi, phóng viên RFA-

http://www.rfa.org/vietnamese/HumanRights/another-incomplete-women-s-day-of-dissidents-families-qchi-03072011190313.html

0 comments:

Powered By Blogger