Cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya vẫn đang ngày một nóng bỏng. Những người lao động Việt Nam cuối cùng cũng đang cố gắng chạy trốn về hướng cửa khẩu biên giới Ras Jediria giáp Tunisia. Người ta tạm tin rằng, về cơ bản, đa số những người đã và sẽ thoát khỏi cuộc biến loạn Libya đã và sẽ được bình an. Và giờ đây, nhìn lại cả cuộc hành trình đầy gian khổ của những người công nhân ấy, có những câu chuyện bi-hài rớt nước mắt vẫn đang được họ kể lại như những kỷ niệm sẽ rất khó quên.
Một trong những câu chuyện điển hình về sự may mắn là chuyện của công nhân Phạm Văn Thương (quê ở Diễn Châu -Nghệ An) do một công ty con của Vinaconex đưa đi. Cách đây 1 năm, Thương đã hết thời hạn lao động ở Libya, đã được mua vé để trở về nhà. Chính cái tối ngày Thương tổ chức tiệc chia tay anh em cùng đội, cảnh sát đã ập vào bắt Thương vì tội cậu đã nấu rượu (lậu). Với những bằng chứng không thể chối cãi, Thương bị toà án thành phố kết án 3 năm tù. Ở tù được một năm, còn 2 ngày nữa tròn một năm tù thì Thương lại bị lên cơn đau ruột thừa. Nhà tù cho phép Thương ra bệnh viện để mổ, được một tuần, cậu lạu được đưa về nhà tù nằm. Bụng vẫn âm ỉ đâu thì đúng vào ngày thứ 8, ngày 25.2.2011, cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya lên cao điểm, người dân xông vào phá nhà tù nơi Thương đang bị giam giữ. Cậu được tự do và không giống như nhiều công nhân Việt Nam khác, Thương một thân một mình, không hộ chiếu, không đồ đạc bỏ chạy về hướng biên giới giáp Tunisa và từ đây, cậu được cấp giấy thông hành, nhập trại tị nạn và đã trở về Việt Nam.
Một câu chuyện vẫn đang được kể đi kể lại trong các lán trại của anh em công nhân người Việt tại cửa khẩu Ras Jediria là về Sùng A Khua, người quê tỉnh Yên Bái. Khua mới sang Tripoli, thủ đô Libya mới được vài tháng thì bị chấn thương, liệt nửa người do tai nạn sập giàn giáo ở một công trình xây dựng. Từ đó, Khua phải nằm chết đứ đừ một chỗ. Cho đến ngày 20.2, khi bạo loạn xảy ra, Khua được những người bạn cùng phòng thay nhau cõng chạy trốn. Khi tiếng súng chi chíu, tiếng chân người đuổi rầm rập sau lưng, Khua khóc, nói: “Thôi, các anh chạy đi, để em chết đây ở đây cũng được. Cứ dắt díu nhau thế này có khi còn chết hết cả”. Lại xốc Khua lên vai như cây khoai nước luộc, một bạn cùng phòng của Khua bảo: “Không sao, tao mà thả mày ra giờ chúng nó dẫm bẹp ruột mày ngay”. Những người cùng đi nhất trí vẫn phải thay nhau cõng khua chạy vì đoàn người chạy sau quá đông, nếu bỏ rơi Khua, cậu này chỉ còn nước chết. Cho đến ngày 4.3, khi được đưa lên máy bay của Vietnan Airlines về nước, nước mắt lưng tròng, Khua nói với các phong viên: “Lẽ ra em đã bỏ mạng ở xứ người. Em không nghĩ có ngày hôm nay”.
Một người lao động Việt Nam khác đã thoát chết trong gang tấc chính là công nhân Nguyễn Văn Kiểm,quê ở Hưng Hà-Thái Bình, làm việc cho công ty Na Lidco. Thoát khỏi Libya, nhập trại tị nạn vào đầu tháng 3, Kiểm vẫn chưa hết hoảng sợ và tự cho rằng, mình quá may mắn khi có thể thoát khỏi cái chết dường như đã quá gần trong đêm 20.2 tại thủ đô Tripoli của Libya. Tối hôm ấy, mặc dù đã được báo trước, khi đang trực (bảo vệ) tại công trình xây dựng của đài truyền hình Tripoli, anh bị một nhóm người khá đông, không rõ mặt ập vào. Một số kẻ đã đập phá tan nát trạm bảo vệ, số còn lại lấy dây siết cổ anh rồi định treo lên trần nhà. Nhóm công nhân người Việt cùng làm với Kiểm lúc đó vừa chạy tới hoảng quá, lao vào giằng lấy Kiểm rồi chạy vào cố thủ tại một ngôi nhà trong công trường, chờ lãnh đạo công ty đến giải quyết. Mãi cho đến ngày 2.3, Kiểm và cả nhóm công nhân mới trốn chạy ra được cửa khẩu giáp Tunisia và được các nhân viên IOM, đại diện phía Việt Nam đón nhận về trại tị nạn.
Một trường hợp buồn bã khác chính là anh cônh nhân người dân tộc ít người tên Vàng Seo Páo (quê ở Lào Cai), do công ty Vinaconex-mex đưa sang lao động ở Libya. Liên tục phải sống, lẩn trốn trong khu vực sân bay Tripoli, ăn uống thiếu thốn mà vẫn phải trả cả tiền đi vệ sinh 20 dina (tương tương 17 USD)/lần nhưng kinh hoảng nhất là ở quá gần các khu vực giao tranh, ầm ầm tiếng đạn, pháo bắn, Páo gần như phát điên. Cho nên, ngay đến khi được bạn bè thương hại mang đi, cứ đến đoạn nào, nghe tiếng súng nổ hoặc thấy người lạ, Páo lại co rúm người, quỳ mọp xuống một, hai nói: “Xin các anh tha cho em để em được về nhà”. Ngay cả khi đã được đưa ra chỗ ở tạm trong tầng 2 sân bay Zazis để về Việt Nam, thỉnh thoảng Páo vẫn lên cơn hoảng loạn tưởng có ai đó đến giết mình. Một bác sĩ nói, Páo sẽ khỏi bệnh khi về Việt Nam một thời gian vì đây chỉ là những dấu hiệu của sự hoảng loạn mà thôi.
Điều may mắn, tính đến giờ này (6.3) là chưa có công nhân Việt Nam nào bị dính tên bay, đạn lạc mặc dù có lúc, những viên đạn, pháo hướng về họ đã chẳng phải vô tình. Tôi ngẫu nhiên có mặt ở cửa khẩu Ras Jediria vào giờ trưa ngày 5.3, đúng lúc một nhóm 4 công nhân của Vinaconex đưa sang lao động ở Libya vừa chạy thoát về đến nơi. Chưa hết hoảng hốt, Đoàn Văn Cao (quê ở Linh Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang), bốn người bọn họ vừa thoát khỏi chuyến xe “tử thần” khi liên tiếp bị quân lính Chính phủ Libya chặn lại dọc đường. “Chẳng hiểu thế nào, vừa cho qua, lên xe đi được một đoạn ngắn thì họ quay súng bắn theo, đạn cày tung cả phần đuôi xe lên, lái xe lại phanh khựng lại. Chúng tôi sợ hết cả hồn. May sao lái xe cũng sớm định thần lại, cho xe chạy tiếp”, Cao kể. Trươc đó, Cao và 3 công nhân còn lại đã bị mắc kẹt hơn 10 ngày ở sân bay Tripoli trong tình trạng mỗi ngày chỉ có vài mẩu bánh mỳ, nước thì dùng tay đi hớt từng ngụm ở trên mặt đất. Họ trở về lán trại trong tiếng reo mừng của anh em công nhân vì nhiều người đã lo lắng họ khó toàn tính mạng khi ở khu vực sân bay đến giờ này.
Trước đó vài ngày, một công nhân trẻ măng khác tên là Phan Quang Uỷ, người huyện Can Lộc-Hà Tĩnh (do công ty Na Lidco đưa sang) cũng đã được đưa về trại tị nạn, trong tình trạng khá thê thảm . Anh bị tai nạn gãy giập ống chân vào ngày 14.2.2011 do cốt pha đè gãy khi đang lao động trên một công trường. Những người cùng quê của Uỷ và bạn cùng công ty đã cùng nhau giúp Uỷ đi suốt một chặng đường dài hàng trăm km để thoát khỏi đất nước Libya loạn lạc.
Cũng có những trường hợp người lao động Việt Nam bí bách phải làm liều. Theo lời kể lại của một đốc công Việt Nam, chàng thanh niên tên N.V.D, quê ở huyện Mê Linh, Hà Nội đã cùng nhóm bạn cùng tổ bỏ chạy khỏi Tripoli do đã quá sợ hãi trước không khí chiến sự ở đây. Họ thuê xe đi ra cảng biển Tripoli, định bụng tìm tàu thuỷ lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ. Chờ mãi trong cảnh màn trời, chiếu đất, mỗi ngời chỉ được ăn một chút bánh mỳ cầm hơi mỗi ngày mà mãi không được làm thủ tục lên tàu, D và nhóm bạn liều chặn cướp một xe chở hàng cho tàu thủy để cướp lương thực, phân phát cho những người tị nạn đồng cảnh ngộ ở bến tàu. Nếu như vào hoàn cảnh bình thường, cả nhóm của D sẽ bị bắt, phạt tù nhưng thật may mắn, chính quyền lại thông cảm cho việc làm của D và cả nhóm nên không những không bắt giam lại còn đi chở đến cho họ một xe lương thực: bánh mỳ, nước uống…giúp D và mấy công nhân người Viểt ra tận cửa khẩu Ras jediria.
Còn rất nhiều các câu chuyện bi, hài khác, bi nhiều hơn hài quang số phận của những người lao động Việt Nam trong cuộc biến loạn mang tên Libya nhưng tất cả các câu chuyện ấy, mà tôi được trực tiếp nghe các nhân vật hoặc gián tiếp nghe kể qua bạn bè cùng tổ của họ đều cho thấy, trong những lúc khó khăn, những người lao động Việt Nam rất biết chia sẻ, đùm bọc, bảo vệ lẫn nhau. Đó chính là điều đáng quý nhất và chính nó sẽ tạo nên hình ảnh đẹp cho những cộng đồng người Việt khi đi làm việc ở nước ngoài.
Mạnh Quân
Tuynisia ngày 6.4.2011
0 comments:
Post a Comment