Tạ Từ đầu năm 2011, khi “sóng” đang dồn dập nổi dữ dội ở Tunisia, Ai Cập, Albani, Algeria, Yemen, Marocco, Syria, Jordania, Saudi-Arabia, Oman, Lybia, Kuwai… lật đổ các nhà độc tài và hệ thống chính quyền gia đình trị của họ, mà thế giới giới gọi là “cuộc cách mạng hoa nhài”, thì quan điểm cá nhân tôi vẫn cho rằng cuộc “cách mạng hoa nhài” khó xảy ra ở Việt Nam.
Dù được coi là “cách mạng hoa”, thay đổi trong trật tự và êm thấm, nhưng vẫn đớn đau khi có người nằm xuống vĩnh viễn cho nền dân chủ và quyền con người của đồng bào mình. Hãy tưởng tượng, nếu người nằm xuống đó là chính ta, là thân nhân của ta, bạn bè thân hữu của ta thì cảm giác của chúng ta như thế nào? Sẽ là điều đáng mừng nếu như nhà cầm quyền Việt Nam biết rút ra bài học từ Trung Đông, Bắc Phi mà tự thay đổi đường lối quản lý, biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân mà không cần đến một cuộc cách mạng nào cả.
Có lẽ tôi vẫn giữ quan điểm trên cho đến khi đọc bài “Điều gì đang xảy ra ở Bắc Phi, Trung Đông?” đăng trên tờ Thanh Niên ngày 22/02/2011, bài báo ghi tên tác giả là TS Nguyễn Thế Kỷ, mà không chú thích gì thêm.
Trong bài viết gần 2.000 chữ, được cẩn thận chia làm 4 phần với những tít nhỏ giống như một bài tập làm văn, đại khái có: mở bài giới thiệu sơ lược tình hình Trung Đông, Bắc Phi; thân bài phân tích nguyên nhân bên trong, nguyên nhân bên ngoài; kết luận rút ra “bài học cảnh tỉnh”. Đọc kỹ, ngoài phần đầu dùng ngôn ngữ tường thuật khách quan, thì phần 2, phần 3, tác giả luôn chen vào những từ ngữ làm cho người đọc có cảm giác những nhân vật được đề cập trong bài viết có ý đồ xấu như: “nêu chiêu bài “dân chủ”” (người đọc sẽ hiểu là dân chủ giả tạo, không có dân chủ), “nhóm Hồi giáo cực đoan” (cụm từ “Hồi giáo cực đoan” lâu nay đồng nghĩa với mê tín quá đáng, đối xử bất bình đẳng với phụ nữ, khủng bố bằng vũ lực… Thực tế, chưa có tài liệu, bài báo nào nói rằng tổ chức “Những người anh em Hồi giáo” đang tham gia biểu tình là “hồi giáo cực đoan” cả), “đã nhúng tay, lúc thô bạo, lúc tinh vi, xảo quyệt” (chỉ các nước châu Âu và Mỹ), “kẻ chủ mưu, kẻ sử dụng” (dùng internet và các mạng xã hội đều bị gọi một cách miệt thị là “kẻ”), v.v…
“Trong khi cuộc chiến chống tham nhũng của các quốc gia đang tiếp tục, các gương mặt chính trị gia tiếp tục bị “lộ mặt” là những kẻ cướp ngày, thì theo Trung tâm quốc tế về lấy lại tài sản bị (các chính trị gia) đánh cắp đặt tại Basel (Thụy Sĩ), mỗi năm các quốc gia đang phát triển mất 20-40 tỉ USD vì hối lộ, biển thủ và các hành vi tham nhũng khác của các nhà lãnh đạo. Con số này tương đương với 20-40% lượng tiền hỗ trợ phát triển chính thức tới họ” (Tuổi Trẻ ngày 22/2/2011), tài sản của các nhà độc tài vừa bị lật đổ đã bị phong tỏa thì ông Nguyễn Thế Kỷ đổ cho nguyên nhân chính là do Mỹ và phương Tây.
Nội dung chính và cũng là điểm nhấn quan trọng, chiếm nhiều chữ nhất của bài viết là ông Nguyễn Thế Kỷ lên án “chính quyền George W. Bush đã vạch ra chiến lược Đại Trung Đông nhằm “thúc đẩy dân chủ” ở các nước Ả Rập” bằng cách “thông qua Bộ luật Thúc đẩy dân chủ ở các nước Ả Rập, trong đó có điều khoản yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này thành lập các website, mạng xã hội để liên kết, hỗ trợ “các phong trào dân chủ”; tài trợ tiền bạc cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) thuộc khối Ả Rập… Mạng xã hội Twitter ra đời từ chính sách đó và đã thể hiện rất rõ sự lợi hại trong thời gian vừa qua. Mỹ cũng cho lập Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (NED), Ngôi nhà tự do (FH), tài trợ cho hơn 1.000 NGO ở hơn 90 quốc gia trên thế giới, trong đó có 33 NGO ở Ai Cập. Tổ chức USAID của Mỹ hằng năm tài trợ trên 70 triệu USD cho các “hoạt động xã hội dân sự” tại Ai Cập…”, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton: “Cần chỉ rõ rằng, những kẻ làm đất, đổ ải, gieo hạt để có “vụ gặt” bội thu vừa qua, công đầu là Mỹ, nhiều nước phương Tây, các thế lực đầu cơ chính trị bản địa. Các mạng xã hội, phương tiện truyền thông, báo chí… thuần túy chỉ là công cụ – những công cụ đắc lực, sắc lẻm, lạnh lùng trong tay kẻ chủ mưu, kẻ sử dụng.”, “Ngày 15.2.2011, phát biểu tại Đại học George Washington, Ngoại trưởng Clinton lại lên tiếng chỉ trích, xuyên tạc Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Iran, Myanmar, Syria… “vi phạm tự do internet”.
Cuối bài, tác giả hô hàng loạt khẩu hiệu như những khẩu hiệu người dân thường đọc thấy trên báo, đài, mà cũng là mấy câu cũ xì có trong văn kiện đại hội đảng từ chục năm nay: “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị – xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch; thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Vào Google tra cứu mới biết “TS Nguyễn Thế Kỷ” là Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản. Ngày 16/8/2010 Ban Bí thư trung ương đảng CSVN vừa bổ nhiệm thêm chức Phó ban Tuyên giáo trung ương, thảo nào hô khẩu hiệu thật hùng hồn.
Bài viết của ông Tiến sĩ Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản kiêm Phó ban Tuyên giáo trung ương ngoài tình hình thế giới là mới thì cho thấy một tư duy chẳng có gì mới, một kiểu chửi bới hằn học xưng xưng (dù cố gắng giảm bớt thô thiển, nhưng vẫn thấy rõ ràng lối viết thô thiển). Ơ hơ! “Môn không ngứa mà bạc hà nhảy tưng tưng” là sao dzị??? Thời buổi bây giờ, không phải anh cứ dùng từ ngữ miệt thị đối tượng anh đề cập thì người đọc sẽ miệt thị ai đó theo ý anh, mà người ta còn phải suy nghĩ xem anh viết, anh nói đúng hay sai rồi người ta mới quyết định. Nhiều lúc người ta không miệt thị người bị anh miệt thị, mà trái lại người đọc sẽ miệt thị ngay chính người viết.
Người Việt từ xưa đã có câu: “Tức nước vỡ bờ”, “Con giun xéo lắm cũng quằn”. Khi mà xã hội đầy dẫy bất công, tham nhũng, đầy dẫy bọn “cướp ngày” hoành hành. Tài nguyên quốc gia cạn kiệt, môi trường sống bị tàn phá, quan chức nhà nước chỉ lo thu vén cá nhân, người dân nào chỉ trích lỗi của nhà cầm quyền thì bị dùng dùi cui, nhà tù, tòa án để đàn áp, bịt miệng… thì đến một thời điểm nào đó, người dân bị đè nén sẽ tự biết làm cuộc cách mạng cho mình.
Trong tình hình này mà còn làm theo cách cũ mấy chục năm về trước, khinh thường dân kém hiểu biết, nghe lời kẻ khác “lợi dụng”, “xúi giục”, “âm mưu diễn biến hòa bình”, đổ thừa cho “các thế lực phản động, thù địch” là kiểu “cả vú lấp miệng em” nhằm bịt miệng, vu cáo và đàn áp, không chịu lắng nghe và thực hiện ý muốn của nhân dân thì viễn cảnh “cách mạng hoa nhài” ở Việt Nam cũng không xa lắm.
Nguồn : Blog Tạ Phong Tần
0 comments:
Post a Comment