Viết bởi Mặc Giao
Thứ tư, 09 Tháng 3 2011 00:00
Những yếu tố cho một cuộc nổi dậy tiêu diệt độc tài tại Việt Nam đã hội đủ, dù vẫn còn nhiều khó khăn. Những tổ chức trong nước, những đường dây nối kết từ ngoài vào trong, nếu chưa đến lúc kết hợp thành một, hãy tìm cách phối hợp với nhau trong những công tác cụ thể, đồng bộ thực hiện một chiến dịch chung, nắm bắt cơ hội hay tạo ra cơ hội để châm ngòi cho cuộc nổi dậy bùng lên.
Chuyện thời sự trên đầu môi vào lúc này là cuộc nổi dậy thành công của nhân dân các nước Tunisia và Ai Cập, cũng như những cuộc biểu tình chống độc tài lây lan sang các nước Algeria, Yemen, Bahrain, Iran, Libya, đe dọa Saudi Arabica, Jordan và Syria. Những cuộc nổi dậy của nhân dân các xứ này xảy ra bất ngờ, lan rộng bất ngờ và cũng thành công bất ngờ. Quả thật đây là một hiện tượng, một biến cố lớn của lịch sử nhân loại vào tiền bán thế kỷ 21. Bộ mặt của vùng đất này trên thế giới sẽ thay đổi và sẽ có thể kéo theo những thay đổi trên những vùng đất khác.
Tuy nhiên, việc gì cũng có nhân có quả. Người dân các nước nói trên đã bị đàn áp, bóc lột, tước đoạt nhân phẩm và quyền làm người suốt một thời gian dài. Họ đã im lặng chịu đựng. Đôi khi bực bội vùng lên, nhưng chưa đồng loạt, nên dễ bị dập tắt. Dù vậy sự bất mãn, căm phẫn vẫn còn đó, mỗi ngày mỗi tăng thêm. Đến lúc không thể chịu đựng được nữa, niềm phẫn nộ đã vỡ òa và quét sạch những chế độ gian tham, tàn ác, dù đầy tiền bạc và súng đạn trong tay. Con giun bị xéo lắm cũng quằn, huống chi con người.
Trước những biến cố này, nhiều người “hồ hởi” cho rằng phong trào nhân dân vùng dậy sẽ lan tới Việt Nam và kêu gọi dân ta hãy đứng lên hưởng ứng. Có người lại bi quan cho rằng cuộc đấu tranh tương tự chưa thể xảy ra tại nước ta, vì tình hình các nước có biến cố không giống tình hình Việt Nam.
Điểm tương đồng quan trọng nhất giữa những nước có biến động và Việt Nam là những nước này bị cai trị bởi một chế độ độc tài, độc tài cá nhân, độc tài đảng phái, độc tài gia đình, độc tài quân chủ. Bản chất của mọi chế độ độc tài là áp bức người dân, tước đoạt mọi quyền tự do và quyền công dân của họ, vơ vét tài nguyên quốc gia và tài sản tư nhân để làm giầu cho một đảng, một gia đình, một cá nhân và đám bầy tôi. Lòng tham quyền và tiền nảy sinh tham nhũng, sự tàn ác, những mánh khóe bóc lột.
Hậu quả là đại đa số nhân dân sống trong nghèo khổ, xã hội chậm tiến, văn hóa suy đồi, trong khi những kẻ giầu có bất chính sống xa hoa, phè phưỡn trên sự đau khổ của những người khác. Đó là mầm bất ổn của xã hội, là nguyên nhân của những cuộc vùng dậy để dân đòi lại quyền lợi và nhân phẩm. Tại những quốc gia có tự do, dân chủ, không có tình trạng này, dù đôi khi dân chúng xuống đường hàng ngàn hàng vạn người để phản đối chính phủ hoặc đòi hỏi những quyền lợi cá biệt của từng giới. Có giải tán biểu tình, có bắt nhốt những phần tử qúa khích phá hoại, nhưng luôn luôn kết thúc trong hòa bình và chính phủ biết lắng nghe ý nguyện của dân.
Sự khác biệt nổi bật nhất giữa Việt Nam và các chế độ độc tài khác là quyền lực ở những nước kia thường được thâu tóm trong tay một cá nhân với những tay chân dễ sai khiến và với một chính đảng bù nhìn được dựng lên để làm bình phong. Nói chung là đám tay chân lo suy tôn lãnh tụ và bảo vệ lẫn nhau chỉ vì muốn giữ những đặc quyền, đặc lợi. Trong khi chế độ cộng sản Việt Nam do một đảng độc tôn nắm giữ, có chủ thuyết, có bài bản và kinh nghiệm cướp chính quyền, giữ chính quyền và khủng bố dân chúng để không ai dám chống lại.
Thêm vào đó, những con người cộng sản lại độc ác, mất nhân tính, coi đồng bào của mình như kẻ thù, đầy đọa trong lao tù, đánh đập, giết chóc không nương tay. Staline đã giết hàng triệu người Nga khi đầy họ đi khổ sai ở vùng giá lạnh Sibérie. Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh tàn sát hàng ngàn sinh viên Trung Quốc trên quảng trường Thiên An Môn. Hồ Chí Minh cũng gây ra cái chết của hàng trăm ngàn nông dân trong những đợt cải cách ruộng đất… Vì vậy nhiều người bi quan cho rằng dân chúng sống dưới chế độ cộng sản khó vùng dậy vì sợ hãi và vì kỹ thuật khủng bố, đàn áp qúa tinh vi và dã man.
Nếu nhìn một cách khách quan, sự so sánh trên có phần đúng. Nhưng người ta sẽ giải thích ra sao sự tan rã của những chế độ cộng sản vô cùng hùng mạnh và gian ác ở Đông Âu, đứng đầu là Liên Xô? Liên Xô là nước cầm đầu khối cộng sản thế giới, là thánh địa để các nước cộng sản khác đến học hỏi và xin trợ giúp, là một cường quốc có binh hùng tướng mạnh, võ khí tối tân hiện đại không thua Hoa Kỳ, có guồng máy gián điệp và công an chìm KGB khổng lồ với kỹ thuật tân tiến bậc nhất thế giới.
Vậy mà chế độ Liên Xô đã sụp đổ vì sự phẫn nộ của nhân dân Nga, không phải vì ông Gorbatchev. Ông này chỉ muốn áp dụng chính sách cởi mở và đổi mới để cứu vãn nền kinh tế Liên Xô đang trên đường xuống dốc, không hề có ý định giải tán đảng cộng sản. Nhưng khi cánh cửa hé mở, nhân dân tràn tới đạp tung. Rồi như nước vỡ bờ, họ cuốn trôi luôn căn nhà chế độ.Guồng máy kềm kẹp, đàn áp của các nước cộng sản khác, Đông Đức, Bulgaria, Roumania, cũng tinh vi và tàn ác không kém Liên Xô. Nhưng khi nhân dân phẫn nộ vùng lên, không có gì cưỡng lại nổi. Công an bất lực, lo chạy trốn. KGB lo thủ tiêu tài liệu rồi lặn sâu. Quân đội khoanh tay đứng nhìn, không can thiệp. Ông Gorbatchev không còn cách nào giữ đảng ngoài việc giao quyền cho ông Boris Yeltsin, để ông này theo ý nhân dân giải thể chế độ cộng sản.
Điều đáng quan ngại đối với trường hợp Việt Nam là dân ta vốn có tính thụ động, ít quan tâm tới việc chung, chỉ chú ý đến cái lợi trước mắt cho riêng mình và cho những người thân của mình. Dân Việt có truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, nhưng lại ngoan ngoãn đối với những người cầm quyền bản xứ, cam lòng chịu phận “con sâu cái kiến”, dù luôn bị “quan tha nha bắt”.
Những người cộng sản hiểu tâm lý này của dân Việt. Họ áp dụng triệt để chính sách được gán là của Hoa Kỳ “cây gậy và củ cà rốt”. Họ vừa hăm dọa, giữ dân trong sự sợ hãi thường xuyên, vừa đưa mồi ra nhử. Họ cũng áp dụng chính sách này với các đoàn thể và tôn giáo. Họ làm cho dân nhụt hết ý chí, đa số chỉ lo kiếm tiền và hưởng thụ, không nghĩ gì đến đất nước, đến công ích xã hội.
Giới trẻ thì thả cửa ăn chơi sa đọa trong một xã hội vô luân lý. Các tôn giáo thì bể thành nhiều mảnh do âm mưu chia rẽ và phá hoại của cộng sản. Phật Giáo thành 3 mảnh, Cao Đài, Hòa Hảo mỗi đạo thành hai mảnh, Tin Lành thành nhiều mảnh, Công Giáo tuy chỉ có một mảnh rưỡi (nửa mảnh là Ủy Ban Đoàn Kết CGVN) nhưng hàng giáo phẩm thân thiện cộng tác với nhà cầm quyền theo kiểu “úm ba la hai ta cùng lợi”. Trông chờ nhân dân vùng dậy có vẻ khó.
Tuy khó khăn như vậy, chúng ta cũng không mất niềm hy vọng. Khó thì phải kiên trì hơn. Khó thì cần nhiều thời giờ hơn để hội đủ những điều kiện cho một cuộc đấu tranh dứt điểm. Dân Việt Nam vẫn chưa mất hết ý chí quật cường. Trí thức Việt Nam vẫn còn những bộ óc biết suy nghĩ. Tuổi trẻ Việt Nam chưa đánh mất nhiệt tâm yêu nước và yêu tự do công lý. Bằng cớ là càng ngày càng có nhiều lời nói và hành động công khai phê phán và chống đối chế độ. Những cá nhân lãnh đạo cũng bị chỉ đích danh với những lỗi lầm và yếu kém của họ. Sự sợ hãi vẫn còn nhưng càng ngày càng giảm bớt. Nhà cầm quyền có thể bắt vài chục người hay một trăm người chống đối nổi bật nhất nhưng không thể bắt hết hàng triệu người âm thầm hay công khai chống chế độ.
Chúng ta hãy thử nhìn tương quan lực lượng giữa nhân dân Việt Nam và guồng máy cầm quyền tại Việt Nam để dự đoán những gì có thể xảy ra khi một cuộc vùng dậy bộc phát
* Phiá nhân dân:
Không phải tất cả 86 triệu người Việt Nam đều tích cực chống đối cộng sản và sẵn sàng tham gia một cuộc vùng dậy. Nhưng thực tế, tuyệt đại đa số dân Việt Nam đã chán chế độ cộng sản lắm rồi. Họ hoan nghênh bất cứ một sự thay đổi nào, dù chưa chắc họ sẽ tham gia việc tạo nên sự thay đổi. Có thể coi họ như một đa số thầm lặng, không hành động nhưng sẽ đi theo.
Mọi biến cố chỉ có thể xảy ra khi có một thiểu số năng động, tức là những thành phần tham gia trực tiếp biến cố. Chế độ Hosni Mubarak sụp đổ không cần 80 triệu dân Ai Cập xuống đường. Chỉ cần vài trăm ngàn đến cao điểm một triệu người tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo, vài chục ngàn ở Alexandrie và Port Said. Đám đông sẽ lôi kéo đám đông. Khi cao trào nổi lên, những người khác sẽ đi theo.
Những thành phần dân chúng có thể tham gia một cuộc đấu tranh vùng dậy:
- Giới trẻ, giới sinh viên
- Nạn nhân bị cướp đất, cướp nhà
(dân oan khiếu kiện)
- Nông dân bị cướp đất canh tác
- Công nhân bị bóc lột
- Tín đồ các tôn giáo (quan trọng nhất)
Giới trẻ đã có nhiều dịp thao tác trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Dân oan đã có kinh nghiệm đấu tranh trường kỳ. Công nhân đã có kinh nghiệm tổ chức đình công. Nông dân đã có kinh nghiệm đấu tranh giữ đất như ở Cồn Dầu (Đà Nẵng), Vụ Bản (Nam Định). Tín đồ các tôn giáo đã có kinh nghiệm đấu tranh đòi tự do tôn giáo, đòi đất đai và cơ sở bị chiếm hữu. Đây là những lực lượng sung kích đầu tiên.
Dù đã có lực lượng quần chúng nhưng vấn đề quan trọng là ai sẽ phát động cuộc đấu tranh? Có thể một tổ chức, một đoàn thể hay một nhóm công dân sẽ làm việc này. Nhưng cũng rất có thể một biến cố nhỏ hay một hành động đàn áp vô ý thức của nhà cầm quyền sẽ châm mồi cho đám cháy lớn. Cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Tunisia bùng lên từ việc tự thiêu của Mohamed Bouazizi, một thanh niên thất nghiệp đi làm chui, không thể chịu nhục vì bị một nữ cảnh sát viên chửi rủa, đánh đập khi xét giấy tờ.
Cuộc vùng dậy ở Ai Cập khởi đầu bằng việc đàn áp một số không đông những người biểu tình ôn hòa, trong số đó anh Khalid Sayid bị cảnh sát đánh chết. Việc này khiến anh Wael Ghonim phẫn nộ. Anh Wael Ghonim là một thanh niên 30 tuổi, có tài đặc biệt về kỹ nghệ thông tin, đang giữ chức giám đốc điều hành (executive manager) của công ty Google ở Dubai. Anh bắt đầu cuộc đấu tranh ôn hòa bằng kỹ thuật computer. Anh lập hàng loạt twitter, blog, website, mở facebook có tên “Tất cả chúng tôi là Khalid Sayid” để truyền những bản tin và những hình ảnh đàn áp. Anh thông báo ngày giờ, địa điểm tập họp. Đám đông cứ việc làm theo những thông tin của anh, chẳng cần theo một lãnh tụ chính trị hay tôn giáo nào. Những lãnh tụ này mấy ngày sau mới lẽo đẽo theo đám đông đi biểu tình để kiếm điểm.
Kỹ thuật thông tin hiện đại là một đe dọa sinh tử cho những chế độ độc tài. Họ không còn có thể bóp méo thông tin và bưng bít nhân dân được nữa. Những tội ác của họ được phơi bầy. Kế hoạch và ngày giờ đấu tranh lật đổ họ được thông báo cho hàng ngàn hàng vạn người cùng một lúc. Dù họ biết cũng trở tay không kịp. Có thể kỹ thuật thông tin liên lạc qua computer ở Tunisia và Ai Cập phát triển hơn ở Việt, nhưng số lượng người dùng computer ở Việt Nam cũng không phải nhỏ, có thể ước lượng hàng triệu.
Chúng tôi biết một tổ chức người Việt ở Hoa Kỳ có ba triệu địa chỉ email tại Việt Nam, một cá nhân ở Úc có vài chục ngàn địa chỉ. Họ vẫn thường xuyên gửi tin tức, hình ảnh và những bài viết về những địa chỉ này. Tường lửa do nhà cầm quyền dựng lên bị vượt qua dễ dàng đối với những người muốn vượt. Kỹ thuật thông tin qua computer chắc chắn là một lợi khí cho cuộc đấu tranh chống cộng của nhân dân Việt Nam.
*Phiá guồng máy cầm quyền:
Dĩ nhiên guồng máy cầm quyền hiện có nhiều lợi thế. Họ có 3 triệu đảng viên, có tiền, có chính quyền, công an và quân đội. Tuy nhiên trong cái mạnh vẫn có cái yếu:
- Trong số 3 triệu đảng viên, có bao nhiêu người trung thành với đảng, sẵn sàng hy sinh vì đảng đến giọt máu cuối cùng? Có bao nhiêu người vào đảng vì lý tưởng cộng sản hay chỉ vì cơ hội tiến thân và kiếm tiền? Có bao nhiêu đảng viên đang uất ức, bất mãn vì không được ban bổng lộc, chức tước như họ mong muốn? Có bao nhiêu đảng viên đã phản tỉnh về sự sai lầm của đảng nhưng chưa dám rút chân ra vì còn bị kềm kẹp trong guồng máy và còn dính dáng tới quyền lợi?
Chưa kể những đảng viên lão thành như ông Nguyễn Văn An, cựu chủ tịch Quốc Hội, nguyên ủy viên trung ương đảng, cũng như nhiều đảng viên tai mắt khác, đã công khai phê phán đảng, đòi cải tổ tận gốc rễ, nhiều người thẳng thừng đòi dẹp bỏ chế độ cộng sản. Chắc chắn đảng không phải là một khối thuần nhất và không phải là một khối sức mạnh vô địch có thể đập tan mọi cuộc nổi dậy chống đảng. Người ta nghĩ rằng nếu có một biến cố xảy ra, sẽ có vô số đảng viên mau lẹ nhảy tầu để khỏi bị đắm chung.
- Tiền và chính quyền chỉ được xử dụng khi có lãnh đạo. Khi lãnh đạo bị cô lập, chính quyền sẽ tê liệt. Nhân viên chính quyền các cấp bất cứ ở đâu, bất cứ thời nào cũng có truyền thống án binh bất động, khoanh tay ngồi chờ khi có biến động dẫn đến việc thay đổi quyền hành. Họ muốn được vô can và chờ nhận lệnh khi tình hình ngã ngũ.
- Công an là lực lượng chính bảo vệ chế độ. Nhân viên công an được tuyển chọn trong hàng ngũ thân tín và trung thành, được đãi ngộ đặc biệt và được giao quyền sinh sát. Vì vậy người chỉ huy công an mới hiệu triệu thuộc cấp bằng bằng khẩu hiệu “Còn đảng còn mình”.
Điều này có nghiã nếu không bảo vệ đảng, để đảng mất là mình cũng tiêu luôn. Chỉ biết có đảng thôi, không cần biết tới đất nước và đồng bào. Công an ý thức rất rõ là họ đã gây nhiều ân oán với nhân dân, bị nhân dân thù ghét. Khi có cơ hội, dân sẽ “hỏi thăm sức khỏe” của công an trước tiên.
Do đó, khi được hiếp đáp dân thì công an hùng hổ ra tay, khi có tiếng nổ lớn như ở Sài Gòn ngày nào là công an trốn biệt, sợ bóng viá biến cố, sợ nhân dân hỏi nợ. Bất cứ một cuộc đấu tranh vùng dậy nào cũng sẽ bị công an đàn áp. Máu sẽ phải đổ. Nhiều hay ít là do mệnh lệnh của những người nắm quyền, và cũng do chiến thuật đấu tranh của nhân dân. Vùng dậy ít nơi, người tham dự không đông, công an dễ đánh đập, bắn giết, bắt nhốt.
Nhưng nếu sự việc xảy ra nhiều nơi cùng một lúc với số người tham dự đông đảo, công an sẽ bị phân tán lực lượng và sẽ bị số đông áp đảo, tràn ngập. Sự thiệt hại về phiá nhân dân sẽ rất ít. Khi máu đã đổ, máu sẽ gọi máu. Quần chúng sẽ phẫn nộ, sẽ nôn nóng trả thù. Dù có hàng sư đoàn công an cũng không thể đương đầu với hàng trăm ngàn, hàng triệu người đang say sưa khí thế đấu tranh và căm phẫn trước việc đồng bào bị tàn sát. Diễn tiến này luôn luôn xảy ra cùng một bài bản ở khắp nơi có những cuộc vùng dậy.
- Khi công an đã bất lực trong việc đàn áp nhân dân, quân đội sẽ được gọi tới. Nếu một quân đội sẵn sàng bắn giết dân lành không một tấc sắt trên tay theo lệnh đảng như ở Thiên An Môn thì đảng đã thành công trong việc biến quân đội thành cầm thú, tàn sát đồng loại không gớm tay. Nhưng không phải lúc nào cũng xảy ra như vậy. Toàn thể lực lượng quân sự hùng mạnh của Khối Varsovie đã khoanh tay đứng nhìn dân chúng đấu tranh lật đổ hàng loạt chính phủ cộng sản. Nhiều tướng lãnh Liên Xô đã từ chức hoặc tuyên bố không tuân lệnh bộ quốc phòng và ra lệnh cho lính không được bắn vào dân.
Chúng ta đừng quên rằng, cũng như ở Việt Nam, quân đội của các quốc gia cộng sản này bị hệ thống quân ủy của đảng kiểm soát và điều động, quyền của một chính ủy nhiều khi còn lớn hơn quyền một chỉ huy trưởng. Vậy mà quân đội vẫn không theo lệnh đảng. Tại Tunisia, quân đội đã đứng ngoài vòng tranh chấp. Quân đội Ai Cập được lệnh đưa chiến xa đến bố trí ở quảng trường Tahrir. Quân đội đã thi hành lệnh, nhưng án binh bất động, binh lính nắm tay múa hát với người biểu tình.
Sau chiến thắng, quân đội Ai Cập lãnh nhiệm vụ giữ an ninh và tạm thời điều hành quốc gia trong 6 tháng để tổ chức một cuộc bầu cử tự do. Qua những tiền lệ trên, không ai dám tin chắc quân đội “nhân dân” Việt Nam sẽ giết dân theo lệnh đảng. Điều cần là chúng ta phải tiến hành ngay công tác vận động quân đội để họ nhận thức rõ rệt rằng quân đội có nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc và nhân dân, không phải là công cụ của một đảng, nên không thể chiã súng bắn vào đồng bào, trong đó có cha mẹ, anh em, bạn bè của mình.
Cuộc tranh đấu của dân Việt Nam có hai lợi điểm khác mà dân Tunisia và Ai Cập không có: Một là lực lượng chống cộng của người Việt ở hải ngoại, dù chưa quy tụ thành một mối, rất mạnh, đấu tranh kiên trì không mệt mỏi suốt 36 năm qua, đã tiếp tay yểm trợ anh chị em đấu tranh cho dân chủ trong nước qua nhiều đường dây và nhiều hình thức mà cộng sản không kiểm soát nổi.
Hai là dân Việt Nam, kể cả nhiều đảng viên cộng sản, có một mục tiêu tranh đấu chung rất rõ rệt: đó là chống lại những người bán nước, dâng đất, dâng biển cho ngoại bang, cắt những phần đất mầu mỡ và có địa thế chiến lược của tổ quốc cho kẻ thù truyền kiếp thuê để khai thác. Ngoài những tội khác, tội này rất dễ gây căm phẫn trong nhân dân và dễ khích động tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết yêu nước đứng lên hỏi tội thủ phạm.
Dể kết luận, tôi nhận thấy những yếu tố cho một cuộc nổi dậy tiêu diệt độc tài tại Việt Nam đã hội đủ, dù vẫn còn nhiều khó khăn. Những tổ chức trong nước, những đường dây nối kết từ ngoài vào trong, nếu chưa đến lúc kết hợp thành một, hãy tìm cách phối hợp với nhau trong những công tác cụ thể, đồng bộ thực hiện một chiến dịch chung, nắm bắt cơ hội hay tạo ra cơ hội để châm ngòi cho cuộc nổi dậy bùng lên.
Hãy chuẩn bị việc hướng dẫn cuộc nổi dậy đi đến thành công mong muốn, ngăn chặn những phần tử cộng sản trá hình và những nhóm hoạt đầu lợi dụng để hướng lái cuộc đấu tranh theo mục tiêu riêng của họ.
Hãy hòa mình với cao trào nhân dân vùng dậy tiêu diệt độc tài áp bức ở Bắc Phi và Trung Đông để giải phóng dân tộc Việt Nam.
Hãy rút kinh nghiệm từ những cuộc đấu tranh này để thực hiện cho chính mình. Thế giới đang ngạc nhiên và ủng hộ cao trào tự giải phóng đang diễn ra. Những tính toán của các cường quốc cũng phải nhường bước trước ý chí của nhân dân các nước này.
Không một nước nào bênh vực những chế độ độc tài đang dẫy chết. Nhân loại đang dành cảm tình cho những dân tộc dám vùng lên để tự cứu mình. Dân tộc Việt Nam đừng bỏ lỡ cơ hội.
Mặc Giao
http://www.thangtienvietnam.com/
0 comments:
Post a Comment