CTV Danlambao - TNLT Trần Thị Nga đã bị nhà cầm quyền Việt Nam chuyển từ Hà Nam vào trại giam Đắk Trung, một trại giam nằm ở khu vực hẻo lánh của huyện Cứ M'gar, tỉnh Đắk Lắk – cách xa tỉnh Hà Nam hơn 1000km.
Sáng ngày 05 tháng 03, ông Phan Văn Phong (chồng bà Nga) cho biết là ông bị cán bộ trại giam Hà Nam từ chối nhận gởi đồ thăm nuôi và được thông báo rằng bà Nga đã bị chuyển trại vào ngày 28 tháng 02 (tức ngày 13 Tết âm lịch).
Trao đổi với CTV Danlambao, ông Phong bày tỏ sự lo ngại của mình: “Tôi năm nay cũng đã 64 tuổi rồi và còn phải chăm sóc cho 2 con nhỏ. Vì thế nên việc Thúy Nga bị chuyển trại giam vào tận trong Đắk Trung thì quả thực tôi rất lo lắng. Đi xa như thế, tất nhiên sẽ tốn kém hơn rất nhiều về cả thời gian lẫn tài chính”.
Được biết, trại giam Đắc Trung thuộc quản lý của tổng cục 8, Bộ côn an CSVN.
Trước đó, vào ngày 27 Tết âm lịch, blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng đã bị nhà cầm quyền chuyển từ Khánh Hòa ra trại 5, Thanh Hóa. Nơi cũng cách xa gia đình hơn 1000 km. Tàn độc hơn, ngay sau khi chuyển trại, blogger Mẹ Nấm còn tiếp tục bị công an trại 5 từ chối không cho nhận thuốc và đồ dùng cá nhân của gia đình gởi.
Trên trang facebook cá nhân của mình, blogger Phạm Lê Vương Các cho biết: “Theo luật nhân quyền quốc tế, việc di chuyển một tù nhân đến nơi giam giữ cách xa nơi ở thường trú của họ nhằm mục đích ngăn cản hoặc gây ra khó khăn cho việc thăm nom của thân nhân là cấu thành hành vi đối xử tàn ác hoặc vô nhân đạo.”
Có thể thấy, việc chọn thời điểm những ngày Tết và chuyển đến trại giam ở những nơi cách xa nơi cư trú, xa thân nhân của 2 nữ TNLT này là một hành động trả thù đê hèn của nhà cầm quyền đối với những nỗ lực tranh đấu của 2 bà cho đất nước: Bảo vệ môi trường, cải thiện dân sinh, thúc đẩy dân chủ và bảo vệ chủ quyền dân tộc. Đồng thời, đây cũng là một chiêu trò nhằm đọa đày tinh thần khi gây thêm sự xa cách giữa các bà với những con nhỏ của mình.
Đôi nét về bà Trần Thị Nga
Bà Trần Thị Nga (sinh năm 1977, ngụ tỉnh Hà Nam) bị nhà cầm quyền cầm tù với bản án 9 năm tù giam với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 88 BLHS.
Bà bị bắt hồi tháng 1 năm 2017. Báo chí cộng sản tuyên truyền rằng bà đã phát tán những video, clip có nội dung chống đảng, chống chế độ. Thực tế, những hoạt động của bà Nga đều nhằm phản ánh thực trạng đất nước và cổ suý cho quyền tự do công dân.
Bà Nga từng hỗ trợ bà con dân oan trong việc khiếu kiện, đòi quyền lợi chính đáng bị nhà cầm quyền tước đoạt. Bà cũng từng tham gia vào nhiều cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung cộng xâm lược, phản đối sự hiện diện của tập đoàn Formosa, tác nhân đã gây thảm họa môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.
Những nỗ lực, đóng góp của Trần Thị Nga cho công cuộc đấu tranh đòi dân chủ tại Việt Nam cũng như sự can đảm của bà được quốc tế ghi nhận. Bà là một trong 17 người có tên trong cuốn sách “Anh hùng Châu Á” (It’s not ok) do đài Á Châu Tự Do phát hành.
Bà cũng từng được Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế- Amnesty International, đưa vào danh sách 6 nhà hoạt động nhân quyền nữ trong khu vực Đông Nam Á, được vinh danh nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8 tháng 3 năm 2017.
Năm 2018, bà vinh dự nhận được "Giải Thưởng Tinh Thần Trần Văn Bá 2018"
0 comments:
Post a Comment