Tuesday, March 20, 2018

Ngày Nước Thế Giới 2018: Giải pháp cho nước dựa vào thiên nhiên

Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Hàng năm đến ngày 22 tháng 3, Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các quốc gia trên thế giới tổ chức Ngày Nước Thế giới để duyệt xét lại tình trạng phân bổ và tình hình trong năm qua ở các quốc gia có nhu cầu được trợ giúp về nguồn nước sinh hoạt. Ngày Nước Thế giới đầu tiên đã được Đại hội đồng LHQ quyết định vào ngày 22/3/1993.

Chủ đề cho năm 2018‘Nature for Water’ nhằm mục đích tạo cơ hội để xây dựng một nền tảng tiếp nối những Ngày Nước Thế Giới trong quá khứ cho việc phát triển bển vững. Cơ quan LHQ-Nước (United Nations-Water) điều hợp và trình bày dự án cho World Water Week phối hợp cùng UNEP, UN-Habiotat, WHO. 

2017 Nước và Nước thải – Water and Wastewater 
2016 Nước và Việc Làm – Water and Jobs 
2015 Nước và sự Phát triển bền vững – Water and Sustainable Development 
2014 Nước và Năng lượng – Water and Energy 
2013 Hợp tác Nước – Water Cooperation 
2012 Nước và An toàn Thực phẩm – Water and Food Security 
2011 Nước cho Thành phố - Water for Cities 
2010 Phẩm chất Nước – Water Quality 
2009 Nước Xuyên Biên giới – Transboundary Waters
Tại sao phải có Ngày Nước Thế Giới? 

Ngày Nước Thế Giới là một ngày lễ quốc tế và là một cơ hội để tìm hiểu thêm về các vấn đề liên quan đến nước. Ngày nầy đã được xem như là một nguồn cảm hứng để nói lên cho mọi người khác và phải hành động để tạo sự khác biệt trước hiện trạng khan hiếm và phân phối không đồng đều nguồn nước trên thế giới. Lịch sử của Ngày Nươc Thế Giới đã được ghi nhận từ một quyết định của Đại hội đồng LHQ trong Hội nghị về Môi trường và Phát triển năm 1992. 

Từ đó Ngày Nước Thế Giới đầu tiên ra đời là ngày 22/3/1993. Và mỗi năm, Ủy ban LHQ về Nước, đơn vị điều hành và phối hợp chương trình hành động hàng năm nhằm đưa ra chủ đề liên quan đến nước và môi trường qua những dạng đặc thù của nước ngọt trên thế giới. 

Ngày nước thế giới được tổ chức trên khắp thế giới nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân đối với tầm quan trọng của nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống bao gồm cả môi trường, y tế, nông nghiệp và thương mại. Đây cũng là ngày động não cho mọi người về phương cách quản lý nguồn nước cho hợp lý! 

Dự kiến chủ đề cho Ngày Nước Thế Giới năm 2018 là "Giải pháp cho Nước dựa vào Thiên nhiên" (Nature-based Solutions for Water). 

Cảnh báo đầu tiên cho năm 2018 là: Thành phố lớn thứ hai của Nam Phi được thiết lập để trở thành trung tâm nhằm rút kinh nghiệm cho thế giới về vấn nạn cạn kiệt nguồn cung cấp nước, một khi các hồ chứa của nước này sẽ bị khô vào khoảng thời gian từ giữa đến cuối tháng 4/2018. Ít nhất 4 triệu người sẽ hết nước khi điều đó xảy ra. 

Cư dân Cape Town đang phải đối mặt với tình hình ngày càng xấu đi vì trong vòng chưa đầy ba tháng, họ sẽ phải đứng xếp hàng để nhận được các khẩu phần nước cho từng nhà. Hiện nay, những người sống trong thành phố đã được yêu cầu giới hạn đến 87 lít nước mỗi ngày, hoặc 23 gallon. Vào ngày 1 tháng 2, con số đó sẽ giảm xuống còn 50 lít (13 gallon). Nhằm mục đích so sánh, một người Mỹ trung bình sử dụng khoảng 200 gallon nước mỗi ngày - hơn 14 lần so với những gì người dân ở đây sẽ được yêu cầu sử dụng. 

2. Nguồn nước trên thế giới 

Nước đóng góp vào việc thăng tiến cuộc sống trong xã hội trong việc tạo dựng nguồn thực phẩm và môi trường lành mạnh ảnh hưởng lên hang tỷ người. Một vài thí dụ về việc tiêu thụ nguồn nước để sản xuất ra thực phẩm. Nếu dùng 1 acre-foot nước (bằng 43.560 cubic feet hay 325.851 Gallons hay 1.233,5 m3) để canh tác chỉ thu được 47.00$US nếu trồng cỏ, 223.00 $US nếu trồng lúa, 258.00 $US nếu trồng bắp, 287.00 $US nếu trồng alfalfa, và 551.00 $US nếu trồng bông vải; trong khi thu được 1.875.00 $US nếu trồng cây ăn trái hoặc các loại hạt. 

Để có thêm khái niệm về tình trạng nước trên thế giới, xin đan cử ra đây vài số liệu cần nên biết. Tổng sản lượng nước trên thế giới gồm: 97,5% nước biển (mặn) và chỉ 2,5% nước ngọt. Trong 2,5% nầy chỉ có 0,4% nước mặt gồm sông ngòi, ao hồ và hơi nước trong không khí, 30,1% nước ngầm, và phần còn lại là những tảng băng trải rộng ở Bắc và Nam cực. 

Và sau cùng trong 0,4% nước mặt đó, có 67,4% nước ao hồ, 1,6% sông ngòi, 12,2% nước đã thấm vào đất, 9,5% hơi nước trong không khí, và phần còn lại gồm các vùng đất ngập nước (wetland). Trử lượng nước ở địa cầu không nhiều như chúng ta tưởng. 

Sự phân bổ nước trên thế giới hoàn toàn không đồng đều do:
- Điều kiện địa lý từng vùng; 
- Sự lạm dụng của những quốc gia kỹ nghệ; 
- Và sự "nhắm mắt làm ngơ" không giúp đở các quốc gia nghèo của các "nước lớn". 

Theo ước tính, có 70% lượng nước trên thế giới được sử dụng cho nông nghiệp, 20% cho kỹ nghệ, và 10% cho sinh hoạt gia đình. Hàng ngày, trong nhiều vùng ở Phi Châu, phần đông cư dân không có hơn một lít nước dùng cho sinh hoạt cá nhân; trong lúc đó ở Hoa Kỳ, mức tiêu thụ nước cho mỗi người dân có thể lên đến 700 lít cho một ngày; và người dân Paris tiêu thụ 100L/ngày. 

Thêm nữa, sự gia tăng dân số kéo theo nhu cầu cần phải phát triển nông nghiệp, do đó việc tận dụng nguồn nước, nhất là nước ngầm sẽ là một nguy cơ làm cạn kiệt nguồn nước trong tương lai. Theo tính toán, muốn sản xuất 1 kg gạo cần phải tiêu tốn 6.000 lít nước. Từ đó, một suy nghĩ nảy sinh ra là, Việt Nam cần có nhu cầu phải thuần sản xuất gạo để xuất cảng hàng năm 6,7 triệu tấn gạo hay không, trước tình trạng nước ngày càng cạn kiệt trên dòng Cửu Long? 


3. Sinh hoạt của Ngày Nước trên Thế Giới 

Năm nay, có những phương án tiêu biểu đề nghị cho Ngày Thế giới 2018 là: 

3.1- Thách thức cho Ngày Thế giới Nước: Trong Ngày Nước Thế giới năm nay, Nhóm Hành động Rotarian Nước và Vệ sinh (Water and Sanitation Rotarian Action Group - WASRAG) đang phát thảo và khởi động một gợi ý cho việc giáo dục cộng đồng thế giới về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước. 

Tại sao không để cộng đồng từng địa phương tham gia trực tiếp vào việc nầy? 

Việc cần phải thiết lập dự án nâng cao phẩm chất nước và ý thức về vấn đề này rõ ràng trong cộng đồng bạn đang sống chung là một vấn đề cốt lõi trước tình trạng khan hiếm nước ngọt ngày càng trầm trọng hiện nay. 

Ví dụ: Bạn có thể thành lập một nhóm để dọn dẹp các mảnh vỡ dọc theo một dòng sông hoặc hồ địa phương; nói chuyện với học sinh và khuyến khích họ viết các bài tiểu luận về tầm quan trọng của nước và những gì họ có thể làm để bảo vệ nó; và khuyến khích nông dân trong vùng của bạn sử dụng hóa chất thân thiện với môi trường sẽ không làm hỏng hệ thống nước dễ vỡ. Điểm mấu chốt là để giáo dục cộng đồng của bạn và thực hiện hành động. Tìm hiểu thêm về cách gửi một thông điệp khuyến cáo vấn đề nước trong cộng đồng lên chính quyền địa phương. 


3.2- Ô nhiễm nguồn nước từ nông nghiệp: Ô nhiễm nước là một thách thức toàn cầu đã gia tăng ở cả các nước phát triển và đang phát triển, phá hoại tăng trưởng kinh tế cũng như sức khoẻ, và môi trường của hàng tỷ người. Các khu định cư người, các ngành công nghiệp và nông nghiệp là những nguồn ô nhiễm nguồn nước chính. Trên toàn cầu, 80% nước thải của thành phố được thải vào các vùng nước không được thanh lọc, và ngành công nghiệp sản xuất chịu trách nhiệm đổ hàng triệu tấn kim loại nặng, dung môi, bùn độc hại và các chất thải khác vào các vùng nước mỗi năm. 

Nông nghiệp, chiếm 70% lượng nước cạn kiệt trên toàn thế giới, đóng một vai trò chính trong ô nhiễm nguồn nước. Nông trại thải ra một lượng lớn các chất hoá học nông nghiệp, chất hữu cơ, dư lượng thuốc, vào trong nước. Tình hình ô nhiễm nguồn nước gây ra rủi ro đối với hệ sinh thái thủy sinh, sức khoẻ con người và các hoạt động sản xuất. 

Vì vậy, cần phải bảo vệ hệ sinh thái nước ngọt của chúng ta. 

3.3- Vùng ẩm ướt hay đầm lầy (wetland): Trong 40 năm qua, có thể nói, toàn thể sinh vật nước ngọt trên thế giới đã giảm 81% - con số này tăng gấp đôi so với trên đất liền và trong đại dương. Các hệ sinh thái nước ngọt rất cần thiết cho đời sống, sức khoẻ và sinh kế của con người, vì chúng cung cấp nước uống, thực phẩm, công nghiệp và năng lượng. Ngoài việc sử dụng có hiệu quả, các nguồn nước ngọt cũng là môi trường sống cần thiết cho đa dạng sinh học; mặc dù nước ngọt chỉ chiếm 0,01% lượng nước trên thế giới mà nơi đây là nơi sinh sống gần 6% tất cả các sinh vật toàn cầu. 

Tại sao sự hiện diện của đầm lầy là điều cần thiết? 

Đô thị hóa là một trong những xu hướng chính cho phát triển của thời đại chúng ta. Điều nầy hoàn toàn thay đổi cung cách, thói quen, và điều kiện sống của con người sẽ sống trong tương lai. Trên thực tế, ước tính rằng số lượng các thành phố lớn với hơn 10 triệu dân sẽ tăng lên từ 31 lên 41 vào năm 2030. 

Sự phát triển hiện nay của các khu định cư hiện nay là mối quan tâm lớn đối với việc bảo tồn đầm lầy và cung cách sử dụng khôn ngoan. Khi thành phố phát triển phải cần có nhu cầu tăng diện tích đất, vì vậy, có xu hướng lấn chiếm đầm lầy. Chúng thường được xem là đất hoang có sẵn để đổ chất thải hoặc được chuyển đổi sang các mục đích khác. Tuy nhiên, khi được bảo tồn và sử dụng bền vững, đầm lầy có thể cung cấp cho thành phố nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và văn hoá. Và việc nầy phải được suy tính vào kế hoạch phát triển và quản lý của các thành phố. 

3.4- Phát triển bền vững: Thuật ngữ "ô nhiễm" xuất phát từ động từ Latin "polluere", có nghĩa là làm mất danh dự hoặc làm ô danh. Từ thời xa xưa, con người đã gây ô nhiễm và làm ô nhiễm cả thiên nhiên và nhân loại, và gần đây các nhà làm khoa học và ngữ học cho vào một thuật ngữ mới để chỉ việc ô nhiễm là "ngoại cảnh" (externalities). Ngày nay, hơn một phần ba cá và hải sản có chứa chất dẻo, trong khi 80 phần trăm nước trên thế giới có chứa các hạt nhỏ ly ti bằng nhựa. 

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã bắt đầu sử dụng các giải thưởng như là một cách để cung cấp cho cộng đồng những cơ hội nhằm trải nghiệm những khó khăn xã hội liên quan đến việc quản trị các nguồn tài nguyên chung. Như các phương án mô phỏng việc đưa ra quyết định thực tế, chẳng hạn như lựa chọn các kỹ thuật tưới tiêu hiệu quả nhất và các loại cây trồng tốt nhất cho một khu vực nhất định và chúng có thể được sử dụng làm điểm khởi đầu cho việc thảo luận trong cộng đồng. Người tham dự sẽ hiểu sâu hơn về sự kết nối của các nguồn tài nguyên chung, và các phương án trên đã chứng minh là hữu ích trong việc tăng cường sự lưu tâm và hợp tác của dân chúng. 

4. Ngày Nước Việt Nam 

Năm 2017, Bộ Môi trường và Tài nguyên Việt Nam cho biết ngày "World Water Day 2017" ở Việt Nam đã được tổ chức tại Bắc Ninh từ ngày 17 đến 22 tháng 3, 2017. Năm nay, chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày 22/3, nhưng vẫn chưa những tin tức trên mạng và báo chí Việt Nam nói về ngày nầy hay thông báo cho biết những sinh hoạt của Việt Nam nhằm đóng góp cho ngày quan trọng trên. 

Có vấn đề gì ở Việt Nam làm cho CSBV... "quên" đi ngày nầy? 

Ô nhiễm môi trường đang phá họai kinh tế và làm suy yếu sức khỏe con người Việt Nam, báo Zing.VN cho biết trong số ra ngày 19/11/2016: "Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP." Báo này còn trích lời Phó Giáo Sư-Tiến sỹ (PGS.TS) Đinh Đức Trường, Phó Chủ nhiệm khoa Kinh tế Môi trường, Đại học Kinh tế Quốc dân dẫn chứng, thì trong số 100 khu công nghiệp Việt Nam có đến 80% đang vi phạm quy định về môi trường. 

Vẫn theo Zing.VN thì: "Trong đó, số doanh nghiệp FDI (Foreign Direct Invesment) chiếm tới 60% trên tổng các doanh nghiệp xả thải vượt tiêu chuẩn. Báo này công khai tố cáo trong số các Doanh nghiệp nước ngoài, đa số từ TC và Đài Loan, đã và đang thải chất độc ở Việt Nam có các Công ty như: "Công ty TNHH Huyndai- Vinasin (Khánh Hoà); công ty TNHH Miwon Việt Nam; công ty Tung Kuang; công ty TNHH Mei SHeng Textiles Việt Nam (Trung Quốc). Đặc biệt là vụ Vedan năm 2011 và Formosa năm 2016." 

Tuy nhiên, nhiều khẩu hiệu "to đùng" vẫn được hô hào thường thấy trong các hội thảo hay "lễ hội" về vấn nạn Nước, đặc biệt trong các Ngày Nước Thế Giới của Việt Nam hiện tại: 

1. Nước cần năng lượng và năng lượng cần nước! 

2. Nguồn cung nước và năng lượng là hữu hạn trong khi nhu cầu nước ngày càng tăng! 

3. Tiết kiệm năng lượng là tiết kiệm nước, tiết kiệm nước cũng là tiết kiệm năng lượng! 

4. Nhu cầu tiếp cận với dịch vụ nước sạch, vệ sinh và điện của tầng lớp người nghèo là rất cần thiết! 

5. Nâng cao hiệu quả sử dụng nước và năng lượng trong mọi ngành, lãnh vực là mục tiêu bắt buộc của các chính sách điều phố, phối hợp và thống nhất! 

6. Nước là máu của sự sống! Hãy bảo vệ nguồn nước! 

7. Nước là tài nguyên quý giá! Cộng đồng hãy chung tay bảo vệ tài nguyên nước! 

8. Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành đồng tái tạo nước! 

9. Bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn nước! 

10. Vì tương lai quê hương đất nước, hãy tiết kiệm nước! 

11. Giữ sạch nguồn nước vì sức khỏe của chính mình và của cả cộng đồng! 

12. Nước sạch cho một thế giới khỏe mạnh! 

13. Nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu của cuộc sống! 

14. Khai thác hợp lý tài nguyên nước để phát triển bền vững! 

Khẩu hiệu càng nhiều, càng phong phú bao nhiêu, nhưng việc thi hành hay thực hiện khẩu hiệu chỉ có...trên đầu môi chót lưỡi mà thôi! 

5. Kết luận 

Nguồn nhiễm bịnh mang lại từ phế thải lỏng do con người tạo ra rất nhiều nguy cơ, từ các bịnh thiên thời (cholera) đến thương hàn (typhoid), từ các bịnh về gan như Viêm gan A,B, đến bịnh tê liệt (polio), và một số mầm bịnh do ký sinh trùng, vi khuẩn, cầu trùng khác, và biết bao chứng bịnh ung thư khác nhau v.v… 

Mặc dù mục tiêu của LHQ là luôn đặt trọng tâm vào việc cung cấp nước sạch và thanh lọc nguồn nước sinh hoạt của các quốc gia nghèo, nhưng trên thực tế, theo các tin tức trên, rõ ràng sự phân bổ viện trợ cho hai vấn đề nước và hệ thống phóng uế hợp vệ sinh không được trong sáng và còn nhiều chỉ dấu bất công trong việc điều hàng ngân khoản của LHQ trong việc trợ giúp nầy. 

Nhìn chung, tình trạng nước và môi trường nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam không được sáng sủa. Do đó hàng năm, nhân Ngày Thế Giới Về Nước, LHQ luôn luôn cảnh giác tất cả các quốc gia nhất là những nước đang phát triển cần phải chú trọng hơn nữa việc mang lại nguồn nước sinh hoạt sạch cho người dân, cùng hệ thống vệ sinh phóng uế cũng như những phương hướng bảo vệ sức khỏe bằng cách gìn giữ vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa ô nhiễm. 

Riêng tại Việt Nam, vì nhu cầu phát triển quốc gia cho nên một số biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết không được chú tâm đúng mức. Cũng cần phải nói thêm là nhà cầm quyền không đặt trọng tâm vào việc giáo dục người dân ý thức về việt bảo vệ và bảo quản nguồn nước, cũng như tầm quan trọng của việc xử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. 

Và chính vì những tình trạng kể trên cho nên các vấn nạn về môi trường ở Việt Nam ngày càng tệ hại thêm lên như: 

- Sông ngòi biến thành dòng sông đen (không còn dùng trong sinh hoạt được nữa); 

- Đất đai bị sói mòn, chai cằn hay sa mạc hóa; 

- Đất đai bị lún sâu vì xử dụng quá tải nguồn nước ngầm trong chăn nuôi và nông nghiệp (trường hợp tỉnh Trà Vinh với hơn 45.000 giếng đóng); 

- Nước mặn ngày càng tiến sâu vào vùng ĐBSCL ảnh hưởng lên năng suất trong nông nghiệp. 

Hơn 40 năm qua, và nhất là kể từ năm 1986 trở đi, Việt Nam bắt buộc phải mở cửa để cứu đói. Từ đó, việc phát triển vô tội vạ, phát triển không ứng hợp với việc bảo vệ môi trường, phát triển theo phương cách "ăn xổi ở thì" càng làm cho nguồn nước vốn dĩ đã quá dồi dào do thiên nhiên ưu đải. Vào năm 2016, nhiều chứng bịnh do arsenic như arsenicosis đã xuất hiện ở một số vùng phía Nam Hà Nội, nhiều chứng bịnh ung thư "lạ" xuất hiện, cũng như nhiều dòng sông từ Bắc chí Nam đều bị ô nhiệm nặng! 

Chính vì sự phát triển không cân bằng với việc bảo vệ môi trường cộng thêm cơ chế chuyên chính vô sản của CSVN càng làm cho Đất và Nước mau đi vào ngõ cụt của s ự đói nghèo!

Trong lúc cả thế giới nêu lên nhiều mối ưu tư về Nước và Thiên nhiên, Việt Nam vẫn còn mơ mộng với việc chiêm ngưỡng giếng nước lớn nhất Việt Nam. Đó là Giếng Ngọc ở chùa Bái Đính (Ninh Bình) hiện đang giữ kỷ lục giếng nước lớn nhất Việt Nam. Giếng không bao giờ cạn nước, thường được gọi là “giếng thần” hay “mắt rồng”. Giếng Ngọc lớn nhất Việt Nam nằm dưới chân núi chùa Bái Đính cổ (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Theo sử cũ ghi lại, giếng có cách đây khoảng 1.000 năm. Có lẽ vì vậy, trong ngày Nước Thế Giới năm nay, CSVN im hơi lặng tiếng. 

Phải chăng vì tình trạng “đốt lò” và lo việc chụm củi cả củi khô và củi ướt của TBT Nguyễn Phú Trọng đang lên cao độ mà quên đi việc... NƯỚC? Đây không phải là cuộc chiến giữa lề Dân và lề đảng. Không phải giữa ta và phản động. Không phải giữa ta và các thế lực thù địch. Mà cũng không phải giữa ta và “tư bản đang trên đà dảy chết”. 

Mà đây mới chính là CÁI SỢ của người đốt lò sợ chuyển biến, chuyển hóa từ trong ruột của đảng và sợ chuyển biến hòa bình theo trào lưu của thế giới... 

Từ đó đưa đến cuộc chiến do việc tranh giành quyền lực và quyền lợi trong nội bộ đảng CSVN. 

Và sau cùng, có lẽ người chụm lửa đốt lò đã quá đà làm cho nước bốc hơi, cho nên không còn nước để làm một vài Lễ hội tượng trưng cho Ngày Nước Thế Giới để góp mặt cùng năm châu! 

Tumwater - 22/3/2018

Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VAST) 
Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam (VEPS)  

0 comments:

Powered By Blogger