Phan Văn Song (Danlambao) - Tháng Giêng 2018, người bạn, người đồng chí, người đồng tâm qua Pháp thăm bà chị Hai bệnh nặng. Một cuối tuần, cùng tôi, hai thằng rủ nhau đi thăm một người bạn ở tận miền Nam. Đường xa, 600 cầy số, đi về ngàn hai, thằng tui lái, bạn Truyết, phải chắc quý thân hữu cũng đoán ra là Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, người bạn với tôi từ những năm 1968, lúc Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy qua tham dự Hòa đàm Paris, tôi đi tìm Truyết để nhờ Truyết đưa Thầy Huy đi gặp anh em ở những vùng miền Đông Bắc Pháp, nơi Tuyết là thổ địa. (Cá nhơn tôi lo vùng Tây Nam). Bạn nhau đã gần 50 năm, thăng trầm, từ năm 1968 ấy, đến về nước trước sau những năm 1971/1972 hoạt động trong ngành Giáo dục ở Việt Nam. Sau ngày mất năm nước 1975, vẫn ở lại Sài Gòn, bí mật tiếp tục nghéo tay nhau. Rồi tôi vào tù, rồi Truyết vào tù, Chúa Phật thương hai đứa cho ở chung phòng với nhau một thời gian. Rồi bặt tin nhau, rồi gặp lại nhau và từ đó nghéo tay đi chung một con đường đến ngày nay…
Trên chặng đường dài xuôi Nam nước Pháp, chuyện trò hàn huyên, hai đứa mới ý thức là đã lâu không có dịp tâm tình với nhau. Từ lúc gặp lại hoạt động với nhau, ít khi có dịp hai thằng nói chuyện riêng với nhau. Bàn chuyện riêng thì có, tính chuyện riêng cũng có, nhưng nói, trao đổi tâm tình, nói thật những suy nghĩ… thì hình như lâu lắm, mới có dịp ngồi gần 7 tiếng đi, 7 tiếng về như vậy. Đây là dịp hai đứa "rà" lại tất cả những quan niệm, quan điểm, chủ thuyết… Mặc dù 50 quen nhau, gần 30 năm hoạt động cạnh nhau… đồng tâm đấy, đồng bộ đấy, nhưng biết đâu có những "lệch lạc" biết đâu có những "so le"; đôi đũa kia cũng cần phải gõ lại, so lại cho đồng đều mà, chỉ thế thôi!
Hai bài viết đầu năm Yêu nước, và Công dân phát xuất từ đấy, và sẽ có những bài tiếp theo…
Đây là ít nhiều cảm nghĩ của hai anh em chúng tôi… về những quan niệm, quan điểm, lập trường…
Xin được chia sẻ cùng quý thân hữu:
Tết Mậu Tuất nầy, được cộng đồng người Việt tỵ nạn hải ngoại tại Pháp, đón mừng Xuân trong một bầu không khí khá đặc biệt:
Khác hẳn các năm xưa, vẫn truyền thống kẹo mứt, bánh chưng bánh tét. Nhưng, thoang thoảng đâu đây, một cái gì không vui lắm, thoang thoảng đâu đây, một cái gì nghèn nghẹn nơi cổ,…
Có phải, vì có những hiện tượng hoàn toàn không giống những năm khác: tại sao năm nay, Đảng Cộng Sản Hà Nội lại tổ chức rầm rộ Mừng Chiến Thắng Tết Mậu Thân 1968? Vì SỢ cái "NGỤY tánh", cái "Khí Khái Nam Kỳ Tánh" làm "lạc đường" cán bộ đảng viên trong nước? Yêu Việt Kiều, thích Việt Kiều, khúc ruột ngàn dặm, nhưng cái ngang cái bướng, cái Ghét thằng Tàu Chống thằng Tàu của bọn Ngụy Cờ vàng đáng ghét quá! Do đó phải chọc nóng Chia rẽ. 50 năm Mậu Thân đúng dịp...
Và, vì năm nay tròn đúng 50 năm của Tết Mậu Thân 1968 mà Quân Cộng Sản Bắc Việt gọi là cuộc Tổng Tấn Công?
Hay là đặc biệt, để xóa, hay biện hộ cái "Thảm Sát Huế"?
Do đó, ở Hải ngoại chúng ta, một bầu không khí khác lạ, lẫn lộn trầm buồn với cái vui của ngày đón năm mới!
Vui thì vẫn vui đó, hát thì vẫn hát đó, nhưng vẫn trộn lẫn đây đó, với cái u hoài đầy nước mắt tưởng, nhớ các nạn nhơn đồng bào người Việt, hay gia đình vợ cùng chồng vị Bác sĩ cùng ba đồng nghiệp người Đức, hay hai tu sĩ Thiên chúa Giáo người Pháp,… tất cả đều đã bị trói thúc ké, đập đẩu bắn bỏ, vùi đắp chôn vội ở Gia Hôi, Đập Đá, Đá Mài… nay tuy vẫn là những địa danh, nhưng đối dân Huế ngày nay và với chúng ta là tên của những hố chôn tập thể! Và cũng do đó, cùng là một ngày sang trang năm mới, nhưng Tết Việt Nam ta năm nay không khí khác hẳn với cái nhộn nhịp của cái Tết của người Tàu, trình diễn ồn ào ở những nơi cộng cộng trên đất người (Paris quận 13 chẳng hạn).
Dân Chủ:
Có Dân Chủ là có tất cả yếu tố để thực hiện một chánh quyền lành mạnh, một cơ cấu quản trị tốt?
Có thật vậy không?
Trong những bài viết qua, chúng tôi thường đề cập đến Con người và Môi trường song hành với Đạo Đức là những yếu tố khả dĩ Phát triển và Quản lý tốt một quốc gia tiên tiến.
Hiến pháp chỉ là một bản văn, tuy cần thiết nhưng vẫn chưa đủ (nécessaire et non suffisant) bảo đảm cho những Tự do thật sự và một nền Dân chủ thực hữu của quốc gia.
Rất nhiều chế độ độc tài trên thế giới vẫn dùng bản Hiến pháp làm chiêu bài để vay mượn danh nghĩa chánh thống cũng như tánh cách hợp pháp. Những nước có chế độ độc tài toàn trị do độc đảng cầm quyền, như Cộng sản Hà Nội, vẫn thường tự gọi là những “Cộng hòa Dân chủ Nhân dân”. Thậm chí, thế giới lúc bấy giờ cũng vẫn dùng chung một từ tổng hợp là “Khối các Dân chủ Nhân dân”.
Ngày nay, ngay tại các quốc gia tiên tiến, nơi có những Tự do căn bản được áp dụng, nhưng phần lớn việc điều hành quyền lực từ các cơ quan hành chánh hay pháp lý vẫn gợi cho những người quan tâm đến tình trạng nhơn quyền và Dân chủ không ít nghi ngờ, khiến phải suy nghĩ và e ngại.
1. Dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện - (Démocratie directe, démocratie représentative):
Khái niệm Dân chủ là một khái niệm trong sáng, nhưng dễ bị lạm dụng khi áp dụng những phương cách thực hiện, trong những thể chế ngày nay.
Định nghĩa của Abraham Lincoln “Dân chủ là do Dân cầm quyền, cho Dân và vì Dân”, bởi thế, chúng ta gọi là Dân chủ trực tiếp. Nghĩa là:
- Người Dân phải cầm quyền trực tiếp, không qua một trung gian nào cả,
- Người Dân cũng vừa là Người Cầm quyền và cũng là Người bị trị (Gouvernant et gouverné),
Nói như vậy, những người xử dụng công quỷ cũng là những người quyết địnhthâu thuế, và trả thuế. Về mặt lý thuyết thì tạm hiểu, nhưng làm sao áp dụng trên mặt thực hành. Hiện nay, một vài thị xã, hay làng xã của Thụy sĩ, vẫn áp dụng cách thức “Trưng cầu dân ý trực tiếp” về một vài tài khoản thuế vụ có tính cách địa phương.
Những quốc gia tiên tiến ngày nay, đa số áp dụng Dân chủ dưới hình thức Dân chủ đại diện (démocratie représentative). Một tấm bình phong cách ly người dân và người cầm quyền (tạm gọi là quan chức cầm quyền, hay gọi chung là nhà cầm quyền): đó là những đại diện dân, do dân bầu, và phát biểu thay dân về những nguyện vọng của người dân.
Đó là một Dân chủ gián tiếp, người dân không có những quyết định hành xử, quản lý đất nước, người dân chỉ tham dự bầu những đại diện thay mình. Thực tiển, dễ thực hiện, nhưng rất có nhiều hạn chế nguy hiểm, càng ngày càng lộ rõ. Bởi lẽ :
2. Một “thị trường chánh trị”
Cái nguy hiểm ngày nay, là do sự bành trướng của một hiện tượng được gọi là “thị trường Chánh trị”. Định nghĩa này được nhóm “public choices”, một nhóm các nhà nghiên cứu, kinh tế gia, chánh trị gia hay xã hội học Âu-Mỹ, theo dõi những cách thức xử thế, quyết định từ các vị lãnh đạo công cộng của quốc gia (nhà cầm quyền, các vị lãnh đạo các nhóm chánh trị, các vị dân cử và các công chức). Những quyết định ấy thường khi thiếu sự chính xác, không trung thực, bởi lẽ, thay vì các quyết định phải được thoát thai từ kết quả trao đổi giữa hai nhóm người, của hai đối tác, đúng theo luật “cung - cầu”, theo luật “kinh tế thị trường”, thì ngày nay, những quyết định ấy lại là những mặc cả, trả giá, thương thuyết, có khi là một hợp đồng, có thể win-win, công bằng, giữa người cầm quyến và người bị trị, nhưng đã làm mất những “thông tin chính xác, trung thực”, dẫn đến “cái chung chung”, thiếu hẳn phần “trách nhiệm”.
“Thị trường chánh trị” là thị trường của những ứng cử viên với các đại diện dân, một bên, và đối với (versus) cử tri đoàn, một bên.
Trên thị trường này, ứng cử viên và các dân cử nắm quyền chủ động. Cũng như một anh nhà buôn, họ để nghị những “món hàng công cộng” (công viên, trường học, giảm tô thuế, ủng hộ Dân chủ ở VN…) hay những “món hàng chánh trị”(những người mới nhập cư dễ dàng nhập lấy quốc tịch để xử dụng lá phiếu lấy những quyết định cho địa phương, làng xã, nơi mình sanh hoạt và cư ngụ…) đổi lấy lá phiếu của người đi bầu của cử tri gốc Việt, gốc Hispanic ở Mỹ, gốc Á-rạp, gốc Phi Châu ở Pháp…
Và người nào đề nghị nhiều, hứa hẹn nhiều, thì kẻ ấy có cơ may lượm nhiều lá phiếu.
Xin lấy vài thí dụ: các nhà làm chánh trị hứa sẽ bảo vệ con người, tài sản và quyền lợi con người. Nhưng có ai nói đến bảo vệ bằng cách nào, tổn phí là bao nhiêu? Khi cần lá phiếu, các ứng cử viên thường có những lời hứa với chương trình thực hiện (sẽ) rất dài. Và cùng trong một lúc đó, các người đi bầu, người cử tri, người dân thường, cũng họp nhau lại thảo những đòi hỏi dài, xin thêm phương tiện hổ trợ, tiền bạc, nhơn danh “phúc lợi công cộng” (intérêt général), nhưng thật sự, đó chỉ là những đòi hỏi rất hạn hẹp có tính cách địa phương và đặc biệt
Và cuối cùng, mọi người cùng ngóng cổ chờ quyết định của Nhà nước, vì sự mặc cả, giữa những người muốn “giảm tiền thuế ”, và những nhóm muốn xin “thêm tiền, để thực hiện những đặc lợi và đặc quyền”, hai nhóm này đều là công dân, và cả hai đòi hỏi đều có lý cả. Vậy phải làm thế nào? Chúng ta thường thấy, theo thông lệ, những nhóm đứng ra đòi hỏi thường là những “nhóm có tổ chức”, biết xuống đường đấu tranh, biết la hét để đòi hỏi. Còn nhóm người bị đóng thuế, như tất cả chúng ta, thường thụ động, im lặng, tuy có rên rỉ đấy, nhưng vẫn phải trả thuế đều đều. Khối thiểu số ồn ào sẽ lấn ép khối đa số thầm lặng.
Những nhà làm chánh trị ở các quốc gia tiên tiến xử dụng cái mâu thuẫn ấy để kiếm phiếu, sẵn sàng hứa thực hiện tất cả những yêu cầu, hứa sẽ giảm các loại thuế, tạo một không khí an lành và gợi cho người dân cảm tưởng là có một “ai đó” sẽ hào phóng chi tiền.
Giáo sư trường luật Aix –Marseille Frédéric Martiat từng mô tả hiện tượng ấy vào năm 1968: “Nhà Nước là cái ảo tưởng xã hội (une fiction sociale) trong con người mà lúc nào cũng mong được sống bám vào những kẻ khác” (L’Etat est une fiction sociale à travers la quelle chacun s’efforce de vivre aux dépens de tous les autres). Và (do đó), Nhà Nước Bảo Hộ ra đời. (Et, l’Etat Providence naquit).
3. Khủng hoảng của Nhà Nước
Vì mọi chuyện đều phải do Nhà nước giải quyết, chúng ta đã đâm đầu vào một cuộc khủng hoảng kinh khủng. Cuộc khủng hoảng nầy đang diễn ra tại các nước tiên tiến. Nước Pháp ngày nay là một điển hình.
Mong bài nghiên cứu này đóng góp được những suy nghĩ để các nước chậm tiến như Việt Nam, ngày mai không vấp phải.
a) Khủng hoảng đầu tiên, là khủng hoảng chánh trị: nếu Nhà Nước là tất cả, các nhà cầm quyền và các nhà làm chánh trị là tất cả, thì “tất cả đó” đều đứng trênPháp luật (Việt Nam ngày nay, Đảng Cộng sản và Nhà Nước là một, ĐCS đứng trên Pháp luật).
b) Khủng hoảng thứ hai, là những giá trị Đạo đức xã hội hoàn toàn bị xáo trộn. Những thành công đều được đánh giá trên kết quả, mà không cần biết kết quả đó có được là do xảo quyệt, do bè phái, do tham nhũng. Những giá trị thật sự về Đạo đức con người, về giá trị học hành, về hiểu biết, về tri thức đều không được nhìn nhận. (Việt Nam ngày nay?)
c) Khủng hoảng thứ ba, là kinh tế, của công bị tham nhũng đục khoét, lãng phí, quản lý tồi, dĩ nhiên mất hiệu năng sản xuất, cộng thêm Pháp luật bị chà đạp, sưu cao, thuế nặng... là nguyên nhân đưa đến trì trệ kinh tế. Rồi nạn thất nghiệp gia tăng, mức tiêu thụ giảm lần, tạo nên cái vòng lẩn quẩn, người nghèo vì thất nghiệp càng nghèo thêm, khiến quỹ xã hội thâm hụt nặng, bởi không đủ thương vụ, nghiệp vụ đóng góp. (Việt Nam?)
d) Khủng hoảng thứ tư, là Pháp lý, Nhà Nước không còn đóng vai trò quản lý, và trọng tài những tương quan thương mại hoặc xã hội. Vì Luật pháp bị xâm phạm, bị cưỡng hiếp, không còn được tôn trọng, nên những nhà chánh trị lươn lẹo với những dân cử để tham nhũng hay ngồi xổm lên pháp lý, rồi... trẻ con các khu nghèo kéo nhau đi “đốt xe” để... giải trí. (Ở Pháp vừa qua).
Những khủng hoảng nhỏ biến thành một cuộc khủng hoảng nặng nề về thể chế Dân chủ nơi các Nhà Nước tiên tiến. Hậu quả :
1 - Một cuộc trả lời bằng chân: (exit) bỏ nước ra đi.
2 - Trả lời bằng phát biểu (voice) la ó, biểu tình, đình công, bạo động.
3 - Trả lời bằng chịu đựng, sống qua ngày (loyalty), mất ý chí công dân, lơ là quyền phát biểu công dân, lãnh đạm với những cuộc bầu phiếu, bỏ phiếu.
Ba cách trả lời trên không đặt lại vấn đề của Dân chủ đại diện, cũng không làm giảm đi những lố lăng lạm dụng của các tổ chức cầm quyền, có chăng chỉ là những tránh né, chạy quanh. Ngày nay, Dân chủ hay Pháp lý được nói đến nhiều, phải chăng chỉ là một bức màn nhung che những màn ảo thuật chánh trị mà thôi?!
4. Cần một sự chuyển tiếp qua trung gian các xã hội dân sự
Con đường phân chia biên giới giữa quyền lực của giới cầm quyền và xã hội phải được nới rộng.
Để sanh tồn, quyền lực của công lực phải được giảm bớt, những “công hữu” phải được tư hữu hóa. Quản lý những sở hữu hay công nghiệp quốc gia không còn là nghiệp vụ của Nhà nước nữa. Những xã hội dân sự, dần dần nắm quyền quản lý để thay thế. Quản lý khai thác, phân phối tài nguyên quốc gia phải được tư hữu hóa.
Quản lý những sở hữu hay tài nguyên có tánh cách thương mại rất dễ dàng cho các xã hội dân sự. Sản xuất xe hơi, quản trị khí đốt, điện lực, chuyên chở, truyền thông, các tư nhơn và các xã hội dân sự biết làm và còn làm giỏi hơn Nhà nước.
Về những phần hành “dịch vụ công cộng” (Services publics) vẫn là phận sự của Nhà Nước, vì là Công Bộc, như Tổ chức Giáo dục, Tổ chức Y tế, Tổ chức Hưu Trí, Tổ chức Thể Thao, Tổ chức Văn hóa… đành rằng khó khăn, nhưng nếu biết chuyển hướng khéo và quản lý khéo vẫn có thể chuyển dần cho Tư nhơn.
Nhưng, vẫn còn những bộ phận hoàn toàn không thể chuyển nhượng cho thế giới thương mại, như những “tổ chức dịch vụ xã hội tương tế”, hay “dịch vụ phân phối tương trợ”, gọi chung là "dịch vụ xã hội" (Sercices sociaux) chủ yếu đối với những gia đình nghèo khổ, giúp đỡ người tàn tật, nghiệp vụ cứu thương, cứu hỏa, bảo vệ con trẻ, tổ chức phòng ngừa du đảng, tệ nạn hút sách… Nếu Nhà Nước không làm thì ai đứng ra làm? Bảo vệ môi sinh, môi trường, Nhà Nước có thể làm luật, nhưng ai kiểm soát?
Chúng ta có thể trả lời: hãy để cho những “Xã hội dân sự cộng đồng” (des sociétés civiles communautaires). “Xã hội dân sự cộng đồng” là những Hiệp hội, hội đoàn có ý kiến trên một vấn đề đặc biệt: Hội gia đình, Hội bảo vệ các người già, Hội bảo vệ phụ nữ chống tệ nạn bị hành hung, Hội bảo vệ trẻ con… Nhà nước và các Tư doanh không thể lo được. Những hội đoàn ấy tạo sự kiểm soát và đi dần đến quản lý.
Định nghĩa những hội đoàn ấy là “Tương trợ”, “Tự nguyện”, “ Bất vụ lợi”, "Hội tương tế"
(Solidarité, volontariat, bénévolat, partage, mutualité).
Dĩ nhiên xã hội không thể đòi hỏi những "quý tánh" ấy. Xã hội phải có những khu vực thương doanh (đa số) và phải có những kiểm soát chế tài pháp lý (càng ít càng tốt).
Chúng tôi nghĩ rằng con người, tức là những công dân và những đoàn thể công dân có thể thay thế Nhà nước điều hành tốt xã hội.
Để Kết Luận:
Những khủng hoảng hiện nay tại các nền dân chủ tiên tiến chứng minh cho chúng ta thấy cần phải có một nền dân chủ tham dự (une démocratie participative).
Còn tiếp…
Bài 2. Dân chủ tham dự
2018-03-09
Hồi Nhơn Sơn, Xuân Tha Hương thứ 38
0 comments:
Post a Comment