Friday, March 2, 2018

Quả thật lại là một “huyền thoại” về Võ Thị Sáu

Đông Đô (Danlambao) - Võ Thị Sáu là một nữ du kích thuộc nhóm “công an xung phong” ở vùng đất đỏ, thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, người mà Đảng cộng sản Việt Nam xem cô ta như là một biểu tượng liệt nữ anh hùng tiêu biểu trong cuộc Kháng chiến chống Pháp và đã truy tặng cho cô ta danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào năm 1993.

Ngoài những cuộc cúng bái ban ngày của những cán bộ đảng viên và thường dân, còn có cả những cuộc dâng hương ban đêm trước bia mộ khang trang của Võ Thị Sáu.

1-Phân tích:

Võ Thị Sáu (1933-1952)
Trong những phiên bản viết về Võ Thị Sáu, cho thấy rõ những tình tiết nhập nhằng, ngay cả đôi khi còn mâu thuẫn nhau hoặc được ảo tưởng hóa để trở thành “huyền thoại”.

1. Năm 1946, cô theo anh trai là Võ Văn Me vào khu kháng chiến, và trở thành liên lạc viên của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Năm 1947, cô chính thức trở thành đội viên Công an xung phong Đất Đỏ khi mới 14 tuổi. Từ đó, cô tham gia nhiều trận tập kích bằng lựu đạn, ám sát các sĩ quan Pháp và Việt gian cộng tác với quân Pháp; đặc biệt là trận tập kích bằng lựu đạn tại lễ kỷ niệm Quốc khánh Pháp ngày 14 tháng 7 năm 1949 tại Đất Đỏ, gây được tiếng vang trong vùng (sic--theo vi.Wikipedia).

Như vậy, cô bé Võ Thị Sáu, khi còn trong lớp tuổi thiếu niên, lúc cô ta chỉ mới 13 tuổi (1946), mà đáng lý ra cô vừa đúng tuổi bước vào năm học thứ hai của bậc trung học phổ thông, lại bị chiêu dụ vào khu kháng chiến để học trận “tập kích bằng lựu đạn và ám sát”, có thể bằng dao găm, hay bất kỳ loại hung khí hoặc vũ khí nào khác. Và cuối cùng là cô ta bị bắt vào lúc 16 tuổi (1949). Một độ tuổi ô-mai, thích làm nũng, làm dáng của thời thiếu nữ ngây thơ nhưng với cô bé Võ Thị Sáu chỉ nhìn thấy màu máu đỏ nhuốm cả đôi tay mình và lòng hận thù được nung nấu, xúi giục như từ tiền kiếp nào. Vâng, có như thế mới gọi là cách mạng, mới gọi là thiếu niên dũng cảm theo cách nhìn của con người cộng sản.

2. Do bị chỉ điểm, cô bị quân Pháp bắt được và bị tòa án binh Quân đội Pháp xử tử hình khi chưa đến 18 tuổi (sic--theo vi.Wikipedia).

Nếu giả như Võ Thị Sáu được sinh vào ngày 23 tháng 1, 1933, vậy lúc bị tử hình cô ta được 19 tuổi, chính xác. Cũng có nghĩa là giả như cô ta được sinh ra sau ngày 23 tháng 1, thì cô ta được hơn 18 tuổi. 

Ở Việt Nam, lớp tuổi 18 là tuổi trưởng thành, không phải thuộc lớp tuổi vị thành niên (như những bài viết của báo đảng cho là cô ta bị xử bắn vào lứa tuổi nầy).

3. Theo trang thông tin của huyện Đất Đỏ, thì vào tháng 12 năm 1949, trong một chuyến công tác tại Đất Đỏ, cô bị quân Pháp bắt được. Một số tài liệu khác ghi cô bị bắt vào tháng 2 năm 1950, sau khi cô và đồng đội dùng lựu đạn tập kích giết chết Cả Suốt và Cả Đay, là hương chức người Việt cộng tác đắc lực với quân Pháp, ở ngay phiên chợ Tết Canh Dần tại chợ Đất Đỏ (sic--theo vi.Wikipedia).

Chỉ mỗi sự kiện về lý do nào Võ Thị Sáu bị bắt cũng được diễn giải bằng 3 lý do (khiến cho bộ tuyên truyền của đảng cũng đành... “phóng đại” bừa theo kiểu “cái nào trật thi trật; xạo hoài rồi cũng trúng”. Ba lý do đó là:

1. Do bị chỉ điểm, cô bị quân Pháp bắt được...

2. ...Trong một chuyến công tác tại Đất Đỏ, cô bị quân Pháp bắt được...

3. ...cô bị bắt..., sau khi cô và đồng đội dùng lựu đạn tập kích giết chết Cả Suốt và Cả Đay,...

Thậm chí vào ngày tháng nào cô ta bị bắt cũng khiến cho bộ tuyên truyền của đảng đành... chơi màn “đón mò”... sao cho “vừa khớp” lịch sử “kách mệnh” truyền thống gian xão, điêu ngoa, và bịp bợm.

Theo như lý do thứ ba của vi.Wikipedia, Võ Thị Sáu và đồng đội dùng lựu đạn thanh toán hai “kẻ thù của nhân dân” ngay tại phiên chợ Tết! Sự kiện nầy khiến cho người đọc liên tưởng đến một nhóm người tung ra không phải là một quả lựu đạn, mà là hai hoặc ba, bốn, vào ngay phiên chợ Tết, nơi không phải chỉ có hai “kẻ thù của nhân dân” mà là bốn, năm, sáu, v.v... thậm chí cả mấy chục “nhân dân” đang có mặt ở đó trong chợ Tết: già, trẻ, trai, gái. Họ đang đi đi qua lại, vui đùa trò chuyện, cùng những trẻ con tươi cười nắm tay mẹ, và những bà dì, cô con gái ngồi buôn bán quanh chợ Tết. Vâng, họ là những nạn nhân vô tội vạ nhưng phại chịu mang họa vào thân và “cách mạng” không bao giờ dám nhắc đến hay nói thẳng thừng là “cách mạng” phải giấu diếm đi những “nhân dân” hy sinh cho “cách mạng” (thậm chí họ không được “bằng khen” nào).

Bạn đọc có thể lướt qua dễ dàng những dòng chữ ngắn gọn (và lạnh lùng) đó trừ khi một trong số những nạn nhân qua sự kiện kể trên là thân nhân trong gia đình bạn, thì chắc chắn rằng một cảm giác đau đớn khôn tả sẽ dâng trào như bị tắt nghẽn từ bao năm qua trong lòng bạn. Thực tế mà nói rằng, số bạn đọc là những người của thế hệ sau là phần nhiều nên họ rất sẵn lòng lạnh lùng lướt qua những dòng chữ đó hơn là mường tượng ra một phiên chợ Tết Canh Dần, 1950, đẫm máu đỏ tanh tưởi và những phần thân người tung tóe khắp nơi tại một xã vốn thật mĩa mai, cũng được gọi là “vùng đất đỏ” thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Và một điều mĩa mai hơn nữa là biết đâu trong số những nạn nhân đó thuộc “gia đình cách mạng”. Tất cả được gộp chung xem như là chiến công của Võ Thị Sáu, một nữ khủng bố có tiếng tăm của cách mạng hoặc cho văn vẻ kiểu Việt cộng là một nữ đặc công, du kích quân,

4. Bộ phim Người con gái đất đỏ của đạo diễn Lê Dân vào năm 1994 được xây dựng “nguyên mẫu” từ cuộc đời nữ anh hùng Võ Thị Sáu, một người con vùng đất Bà Rịa “anh hùng”. Chị Sáu tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi với vai trò liên lạc, tiếp tế. Năm 17 tuổi, chị bị chính quyền Pháp bắt và kết án tử hình vì đã ném lựu đạn tại chợ Đất Đỏ, giết chết cai tổng Tòng và gây thương tích cho 20 tên lính Pháp.

Sau gần 3 năm tra tấn, giam cầm, quân Pháp đưa chị ra giam ở Côn Đảo. Do chị Võ Thị Sáu chưa đủ 18 tuổi nên quân Pháp không dám công khai hành quyết mà lén lút đem chị đi thủ tiêu. Người con gái vùng đất đỏ đã ngã xuống vùng đất Côn Đảo khi vẫn chưa đủ tuổi thành niên, trở thành huyền thoại sống ngàn đời về lòng yêu nước, ý chí tiêu diệt quân thù (sic--theo afamily.vn)

Vai diễn người “anh hùng” Võ Thị Sáu được giao cho Thanh Thúy – 
một ca sĩ, diễn viên thuộc Đoàn nghệ thuật Quân khu 7. Khi ấy chị 
cũng mới 17 tuổi (sic--theo afamily.vn),

Qua cuốn phim Người con gái đất đỏ của đạo diễn Lê Dân vào năm 1994 được cho là xây dựng “nguyên mẫu” từ cuộc đời nữ anh hùng Võ Thị Sáu, cho thấy rằng cô ta bị bắt vào lúc 17 tuổi (1950) và sau 3 năm tra tấn, giam cầm, cô ta sẽ đã là 20 tuổi. Nhưng không hiểu sao tác giả phẹt ra một đống chữ cho là “Do chị Võ Thị Sáu chưa đủ 18 tuổi nên quân Pháp không dám công khai hành quyết mà lén lút đem chị đi thủ tiêu” ở ngoài Côn Đảo.

Và qua cuốn phim nầy cho rằng cô ta ném lựu đạn tại chợ Đất Đỏ (không nghe nói gì đến chợ Tết Canh Dần), giết chết cai tổng Tòng và gây thương tích cho 20 tên lính Pháp, mà không phải là “giết chết Cả Suốt và Cả Đay, là hương chức người Việt cộng tác đắc lực với quân Pháp” (sic). Như thế, sự thật lịch sử nằm ở đâu giữa hai tư liệu rất khác biệt cho một sự kiện và tại sao đạo diễn Lê Dân lại dựng truyện phim đi xa tư liệu đến thế. Hai mươi tên lính Pháp bị thương cùng một lúc do một quả lựu đạn thì dường như xạo quá xa, trừ khi họ ngồi xoay quanh bàn nhậu hoặc họ đi lúc nhúc như một đám dòi bám sát nhau.

5. Võ Thị Sáu một huyền thoại sống mãi với thời gian. Cái chết trẻ ở tuổi 16, sự hi sinh, gan dạ, quả quyết vì lí tưởng cách mạng, vì sự hòa bình của nước nhà. Bộ phim đã tái hiện lại cuộc đời của nữ chiến sĩ một cách “rõ nét và chân thật” (sic-- theo tv.zing.vn)
Phim do đạo diễn Phan Vũ thực hiện trên kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Sáng vào năm 1995, với Lê Minh Thu trong vai Võ Thị Sáu

Trên đó là lời giới thiệu của trang mạng tv.zing.vn về cuốn phim Như một huyền thoại do đạo diễn Phan Vũ thực hiện trên kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Sáng vào năm 1995, với Lê Minh Thu trong vai Võ Thị Sáu. Trong cuốn phim nầy thì cho là Võ Thị Sáu ném lựu đạn vào đám khách Pháp và Việt sau bữa tiệc, trước lúc lên xe ra về, đã giết chết tên Cai tổng cùng một nhân viên người Pháp và gây thương tích cho một số người khác. Đây lại là một phiên bản hư cấu hóa rất mới mẻ của nhà văn Nguyễn Quang Sáng như những hư cấu hóa về ngôi sao điện ảnh kungfu Lý Tiểu Long mà những nhà viết truyện phim cùng đạo diễn Bắc Kinh mặc sức phóng ảo tưởng vào lịch sử. Họ cộng tác rất nhịp nhàng với nhau để nhào nặn ra thứ hình tượng thần thánh hóa với mục đích là nhồi sọ tận cân não những lớp thế hệ sau khiến chúng càng mù mờ về sự thật càng ngô nghê, ngốc nghếch hơn trong tư duy như những tên ngáo đá say lời.

Với phiên bản nầy thì Võ Thị Sáu không hát vang bài Tiến quân ca, cũng không hô to những lời vinh danh lãnh tụ nhưng thêm vào sự kiện về cái hồn ma được cho là linh thiêng của cô ta, không khác gì những phim kinh dị Thái Lan mặc dù niềm tin của những người cộng sản là vô thần. Nhưng tại sao họ phải làm như thế? Có lợi ích gì không? Vâng, rất có lợi trong việc tuyên truyền nhồi sọ bằng một cách rất khôn khéo trong việc mê hoặc người dân tin vào những chuyện hư huyễn mê tín dị đoan để cuối cùng những thứ mê tín đó tuôn vào cho đảng đến mức mê cuồng tâm thức mà họ khó thức tỉnh. 

6. Trong phần lời nói đầu cho biết là cuốn sách Võ Thị Sáu, con người và huyền thoại đã từng được tái bản 9 lần (số trang tăng lên 120 vào năm xuất bản 2012) và tác giả đã tu chỉnh lại tình tiết, địa danh v.v... trên cơ sở mới được bổ sung sau khi tiếp xúc và thu thập “hàng vạn” trang tư liệu, mẩu truyện cùng những huyền thoại. Tác giả Nguyễn Đình Thống là tiến sĩ khoa học lịch sử và đã từng (từ năm 1983 -2008) công tác tại ban tuyên giáo Tỉnh ủy, tổng thư ký hội Khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với cương vị Trưởng phòng Lịch sử Đảng.

Tác giả: Nguyễn Đình Thống, Năm xuất bản: 2008
Số trang: 96

Cuốn sách nầy lại là một phiên bản khác. Có thể nói là nó thu gom tất cả những sự kiện trong những phiên bản trên:

- Như sự kiện Võ thị Sáu ném lựu đạn giết chết một sĩ quan Pháp và làm 23 tên lính bị thương vào năm 1949 và cuối cùng bị bắt vào năm 1950, sau khi cũng màn ném lựu đạn giết chết 2 tên chỉ điểm Pháp là Cả Suốt, Cả Đay. Tuy nhiên, việc ném lựu đạn giết chết Cai Tổng thì không có.

- Như sự kiện Võ Thị Sáu cất cao tiếng hát bài “Tiến quân ca” trước khi bị hành hình, Tuy nhiên, tác giả phóng tác quá đà đến mức khó thể tưởng khi mô tả cảnh hành hình trong tiếng hát của cô ta: “chị hát không ngừng nghỉ, hát khi bọn giặc đã hành quyết, hát cả khi trên thân thể chị hứng trọn những viên đạn và bắt đầu loang lổ máu. Giọng hát của người con gái Đất đỏ lúc này thiết tha bay bổng, tiếng hát của chị trước khi chết đã trở thành một câu chuyện thần thoại làm rung động biết bao nhiêu con người”.

Làm sao con người ta có thể còn hơi sức ca hát khi trên thân thể tử tù đó phải hứng trọn những viên đạn từ đội hành quyết có thể từ 10 đến 20 tay súng, nói chi đến việc giọng hát càng thiết tha bay bổng trước khi chết trong khi những lỗ máu đang phun trào. Đây là một điều hoàn toàn hoang tưởng quá mức đến độ thần thánh hóa nhân vật. 

- Như sự kiện huyền hoặc, thiêu dệt, mê tín dị đoan về sự việc hiện hồn của Võ Thị Sáu trừng trị những kẻ ác ôn, kẻ bất kính bia mộ của cô ta, kẻ không tin chuyện hồn ma, v.v... khiến cho nhiều người dân phải lập bàn thờ cho cô ta trong nhà vì “tin rằng, một người con gái chết trẻ và chết thiêng như vậy ắt sẽ hóa thần”.

Kết luận:

Nhân vật Võ Thị Sáu, dĩ nhiên là có thật vì bị hành quyết theo bản án của chính phủ thuộc địa Pháp qua việc khủng bố ném lựu đạn vào đám đông. Qua những phân tích bên trên về những phiên bản khác nhau về nhân vật Võ Thị Sáu, cho thấy rằng chúng chỉ là những sản phẩm tưởng tượng để tuyên truyền nhồi sọ. Và đó là phương cách của Việt cộng tạo dựng hào quang cách mạng trên nửa sự thật hoặc một phần sự thật, ngay cả không cần sự thật qua những câu chuyện thường hay được lồng vào hai chữ “huyền thoại”. Mà đã là huyền thoại thì cũng chỉ là sản phẩm ảo tưởng nhằm lừa bịp, tráo trở, và bóp méo sự thật tùy cách phóng đại của tác giả.

Câu chuyện về Võ Thị Sáu được tóm gọn trong phần trích dẫn từ trang mạng nguoi-viet.com như sau: “Riêng nhà thơ Nguyễn Duy, ông thuật lại lời gia đình, thân nhân của Võ Thị Sáu cho biết cô bé này được giao nhiệm vụ ném lựu đạn giết một tên Tây lai đi mua thực phẩm cho đồn Tây, nhưng giết hụt vì hắn bữa đó không đi chợ. Cô Sáu vẫn ném lựa đạn vào chợ, rồi bị bắt, đưa ra Côn Đảo và xử tử hình” (“Nhà thơ Nguyễn Duy: Chuyện Võ Thị Sáu toàn bịa đặt”).

Và nhân vật Võ Thị Sáu được nhận xét như sau: “Điều đáng kể nhất là hai nhà văn trong cuộc gặp gỡ đã khẳng định bệnh tâm thần của Võ Thị Sáu, một người gọi là “bị chập” và người kia nói thẳng là “điên”.”

Ngoài ra Võ Thị Sáu còn có biệt danh là “Sáu Khùng” theo lời của những người dân địa phương.


Nhà lưu niệm và tượng đài anh hùng “Sáu Khùng” tại tỉnh Bà Rịa--Vũng Tàu

Cuộc gặp gỡ của những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A (quay phim), nhà văn Lê Hoài Nguyên (tên thật là Thái Kế Toại) và nhà thơ Nguyễn Duy, được ghi lại trên youtube “Sự Thật Chấn Động Về Võ Thị Sáu”.

March 2, 2018

0 comments:

Powered By Blogger