Sunday, January 1, 2017

Quan điểm về chính sách ngoại giao của Donald Trump

Quan điểm về chính sách ngoại giao của Donald Trump
AuthorNguyễn Huy VũSourceVietnam ExodusPosted on: 2017-01-01
Muốn biết những quan điểm về ngoại giao của Donald Trump, tổng thống mới đắc cử của Hoa Kỳ, có lẽ những người bình luận nên đọc qua hai cuốn sách về chính sách công của ông, đó là cuốn “The America We Deserve” (Nước Mỹ Mà Chúng Ta Xứng Đáng Có) xuất bản tháng Giêng năm 2000 và “Time to Get Tough” (Đã Đến Lúc Phải Cứng Rắn) xuất bản tháng 12 năm 2011. Dù khen hay chê về các chính sách thì đó là hai cuốn sách về chính sách công đúng nghĩa, bàn về các vấn đề của nước Mỹ và các chính sách mà ông coi là có thể giải quyết nó, từ tội phạm tràn lan, đến chất lượng giáo dục, nợ công cao ngất ngưỡng cho đến quan điểm trong chính sách đối ngoại của ông. Lẽ dĩ nhiên, nếu không có thời gian thì có thể đọc tóm tắt điểm chính của các chương.
Dừng một chút để nói về văn hóa chính trị Mỹ đó là các chính trị gia, nhất là các ứng cử viên ra tranh cử tổng thổng, họ luôn có một ý niệm về các chính sách họ muốn triển khai nhằm giải quyết các vấn đề của đất nước, và đôi khi cũng để thu hút cử tri. Việc xuất bản các chính sách này thành những quyển sách nghiêm túc không những đóng góp vào hiểu biết chính trị của đại chúng mà còn là một kênh tương tác giữa những nhà lãnh đạo với thường dân, để cho người dân biết rằng những nhà lãnh đạo muốn dẫn dắt đất nước mình tới đâu. Đó là một văn hóa tốt mà những cá nhân muốn dấn thân vào con đường chính trị của Việt Nam cần học tập. Hãy suy nghĩ khi mình ở vị trí lãnh đạo đâu là những quyết sách mình sẽ giải quyết, tìm các lời giải và chia sẻ với toàn dân.
Nhiều người phê phán và bất ngờ khi Donald Trump thắng cử.Trong số người đó, có lẽ phần lớn không đọc hai quyển sách này của ông. Nếu đọc họ sẽ có một ý niệm khác về người đàn ông này. Một cách ngắn gọn ông là một người đàn ông mạnh mẽ, mưu lược, và rất kiên nhẫn trong các quyết định của mình. Cuốn sách đầu tiên, The America We Deserve, xuất bản tháng Giêng năm 2000 khi ông quyết định ra tranh cử tổng thống ở vị trí là một ứng viên của Đảng Cải Cách (Reform Party), để rồi cuối cùng mất vị trí đề cử về tay Pat Buchanan và Buchanan sau đó thất cử trước George W. Bush. Cuốn sách rất nghiêm túc về chính sách công là một phản biện lại những chỉ trích cho rằng ông là một ứng cử viên không nghiêm túc. Hơn mười năm sau, tháng 12 năm 2011, ông xuất bản cuốn sách thứ hai để chuẩn bị cho cuộc chạy đua lần thứ hai. Cuối cùng ông quyết định không ra tranh cử và đoán Mitt Romney sẽ thua Obama. Có lẽ ông tính được rằng năm 2012 chưa phải là một thời cơ tốt.
Ở bài này chỉ bàn về các quan điểm về chính sách ngoại giao của ông, chứ không phải bàn về chính sách đối ngoại. Vì vài lẽ. Thứ nhất, đó là cho đến lúc viết bài này thì ngoại trưởng tương lai chưa được chọn và chính sách ngoại giao chưa được thành hình lẫn thực thi. Thứ hai đó là Donald Trump là một người hay thay đổi ý kiến. Đọc các đề xuất chính sách trong hai cuốn sách xuất bản cách nhau 10 năm để thấy rằng quan điểm của Donald Trump có khá nhiều sự thay đổi. Vì vậy mà khoảng thời gian kể từ khi xuất bản cuốn sách gần nhất, Time to Get Tough, cho đến nay đã được 5 năm, những quan điểm ngoại giao có lẽ cũng thay đổi ít nhiều. Và đến khi quan điểm ngoại giao của Donald Trump tương tác với nội các của mình thì sự thay đổi đó cũng sẽ lớn hơn nữa.
Vì vậy mà bài này chỉ, một cách khiêm tốn, dám bàn tới quan điểm ngoại giao của ông và gói gọn trong những đề xuất trong hai cuốn sách.
Nếu văn là người thì đọc hai cuốn sách của ông bạn sẽ hiểu phần nào tính cách. Các câu văn được viết dưới dạng văn nói, ngắn, không trau chuốt ngôn ngữ, thẳng thừng và đôi khi mang tính thách thức. Chẳng hạn khi bàn về tội phạm ông hỏi thẳng những người lên án việc thắt chặt luật lệ hơn dẫn đến việc giam giữ nhiều tội phạm hơn rằng họ muốn nhận bao nhiêu thằng tội phạm chuyển về khu mình ở? Và ông phán gỏn lọn rằng: Không.
Ông cho rằng một tổng thống Mỹ nên là một dealmaker (người quyết định từng thương vụ) thay vì là một chess player (người chơi cờ). Vì đơn giản rằng trong thế giới hiện đại khó mà có một chính sách ngoại giao chung chung được.
Khác với chess player vốn là một người phải chơi theo chiến lược và chiến thuật định sẵn, một dealmaker là một người giữ nhiều quả bóng, đánh giá lợi ích cạnh tranh của các quốc gia khác nhau, và luôn luôn đặt lợi ích nước Mỹ lên hàng đầu. Một dealmaker biết khi nào nên tiến và khi nào nên lùi, khi nào thì chân thật và khi nào thì hăm dọa, và anh ta phải hiểu rằng một khi anh ta hăm dọa thì phải chuẩn bị để thể hiện sự hăm dọa đó. Một dealmaker rất xảo quyệt, giấu giếm, tập trung, và không bao giờ chịu dàn xếp nếu anh ta nhận ít hơn điều anh ta muốn.
Trong lịch sử nước Mỹ, chỉ có hai tổng thống là dealmaker, đó là Franklin Roosevelt, người dẫn nước Mỹ qua khỏi Thế chiến thứ 2 và người còn lại là Richard Nixon người đẩy nước Nga tới bàn đàm phán để đưa đến việc cắt giảm vũ khí hạt nhân. Và nước Mỹ từ rất lâu rồi chưa có một tổng thống là một dealmaker như vậy.
Có lẽ vì một quan điểm như vậy mà chính sách ngoại giao của nước Mỹ tương lai càng khó đoán.
Về quan điểm trong chính sách đối ngoại trong cuốn The America We Deserve, có ba ý chính, đó là: một, hãy cứng rắn hơn nữa với Trung Quốc, chúng ta đang quá sẵn lòng để làm vừa lòng họ; hai, sự thiếu quyền con người ở Trung Quốc ngăn ngừa sự phát triển thị trường tiêu dùng; và ba, hỗ trợ Nga, nhưng cần kèm theo các điều kiện.
Ông khẳng định Trung Quốc là thách thức lâu dài lớn nhất của Hoa Kỳ. Dù không thừa nhận, Trung Quốc muốn Hoa Kỳ đầu tư vào Trung Quốc. Và mặc dù Hoa Kỳ có lợi thế tay trên, Hoa Kỳ đã quá dễ dàng làm vừa lòng Trung Quốc. Hoa Kỳ nhìn Trung Quốc như một thị trường tiềm năng và thỏa mãn Trung Quốc để đánh đổi lại quyền lợi quốc gia của chính mình. Chính sách đối với Trung Quốc dưới triều của tổng thống Clinton và Bush đó là hướng đến việc thay đổi chế độ của Trung Quốc bằng các động lực về kinh tế và chính trị, tuy ý định có vẻ tốt nhưng rõ ràng thì cuối cùng chẳng có gì thay đổi.
Đề cập đến vấn đề nhân quyền, ông cho rằng là một doanh nhân như mình thì ông có thể ngó lơ chuyện nhân quyền. Và khi mà đụng tới nó thì rõ ràng người Mỹ khó có thể làm được gì nhiều để thay đổi chính sách đối nội của một quốc gia. Nhưng ông thể hiện một thái độ rõ rệt rằng không muốn bỏ qua chuyện đàn áp công dân mình của chính phủ Trung Quốc, bởi theo ông các chính sách đàn áp nhân quyền của chính quyền Trung Quốc cho thấy rằng Trung Quốc coi thường lối sống của người Mỹ, lối sống tôn trọng tự do và nhân phẩm. Ông cũng nhấn mạnh rằng nước Mỹ sẵn lòng giao thương với Trung Quốc, nhưng không phải để đánh mất đi những giá trị cốt lõi của người Mỹ, và người Mỹ không nên mở cửa bằng bất cứ giá nào cho những quốc gia đi ăn cắp của người Mỹ.
Đối với Nga, quan điểm của ông rõ ràng hơn, ông cho rằng Nga và các nước nhận viện trợ rằng nếu họ muốn nhận tiền của người Mỹ họ phải hòa cùng nhịp với các chính sách của nước Mỹ, phải nhảy cùng một nhịp với nước Mỹ, ít nhất là ở các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Và họ cần người Mỹ hơn là người Mỹ cần họ. Nước Mỹ có lợi thế đòn bẩy và thật là điên rồ mới không sử dụng nó để đạt được lợi thế tốt hơn.
Trong Time to Get Tough, Donald Trump đi xa hơn trong thái độ với Trung Quốc. Ông nói thẳng rằng Trung Quốc là kẻ thù của nước Mỹ, ăn quịt nước Mỹ hàng trăm tỉ đô la bằng cách điều chỉnh và phá giá đồng tiền của mình. Mặc cho những cuộc nói chuyện có vẻ vui vẻ ở Washington thì các lãnh đạo Trung Quốc không phải là bạn của nước Mỹ.
Khi nhận những lời chỉ trích từ những người khác rằng tại sao lại gọi Trung Quốc là kẻ thù, ông lập luận rằng: “chúng ta có thể gọi họ là gì khi họ đang phá hủy tương lai của con và cháu chúng ta? Chúng ta thích gọi họ là gì khi họ khiến chúng ta phá sản, họ ăn cắp công việc của chúng ta, họ dùng tình báo để lấy trộm công nghệ của chúng ta, họ phá hoại đồng tiền của chính ta, và họ phá hủy lối sống của chúng ta?” Và với ông, họ là kẻ thù. Ông cho rằng nếu người Mỹ muốn nước Mỹ trở thành số một một lần nữa, thì người Mỹ phải có một tổng thống phải biết cứng rắn với Trung Quốc, biết thương thuyết thắng Trung Quốc, và khiến họ không thể áp lực người Mỹ ở bất cứ chỗ nào.
Ông cũng cho rằng nếu không có gì ngăn chặn việc chuyển các dự án sang Trung Quốc, và giúp giữ các công việc cho người Mỹ, thì trước năm 2027, Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ trở thành nền kinh tế lớn nhất.
Ông chỉ trích chính sách ngoại giao của Obama là lừa phỉnh các đồng minh Đông Âu, rằng khi Obama nhận chức, ông gửi một nhân viên hàng đầu đến Moscow (Mat-xcơ-va) đem theo một bức thư tuyệt mật gửi tổng thống Nga lúc đó mà Dmitry Medvedev. Trong thư nói rằng Obama sẽ rút lui, không khai triển hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở Đông Âu nếu Nga ngừng ủng hộ Iran phát triển những vũ khí tầm xa. Putin nghe vậy, sướng quá, bảo quyết định mới nhất của tổng thống Obama có những ảnh hưởng tích cực và Putin hi vọng rằng sau quyết định đúng đắn và dũng cảm này sẽ có những quyết định khác nữa. Ông kết luận rõ ràng là nội các Obama đã phản bội những đồng minh Ba Lan và Cộng hòa Séc của mình bằng cách ném họ ra khỏi chiếc xe buýt một cách trần truồng đối diện với các cuộc tấn công bằng tên lửa, mặc dù không có một cam kết công khai nào Moscow sẽ giúp chấm dứt các chương trình tên lửa tầm xa của Iran lại.
Nếu có một tóm tắt ngắn gọn về quan điểm ngoại giao của Donald Trump xuyên suốt hai cuốn sách của mình đó là: một, đặt quyền lợi nước Mỹ trước hết; hai, cứng rắn hơn với Trung Quốc và thậm chí coi Trung Quốc là kẻ thù, là đối thủ nguy hiểm nhất; ba, Nga không đáng sợ, nước Mỹ có thể cùng Nga “nhảy chung một nhịp” và người Nga cần người Mỹ hơn là ngược lại; và bốn, không bỏ qua các đàn áp nhân quyền của các chính phủ vì đó là đi ngược lại và coi khinh những giá trị của người Mỹ.
Trên đây là những quan điểm ngoại giao của Donald Trump trong hai cuốn sách của mình, còn đâu là chính sách ngoại giao của ông thì hãy chờ xem trong những ngày sắp tới.
OL, 8.12.2016

---------

0 comments:

Powered By Blogger