Hạt sương khuya (Danlambao) - Có phải mùa xuân đang về không nhỉ? Chốn này thật yên tĩnh, không đào, chẳng pháo... bánh chưng xanh. Mọi thứ như đang lắng đọng vào chốn không gian trầm mặc. Chỉ một ánh nhìn xuyên qua khung cửa nhỏ, tìm về một miền quá khứ xa xưa, nơi có những tà áo thướt tha vươn nhẹ trên đôi gót hài, e ấp đủ vừa cho một ánh nhìn tha thiết.
Ngày xưa nhớ lần qua phố vui
Anh gửi em Tấm Thẻ Bài này
Và nói đây là tấm kim ngân
Anh để lại cho mình.
Người con gái ở tuổi đôi mươi ấy, vẫn hồn nhiên đi bên cạnh người tình, vẫn tha thiết được yêu, được sống, mặc cho bom đạn ngoài kia vẫn vọng về cùng với bao thây người ngã gục. Hạnh phúc lại một lần được khai sinh trên nỗi nhớ. Ánh mắt, bờ môi, nụ cười, màu da sạm nắng. Ngày mai này, tất cả sẽ cùng anh đi vào vùng lửa đạn. Và em, chẳng còn gì ngoài Tấm Thẻ Bài... rách tên.
Giọt nước mắt thương thân, giọt lăn dài khóc thương cho quê Mẹ. Người góa phụ Việt Nam Cộng Hòa năm xưa ấy, từ một thiếu nữ ngây thơ, bỗng chốc đội trên đầu vầng khăn tang trắng, làm thân cò lận đận, đi xuyên suốt cuộc hành trình của kiếp người, tần tảo nuôi con, gánh vác giang san nhà chồng. Đêm về thao thức bên vầng nguyệt khuyết, dõi mắt cô đơn trong vùng trời xám đục, có sợi nhớ nào đang chạy dài trên nỗi sầu vô tận, có tiếng nấc nghẹn nào bên gối lẻ chăn đơn.
"Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai."
Ôi... những cánh hoa thời loạn bị cuốn hút bởi cơn bão của chiến tranh. Nghị lực nào đã khiến người góa phụ năm xưa ấy có thể vượt qua những vết xước gai đời, những cạm bẫy bủa giăng như tiếng búa nện đinh đóng vào hai chữ thủy chung của người góa phụ. Cô đơn trong thời chiến, lận đận trong thời bình. Biết bao oan khiên nghiệt ngã, họ là những mạch nước ngầm ẩn sâu trong lòng đất, vẫn vươn mình như những nụ xương rồng trên vùng sa mạc khô cằn sỏi đá. Không một huy chương, không một cánh hồng bên mộ bia tưởng nhớ.
Xót xa cho hoàn cảnh của người góa phụ Việt Nam Cộng Hòa bao nhiêu, thì tôi lại thấy thương cảm cho những người góa phụ bên kia bờ vĩ tuyến. Người góa phụ Việt Nam Cộng Hòa ít nhiều cũng còn được một gia tài là Tấm Thẻ Bài để làm hành trang cho quãng đời còn lại. Người góa phụ bên kia bờ vĩ tuyến sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được phút giây đi nhận xác chồng, dù đó là nỗi đau bất tận, nhưng chính nỗi đau ấy đã để lại niềm tự hào và sự nuối tiếc khôn nguôi.
Cuộc chiến đã kết thúc hơn bốn mươi năm, hận thù có thể còn vương đâu đó bởi chính sách tàn bạo của "bên thắng cuộc" đã để lại biết bao hệ lụy. Nhưng đối với người góa phụ cho dù ở bên thắng cuộc hay thua cuộc, họ đều có một nỗi đau chung là mất đi người thân yêu nhất của đời mình. Vết thương quá khứ ấy cần được hàn gắn lại để nhận diện một "kẻ thù" chung. Những Tượng đài nghìn tỷ dành cho "bà mẹ VN anh hùng" chỉ như một trò hề rẻ tiền của những con người đê tiện vẫn còn đang tiếp tục trục lợi trên thân xác của người sống và kẻ chết. Tội ác quá khứ vẫn còn chưa khô vệt máu, chưa đủ sao? Xin đừng đem thù hận để xây dựng một nền hòa bình giả tạo như một lũ lên đồng tập thể, hãy kịp nhìn lại để thấy ngày phán xét đang đến thật gần.
Tết lại sắp về trên quê hương. Những ngày cuối năm chỉ làm tâm tư thêm trĩu nặng ơn đời. Đường đi còn quá dài mà nỗi đau thì bất tận. Quê hương vẫn khoác hoài một màu tang trắng, người vẫn giết người không kịp mở mắt trông.
Buồn lắm khi quá khứ luôn bị ruồng bỏ bởi những con người ích kỷ mang nặng mặc cảm tội lỗi, sự tự ti đã khiến họ ngày càng ngu muội mà quên rằng sự thật luôn là chân lý. Không ai có thể lấy bàn tay che nổi ánh mặt trời. Hãy nhìn lại sau hơn bốn mươi năm, chính nghĩa tự nó đã trả về cho lịch sử. Những giọt máu của người lính Việt Nam Cộng Hòa đổ xuống cho Hoàng Sa năm nào, nay đã thấm vào tâm hồn của những thế hệ trẻ, như một niềm tự hào bất diệt không ai có thể che đậy. Ngọn sóng sau đang dồn ngọn sóng trước đẩy tràn bờ hạnh phúc. Rồi đây yêu thương sẽ trở về trên cánh đồng nhân ái, nơi đã được gieo những hạt mầm từ thuở hồng hoang đi mở lối, dù chỉ là huyền thoại, nhưng giá trị yêu thương và đoàn kết muôn đời là một triết lý siêu việt được nối tiếp qua nhiều thế hệ. Người ta có thể bứng đi một gốc cây, nhưng không thể bứng đi hết những hạt mầm đang ẩn mình chờ ngày đâm chồi, nảy lộc.
Một mùa xuân nữa đang về, và rồi cũng sẽ trôi đi lặng lẽ như chưa từng có xuân. Tất cả đang chờ đợi một mùa xuân Dân Tộc. "Mùa Xuân Đầu Tiên" không mang dấu vết hận thù, chỉ có những giọt nước mắt yêu thương rớt trên đôi bàn tay nhân ái. Xin người biết thương người, người biết yêu người để kẻ bán nước không thể hưởng lợi trên sự ích kỷ, hẹp hòi của mỗi người chúng ta.
Trời đã về khuya, bỗng nhiên thèm tách cà phê ngồi nhìn bóng đêm lặng lẽ. Ngoài kia tuyết đang rơi. Nhìn những bông tuyết, tôi chợt nghĩ đến vầng khăn tang trắng trên đầu người góa phụ ngây thơ hôm nào. Không biết có bao nhiêu người đã trở về nơi miền miên viễn để nối lại mối tình dang dở cùng người Lính năm xưa? Còn bao nhiêu số phận đang sống vất vưởng bên lề xã hội, không người thân, không bạn bè. Gia tài duy nhất là "Tấm Thẻ Bài... Rách Tên", anh để lại.
Này loại máu... này loại máu
Với số quân anh, chữ vẫn còn nguyên
Chỉ tên anh, chỉ tên anh rách nát nhạt nhòa
Viên đạn nào, sao quá oan nghiệt.
Từ trong màn tuyết, tôi bỗng thấy bóng dáng người góa phụ với cái tên Trần Thị Chiến Tranh của thi sĩ Trần Mộng Tú.
Có người gửi tôi tấm hình trên mạng
cô gái Sài gòn áo trắng khăn tang
đi trong Sài gòn bốn mươi năm cũ
cô gái trong hình có phải tôi không?
Ô hay tại sao tự nhiên tôi nhận
Sài gòn cả trăm cô gái giống tôi
cả ngàn khăn tang trên đầu góa phụ
góa phụ còn hồng một vệt son môi
Ô hay tại sao tự nhiên tôi chối
Sài gòn ngày ấy trắng toát khăn tang
những cô trẻ lắm mắt đầm đìa lệ
theo tay ai dắt đi vào nghĩa trang
Sài gòn bây giờ khói nhang đã tắt
góa phụ ngây thơ tóc đã phai xanh
nhìn lại tấm hình nhận ra cô gái
khẽ gọi tên cô Trần Thị Chiến Tranh.
"Có phải tôi không"
Xin cho tôi được thắp nén hương lòng gửi về cố quận, nơi có những Anh Hùng Tử Sĩ đã nằm xuống trong lòng đất Mẹ, và triệu bông hồng cho những người Mẹ, người Chị đã sống trọn một đời góa bụa cùng Anh.
Paris ngày 20 tháng 1 năm 2017.
0 comments:
Post a Comment