Chim Biển (Danlambao) - Kể từ khi thảm họa Formosa xảy ra tính đến thời điểm này đã hơn 9 tháng. Hậu quả của của vấn nạn này chắc có lẽ ai cũng biết. Nhà cầm quyền đã nhiều lần tuyên bố biển nhiễm độc, sau đó lại cho rằng biển đã sạch. Hết lần này đến lần khác, hết báo cáo nọ đến thí xét nghiệm kia nhưng chưa lần nào nhà nước cộng sản chính thức tuyên bố biển miền Trung đã sạch, thủy hải sản đã an toàn để sử dụng. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây báo chí nhà sản đồng loạt đăng tải những hình ảnh, những bài viết cho rằng ngư dân vùng bị thiệt hại đã “nở” nụ cười thật tươi trên khuôn mặt đầy vẻ rạng ngời. Bởi tôm cá đang có dấu “hiệu hồi sinh mạnh mẽ”. Theo sự chỉ đạo của ban tuyên giáo, nhóm lều báo này đã dùng lối văn đầy vẻ tươi sáng: “khi những tia nằng ấm áp tràn về, đi dọc bờ biển Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, nơi từng xảy ra sự cố môi trường do Formosa gây ra, hàng trăm ghe thuyền lại hối hả ra khơi”. Có lẽ làng báo nhà sản đã làm luôn phần việc của bộ Tài nguyên môi trường khi cho rằng biển miền Trung đã thật sự sạch và an toàn.
Với cách sử dụng ngôn từ “sự cố môi trường” trong bài viết thì rõ ràng đây là một bài viết có tính chất bao che thủ phạm và hướng dư luận theo cách nghĩ rằng sự việc này không có gì là nghiêm trọng. Nhìn những hình ảnh ngư dân nở nụ cười với vài ba bao tôm, cá hay ghẹ sao được cho là “đánh, bắt” tại vùng biển Quảng Bình hay Thừa Thiên Huế do nhóm phóng viên này (nói cho đúng là các thợ viết của ban tuyên giáo cộng sản) đăng tải. Ai có thể kiểm chứng đó là thủy hải sản được đánh bắt tại vùng biển Formosa. Một vài tấm hình chụp cảnh tượng một số người “làm việc” nơi neo đậu thuyền rồi tưởng tượng hằng trăm ghe thuyền tấp nập ra khơi, phải nói nhóm “thợ viết” này quá xem thường độc giả.
Đến thời điểm hiện tại khu vực 4 tỉnh miền trung vẫn xảy ra hiện tượng ngộ độc do ăn cá biển. Tại các chợ hải sản vẫn không có người buôn kẻ bán bởi chẳng mấy ai biết hải sản biển đã thật sự an toàn hay chưa mà mua bán. Dẫu cho đâu đó đã có những công bố, những bữa tiệc hải sản được các quan chức nhà sản tổ chức linh đình nhằm trấn an dư luận. Nhiều chủ thuyền đã bị bắt vì xâm phạm hải phận quốc tế của các nước khác. Có thuyền phải đến tận vùng biển Phillipinnes, Malaysia hay Indonesia đánh cá để rồi sau đó họ đã bị nhà nước nơi đây bắt giữ, thậm chí bị bắn hạ. Khi được hỏi tại sao Việt Nam là quốc gia có diện tích biển lớn như thế mà phải đánh cá ở một vùng biển không thể so sánh bằng biển của Việt Nam. Những ngư dân cho rằng biển Việt Nam phần thì đã chết do thảm họa môi trường, phần bị Trung cộng cấm đánh bắt trước sự nhu nhược và hành vi bán nước của quan chức cộng sản. Những ngư dân này đã buộc phải liều mình ra khơi nơi xa dù biết rằng sẽ gặp nhiều hiểm nguy và vi phạm luật biển của nước sở tại.
Thời điểm nhà cầm quyền chọn để đăng tải bài “Ngư dân vùng Formosa đón tết ra sao” vào những ngày giáp tết có lẽ cũng được chỉ đạo trong sự tính toán của ban tuyên giáo. Có lẽ vì trong những ngày đầu năm 2017 vừa qua, hàng chục vụ biểu tình có liên quan đến vấn đề Formosa đã xảy ra trên địa bàn khu vực miền Trung. Bởi người dân nơi đây vẫn chưa hết lao đao do thảm họa biển chết, bên cạnh sự khốn nạn của các cán bộ địa phương trong vấn đề bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra. Vì lẽ đó mà hàng trăm, hàng ngàn người đã dùng lưới đánh cá chặn quốc lộ để biểu tình.
Nhóm “thợ viết” này còn cho rằng “đời ngư phủ là vậy, lúc thì khấm khá, lúc thì thất bát. Có năm đón được cái tết đầy đủ, năm thì chạy vạy khắp nơi để sắm sửa cho gia đình. Năm nay cũng khá khó khăn nhưng qua rồi”. Vâng, những khó khăn ấy đã qua là qua thế nào thưa các anh, các chị “thợ viết”. Không biết các “thợ viết” này có đến tận mục sở thị tại các làng chài nơi bị ảnh hưởng bởi thảm họa biển do Formosa gây ra hay không. Hay các anh, các chị chỉ ngồi nhà gọi điện cho một vài cán bộ xã, huyện nơi đây rồi xin vài tấm hình với bố cục đã được sắp xếp. Sau đó ngồi trong phòng máy lạnh “rặn” ra những dòng chữ trên bài báo để rồi báo cáo là “biển đã hồi sinh mạnh mẽ”. Chẳng lẽ hàng trăm ngư dân tham gia biểu tình trong những ngày vừa qua quá đỗi rảnh rỗi. Vậy sao họ không đi đánh bắt cá tôm trong sự “hồi sinh mạnh mẽ của biển chết”. Hay là họ lại nhận tiền của thế lực thù địch nào đó nhằm phá vỡ sự bình yên của một vùng biển đã chết???
Dân gian ta có câu thành ngữ mỉa mai nghề báo của cộng sản rằng “nhà báo nói láo ăn tiền” quả không ngoa chút nào. Điều này càng được minh chứng khi mà Việt Nam dù có hơn 700 tờ báo, nhưng chỉ có một tổng biên tập. Những sự kiện bức xúc của người dân ngập tràn khắp nơi nhưng mấy khi được báo chí nhà sản đưa tin. Vấn nạn tham nhũng của những con chuột nhà sản đã vô phương cữu chữa thì không hề thấy báo chí vạch trần. Nghĩ cho cùng thì nhà cầm quyền muốn dùng mọi phương cách, mọi thời điểm để người dân quên đi thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra tại miền Trung. Đương nhiên báo chí là công cụ đắc lực và hiệu quả nhất trong thời điểm và trong vấn đề này. Cuối cùng báo chí lề đảng chỉ là công cụ của ban tuyên giáo nhà nước cộng sản chuyên sử dụng để lừa dối người dân.
26.01.2017
0 comments:
Post a Comment