Thursday, January 26, 2017

Chính trị Mỹ - gánh nặng Việt

Phạm Trần (Danlambao) - Tổng thống thứ 45 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, ông Donald John Trump, 71 tuổi (sinh ngày 14/06/1946) là một người bất bình thường trên nhiều khía cạnh sau khi nhậm chức và đã đi ra ngoài những thông lệ của các Tổng thống tiền nhiệm.

Nhưng Việt Nam vào những ngày cuối năm Bính Thân cũng không hay ho gì mà còn báo hiệu những gánh nặng ngặt nghèo, nhất là về mặt kinh tế và chiến lược mới trong khu vực của Trung Quốc.

Bất thường 1: gian lận bầu cử

Thứ nhất, ông Trump chỉ đắc cử Tổng thống bằng 304 lá phiếu của Đại cử tri đoàn, thay vì số phiếu đa số của cử tri trong cuộc bầu cử ngày 08/11/2106. Đối thủ của ông, nguyên Ngoại trưởng bà Hilarry Clinton của đảng Dân chủ tuy thua cuộc nhưng lại được hơn ông Trump gần 3 triệu phiếu. 

(Báo cáo chính thức: Bà Clinton được 65,844,610 phiếu. Ông Trump có 62,979,636 phiếu. Bà Clinton hơn ông Trump 2,864,974 phiếu của cử tri).

Trường hợp của bà Clinton, cũng giống như ứng cử viên Dân chủ, Phó Tổng thống Al Gore, đã thua Tổng thống Cộng hòa George W. Bush trong cuộc tranh cử năm 2000, dù ông Bush thua ông Gore trên 500,000 phiếu của cử tri.

Kết quả này đã khiến ông Trump khó chịu đến nỗi ông lên tiếng cáo buộc, ngay sau ngày bầu cử, rằng số phiếu ông thua bà Clinton là vì đã có những lá phiếu của cử tri bất hợp pháp bỏ cho đối thủ của ông, mặc dù ông không đưa ra một bằng chứng nào.

Tưởng câu chuyện đã lùi vào quá khứ vì chẳng ai quan tâm, và ai cũng muốn biết ông Trump sẽ bắt tay vào việc điều hành việc nước như thế nào.

Nào ngờ, ông Trump lại nhắc lại chuyện “lá phiếu đa số” trong cuộc tiếp xúc đầu tiên tại Tòa Bạch Ốc với các Lãnh tụ Quốc hội của cả hai đảng hôm Thứ Hai, 23/01/2016. Ông Trump đã nói rằng hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp đã đi bỏ phiếu khiến ông thua “phiếu đại chúng”, mặc dù ông không chứng minh được lời nói của mình.

Theo lời nói lại của nhiều Nghị sĩ và Dân biểu có mặt thì ông Trump đã cho rằng “millions of unauthorized immigrants had robbed him of a popular vote majority.” (hàng triệu di dân bất hợp pháp đã cướp đi mất số phiếu đa số của ông ta).

Sự cay cú với dư luận cho rằng ông không phải là Tổng thống của đa số người dân Mỹ đã thúc ông ra lệnh vào ngày Thứ Tư, 25/01/2017, điều tra sâu rộng về những lá phiếu mà ông coi là bất hợp pháp.

Hành động của ông Trump không làm nhiều người hài lòng, nhất là khi ông vừa mới bắt tay vào việc. Họ cho rằng ông có nhiều việc quan trọng hơn phải làm trong vai trò Tổng thống, thay vì cứ ăn thua mãi với lá phiếu.

Bất thường 2: CIA - lễ nhậm chức

Trước đó vào hôm thứ Bảy 21/01/2017, chỉ sau 1 ngày nhậm chức, ông Trump đã đến thăm trụ sở của Cơ quan Trung ương tình báo CIA (Central Intelligence Agency). Tại đây, ông nói rằng chính báo chí đã dựng đứng chuyện ông hục hặc với CIA, và ông tuyên bố ủng hộ cơ quan này 100%.

Ông Trump đã quay ngược những lời ông từng sỉ vả CIA khi CIA cho ông biết tình báo Nga đã nhúng tay phá cuộc bầu cử Tổng thống là để giúp ông thắng cử. Có khi ông nói các cơ quan an ninh và tình báo đã bịa ra để hạ uy tín ông. Ông còn chỉ trích thẳng Giám đốc CIA John Owen Brennan (thời Tổng thống Barack Obama) đã tiết lộ cho báo chí về tin chưa được kiểm chứng rằng tình báo Nga đã nắm trong tay hồ sơ cá nhân và tài chính của ông Trump.

Cũng rất ngạc nhiên là thay vì có lời hàn gắn rạn nứt với CIA, ông Trump lại dùng diễn đàn này chỉ trích báo chí đã không tường thuật đúng con số người đã dự lễ nhậm chức của ông. Con số mà ông Trump đưa ra là 1.500.000 người. Nhưng sự thật thì số người dự lễ tuyên thệ của ông chỉ vào khoảng từ 700.000 đến 900.000 người trong khi lần nhậm chức đầu tiên năm 2009 của nguyên Tổng thống Barack Obama là 1.800.000 và nhiệm kỳ hai năm 2013 là 1.300.000 người.

Báo chí còn đăng hình ảnh của hai lễ tuyên thệ 2009 và 2017 để so sánh cho thấy có một số bãi đất trống người tại lễ của ông Trump, trong khi cũng ở những chỗ này năm 2009 đầy kín người.



Tệ hại hơn, sau khi từ trụ sở CIA trở lại Tòa Bạch Ốc dù chưa chứng minh được con số 1.500.000, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho Phát ngôn viên Sean Spicer mở buổi thuyết trình đầu tiên để chỉ trích báo chí một lần nữa là họ đã cố tình loan tin sai sự thật về số người dự lệ tuyên thệ. Sean Spicer còn cáo buộc báo chí đã ngụy trang hình ảnh nhằm làm giảm sự ủng hộ của người dân dành cho ông Trump và gây khó khăn cho chính quyền Trump.

Ngay lập tức, hàng hà sa số những lời lên án chính quyền Trump và Sean Spicer được truyền đi khắp nơi trên thế giới cho rằng họ đã “cố tình nói láo” (intentionaly lie) với người dân và chối bỏ sự thật.

Bất thường 3: Nga-Trump - tẩy chay

Cũng tại lễ nhậm chức ngày 20/01/2017 của ông Trump, lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ đã có 67 Dân biểu đảng Dân chủ tẩy chay buổi lễ.

Nổi tiếng nhất trong họ là Dân biểu da màu John Lewis (Georgia), lãnh tụ nhân quyền được mọi người kính trọng.

Trước ngày tuyên thệ, ông Lewis đã nói với Đài Truyền hình NBC trong cuộc phỏng vấn rằng ông không coi ông Trump là một Tổng thống chính danh vì có bàn tay Nga nhúng vào giúp ông ta đắc cử và hủy diệt ứng cử viên Hillary Clinton ("I don't see this President-elect as a legitimate president..."I think the Russians participated in helping this man get elected. And they helped destroy the candidacy of Hillary Clinton." (NBC, Jan. 14-2016)

Các dân biểu tẩy chay khác, mỗi người có một lý do không tham dự nhưng phần đông đã đồng tình với Dân biểu Lewis. Họ còn quan ngại về thái độ tỏ ra thân thiện của ông Trump với Tổng thống Nga Vladamir Putin trong thời gian ông Trump tranh cử.

Nhiều lãnh tụ Quốc hội của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa, trong đó có Lãnh tụ đa số Cộng hòa tại Thương viện, Nghị sĩ Mitch McConnell và Nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân sự, nguyên ứng cử viên Tổng thống Cộng hòa năm 2008 đã công khai khuyến cáo ông Trump phải đề phòng Putin, cựu lãnh đạo tình báo KGB của Nga. Nghị sĩ McConnell còn nói ông không coi ông Putin là bạn của nước Mỹ.

Sự đắc cử của ông Trump bị nghi ngờ có bàn tay giúp đỡ của tình báo Nga do chính Tổng thống Vladamir Putin chỉ huy. Các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ đã cáo buộc hai cơ quan - Tình báo Trung ương, (Federal Security Service, FSB), trước đây là KGB và Tình báo Quân đội (GRU) của Nga bị nhận diện nhúng tay phá hoại cuộc bầu cử Mỹ với chủ trương giúp ông Trump đắc cử.

An ninh Mỹ cũng báo cáo với Tổng thống Obama, Tổng thống đắc cử Donald Trump và các lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội rằng họ còn bắt được cuộc điện đàm chúc mừng nhau giữa các viên chức Nga sau khi biết ông Trump thắng cử.

Tuy nhiên ông Trump, sau nhiều ngày bác bỏ, đã phải thừa nhận có sự xâm nhập gây nhũng loạn cuộc bầu cử của an ninh Nga. Nhưng ông đã bác bỏ tin nói rằng nước Nga đã giúp ông đắc cử.

Phía Nga, kể cả Tổng thống Putin, cũng đã lên án các báo cáo của an ninh Mỹ là bịa đặt.

Nhưng các cơ quan an ninh Mỹ vẫn tiếp tục cuộc điều tra về vai trò của Nga và mức nghiêm trọng của tình báo Nga đã xâm nhập vào sinh hoạt chính trị và an ninh của nước Mỹ. 

Tại Thượng viện, hai nghị sĩ nổi tiếng Cộng hòa John McCain và Lindsey Graham của South Carolina đã chuẩn bị một Đạo luật để trừng phạt Nga đã phá hoại cuộc bầu cử ngày 8/11/2016. Việc làm này nhằm gây áp lực chính quyền Trump phải triệt để đối phó với âm mưu của Nga nhắm vào Mỹ.

Trước ngày mãn nhiệm, Tổng thống Obama đã ban lệnh trừng phạt một số cá nhân lãnh đạo hai cơ quan tình báo Nga bị cáo buộc phá hoại bầu cử. Lệnh trừng phạt này còn trục xuất về Nga 35 nhân viên ngoại giao. Nhưng ông Putin, muốn lấy lòng ông Trump, đã không trả đũa.

Trước tình huống này, chính quyền Trump bị dồn vào thế phải đương đầu bất đắc dĩ với Putin, người từng được ông Trump ca ngợi là nhà lãnh đạo giỏi hơn Tổng thống Obama. Ông Trump nói ông sẵn sàng hàn gắn mối giao hảo Mỹ-Nga, vốn không tốt đẹp dưới thời Obama. Tuy nhiên, các lãnh tụ Quốc hội hai đảng lại tỏ ra dè dặt trước thái độ thân thiện với Putin của ông Trump.

Trump-Trung Quốc-Việt Nam

Vậy trước bối cảnh một Tổng thống Trump chưa hết mặc cảm ông không phải là “Tổng thống chính danh” vì số phiếu thiểu số và đám mây mù Nga lơ lửng trên đầu, thế giới và Việt Nam có thể chờ đợi gì nơi Hoa Kỳ?

Trước hết, thực hiện lời hứa khi tranh cử, hôm 23/01/2017, ông Trump đã ký lệnh rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP (Trans Pacific Partnership), Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương. TPP coi như đã chết vì mất nền kinh tế hàng đầu trong nhóm 12 nước ký Hiệp định này. 

Khối kinh tế này, nếu hoạt động, sẽ có trị giá 28,000 tỉ dollars ($28 trillion dollars), chiếm lối 40% tổng sản lượng của thế giới và là một khối kinh tế hùng mạnh có khả năng cầm chân Trung Quốc.

11 quốc gia còn lại gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru, và Việt Nam. 

Nhật Bản, Úc và Tân Tây Lan đang nỗ lực tập hợp 11 quốc gia để định hướng cho tương lai hợp tác, dưới hình thức khác không có Mỹ. Khi nào thì sự biến dạng này sẽ thành hình và sẽ có sức mạnh kinh tế ra sao thì hãy còn quá sớm để định hình.

Chỉ thấy hiển nhiên một điều là giờ đây, nhờ vào quyết định của ông Trump mà vai trò lãnh đạo kinh tế trong khu vực Á Châu và Thái Bình Dương của Trung Quốc càng nổi lên hơn bao giờ hết.

Trung Quốc hiện đang thúc đầy thành hình khối kinh tế 16 nước được gọi là Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Ngay từ đầu, Hoa Thịnh Đốn tin rằng TPP sẽ thành công và đáp ứng được các điều kiện về lao động, môi trường, nhất là các quyền tự do của công nhân như được lập nghiệp đoàn tự do và được bảo đảm quyền được thông tin và thông tin. Nói chung là các quyền cơ bản của con người mà Hoa Kỳ vẫn thường xuyên cổ võ và thúc đẩy các nước trên thế giới làm theo đều chứa đựng trong TPP.

Giờ đây, sau khi Tổng thống Trump đình chỉ TPP và chưa biết chính quyền này sẽ thương thảo các hiệp ước thương mại “song phương” như thế nào với từng quốc gia ở Châu Á và các nước khác thì hy vọng của người lao động Việt Nam rất mơ hồ.

Dù có mất TPP nhưng Việt Nam vẫn có chân trong khối RCEP, cùng với 9 nước khác của AQSEAN, Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, và Ấn Độ.

Về mặt kinh tế thì Việt Nam còn nhiều thỏa hiệp hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ, Châu Âu, Nam Hàn, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước khác. Nhưng về mặt chính trị thì chắc chắn những gì TPP có triển vọng đem lại cho Việt Nam trong tương lai đã biến mất sau chữ ký của ông Trump hôm 23/01/2017.

Vì vậy, các cá nhân tranh đấu cho dân chủ, tự do, quyền con người và phong trào Xã hội Dân sự non trẻ ở Việt Nam từng nuôi hy vọng vào TPP, từ nay sẽ phải tiếp tục tự gồng mình để đối phó với quyết định của ông Donald Trump.

Vì khi Mỹ rút khỏi TPP thì không những ông Trump đã mở ra một sinh lộ bành trướng kinh tế mới cho Trung Quốc mà còn lấy đi gánh nặng bị ràng buộc vào dân chủ và nhân quyền của TPP cho cả nhà nước CSVN.

Ông Trump cũng đã hủy bỏ chính sách hợp tác kinh tế rộng khắp của nhiều đời Tổng thống Mỹ để co cụm lại với mục đích mọi hành động và mọi thỏa hiệp phải bảo đảm cho quyền lợi của Mỹ trên hết.

Chủ trương bảo hộ này đã được ông Trump cổ võ khi tranh cử và ngay trong diễn văn nhậm chức ngày 10/01/2017, Tổng thống Trump đã nhắc lại nhiều lần khẩu hiệu “America First”.

Ông nói: "Kể từ giờ phút này, nước Mỹ là trên hết. Mỗi quyết định về thương mại, thuế vụ, di dân, và đối ngoại, sẽ được thực hiện để đem lại phúc lợi cho công nhân Mỹ và các gia đình Mỹ." (From this moment on, it’s going to be America First. Every decision on trade, on taxes, on immigration, on foreign affairs, will be made to benefit American workers and American families.)

Ông Trump đã được vỗ tay lớn sau câu nói này. Nhưng các nhà kinh tế lại lo ngại nước Mỹ sẽ phải trải qua một thời kỳ “tự cô lập mình” có hại nhiều hơn lợi. Nếu ông Trump làm như vậy thì nước Mỹ sẽ sống với ai trong thời đại hội nhập và thông tin toàn cầu ngày nay?

Và chằng lẽ nước Mỹ của thời đại Donald Trump sẽ không phải đối phó với con tầu kinh tế số 2 trên Thế giới của Trung Quốc đang lớn mạnh mỗi ngày hay sao?

Có lẽ vì muốn đón đầu nên Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã sang Trung Quốc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước Trung Hoa Tập Cận Bình từ 12 đến 15/01/2017 để, cuối cùng cộng sản Việt Nam đồng ý “Tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, bao gồm kết nối khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.

Chủ trương này của ông Tập Cận Bình còn được gọi văn mỹ là “Vành đai kinh tế Con Đường Tơ Lụa” trên đất liền và “Con dường Tơ lụa trên biển” nhằm nối Trung Hoa với năm châu, bốn biển để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”.

Trong “giấc mộng” này, Việt Nam đã tự đặt mình làm cửa ngõ phía Nam cho Trung quốc ra Biển qua dự án xa lộ cao tốc nối liền hai nước và các hải cảng chiến lược dọc theo bờ biển dài trên 3,000 cây số, đặc biệt là cảng Hải Phòng.

Gánh nặng tương lai của Việt Nam là như thế sau khi TPP không còn nữa.


0 comments:

Powered By Blogger