Thursday, January 19, 2017

TUỔI TRĂM


SourceSong ThaoPosted on: 2017-01-18
Trăm là con số chẵn. Chẵn hết mức, chẵn đến không thể chẵn hơn được. Đó là con số đã được người ta vo lại thành một thế kỷ. Đó cũng là mơ ước của con người cho cuộc sống của mình. Thọ tới một thế kỷ, nghe rong rêu bám đầy!
Nguyễn Du mở đầu Đoạn Trường Tân Thanh bằng câu: “Trăm năm trong cõi người ta”. Tú Xương trong bài “Chúc Tết” cũng…trăm năm: “Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau / Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu”.
Ngày xưa đời người trăm năm là ước mơ khó biến thành hiện thực. Người ta chỉ mơ có vậy. Nhưng loại người…xịn như Tần Thủy Hoàng thì giấc mơ cũng dài hơn: trường sinh bất tử. Cứ lột da sống đời. Ông vua khét tiếng thời Chiến Quốc trong sử tàu này đã tiêu diệt các nước chư hầu, thống nhất đất nước, sáng lập ra nhà Tần, xây Vạn Lý Trường Thành, đốt sách, chôn sống học trò. Say mê quyền lực, ông đã quắt quay tìm thuốc trường sinh để muôn đời cưỡi đầu cưỡi cổ dân đen. Chuyện tìm thuốc trường sinh của ông cũng vui lắm. Năm 219 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng cho vời vào cung một người tên Từ Phúc, người đất Tề, để trao cho ông này nhiệm vụ đi tìm thuốc trường sinh. Từ Phúc là một phương sĩ vô cùng thông minh, tinh tế và gan dạ. Ông tự nguyện rong thuyền ra biển Đông, tới ba hòn đảo Phùng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu để tìm thuốc trường sinh cho nhà vua. Ông đã thất bại và quay về. Ông trình bày với nhà vua là muốn có được thần dược cần phải có đủ lễ vật là ba ngàn đồng nam đồng nữ để tặng thần tiên. Ngoài ra, trên đường đi còn có cá kình cản đường nên cần cung lớn và vũ khí để đuổi cá. Tần Thủy Hoàng chấp nhận cung cấp tất cả. Từ Phúc ra đi lần thứ hai và không bao giờ trở về. Theo các nhà nghiên cứu thì ba hòn đảo tiên này chính là các đảo Honshu, Shikoku và Kyushu của Nhật. Từ Phúc quả đã tới các hòn đảo này và xưng vương. Ông chính là vị thiên hoàng đầu tiên tên Jinmu của Nhật Bản. Thứ thuốc trường sinh bất tử ông tìm kiếm là một loại trái cây có tên là “khoa khoa”. Sách cổ của Nhật Bản gọi thứ trái này là “Thiên Tuế”. Đó là một loài thực vật quý hiếm có tên khoa học là Actinidiachinensis Pianch,thuộc loại cây bụi thân leo, ruột màu xanh lục, vỏ mềm có lông. Thời ông Từ Phúc đi kiếm, trái này có kích thước nhỏ bằng hạt đào, vị ngọt đậm. Ngày nay, do lai tạo giống, kích thước của trái đã tăng lên rất nhiều. Đó chính là trái…kiwi!
Không biết có phải vì Từ Phúc đã…di tản qua Nhật Bản và không trở về, Tần Thủy Hoàng không được ăn kiwinên ông đã thăng hà vào năm 210 trước công nguyên. Thọ 49 tuổi!
Tuổi 49 thời trước công nguyên có thể coi là thọ được chăng? Dám lắm! Gần hai ngàn năm sau, cụ Nguyễn Công Trứ, được coi là nhà thơ có tuổi thọ khá cao, sống được tới tám mươi năm cuộc đời. Cụ sanh năm 1778 và mất năm 1858. Tôi khoái cụ này khi cụ khai tuổi với một em đào non: ngũ thập niên tiền nhị thập tam. Năm chục năm trước ta 23 tuổi!
Sống sau cụ Nguyễn Công Trứ một chút có cụ Nguyễn Khuyến. Cụ sanh năm 1835, mất năm 1909, thọ 74 tuổi. Hai cụ có lẽ là người sống thọ hiếm thấy trong số những nhà Nho thời đó. Thời mới 55 tuổi, cụ Nguyễn Khuyến đã vui mừng cáo với làng nước…lên lão.
Ông chẳng hay ông tuổi đã già,
Năm lăm ông cũng lão đây mà.
Anh em làng xóm xin mời cả,
Xôi bánh, trâu heo cũng gọi là.
Năm cụ sống tới 74 tuổi, cụ đã coi đó là một điều ghê gớm. Cụ mần ngay bài thơ “Đại Lão” để tự mừng tuổi thọ.
Năm nay tớ đã bảy mươi tư
Rằng lão, rằng quan tớ cũng ừ
Lúc hứng, uống thêm dăm chén rượu
Khi buồn, ngâm láo một câu thơ
Bạn già lớp trước nay còn mấy ?
Chuyện cũ mười phần chín chẳng như
Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa
Thử xem trời mãi thế này ư ?
Chuyện sống trên đời tới tuổi trăm, ngày đó, coi như bất khả. Thất thập cổ lai hi! Bảy chịch cái xuân già coi như của hiếm, xưa nay ít thấy. Vậy mà hai cụ đã vượt chỉ tiêu. Sống thọ như hai cụ Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Khuyến được coi là chuyện gần như bất khả. Ngày nay sống tới trăm tuổi là chuyện hà rầm. Người Nhật được tiếng là có nhiều người trăm tuổi nhất. Theo thống kê mới nhất vào năm 2015 thì các cụ ông cụ bà bách niên giai lão tại Nhật đã lên tới 65 ngàn người. Cái chi càng nhiều càng…rẻ. Đó là quy luật. Cho tới năm 2014, cụ nào đạt trăm tuổi đều được chính phủ tặng một chén rượu sake bằng bạc để chúc thọ. Công quỹ đã tốn tới mỗi năm tới 2 triệu 100 ngàn đô Mỹ để chúc thọ các cụ. Số các cụ trăm tuổi ngày càng tăng nên việc chúc thọ phải xuống giá. Từ năm 2016, các cụ không còn được chén bạc nguyên chất nữa mà chỉ được tặng chén mạ bạc rẻ tiền hơn.
Chén bạc hay chén mạ bạc đâu thành vấn đề. Cứ thọ là vui rồi. Tuổi trăm là thứ quý, chẳng phải ai cũng được. Vậy thì làm sao mà…trăm? Tại Montreal chúng tôi, tháng 10 vừa qua, có một cuộc thuyết trình về tuổi trăm của Giáo sư Thomas Pearls, Giám Đốc New England Centenarian Study (Viện Nghiên Cứu Trăm Tuổi vùng New England) tại Đại Học Boston. Nói chuyện tại bệnh viện Jewish General Hospital (dân Việt tại Montreal thường gọi là bệnh viện Do Thái), ông đã giới thiệu cuộc nghiên cứu về tuổi trăm do ông khởi xướng. Trong cuộc nghiên cứu này, họ đã theo dõi 2500 cụ trăm tuổi từ năm 1995. Thực ra khi bắt đầu cuộc nghiên cứu vào năm đó, các cụ tham gia chưa đạt tuổi trăm. Nhưng các cụ ông phải ít nhất 95 tuổi và các cụ bà ít nhất phải 99 tuổi. Ngày nay muốn ghi danh vào chương trình nghiên cứu này, các cụ ông phải ít nhất 103 và các cụ bà 105 tuổi.
Nói về lý do tại sao mà một người có thể kéo dài tuổi thọ tới con số trăm, ông cho biết: “Dù họ đều có tiền sử những chứng bệnh liên quan tới tuổi tác như trụy tim, đột quỵ, tiểu đường và ngay cả ung thư, nhưng thường cho tới khoảng trên 90 tuổi họ chưa có các chứng bệnh này. Họ chỉ hơn chúng ta là họ thu xếp với bệnh tật tốt hơn chúng ta thôi. Tôi gọi những người có bệnh trước tuổi 80 là những người “sống sót”, sau tuổi 80 là những người được “tạm hoãn”, và một số chừng 15% những người đạt 100 tuổi, không có bệnh liên quan tới tuổi già, là những người “thoát hiểm”. Đó là những người có thể sống tới 105 tuổi hoặc hơn nữa. Họ là những khuôn mẫu sống khỏe và chúng tôi muốn tìm hiểu xem tại sao và bằng cách nào họ có thể đạt được như vậy. Thí dụ như khi một cụ trăm tuổi bị ung thư chẳng hạn thì bệnh cũng không hoành hành như những người ít tuổi khác. Ung thư có khuynh hướng không lan tràn ra các bộ phận khác, ngay cả những khối ung lớn cũng có thể giải phẫu lấy ra được khiến họ lành bệnh. Đó là một hướng nghiên cứu mới mà chúng tôi hướng tới. Không chữa trị ung thư cho những người trăm tuổi nhưng coi xem có thể giúp rút ra được bài học nào vào trường hợp các bệnh nhân bị ung thư vào tuổi trẻ hơn không”.
Thường người ta tin rằng sống thọ là chuyện di truyền. Vậy di truyền đóng vai trò gì trong việc sống tới trăm tuổi? Có chuyện người trăm tuổi có những gene thuận lợi mà chúng ta không có chăng? Giáo sư Thomas Pearls tiết lộ là không những nhóm của ông mà hai nhóm nghiên cứu khác cũng đi tới kết luận là mọi người đều có những gene liên quan tới bệnh tật như nhau. Nhưng chính những gene sống thọ làm nên chuyện khác biệt. Có nhiều gene sống thọ giữ nhiều vai trò khác nhau. Người nào có thể lập được một tổng hợp tốt thì đạt được kết quả tốt. Cứ như chúng ta chọn những con số thành một tổng hợp khi mua số, như số 6/49 của Canada chúng ta vậy. Nếu chỉ trúng một hay hai số thì bù trất, chẳng ăn thua chi. Nhưng nếu trúng cả sáu con số thì…giầu sang mấy hồi! Có một điều rõ ràng: 50% những bậc trăm tuổi đều có cha mẹ hoặc ông bà đã sống thọ. Nhưng chúng ta không nên bi quan. Hầu như tất cả chúng ta đều có gene sống tới ít nhất 90 tuổi. Nhưng thay vì lợi dụng cógene này để lai rai tới trăm tuổi, nhiều người đã xổ toẹt bằng những thói hư tật xấu: hút thuốc, béo phì, không vận động, thiếu chăm sóc cơ thể, stress…Vậy nên thay vì sống hùng sống mạnh tới tuổi giáp trăm, họ chỉ trụ được tới 60 hoặc 70 tuổi. Trong các thứ tai hại kể trên, stress là hại nhất. Nó mời các anh cao máu, tim mạch, đột quỵ, ung thư và Alzheimer vào nhà.
Muốn sống còn, người ta phải biết quí trọng sức khỏe của mình. Đừng buông thả. Phải biết quý những giây phút hiện tại mình đang sống. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói theo cách của ông: từ bi với chính mình. “Không có già, không có trẻ, không có quá khứ vị lai. Dĩ nhiên, không phải trốn chạy già mà hiểu nó, chấp nhận nó, thưởng thức nó. Khi biết "enjoy" nó thì quả có nhiều điều thú vị để phát hiện, để khám phá. Một người 60, tiếc mãi tuổi 45 của mình, thì khi 75, họ sẽ tiếc mãi tuổi 60, rồi khi 80, họ sẽ càng tiếc tuổi 75 ! Vậy sao ta đang ở cái tuổi tuyệt vời nhất của mình lại không yêu thích nó đi, sao cứ phải....nguyền rủa, bất mãn với nó. Có phải tội nghiệp nó không ? Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa!”
Tuổi nào cũng là tuổi tuyệt vời nhưng nếu tới tuổi trăm thì…trên cả tuyệt vời! Trăm hay không trăm, chúng ta có thể định doạt được phần nào bằng lối sống của chúng ta.
Đầu xuân, nói tới tuổi trăm là chuyện hợp thời. Người ta đã chẳng chúc nhau trăm tuổi vào những ngày nguyên đán đó sao? Nhưng tôi bỗng viết về chuyện…khú đế này là vì chút chuyện cá nhân. Bà nhạc tôi, cụ bà Lê Nguyên Diệm, đạt tới tuổi trăm vào ngày 10 tháng 1 năm 2017 này. Cụ ông ra đi ngay từ năm 1977 tại Sài Gòn, chỉ hơn hai năm sau khi miền Nam thất thủ, vì một lầm lẫn y khoa. Lúc sinh thời, cụ từng là Hiệu Trưởng trường Hàm Nghi, Huế và trường Võ Tánh, Nha Trang.
Ở tuổi trăm, cụ bà Lê Nguyên Diệm còn rất khỏe mạnh. Lưng vẫn thẳng, đi đứng đàng hoàng tuy vẫn dựa vào chiếc xe đẩy cho vững tâm, kể từ hai năm nay, khi cụ bị một cú té nhẹ. Giáng Sinh năm nay, cụ đã được chọn bồng Chúa Hài Đồng từ cuối nhà nguyện tiến lên đặt vào máng cỏ, bằng đôi chân của mình. Đó là dịp cử hành thánh lễ tại nhà già Providence ở Montreal. Cơ sở này nguyên là một tu viện Công giáo của các sơ dòngProvidence, nay cải tiến thành một nhà già rất đẹp. Nhà già này có hơn chục cụ người Việt, trong đó có một số cụ chắc nhiều người biết tiếng. Trước đây, có học giả Lê Hữu Mục, nhưng thời gian gần đây ông đã được chuyển qua một cơ sở khác để được chăm sóc kỹ càng hơn. Bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng, Ủy Viên Thanh Niên của chính phủ Nguyễn Cao Kỳ trước kia, hiện cũng đang ở đây. Ông bà Giáo Sư Nguyễn Tá, giáo sư môn toán, còn được nhiều môn sinh nhớ tới. Ông có soạn chung với Giáo sư Nguyễn văn Phú một cuốn sách toán được coi như sách gối đầu giường của các sĩ tử Tú Tài trước đây. Giáo sư Nguyễn văn Phú đã quy tiên tại Montreal chúng tôi, phu nhân của ông hiện cũng có mặt trong số các cụ người Việt tại nhà già Providence này.
Cụ bà Lê Nguyên Diệm không vướng những căn bệnh già được kể ở trên như cao mỡ, tiểu đường và Alzheimer. Trí óc cụ rất sáng suốt, không quên chuyện chi, rất nhạy bén trong đối đáp, chẳng có triệu chứng chi của một người già, nhất là già tới trăm tuổi. Như Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết: Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa! Cụ nhạc tôi đang toại nguyện trong cái tuổi nhiều người mơ ước.
Ông bạn thân Luân Hoán của tôi có duyên với cụ. Ông cũng sanh ngày 10 tháng 1 như cụ, cũng tuổi Thìn như cụ. Ông là con rồng con, kém cụ đúng hai giáp. Nhân ngày cụ nhạc tôi đạt tuổi trăm, ông gửi tới một bài thơ.
tôi vẫn còn một mẹ hiền
thương đời chưa nỡ quy tiên về trời
cụ sinh ngày tháng trùng tôi
mùng mười tháng một tuyệt vời ghê chưa
hơn tôi hai giáp không thừa
tuổi rồng quả thật mây đưa bềnh bồng
năm nay mẹ đầy tuổi trăm
con và hai bạn thắp lòng dâng hoa
bà tiên không ngự đâu xa
thảnh thơi trong mỗi sát na đời thường
Ông bạn ghé chung với vợ chồng tôi niềm vui, nhân thêm ngày vui của đại gia đình chúng tôi lên bội phần. Tây có câu: jamais deux sans trois. Ông đã có hai cái giống cụ, cái thứ ba chắc cũng xảy ra. Ông Luân Hoán mà tới tuổi trăm thì tha hồ thơ thẩn tiễn bạn bè!
Ngày nay trăm tuổi chẳng có chi ghê gớm nhưng cũng là một chặng đường đáng ghi nhận. Đó là một con số tròn, tròn đến có thể vo thành một thế kỷ!

---------

0 comments:

Powered By Blogger