Thạch Đạt Lang (Danlambao) - Tôi gọi bức tường mà ông Trump đang lên kế hoạch xây dọc theo biên giới Mỹ – Mexico là Thiên Lý Trường Thành (TLTT), vì bức tường so với Vạn Lý Trường Thành dài hơn 21.000 km, thì Thiên Lý Trường Thành chỉ bằng 1/13. Thiên Lý Trường Thành đã được tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh khởi công thực hiện.
Biên giới Mỹ - Mễ dài khoảng 3.200 km, nhưng do địa thế núi non, sông, suối, sa mạc... nên bức tường dự trù xây cao 15 m, sâu 3m bằng bê tông bọc cốt thép chỉ dài 1.600 km, phí tổn dự trù tốn khoảng 40 tỷ USD. Thời gian xây dựng kéo dài bao lâu còn phải chờ bản đúc kết kế hoạch mà ông Trump ra lệnh khảo sát biên giới phải hoàn thành trong vòng 180 ngày. Thật ra bức tường nằm ở biên giới giữa Mỹ và Mễ đã có từ thập niên 50 thế kỷ trước, khởi thủy chỉ là những hàng rào kẽm gai, chướng ngại vật và các lô cốt canh gác bởi cảnh sát biên giới, qua thập niên 60 được tăng cường hệ thống cảm biến phát hiện di động, theo dõi bằng camera và sự tuần tiểu trở nên thường xuyên hơn...
Có thể nói, ông Donald Trump là tổng thống ngon lành nhất của Mỹ, dám nói (vong mạng) và dám làm (bất chấp hậu quả), luôn luôn đòi hỏi sự minh bạch rõ ràng, kể cả chuyện đếm phiếu cử tri bầu cho ông. Chưa có tổng thống nào trong lịch sử nước Mỹ, sau khi đắc cử vẫn còn ấm ức, tức tối, bực bội, tranh cãi cù nhầy với báo chí, truyền thông hàng tuần lễ sau về số người tham dự lễ nhậm chức của mình như ông Donald Trump.
Trở lại chuyện Thiên Lý Trường Thành. Xây thì dễ thôi, sắt, thép, xi măng..., nhân, vật lực có sẵn, vấn đề là ai sẽ chịu tất cả chi phí cho bức tường này? Trong lúc tranh cử ông Trump nói rằng sẽ bắt chính phủ Mễ phải trả, nhưng sau khi đắc cử ông lại nói là sẽ “mượn” từ tiền thuế, tức ngân sách quốc gia, sau đó sẽ bắt chính phủ Mexico bồi hoàn lại. Tổng thống Mexico trả lời nhiều lần: Dứt khoát là không! Ông Donall Trump nói nếu không trả thì sẽ tăng thuế hàng hóa nhập khẩuvà lệ phí visa nhập cảnh của người dân Mễ vào Mỹ.
Bên nói phải trả, bên nói không, tất nhiên sẽ có lục đục, tranh chấp, đôi co qua lại…, tình hình chính trị, kinh tế giữa Mỹ và Mễ sẽ căng thẳng, kết quả ra sao, đi đến đâu còn chờ thời gian trả lời. Tuy nhiên một điều chắc chắn ai cũng có thể thấy được là một bức tường bằng bê tông, cốt sắt sừng sững giữa 2 quốc gia chắc chắn sẽ tác động, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, sinh hoạt người dân hai nước, tích cực hay tiêu cực thì cũng còn chờ thời gian.
Bài này đặt vấn đề: liệu vật liệu xây dựng bức tường như sắt, thép có đến từ Trung Cộng không? Ông Trump có xây bức tường ngăn biên giới với Canada không, vì không chỉ Mễ mà người Canada cũng vào Mỹ, lấy mất việc làm của người Mỹ? (*)
Trước mắt, lệnh xây bức tường đã bước đầu thực hiện đúng theo lời hứa của ông Trump, điều này làm nức lòng, hả dạ những người đã bỏ phiếu cho ông, tin tưởng ông đúng là một tổng thống “Thẳng Thắn, Cương Trực, Dám Nói, Dám Làm”. Còn Dám Chịu hay không thì có trời mới biết.
Họ tin tưởng rằng sau khi bức tường hoàn thành, người dân Mỹ có thể ăn ngon, ngủ yên, không còn sợ dân Mễ nhập cư lậu vào Mỹ nữa, tất cả những chi phí để điều hành việc ngăn chận, giam giữ, trục xuất, xét xử… dân nhập cư lậu sẽ được tiết kiệm, dùng vào những mục đích an sinh xã hội khác cho người dân Mỹ. Tôi phạm buôn lậu, xì ke, ma túy, cướp bóc... sẽ giảm thiểu, đem lại an ninh, thịnh vượng cho xã hội Mỹ, cảnh sát biên giới cũng sẽ bớt phải làm việc phụ trội.
Bên cạnh đó, khi bức tường được khởi công sẽ tạo được nhiều việc làm cho công nhân ngành xây dựng, các nhà thầu sẽ có vô khối công việc. Đúng là một viễn ảnh xán lạn cho tương lai nước Mỹ.
Tuy nhiên việc đầu tiên là phải “mượn” tiền thuế của dân trước đã, chờ Mễ trả lại, trả như thế nào và bao giờ trả là chuyện khác, tính sau. Bằng mọi giá phải thực hiện lời hứa khi tranh cử mới đúng tác phong lãnh đạo siêu cường số 1 như Mỹ. 40 tỷ Mỹ kim so với tổng sản lượng quốc gia GDP của Mỹ khoảng 19.000 tỷ (2016) thì nhằm nhò gì, hơn nữa đó là tiền thuế của dân, có phải của Trump đâu mà phải lo lắng, quan tâm?
Bốn năm sau, (nếu) bức tường chưa hoàn thành, ông Trump (có thể) không đắc cử nhiệm kỳ 2, việc xây dựng bị bỏ dở, gián đoạn thì chưa biết phải tính sao. Tổng thống là dân, quyền lực ở Washington đã chuyển giao cho người dân, “dân quyết sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai?”
Chỉ có một điều ngạc nhiên là không hiểu tại sao, ngay sau khi ông Donald Trump ký sắc lệnh xây dựng TLTT thì ông Mark Morgan, Chỉ huy lực lượng tuần tra biên giới Mỹ từ chức. Có người bàn rằng ông Mark Morgan thấy ngân sách sắp sửa tốn 40 tỷ Mỹ kim vì ông không hoàn thành nhiệm vụ nên (ân hận, buồn bực) từ chức cho nhẹ gánh.
Đồng thời ở bộ ngoại giao nhiều nhân viên cao cấp, kỳ cựu, đồng loạt từ nhiệm sau cuộc viếng thăm của Rex Tillerson vào ngày 25.01.2017. Tillerson, cựu chủ tịch tập đoàn Exxon Mobil là người được Trump đề cử làm bộ trưởng, đang chờ Thượng viện phê chuẩn. Chuyện gì đã xẩy ra? Theo nguồn tin từ tòa Bạch Ốc, những người ra đi này không còn thích hợp với công việc mới trong nhiệm kỳ của ông Tillerson nên phải rời khỏi nhiện sở. Như vậy là họ bị sa thải hay tự ý từ nhiệm? Chưa biết tin ai, nhưng theo Washington Post, hiện nay bộ ngoại giao Mỹ đang trong tình trạng vô chủ vì Rex Tillerson còn chờ sự biểu quyết của Thượng viện trong khi tất cả các thứ trường thì đã từ nhiệm. Mà ngay cả khi được Thượng viện phê chuẩn, Tillerson không có kinh nghiệm trong công việc sắp tới, ông ta chưa từng giữ bất kỳ công việc lớn nhỏ nào trong ngành ngoại giao.
Trên một trang báo mạng, tở danchimviet.info, trong phần ý kiến bài Diễn văn của Trump dưới góc nhìn của Washington Post và ĐCV, có nhà tướng số “nổi tiếng”, mô tả tướng tinh của Donald Trump là con sư tử với cái bờm vàng đã lên ngôi chúa tể sơn lâm, đồng thời phán rằng khi con sư tử này cất tiếng gầm thì các loại chồn cáo đều sợ hãi, im re. Không biết khi con sư tử này gầm, rống, chồn cáo có sợ hãi im re hay không, nhưng trước mắt, người dân sẽ im re vìđường dây điện thoại được thiết lập từ các đời tổng thống trước để người dân có thể gọi thẳng vào tòa Bạch Ốc, đã bị sư tử bờm vàng dẹp bỏ.
Lang thang tản mạn đã hơi xa, xin trở lại vấn đề. Chuyện xây TLTT vừa được lệnh xúc tiến việc khảo sát thì đã gặp sự phản đối từ chính quyền tiểu bang Texas, tiểu bang có biên giới dài 1.280 km, dài nhất trong 4 tiểu bang của Mỹ có biên giới với Mễ Tây Cơ là California, Texas, New Mexico, Arizona.
Dân biểu quốc hội tiểu bang thuộc cả 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hòa không lên tiếng chỉ trích thẳng dự án xây TLTT nhưng nói rằng việc đánh thuế 20% hàng nhập cảng từ Mễ vào Mỹ để bồi hoàn phí tổn xây bức tường sẽ gây trở ngại nặng nề cho kinh tế của Mỹ. Giới doanh thương, kỹ nghệ gia ở Texas lo ngại chuyện tăng thuế 20% này sẽ gây ra hậu quả làm thiệt hại cho tiểu bang Texas nhiều hơn là giúp đỡ tăng trưởng.
Lượng trao đổi hàng hóa xuất nhập cảng giữa Mỹ và Mễ, chỉ tính riêng số lượng qua các cửa khẩu ở tiểu bang Texas là 37 – 33% (Mỹ xuất cảng 37% so với 33% nhập từ Mễ).
Dân biểu Beto O´ Rourke, đảng Dân chủ cho biết ở El Paso cùng nhiều thành phố dọc theo biên giới Texas, 25% công việc lệ thuộc vào việc buôn bán qua lại giữa Mỹ và Mễ, nếu tặng thuế lên 20%, sẽ khó thu hút được đầu tư.
Dân biểu Will Hurd, đảng Cộng Hòa, tiểu bang Texas cho rằng, dự án xây TLTT là biện pháp đắt tiền và kém hiệu quả nhất trong việc bảo vệ biên giới. Theo Will Hurd, việc xây dựng bức tường ở tiểu bang Texas sẽ phải đối mặt với những khó khăn về địa lý, văn hóa, công nghiệp... của từng vùng dọc theo biên giới. Xây một bức tường bằng bê tông trên một vùng đất khô cằn, sỏi đá là điều bất khả, khó lòng thực hiện.
Will Hurd cũng là người chỉ trích Trump, yêu cầu Trump phải công khai hồ sơ thuế. Cho dù luật pháp Mỹ không có điều khoản nào bắt buộc tổng thống phải công khai hồ sơ thuế cá nhân, nhưng minh bạch hồ sơ thuế dường như đã trở thành một điều luật bất thành văn cho các tổng thống Mỹ, vì điều đó chứng minh sự trong sạch cần thiết của người lãnh đạo tối cao của đất nước. Kể từ thời tổng thống Franklin Roosevelt, chưa có tổng thống nào từ chối làm chuyện này, trừ Donald Trump, là người đầu tiên trong lịch sử từ chối tiết lộ hồ sơ thuế.
Dân biểu Filemon thì sử dụng ngôn ngữ rất mạnh để đáp trả.
Tuy nhiên nói cho cùng, việc xây dựng Thiên Lý Trường Thành cũng có nhiều điểm tích cực có thể thấy trước mắt. Sau khi khảo sát xong, nếu được thực hiện thì các hãng xây dựng, chế tạo xi măng, sắt, thép, các hãng điện tử sản xuất cảm biến phát hiện di động... sẽ phát triển. Tùy theo thời gian thực thi, sẽ có nhiều công việc được tạo ra trong vài năm tới. Đó chính là một trong những lý do đẩy thị trường chứng khoán Dow Jones của Mỹ tăng lên trên 20.000 điểm. Bong bóng đang được bơm tối đa, lúc nào bể lại là chuyện khác.
Để kết thúc bài viết, mời các độc giả vào link sau đây để biết về kinh nghiệm xây tường của tổng thống Donald Trump
Ai nên khôn không khốn một lần?
0 comments:
Post a Comment