9h ngày 16/12/2015, đại diện các tổ chức XHDS độc lập và các cá nhân
đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ đã có buổi tiếp xúc với Cơ quan hành
động đối ngoại của Châu Âu tại trụ sở của Liên minh Châu Âu ở Hà Nội.
Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (European External Action Service),
viết tắt là EEAS hoặc EAS được thành lập ngày 1/12/2010 với mục tiêu
nâng cao tầm ảnh hưởng ngoại giao của Liên minh châu Âu trong cộng đồng
quốc tế.
Tại buổi làm việc, đại diện EEAS đã cung cấp một số thông tin của buổi
đối thoại nhân quyền thường niên giữa EU và Việt Nam hôm 15/12/2015 vừa
qua cho những nhà hoạt động và đại diện các tổ chức XHDS độc lập tại
Việt Nam nắm bắt được tình hình.
Đại diện của EEAS cho biết, tại buổi đối thoại, hai bên đã tập trung
thảo luận một số vấn đề nhằm tiến đến trở thành đối tác về nhân quyền.
Dựa trên tinh thần hợp tác đa phương quốc tế và khu vực ASEAN, hai bên
cùng bàn thảo cải cách tư pháp trong sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật
Tố tụng Hình sự như: quyền tự do biểu đạt, lập hội, dự thảo luật tôn
giáo, thực hiện Công ước Chống tra tấn của Việt Nam trong thời gian sắp
tới.
Kết quả tích cực đạt được trong buổi đối thoại bao gồm: quyền im lặng, quyền được ghi âm, ghi hình, giảm án tử hình...
Tuy nhiên, EEAS cũng nêu ra những quan ngại về những vấn đề chưa minh
bạch của tư pháp ví dụ như trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi vừa qua thì một
số điều về an ninh quốc gia vẫn không rõ ràng và không phù hợp với tiêu
chuẩn của luật nhân quyền quốc tế. Danh sách 30 cá nhân bị tấn công vẫn
không được làm rõ và điều tra. Đặc biệt trong dự thảo luật mới cho phép
chính quyền có thể bắt giam người "chuẩn bị phạm tội".
Đại diện các tổ chức XHDS độc lập và những nhà hoạt động dân chủ, nhân
quyền tại Việt Nam đánh giá cao vai trò của EU trong tiến trình thúc đẩy
nhân quyền ở Việt Nam thông qua các buổi đối thoại nhân quyền thường
niên.
Bên cạnh đó, tất cả đều e ngại về những ngôn từ mơ hồ trong các điều
luật có thể được nhà cầm quyền Việt Nam tiếp túc sử dụng để bắt giữ
những người đấu tranh. Một số vấn đề như việc tự do đi lại, hành hung
cũng đã được nêu ra và cung cấp thêm các trường hợp vi phạm nhân quyền
tại Việt Nam.
Đại diện Mạng lưới Blogger Việt Nam (MLB) tiếp tục đề nghị làm rõ trường
hợp hai blogger bị bắt giữ là Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba sàm) và Nguyễn
Đình Ngọc (Nguyễn Ngọc Già) bị giam giữ từ năm 2014 và vẫn chưa được đưa
ra xét xử. Và trường hợp của Nguyễn Hữu Quốc Duy, một facebooker đầu
tiên bị bắt giam trong tháng 12 vì điều 88 BLHS và hiện nay mọi thông
tin liên lạc với ông Duy đều bị cắt đứt.
Các nhà hoạt động cũng đưa ra khuyến nghị EEAS và Liên minh Châu Âu quan
tâm và giám sát những cam kết của chính phủ Việt Nam về nhân quyền cũng
như thực trạng nhân quyền đang xảy ra.
Buổi tiếp xúc và làm việc kết thúc vào lúc 11h cùng ngày.
17/12/2015
0 comments:
Post a Comment