Việc thương thuyết về Hiệp Ước Hợp Tác Xuyên thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP)
giữa 12 quốc gia trong đó có Việt Nam, có nhiều triển vọng sẽ kết thúc
trong năm 2014. Hoa Kỳ là quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất đang lãnh
đạo việc thương thuyết này. Khi nhiều nước họp lại để trao đổi thương
mại với nhau, luôn luôn có một số vấn đề phải cùng nhau giải quyết.
Những vấn đề chính của TPP bao gồm quyền lao động, đầu tư, thu mua hàng
hóa và dịch vụ của chánh phủ, dược phẩm và nông phẩm. Quyền lao động
đứng hàng đầu, một vấn đề giản dị đối với những nước văn minh, nhưng xem
ra gai góc đối với Việt Nam. Giữa một nước giàu và tiên tiến nhất là
Hoa Kỳ và một nước nghèo và chậm tiến nhất là Việt Nam, đương nhiên có
sự xung khắc mạnh mẽ về vấn đề lao động.
Trong phần (I) của bài phân tách này chúng ta sẽ bàn về quyền lao động ở
Việt Nam. Ở phần (II), chúng ta sẽ nói về quyền lao động và việc gia
nhập TPP của Việt Nam.
I. QUYỀN LAO ĐỘNG
Điều 69 của Hiến pháp Việt Nam 1992 quy định rằng “Công dân có
quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền
hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luận.”
Điều 25 của Hiến Pháp Việt Nam 2013 cũng quy định tương tự: “Công
dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội
họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy
định.”
Trên thực tế, công dân Việt Nam không có những quyền như vậy kể cả quyền hội họp và lập hội.
Quyền tập họp
Tại Việt Nam, công dân không có quyền tự do hội họp. Điều 5.2 của Nghị Định 38/2005/NĐ-CP về biện pháp bảo đảm trật tự công cộng ký ngày 18-3-2005 ngăn cấm “tập
trung đông người trái với quy định của pháp luật ở lòng đường, vỉa hè,
trước trụ sở cơ quan, tổ chức, tại khu vực đang diễn ra các hội nghị
quốc tế, kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoặc các hoạt động chính trị
quan trọng khác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ
chức chính trị - xã hội hoặc nơi công cộng khác.”
Điều 7 của Nghị Định này quy định rằng “Việc tập trung
đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với Ủy ban nhân dân có
thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung
đã đăng ký. Quy định này không áp dụng đối với các hoạt động do các cơ
quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị -
xã hội tổ chức.”
Bộ Công An sau đó quy định thêm rằng tất cả mọi tập hợp từ năm người trở lên, phải có giấy phép của chánh quyền địa phương. (1)
Quyền lập hội
Việt Nam có những tổ chức do chánh phủ bảo trợ (government-sanctioned organization viết tắt là GSO) nhưng không có một tổ chức phi chánh phủ nào cả (non-government organization
viết tắt là NGO). Tất cả những GSOs tại Việt Nam kể cả những tổ chức
tôn giáo - ngoại trừ một số ít độc lập thường xuyên bị chánh quyền gây
khó khăn (2) phải trực thuộc hoặc liên kết với với chính quyền.
Thực tế là Việt Nam chưa phê chuẩn Công Ước 1948 của Liên Hiệp Quốc về Quyền Tự Do Lập Hội và Bảo Vệ Quyền Tổ Chức
(U.N. Convention of 1948 concerning Freedom of Association and
Protection of the Right to Organize) bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày
4-7-1950, nghĩa là đã hơn nửa thế kỷ.
Quyền tổ chức và thương lượng tập thể
Một cuộc đình công của công nhân tại VNHình (Báo Lao Động) |
Công nhân Việt Nam không có quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Tất
cả mọi cuộc đình công đều tự phát, không có người lãnh đạo, và đều bị
chánh quyền và chủ nhân coi là bất hợp pháp. Những cuộc đình công này
không được hỗ trợ bởi bất cứ nhóm nào hay bởi chánh phủ. Do đó, sức mạnh
thương lượng tập thể rất yếu.
Theo luật lao động hiện hành, công nhân phải đưa những cuộc tranh chấp
ra tòa. Họ chỉ có thể đình công nếu những tranh chấp không thể giải
quyết được bằng thương lượng. Công nhân bắt buộc phải bồi thường chủ
nhân nếu tòa án xét thấy rằng cuộc đình công của công nhân là bất hợp
pháp. (3)
Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (TLĐLĐVN) là một tổ chức
công đoàn duy nhất ở Việt Nam. Tất cả những công đoàn địa phương đều
phải gia nhập TLĐLĐVN, một phong trào quần chúng thuộc Mặt Trận Tổ Quốc,
một tổ chức ngoại vi của Đảng CSVN. Tất cả những người lãnh đạo công
đoàn ở cấp quốc gia hay địa phương, đều là đảng viên Cộng Sản.
TS Đỗ Quỳnh Chi, một chuyên gia về lao động, sáng lập viên và giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Lao Động,
đã viết trong tài liệu nghiên cứu xuất bản vào 2008 rằng không phải là
một điều bất thường khi những quản trị viên của công ty trở thành người
lãnh đạo công đoàn và những chủ công ty tìm cách ảnh hưởng đến cuộc bầu
cử công đoàn. Do đó, những người lãnh đạo công đoàn thường được lãnh
lương nhiều hơn những công nhân khác.
TS Đỗ Quỳnh Chi nhận xét thêm rằng đảng CSVN tìm mọi cách để tuyển mộ
đảng viên trong khu vực tư - một khu vực xảy ra nhiều vụ đình công nhất.
Mục tiêu là để thu nhận đa số các công nhân trong khu vực này vào đảng
vào năm 2020 và thiết lập các tổ đảng viên trong tất cả các công ty.
Điều này cho chúng ta thấy rằng đảng CSVN hi vọng kế hoạch này sẽ giúp
CSVN không những đã nắm được hết các chi nhánh công đoàn ở các công ty,
mà còn len lỏi vào hàng ngũ công nhân hầu chi phối họ và giới hạn những
cuộc đình công bất hợp pháp. Nếu tình trạng hiện tại không thay đổi, TS
Chi cho rằng công đoàn không thể là một công đoàn thực sự. Nó sẽ tiếp
tục là một tổ chức của nhà nước và tiếp tục có những cuộc đình công bất
hợp pháp.
TS Võ Trí Hào tại Đại Học Kinh Tế thành phố HCM nói trắng ra rằng: “Ai
cho tiền hoạt động thì bảo vệ người ấy; Công đoàn thời kỳ Đổi mới chưa
bao giờ đứng ra tổ chức đình công để đấu tranh quyết liệt quyền lợi cho
công nhân.” (4)
Ông Tống Văn Công, trong một bài bình luận đăng trên báo Lao
Động, phân tách một số trường hợp đình công đã nhận xét rằng chủ tịch
công đoàn cơ sở ăn lương của chủ nên không dám tập hợp ý kiến của công
nhân, không dám gửi kiến nghị và đối thoại với chủ nhân, và không dám tổ
chức đình công. Sau khi các cuộc đình công xảy ra, cấp trên của công
đoàn và đại diện chính quyền phải đến công ty tiến hành thủ tục làm thỏa
ước lao động tập thể. Ông Công kết luận rằng công đoàn cơ sở hiện nay
không đóng một vai trò nào cả. Theo ông Cống, cần phải để công nhân tự
chọn lựa người có tâm huyết dược công nhân tín nhiệm vào công đoàn cơ
sở. (5)
Thật là oái ăm khi giới công nhân lại bị kiềm chế trong một quốc gia do đảng CSVN lãnh đạo, nhưng chính đảng này tự nhận là “đội
tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân
dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của
giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa
Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng
lãnh đạo Nhà nước và xã hội.” (6)
Với tất cả những giới hạn và chế tài như trên, giới công nhân mất hết
tất cả những võ khí để tranh đấu bảo vệ quyền lợi của mình. TLĐLĐVN
không đại diện công nhân mà chỉ là một công cụ của đảng CSVN dùng để
kiểm soát giới công nhân.
Cấm cưỡng bức lao động
Một số phúc trình tiết lộ rằng có vấn đề cưỡng bức lao động tại Việt
Nam. Tù nhân thường xuyên bị cưỡng ép làm việc không được trả lương hoặc
được trả rất ít. Tù nhân sản xuất thực phẩm và những sản phẩm khác để
tiêu thụ trong nhà tù hay bán ở địa phương. Hạt điều là một trường hợp
nổi tiếng. Human Rights Watch tường thuật rằng cưỡng bức
lao động được sử dụng tại các trung tâm phục hồi ma túy trên toàn quốc
Việt Nam. Các tù nhân tại những trung tâm này phải bóc vỏ hạt điều trong
sáu đến bẩy giờ mỗi ngày mà chỉ được lãnh $3 mỗi tháng. Cũng theo bản
phúc trình này, trong thời gian 2000-2010, có trên 309,000 tù nhân đã đi
qua 59 trung tâm giam giữ tại Việt Nam. (7)
Ngoài ra, các tù nhân tại các trại tù khác, kể cả các tù nhân lương tâm,
gần đây đã tố cáo rằng họ bị cưỡng bức tham gia vào việc chế biến hạt
điều. (8) Việc xuất cảng hạt điều mang lại cho Việt Nam 1.5 tỉ Mỹ Kim
mỗi năm.
Điều kiện làm việc và lương bổng
Cũng như Hiến Pháp 1992 và 2013 của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt
Nam bảo đảm mọi quyền căn bản của công dân, luật lao động Việt Nam bảo
đảm trên giấy tờ đầy đủ quyền lợi của công nhân như tại bất cứ một quốc
gia phát triển trên thế giới. Trên thực tế, phần đông những công nhân
Việt Nam phải chịu đựng lương thấp, làm nhiều giờ một ngày, không được
trả lương phụ trội, điều kiện làm việc hại sức khỏe, không có bảo hiểm,
và không có hưu bổng. Đây là những lý do tại ra sự bất ổn về công nhân
tại Việt Nam.
Làn sóng đình công dầu tiên xảy ra vào năm 2005 ở Việt Nam ở một mức độ
ôn hòa. Con số đình công tăng dần vào những năm kế tiếp với 400 vụ vào
năm 2006, 600 vụ vào năm 2007, và 762 lần vào năm 2008. Các vụ đình công
nhiều hơn và cường độ mạnh hơn do mức lạm pháp gia tăng. Chánh phủ Việt
Nam điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm. Tuy nhiên mức lương tối thiểu
tăng không kịp mức lạm phát. Năm 2011 chứng kiến 978 vụ đình công. Đến
năm 2013 chỉ còn 400 vụ, phần lớn vì lương tăng và kinh tế trì trệ. Khu
vực dệt may và đặc biệt các công ty đầu tư ngoại quốc là những nơi trải
qua nhiều vụ đình công hơn những nơi khác.
Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam chưa hề khởi xướng, tổ chức, hay
yểm trợ một cuộc đình công nhân. Do đó, theo luật, tất cả những cuộc
đình công tại Việt Nam là bất hợp pháp. Và cũng theo luật, công nhân
tham gia những cuộc đình công bất hợp pháp phải bồi thường chủ nhân như
trên đây đã nói. Tuy nhiên cho tới nay, chính quyền Việt Nam chưa giám
thi hành các luật này.
Một công nhân tại một xưởng máy trung bình phải làm 10 giờ mỗi ngày và
sáu ngày mỗi tuần. Tuy nhiên họ chỉ được trả khoảng 28 xu một giờ hay 70
Mỹ kim mỗi tháng. Con số này tương tương với mức lương tối thiểu hiện
nay trong khoảng 1.65 triệu - 2.35 triệu đồng Việt Nam, tức là vào
khoảng 4% lương tối thiểu của Hoa Kỳ. Với thu nhập này công nhân gặp
nhiều khó khăn để nuôi dưỡng gia đình.
II. LAO ĐỘNG và HỢP TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG
Lao động là một vấn đề gai góc trong các hiệp định thương mại quốc tế, đặc biệt là đối với tổ chức Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP)
giữa 12 nước trong đó có Việt Nam, đang được thành lập. Lý do là lao
động là một trong những yếu tố ấn định giá sản xuất, khả năng tiếp thị,
và việc làm.
Tiếng nói từ Hành Pháp và Lập Pháp Hoa Kỳ
Vào tháng 4 năm vừa qua, Đại Sứ Demetrios Marantis, Đại diện Văn Phòng Thương Mại Hoa Kỳ, trực thuộc Phủ Tổng Thống Mỹ, đã đến Việt Nam để thương thuyết về TPP, đặc biệt về vấn đề lao động. Ông đã nhấn mạnh với ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam về tầm mức quan trọng đối với Hoa Kỳ của những điều khoản lao động trong TPP, bao gồm năm tiêu chuẩn cốt lõi của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế thuộc Liên Hiệp Quốc về quyền lao động. (9)
Năm tiêu chuẩn lao động cốt lỗi được rút tỉa từ tám Công Ước Lao Động Quốc Tế bao gồm:
- Quyền lập hội.
- Quyền thương lượng tập thể.
- Loại bỏ mọi hình thức cưỡng bách lao động.
- Loại bỏ lao động trẻ em.
- Loại bỏ kỳ thị việc làm và nghề nghiệp.
Việt Nam hiện nay chưa thỏa mãn được những tiêu chuẩn trên. Ba tiêu
chuẩn sau cùng có thể được cải thiện với thời gian. Nhưng đối với tiêu
chuẩn (1) và (2), Việt Nam gặp khó khăn vì CSVN muốn độc quyền cai trị
đất nước, không muốn có bất cứ một tổ chức nào đứng độc lập với họ. Tuy
nhiên, nếu làm như vậy, CSVN đặt quyền lợi của Đảng lên trên quyền lợi
của đất nước.
Chính phủ Hoa Kỳ chịu rất nhiều áp lực của những nhà lập pháp Hoa Kỳ.
Quyền lao động là một phần của Quyền của con người nói chung. Trong một
chuyến đi Việt Nam vào cuối năm 2013, Ngoại Trưởng John Kerry tuyên bố tại Hà Nội rằng “Việt Nam cần chứng tỏ tiếp tục tiến bộ về nhân quyền và tự do, bao gồm tự do tôn giáo, tự do phát biểu và tự do hội họp.”
Ông Kerry nói tiếp “không có những cải tổ như vậy, Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ
rất có thể chống lại giao ước với Việt Nam, bao gồm cả việc gia nhập
của Việt Nam vào chương trình Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương và việc thi
hành hiệp định năng lượng hạt nhân dân sự.” (10)
DB George Miller, một thành viên cao cấp của Ủy Ban Giáo Dục và Nhân Lực (Committee on Education and the Workforce) của Hạ Viện Hoa Kỳ đã gửi thư vào tháng 7, 2013 cho Đại Sứ Michael Froman, Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ, nhân dịp Chủ Tịch Nhà Nước Trương Tấn Sang
viếng thăm Hoa Kỳ. Trong lá thư này Ông Miller tố cáo rằng Việt Nam
không tôn trọng quyền tự do lập hội, quyền thương lượng tập thể, cưỡng
bách lao động và sử dụng lao động trẻ em. Ông cũng yêu cầu Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ
ước định xem Việt Nam có thể thi hành bổn phận về lao động hay không
nếu hiệp định TPP được ký kết. Nếu quá khó khăn để định lượng một vấn đề
còn đang trong vòng thương thuyết, Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ làm một cuộc khảo sát tương tự về việc Việt Nam thi hành những luật lệ về lao động trong khuôn khổ Hiệp Định Thương Mại Song phương Mỹ Việt ký ngày 10-5-2007. (11)
Tiếng nói từ những tổ chức lao động Hoa Kỳ
Hành pháp Hoa Kỳ còn chịu nhiều áp lực của các tổ chức lao động Hoa Kỳ. Tổng Liên đoàn Lao Động Hoa Kỳ
(American Federation of Labor and Congress of Industrial Organizations
viết tắt là AFL-CIO), một trong những tổ chức lao động lớn nhất ở Hoa
Kỳ, bao gồm 56 công đoàn với 12.5 triệu đoàn viên, tố cáo rằng chương
Lao Động của thỏa ước TPP đã không đề cập tới những tiêu chuẩn lao động
cốt lõi của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế và cũng không hề nói những
điều lệ lao động có thể buộc thi hành được hay không. AFL-CIO tuyên bố
tiếp rằng AFL-CIO đã tranh đấu cam go để thiết lập được một chương mạnh
mẽ về lao động trong thỏa ước TPP hầu bảo đảm rằng công nhân của bất cứ
một quốc gia nào trong TPP, kể cả Việt Nam, có thể sử dụng những quyền
căn bản như quyền lập hội và quyền thương thuyết tập thể. (12)
Vào tháng 7 năm vừa qua, trước khi Chủ Tịch Nhà Nước Việt Nam viếng thăm Hoa Kỳ, Ông James P. Hoffa, Tổng Chủ Tịch của International Brotherhood of Teamsters,
một tổ chức công đoàn tại Hoa Kỳ với 1.4 triệu đoàn viên, nói rằng điều
kiện làm việc đã tồi tệ và lạm dụng tại Việt Nam cần phải được đề cập
đến trước khi cộng đồng thế giới thưởng công cho Việt Nam.
Bản thông cáo báo chí của The International Brotherhood of Teamsters
phổ biến ngày 24-7-2013 nói rằng một liên minh những nhà hoạt động lao
động và nhân quyền đã kêu gọi ngưng mọi thương thuyết với Việt Nam về
TPP cho đến khi Việt Nam có thể chứng tỏ rằng quốc gia này thỏa mãn được
những tiêu chuẩn căn bản về lao động, môi trường, và nhân quyền. (13)
Communications Workers of America (CWA) tuyên bố rằng thu nhận
Việt Nam vào TPP là thưởng công cho một chế độ vi phạm nhân quyền và
quyền lao động một cách có hệ thống. CWA tố cáo rằng Việt Nam can dự vào
việc buôn lao động trẻ em, điều kiện làm việc không an toàn, trà đạp
quyền lao động được quốc tế công nhận, kỳ thị nữ công nhân mang thai,
công nhân không được hưởng ít nhất bốn ngày nghỉ trong tháng, phải làm
nhiều giờ phụ trội mặc dù không muốn. Như để thách thức Hoa Kỳ, khoảng
10 ngày trước khi Tổng Thống Obama tiếp Chủ Tịch Nhà Nước Trương Tấn
Sang tại Nhà Trắng vào ngày 15-7-2013, Việt Nam ban hành một nghị định
mới hạn chế tối đa việc sử dụng Internet và quy định hình phạt nặng nề
những ai trao đổi tin tức trên mạng. (14)
Ủy Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Công Nhân Việt Nam (U.S. Committee to
Protect Vietnamese Workers - CPVW-USA) cũng đã đề nghị Chánh Phủ Hoa Kỳ
không chấp thuận cho Việt Nam hưởng quy chế Ưu Đãi Phổ Quát
(Generalized System of Preference - GSP) cho đến khi Việt Nam cho phép
công nhân được tự do thành lập nghiệp đoàn độc lập và được quyền thương
lượng tập thể. (15) Mặc dù Việt Nam được nhiều công ty lớn của Mỹ có vốn
đầu tư ở Việt Nam ủng hộ bao gồm IBM, Ford, etc. nhưng rõ ràng Việt Nam
không thỏa mãn điều kiện lao động, do đó chánh phủ Hoa Kỳ cho tới nay
vẫn chưa chấp thuận cho Việt Nam hưởng quy chế này.
III. KẾT LUẬN
Với sự vắng mặt của Trung Quốc trong TPP, nếu trở thành một hội viên của
TPP, Việt Nam sẽ là một nguồn cung cấp lao động rẻ tiền nhất trong 12
nước. Giá lao động ở Trung Quốc đã thấp, nhưng lương lao động ở Việt Nam
còn thấp hơn, chỉ bằng khoảng 1/2 của Trung Quốc. Nếu vào được TPP,
Việt Nam sẽ thu hút được thêm nhiều vốn đầu tư ngoại quốc để phát triển.
TPP sẽ vô cùng lợi ích đối với Việt Nam. Với những cải tổ chính trị
tương tự tiếp theo cải tổ về lao động và nhân quyền, Việt Nam sẽ phát
triển nhanh chóng trong mười năm tới và sẽ thu ngắn khoảng cách thua kém
những nước Á châu khác và tăng cường một cách đáng kể khả năng bảo vệ
lãnh thổ. Sức mạnh kinh tế mang lại sức mạnh về quân sự. Nhưng nếu Việt
Nam không thay đổi luật lao động cho phù hợp với luật lao động quốc tế
thì Việt Nam khó vào được TPP. Một cơ hội tốt đẹp lại sẽ bi bỏ lỡ. Việt
Nam sẽ tiếp tục thụt hậu. (16) Nếu trường hợp này xảy ra, thật là bất
hạnh cho 90 dân Việt Nam.
February 3, 2014
____________________________________
Chú thích:
1. Thông tư của Bộ Công An số 09/2005/TT-BCA ngày 5-9-2005 hướng dẫn thi
hành một số điều của Nghị Định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm
2005 của chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.
2. Một số tổ chức (chính thức hay không chính thức) được biết đến nhiều
là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo,
Khối 8406, Nhóm Thân Hữu Đà Lạt, Đảng Thăng Tiến, Đảng Việt Tân, Đảng
Dân Chủ Nhân Dân, Đảng Dân Chủ Việt Nam, Công Đoàn Độc Lập Việt Nam,
Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, Hội Bầu Bí
Tương Thân.
3. Nghị Định Số 11/2008/NĐ-CP, 30-1-2008 và Thông Tư Liên Tịch số 07/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC, ngày 30-5-2008.
4. Võ Trí Hào, “Sửa Hiến Pháp Đừng bít lối vào TPP: ai cho tiền thì bảo vệ người ấy,” Tuần Việt Nam, 27-9-2013.
5. Tống Văn Công, “Vì sao hơn 5.000 cuộc đình công không do công đoàn lãnh đạo?” Báo Lao Động, 26-7-2013.
6. Điều 4.1 Hiến Pháp 2013.
7. HRW, “The Rehab archipelago, forced labor and other abuses in drug detention centers in Southern Vietnam,” September 7, 2011.
8. Đỗ Thị Minh Hạnh, “Thư gửi cho cha từ trại tù,” Xuân Lộc, Đồng Nai, 10-6-2013.
9. American Chamber of Commerce in Vietnam, “Strong labor standards more investment opportunities: working in Vietnam to advance TPP,” April 22, 2013.
10. Mathew Lee, “Hoa Kỳ nhắm vào Trung Quốc, tăng cường trợ giúp Hải Quân Đông Nam Á,” AP, 16-12-2013. Bản tiếng Việt: Nguyễn Quốc Khải.
11. George Miller, “Letter to Ambassador Michael Froman, Office of the United States Trade Representative,” July 24, 2013.
12. AFL-CIO, “Trans-Pacific Partnership Free Trade Agreement (TPP), undated document on www.aflcio.org.
13. International Brotherhood of Teamsters, “Labor and Human Rights Coalition Call for Suspension of Trade Discussion with Vietnam,” July 24, 2013.
14. Nghị Định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
15. Khai Nguyen, “Comment on Vietnam’s eligibility under the Generalized System of Preferences Program,” U.S. Committee to Protect Vietnamese Workers August 4, 2008.
16. Nguyễn Quốc Khải, “Việt Nam và Hiệp Định TPP - Thách Thức và Cơ Hội,” VOA, 30-8-2013.
0 comments:
Post a Comment