Wednesday, February 26, 2014

Tôi đọc báo đảng

Trước hết, xin nói sơ nghĩa từ về chữ hối lộ: hối lộ hay còn gọi là mãi lộ là lấy tiền hay vật chất của từ người khác đút lót, bù lại người đút lót sẽ được lợi lộc gì đó. Có khi người nhận hối lộ chỉ cần làm ngơ thôi là được việc cho đối phương.

Tham nhũng, mang ý nghĩa rộng hơn: Là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đòi hỏi hoặc chèo kéo người khác có khi bằng tiền; có khi chỉ trao đổi, thỏa thuận một vài công việc nào đó có lợi cho đôi bên, cũng có thể là để trả ơn. Tham nhũng khó tìm ra manh mối và bằng chứng. Nói cách khác, hai bên hoặc nhiều phía lợi dụng chức vụ, quyền hạn thông đồng với nhau để trục lợi từ công quỹ thể thỏa mãn lòng tham, những người ngoài cuộc khó mà có bằng chứng để kết tội. Nhóm lợi ích của phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng là một bằng chứng

Đọc một bài viết trên Dân Trí đăng lại từ báo Tuần Việt Nam của tác giả Hoàng Anh Minh: "Nghĩ từ những biệt thự của quan chức về hưu". Đọc xong bài viết, tôi có cảm nhận như tác giả giải độc cho ông Trần Văn Truyền, cựu tổng thanh tra chính phủ, vừa qua trên báo chí có chụp một tấm hình nguyên căn biệt thự đồ sộ của ông. Tác giả bài viết lý luận để chạy tội cho ông Truyền tùm lum tùm la. Thôi, miễn bàn cặn kẽ, chỉ nói một vài điểm chính.

Tác giả viết: 

"Câu hỏi đặt ra là, nếu một quan chức cấp cao như ông Truyền, người có nhiều năm nắm giữ các chức danh cấp cao, có con làm “đại lý bán bia Sài Gòn”, sở hữu một tòa biệt thự được xây trên lô đất “từng bị hoang hóa và được mua với giá rẻ”, thì có gì là bất thường không?"

"Câu trả lời là không! Trên phương diện pháp lý, nếu không chứng minh được căn biệt thự được xây dựng bằng những nguồn tiền/tài sản bất hợp pháp, mọi chỉ trích sẽ trở nên vô duyên và cách đặt vấn đề của báo giới, theo đó cũng là vô nghĩa".

Rõ ràng, đây là một trong những đoạn mà tác giả muốn giải độc cho ông Truyền.

Cần phân biệt giữa tham nhũng và ăn hối lộ. Trước đây, tôi có ví tham nhũng như một cái bóng ma, mờ mờ ảo ảo, khó mà nhận ra. Còn ăn hối lộ, theo lời tác giả thì cần phải có bằng chứng đủ để làm cơ sở pháp lý.

Từ trước tới nay có nhiều trường hợp, biết rằng người ta ăn hối lộ đấy, ăn cắp của công đấy, nhưng không bắt được tận tay, vay tận mặt thì cũng huề tiền luôn. Dựa vào cơ sở nào để truy tố?! Có rất nhiều trường hợp đã xảy ra mà không làm gì được nhau.

Tôi khẳng định, trường hợp của ông Truyền là trường hợp tham nhũng. Bởi vì ông là một tổng thanh tra chính phủ, một chỗ ngồi béo bở để dễ dàng nhũng nhiễu. Biết đâu chừng chính miếng đất mua với giá rẻ cũng là do nhũng nhiễu mà ra rồi hợp thức hóa đứng tên sở hữu. Cơ hội từ đấy đấy! Còn con của ông lấy tiền từ đâu ra mà có được đại lý bia? Có phải chăng từ trong giai đoạn đầu "tích" và "cóp" được là nhờ "phúc" của cha?

Đọc tiếp câu: "Và nếu xã hội vẫn nhìn những ngôi biệt thự bằng ánh nhìn nghi ngờ và xoi mói, động lực nào để chúng ta phát triển, hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh? Thật bất công khi một cựu quan chức một đời gom góp để cất được một căn biệt thự ở quê nhà, tự dưng lại phải đứng trước một tòa án công luận với một bản án tai tiếng treo lơ lửng".

Đọc xong đoạn trên thì tôi xin trả lời như thế này: Xã hội buộc phải nhìn các quan chức mà có những biệt thự đồ sộ để xoi mói và nghi ngờ, đó là quyền của con người sống trong xã hội đó. Bởi vì tài sản là của chung trong một quốc gia, cần phải bảo vệ, không để thất thoát một cách phi lý. Cho nên mỗi cá nhân trong xã hội được quyền nghi ngờ và xoi mói để kiểm soát các quan chức có thế lực. Nếu tài sản quan chức có nguồn gốc trong sạch, chẳng có gì phải thập thò, sợ sệt. Cần sự chứng minh.

Nếu bắt chước tác giả bài viết, tôi cũng có thể nói rằng: Thật là bất công khi một quan chức như ông Truyền có cơ hội để chèo kéo, nhũng nhiễu; còn dân ngu khu đen như biết bao nhiêu người, cả đời không có cơ hội, vẫn nghèo kiết xác thì còn gì là một xã hội công bằng! Một xã hội nạnh ai nấy tranh giành để tồn tại như thế thật là bất công, tàn nhẫn và nghiệt ngã quá!

So với đồng lương cán bộ cao cấp như ông Truyền, cả đời lấy gì và từ đâu có mà tích với cóp; làm gì mà xây được một căn biệt thự kinh khủng như thế! Cái động lực để phát triển quốc gia mà phát triển cái kiểu đó, tầng lớp nghèo không có cơ hội được như ông Truyền và nhiều cán bộ cao cấp khác nữa, khó mà chấp nhận! Thế cho nên khoảng cách giữa các đảng viên giàu và người dân nghèo của đất nước càng ngày càng cách xa nhau là thế.

Trường hợp của Dũng con là trường hợp tham nhũng bắt được quả tang, có cơ sở pháp lý để kết tội. Trường hợp của ông Phạm Quý Ngọ, nếu không bị bịt miệng để đi đến tắt thở thì cũng sẽ là trường hợp ăn hối lộ và cũng sẽ chịu cùng chung số phận như Dũng Con. Còn biết bao những quan chức khác, suốt trong thời gian ông Thủ Dũng làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tự nhiên phất lên để rồi một mình Ngựa - Dê lãnh đủ thì sao? Dựa vào cơ sở nào để bắt tội họ?!

Nếu Phạm Quý Ngọ đừng chết, thì vụ án tham nhũng này sẽ kéo theo một bầy sâu, trong đó có cả ông thủ tướng, trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng nữa. Nhờ đổi tay (đảng lãnh đạo phòng chống tham nhũng), thắt hầu bao, chận họng của đám lợi ích cho nên mới có cái chuyện thanh trừng.

Chuyện đến nước cuối, thủ Dũng chẳng đặng đừng nên buộc phải "hê" lên để rồi Ngựa chỉ đường cho Dê chạy. Đàn anh của nhóm lợi ích núp trong bóng tối không ngờ, trở tay không kịp nên phải hy sinh thằng em là Dũng con vì hắn ta quá lộ liễu. Rồi chuyện thương lượng, ngã giá, mua chuộc sau hậu trường đi đến kết quả bầy nhầy, đổ bể be bét trước bàn dân thiên hạ nên phải hy sinh thêm một con Ngựa Quý để giữ được cả gia tài của dòng họ, và vì của chìm của nổi của nhóm lợi ích thì tội gì mà phải để cho lộ tẩy thêm. Thà hy sinh ngay bây giờ, chứ nếu không, chờ đến án tử của Ngựa Quý thì tài sản mất trắng.

Cuối bài viết, tác giả không quên và thầm nhắn nhủ rằng: "Ân xá kinh tế và làm giàu". Tôi xin trích một đoạn: "Những ngày gần đây, liên tiếp có những đề xuất về việc cần thiết phải tiến hành “ân xá kinh tế”, giải phóng các tài sản đang nằm ở đâu đó để khơi lại dòng vốn đầu tư cho nền kinh tế. Bằng cả lý thuyết và thực tiễn, các chuyên gia như ông Nguyễn Trần Bạt tin rằng trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp để đưa các nguồn lực ngầm ra ánh sáng bằng cách ân xá và công nhận, thay vì truy tìm và trừng phạt".

"Điều gì là có lợi hơn giữa việc các quan chức về hưu, hoặc đem số vốn tích cóp được, cả nguồn vốn sạch hoặc không sạch, đầu tư vào nền kinh tế theo nhiều hình thức khác nhau, hoặc mua một hũ vàng chôn giấu để chờ đợi một cơ hội khác? "

Đọc xong câu kết luận này thì chúng ta thấy rằng: tác giả nói xa nói gần về chuyện rửa tiền của quan chức bằng cách hợp thức hóa tài sản cho họ sau khi về hưu thay vì truy tìm và trừng phạt. Người mà tác giả đầu tiên gởi "thông điệp" nhắm đến không ai khác hơn ngoài ông Truyền.

Không cần phải đề xuất chi nữa cả! Chuyện rửa tiền của quan chức cộng sản đã có từ lâu lắm rồi; bằng nhiều cách, có hàng ngàn hình thức khác nhau, xảy ra từ từ tùy theo "thời tiết", có khi là nửa kín nửa hở. Dòng họ chúng chia chác nhau đầu tư, sang tên, đổi họ giấu giấu đút đút giống như mèo giấu cứt. Nên nhớ, dân tham nhũng khôn lắm, dầu cho có hợp thức hóa bằng luật pháp đi nữa thì cũng không ai dại gì mà chịu lộ mặt ra. Thế thì đừng nên làm rùm lên nữa, nó sẽ bốc mùi thối tha cho cả dòng họ nhà đảng lắm.


0 comments:

Powered By Blogger