Tưởng niệm là hành động để tỏ lòng thương tiếc, tôn kính, biết ơn với
những người đã khuất. Một hoạt động tâm linh phổ biến của người Việt
cũng như của toàn nhân loại. Vào những ngày giỗ tết, thế hệ con cháu của
gia đình, dòng họ thắp hương tưởng nhớ tới những người đã khuất của thế
hệ trước. Lễ tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã có công được tổ chức hàng
năm với sự tham gia của nhân dân cả nước. Ngày xảy ra những vụ tai nạn
khủng khiếp như động đất, sóng thần, những vụ khủng bố cướp đi sinh mạng
của nhiều người ở một số quốc gia thường được lấy làm ngày tưởng niệm
các nạn nhân. Những người đã khuất có công đóng góp cho sự phát triển
của cộng đồng nhân loại vẫn được tưởng nhớ tới một cách thường xuyên vào
những thời gian nhất định.
Cá biệt cũng có những cuộc tưởng niệm bị phản đối. Nhưng đó là cuộc
tưởng niệm ở quốc gia này bị quốc gia khác phản đối với lý do chính
đáng. 26/12/2013 Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến thăm đền Yasukuni (một
hình thức tưởng niệm) bị Trung Quôc, Hàn Quốc lên án với lý do "Ngôi đền
vinh danh một số tội phạm chiến tranh của Nhật trong Thế chiến
thứ hai và bị Bắc Kinh và Seoul xem là biểu tượng cho lịch sử xâm lược
của nước này".
Đầu năm 2014 nhà nước cộng sản đã liên tiếp có những hành động ngăn chặn, phá hoại các buổi lễ tưởng niệm.
19/1/2014 là 40 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa (19/1/1974)
cũng là ngày mà 74 chiến sĩ của hải quân VNCH đã hy sinh để bảo vệ. Mặc
dù trước đó báo chí nhà nước đã nhắc tới, vinh danh họ và đích thân Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hứa hẹn sẽ tổ chức lễ kỷ niệm. Nhưng kế hoạch
thắp nến tri ân họ của UBND thành phố Đà Nẵng đã bị hủy vào phút chót,
lễ tưởng niệm họ do các nhân sĩ trí thức yêu nước tổ chức dưới chân
tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội bị "công an đóng giả công nhân cưa đá"
chiếm dụng địa điểm. Dư luận đã đồn đoán sự thay đổi đột ngột này có thể
là do Hà Nội đã làm theo yêu cầu của Băc Kinh qua cuộc điện đàm nóng
giữa Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng.
Gần một tháng sau, 16/2/2014 cũng tại địa điểm trên với chiến thuật đưa
"quần chúng tự phát ôm nhau nhảy múa" dưới chân tượng đài và hát vang
bài "con bướm xuân"(đạo nhạc từ một bài hát của Trung Quốc ) nhà nước
cộng sản lại tiếp tục ngăn cản lễ tưởng niệm 60 nghìn chiến sĩ, đồng bào
ngã xuống trong chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược (lễ tưởng niệm mà
đã có một thời họ vẫn tổ chức). Ít bụi bặm hơn "cưa đá" nhưng lố bịch,
kệch cỡm, láo xược thì khôn tả.
Có vẻ như muốn thanh minh với 60 vạn vong linh, một "dư luận viên" đã
thay mặt đảng, nhà nước nói ra lý do ngăn cản là: "tránh đối đầu với
Trung Quốc để phát triển kinh tế...". Đây là đường lối ngoại giao đã
được nhà nước cộng sản Việt Nam tuân thủ triệt để sau hội nghị Thành Đô
1991 đồng thời tuyên truyền để người dân đã lầm tưởng nó gần giống như
"giữ hòa hiếu với Trung Quốc" thủa xưa: kết thúc chiến tranh với Trung
Quốc mặc dù thắng Việt Nam vẫn sang cầu hòa, xin phong vương, nhận triều
cống hàng năm. Nhưng thực chất thì khác hẳn nhau. Thời phong kiến, tuy
Trung Quốc là nước lớn mạnh bên cạnh Việt Nam nhỏ yếu và một nước xâm
lược một nước khác không gặp bất cứ một trở ngại gì từ cộng đồng quốc
tế. Nhưng ngoại trừ các triều vua Việt Nam bán nước, chính quyền phong
kiến Trung Quốc ngoài chuyện phong vương cho vua Việt Nam mang tính hình
thức và nhận triều cống hàng năm thì không thể, không được đáp ứng bất
cứ một yêu cầu nào khác.
Câu "Sông núi nước Nam vua Nam ở" trong bài thơ "Thần" chính là lời
tuyên bố độc lập rất đanh thép của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Mặc dù cầu hòa, nhưng có lần Việt Nam đã chủ động đánh trước để đập tan
âm mưu xâm lược của Trung Quốc từ trong trứng nước. Như Lý Thường Kiệt
đã từng mang quân sang đánh thành Ung Châu để ngăn chặn chiến tranh xâm
lược của nhà Tống. "Tránh đối đầu với Trung Quốc" của nhà nước cộng sản
Việt Nam ngày nay thực chất là đáp ứng hầu như mọi yêu sách ngang ngược
của một chính quyền vốn có truyền thống bành trướng. Rõ rệt nhất là từ
sau hội nghị thành đô 1991 tới nay.
Năm 1958 tuy chưa chiếm được hoàn toàn Hoàng Sa, Trường Sa nhưng Trung
Quốc đã ngang ngược tuyên bố lãnh hải bao gồm cả hai quần đảo này cộng
sản Việt Nam đã có ngay công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tán thành
tuyên bố của họ.
Năm 1974 Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn im tiếng không dám phản đối.
Năm 1988 Trung Quốc tấn công chiếm đảo Gạc Ma ở Trường Sa tàn sát 64
chiến sĩ hải quân của QĐND, nhà nước cộng sản Việt Nam coi như không có
chuyện gì xảy ra.
Năm 1999 họ muốn lãnh thổ rộng ra thì có ngay hiệp ước phân định biên
giới công nhận hàng chục ngàn cây số vuông biên giới, các địa danh quen
biết như Ải Nam Quan, một nửa thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm,… từng là của
Việt Nam nay đã thuộc Trung Quốc.
Để tiêu thụ hàng giá rẻ nhưng độc hại Trung Quốc chỉ cần lệnh cho báo chí nhà nước của Việt Nam không được nêu thông tin trên.
Sợ mất lòng Trung Quốc báo, chí "lề đảng" chỉ dám gọi những tàu của họ
đã đâm chìm tàu của ngư dân là “tàu lạ”, tấm bia kỷ niệm chiến thắng cầu
Khánh Khê năm 1979 cũng bị đục bỏ đi bốn chữ "Trung Quốc xâm lược",
những hy sinh mất mát của quân dân trong cuộc chiến biên giới đã cố tình
bị lãng quên trong thông tin của "lề đảng".
Khi họ không thích ở Việt Nam có những cuộc biểu tình phản đối Trung
Quốc là lập tức công an Việt Nam trấn áp những cuộc biểu tình đó “chu
đáo” hơn bất kỳ một cuộc nào khác. Những người bày tỏ lòng yêu nước mà
có liên quan tới phản đối Trung Quốc dù dưới bất kỳ hình thức nào: từ
biểu tình, mang khẩu hiệu, viết báo,... thậm chí chỉ là ngồi nhà tọa
kháng đều bị nhà nước Việt Nam nếu không sách nhiễu thì cũng vu cho một
tội nào đó để bắt cho kỳ hết.
Khai thác bauxite ở trong nước có hại cho môi trường bị người dân phản
đối, Trung Quốc chuyển sang khai thác ở Tây Nguyên Việt Nam liền được
chính quyền cộng sản đón nhận coi là “chủ trương lớn”để thực thi.
Thấy nhà nước Trung Quốc thường xuyên đàn áp, bắt bớ những người luyện
tập Pháp luân công, lãnh đạo cộng sản Hà Nội dù chưa rõ lợi hại cũng trù
dập, sách nhiễu họ.
Những năm gần đây sau hàng loạt hành động xâm lấn công khai, vi phạm chủ
quyền biển như: bắn giết, bắt bớ ngư dân, cắt cáp tàu thăm dò của tàu
Bình Minh, Viking trên hải phận của Việt Nam,... làm tình hình biển Đông
ngày thêm căng thẳng, Trung Quốc muốn Việt Nam chỉ đàm phán song phương
không đưa ra quốc tế. Việt Nam luôn đáp ứng bằng lập trường trước sau
như một “đàm phán song phương, không muốn bên thứ ba xen vào".
Đầu năm 2014 Trung Quốc không muốn Việt Nam nhắc lại cuộc cưỡng chiếm
quần đảo Hoàng Sa và tội ác đẫm máu trong cuộc chiến tranh xâm lược
1979. Việt Nam đã triệt để thi hành.
Rõ ràng là vì sợ. Nhưng sợ thì cũng có nhiều kiểu sợ. Sợ mang tính di
truyền từ đời này sang đời khác là nỗi sợ của những loài vật sợ kẻ ăn
thịt mình. Sợ theo kiểu "tránh voi chẳng xấu mặt nào" mà những kẻ yếu
thường lấy để tự an ủi mình. "Thứ nhất sợ kẻ anh hùng. Thứ hai sợ kẻ
cuối cùng liều thân" là kiểu mà cộng đồng quốc tế hiện nay vẫn sợ một
nước nghèo khổ vào loại bậc nhất là Bắc Hàn. Kiểu sợ của chính quyền
cộng sản Việt Nam trước Bắc Kinh như nêu trên là kiểu sợ đến mức đáng
khinh mà từ điển tiếng Việt gọi là "hèn". Và "cái hèn" đó có nguyên nhân
từ sự phụ thuộc nói đúng hơn là sự lệ thuộc ngày càng nhiều của họ vào
Trung Quốc nhất là từ sau hội nghị Thành Đô 1991.
Năm 1949 đảng cộng sản Trung Quốc giành được chính quyền, nước cộng hòa
nhân dân Trung Hoa được thành lập. Từ năm 1950 theo yêu cầu của đảng
cộng sản Việt Nam Trung Quốc đã không ngừng viện trợ vũ khí và cả người
(dưới hình thức cố vấn) cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Mù quáng vì ý
thức hệ cộng sản và ở thế của kẻ xin và nhân viện trợ. Cộng sản Việt Nam
dưới danh nghĩa Việt Minh đã nhất nhất tuân theo sự chỉ đạo của cộng
sản Trung Quốc qua đội ngũ cố vấn. Giải pháp chia đôi đất nước trong
hiệp định Giơ ne phần nào do áp đặt của cộng sản Trung Quốc.
Sau kháng chiến chống Pháp sự lệ thuộc là một loạt các chủ trương chính
sách sai lầm của nhà nước cộng sản Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng.
Chúng đều là những chủ trương chính sách hoặc bị áp đặt, hoặc bắt chước
dập khuôn theo của Trung Quốc. Đó là cuộc cải cách ruộng đất giết oan
hàng vạn người. Là việc bắt bớ, đày ải các văn nghệ sĩ chân chính qua vụ
án nhân văn giai phẩm làm thui chột nền văn nghệ nước nhà. Là phong
trào hợp tác hoá làm cho nông thôn Việt Nam tiêu điều, xơ xác,…
Trong cuộc chiến tranh Nam - Bắc mặc dù bất hòa nhưng Trung Quốc và Liên
Xô vẫn ra sức viện trợ cho cộng sản Việt Nam. Để nhận được nhiều viện
trợ trong thời gian này cộng sản Việt Nam đã sử dụng chiến thuật "đu
dây" và lệ thuộc vào cả hai nước "đàn anh".
Sau năm 1975 nhận thấy sự tiếp tay của cộng sản Trung Quốc cho Khơ me đỏ
đánh phá mình ở biên giới Tây Nam cộng sản Việt Nam đã ngả hẳn vào nước
"đàn anh" Liên Xô và ký hiệp định an ninh giữa hai nước vào năm 1978.
Nhưng cũng không tránh được cuộc chiến tranh biên giới 1979 do Trung
Quốc phát động. Đây là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc gây ra
tội ác đẫm máu với quân dân các tỉnh biên giới phía Bắc. Năm 1980 cộng
sản Việt Nam sửa đổi hiến pháp mà trong lời nói đầu đã xác định cộng sản
Trung Quốc là kẻ thù.
Những năm tiếp theo. Bị cấm vận do mang quân đánh Campuhia, sai lầm về
các chính sách kinh tế, viện trợ của Liên Xô ít dần nhà nước cộng sản
Việt Nam đứng trước viễn cảnh sụp đổ. Hiển hiện rõ ràng nhất khi cuối
thập niên 80 đầu 90 thế kỷ trước khi Liên Xô và một loạt các nước cộng
sản Đông Âu tan rã. Thân cô thế cô, không nơi dựa dẫm cộng với nỗi lo
sụp đổ lên tới tột bậc buộc cộng sản Việt Nam tưởng như đoạn tuyệt được
với Trung Quốc lại phải một lần nữa ngả vào vòng tay của Bắc Kinh. Đầu
tiên là sửa đổi hiến pháp để bỏ nội dung ghi Trung Quốc là kẻ thù, tiếp
đó bầu đoàn thê tử của Hà Nội lục tục dắt díu nhau sang cầu cứu Bắc Kinh
gọi cho oai là "sang để bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc".
Biết rõ thân thế của Hà Nội. Với bản tính nham hiểm, bành trướng Bắc
Kinh đã không bỏ lỡ cơ hội để thực hiện những mưu đồ thâm độc với Việt
Nam mà từ trước tới nay vẫn giấu giếm vì chưa có thời cơ. Hiệp ước Thành
Đô được ký kết trong bối cảnh trên giữa một bên là "Trung Quốc thì gian
ngoan mưu lược" một bên là " ta thì dại dột cả tin" như một nhà cựu
ngoại giao đã thú nhận. Tuy không công bố nội dung nhưng chắc chắn là
phía Việt Nam phải chịu thua thiệt đủ đường. Bởi sau khi được ký kết có
người trong cuộc đã gọi nó là: "cái tròng Bắc thuộc mới", từ nó hàng
loạt các hiệp ước phân định biên giới, vùng biển, những tuyên bố chung,
đàm phán song phương,... khiến Việt Nam mất đất, mất biển, mất các địa
danh quen thuộc và trở nên "nhũn như con chi chi" thực thi mọi yêu cầu
đòi hỏi ngang ngược của Trung Quốc.
Ngoài sự lệ thuộc do ràng buộc của hiệp ước Thành Đô, Hà Nội còn tự
nguyện lệ thuộc vào Bắc Kinh. Vì "kẻ thù truyền kiếp" ngày nào giờ đây
trong mắt họ đã trở thành “thần tượng”. "Thần tượng" về kinh tế với mức
tăng trưởng cao sau khi đã bỏ đường lối kinh tế XHCN chạy theo tư bản,
"Thần tượng”về chính trị với mô hình độc tài đảng trị ,đàn áp các phong
trào đòi tự do dân chủ, đàn áp tôn giáo và từng “nổi tiếng” với “Thiên
An Môn”, "Pháp luân công”, "Tây Tạng”, "Tân Cương”. Do vậy họ đã tự
nguyện sao chép bắt chước nhiều chính sách chủ trương của Bắc Kinh trong
kinh tế, chính trị, ngoại giao. Có cả bắt buộc và tự nguyên, sự lệ
thuộc của Hà Nội với Bắc Kinh giống như của tay sai đối với quan thày.
Không loại trừ khả năng Bắc Kinh cam kết bảo kê cho chế độ Hà Nội vì tay
sai và quan thày đều rất cần đến nhau.
Từ trước tới nay người Việt ta thường có quan niệm: Người Tàu vốn thâm,
lãnh đạo của họ lại càng thâm. Nếu đúng vậy thì cái "tương lai" trong 16
chữ "Láng giềng hữu nghị. Hợp tác toàn diện. Ổn định lâu dài. "Hướng
tới tương lai" mà Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã tặng cho Việt
Nam sau hội nghị Thành Đô chính là sự "lệ thuộc hoàn toàn" của Việt Nam
vào Trung Quốc. Thật là bi thảm!
2/2014
0 comments:
Post a Comment