Wednesday, October 26, 2011

Ngân hàng “đen” đe dọa kinh tế Trung Quốc


Thành phố Ôn Châu, tỉnh Triết Giang ( Trung Quốc ). DR/ Flickr / Fabien Lelard

Mai Vân

Những công ty phá sản ngày càng nhiều ở Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân quan trọng thường được nhắc đến là sự kiện họ phải vay tiền “chợ đen” với lãi suất quá cao, không trả nổi. Ôn Châu là một thí dụ điển hình. Hiện tượng này được Libération phản ánh trong bài phóng sự điều tra của thông tín viên Philippe Grangereau, tựa đề: « Các ngân hàng đen đe dọa Trung Quốc ».

Bài báo trở lại với tình hình khủng hoảng chưa từng thấy tại Ôn Châu, tỉnh Triết Giang, được xem là một trong những vùng năng động nhất Trung Quốc. Không trả nổi nợ, hàng ngàn công ty cỡ nhỏ đã phải đóng cửa. Cả trăm chủ nhân đã biến dạng, họ trốn ở những nơi kín đáo hoặc ra nước ngoài. Ba người đã nhảy lầu tự tử, để lại những món nợ kếch xù.

Tình hình rất nghiêm trọng, thủ tướng Ôn Gia Bảo vào đầu tháng 10/2011 đã phải đến đây xem xét, hầu có biện pháp ngăn chặn không cho khủng hoảng nghiêm trọng thêm. Từ đấy, theo bài báo, lãnh đạo Ôn Châu đã thuyết phục được một chủ nhân đang trốn ở Mỹ trở về. Nhìn Ôn Châu, giới truyền thông Trung Quốc bắt đầu tự hỏi : Tình hình này có sẽ lan rộng ra phần còn lại của Trung Quốc hay không ?

Tác giả bài báo giải thích : Ôn Châu là vùng đầu tiên “đã mọc lại đuôi tư bản” vào đầu thập niên 80, hoạt động theo mô hình kinh tế tự do. Phần lớn trong số 400.000 công ty vừa và nhỏ đã vay tiền nơi những ngân hàng tư – không hợp pháp ở Trung Quốc, nhưng vẫn được chấp nhận.

Không chỉ có ở Ôn Châu, 10% vốn vay tại Trung Quốc là do hàng ngàn ngân hàng đen này cung cấp.

Theo bài báo, tính từ đầu năm đến giờ, các ngân hàng này đã cho vay 177 tỷ yuan (20 tỷ euro), cho riêng ngành địa ốc. Khoản tiền trên tương đương với tín dụng mà các ngân hàng nhà nước cung cấp. Tiền của ngân hàng đen này, phần không nhỏ đến từ tiền tiết kiệm của người dân. Có đến 80% người Ôn Châu gởi tiết kiệm của họ vào đấy, vì lãi cao hơn quỹ tiết kiệm của các ngân hàng nhà nước.

Tác giả bài báo còn giải thích là khi người vay vốn không trả nổi nợ, thì giới cho vay này sẵn sàng bắt cóc hay ám sát để lấy lại tiền.

Các ngân hàng đen này hoạt động rất mạnh. Một mặt, vì ngân hàng nhà nước siết chặt tín dụng, cho các công ty trong lãnh vực tư vay nhỏ giọt, trong lúc mà họ mở rộng hầu bao đối với công ty nhà nước, vay bao nhiêu cũng được với lãi suất rất thấp.

Theo bài báo, những khoản tín dụng đó lẽ ra phải được đưa vào guồng máy sản xuất, nhưng trong thực tế lại chạy vào ngân hàng đen vì có lợi hơn : lãi suất của hệ thống đen này rất cao, từ 30% đến 80% một năm, quá béo bở !

Tuy nhiên, tình hình kể trên đang bị xáo trộn. Với lãi suất cực cao như thế, trong tình hình kinh tế toàn cầu bị khủng hoảng, xuất khẩu giảm, lương nhân công tăng lên, điều đó tác hại đến các công ty như ở Ôn Châu, họ không thể trả được nợ. Cả một mảng lớn kinh tế của Ôn Châu bị sụp đổ, những công ty hoạt động hữu hiệu nhất đã bị phá sản.

Nhưng Ôn Châu có thể chỉ là bước đầu. Bài báo trích dẫn nhận xét của một chuyên gia, ông Lâm Hòa Lập (Willy Wo-Lap Lam), đại học Hồng Kông, cho rằng hiện tượng ở Ôn Châu đang lan ra những nơi khác, nhất là ở nhiều thành phố Quảng Đông.

Vấn đề nợ ở Trung Quốc đang là mối đau đầu đối với chính quyền Bắc Kinh. Không chỉ nợ của các công ty như nói trên, mà còn có nợ của các chính quyền điạ phương. Libération nêu bật con số nợ của các địa phương Trung Quốc : 1.000 tỷ euro, mà theo Ngân hàng Standard Chartered, từ 80% đến 90% sẽ không bao giờ được hoàn trả.

Và lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc cho phép chính quyền địa phương phát hành trái phiếu, hy vọng ngăn chặn tình hình thoái hóa. Tờ báo cũng nhắc lại dự trữ ngoại tệ Trung Quốc hiện nay là 3.197 tỷ đô la (2.300 tỷ euro) tính đến tháng 6/2011.

0 comments:

Powered By Blogger