Người Tây Tạng lưu vong sơn tên của các nhà sư tự thiêu lên người
trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 21/10/2011
Trong những tháng vừa qua nhiều nhà sư và ni cô Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối sự cai trị của Trung Quốc ở Tây Tạng. Các vụ mưu toan tự sát đã khơi ra phản ứng giận dữ từ phía các giới chức Trung Quốc cho rằng các vụ phản kháng này có liên hệ với các hành vi khủng bố được sự bảo trợ của Đức Đạt lai Lạt ma. Theo tường trình của thông tín viên VOA Peter Simpson từ Bắc Kinh, các sự cố đau lòng này đánh dấu một hiện tượng leo thang trong chiến thuật chống sự cai trị của Bắc Kinh.
Kể từ hồi tháng 5, 9 người Tây Tạng đã tìm cách tự thiêu. Vụ mới nhất là một ni cô. 4 nhà sư đã chết vì những thương tích. Tất cả những người mưu toan tự thiêu cho mục đích chính trị đều ở độ tuổi dưới 24.
Giống như những vụ mưu toan tự thiêu khác, ni cô Phật giáo tên là Tenzin Wangmo đã hô to những khẩu hiệu phản đối đòi chấm dứt sự cai trị của Trung Quốc, đòi tự do tôn giáo và đòi Đức Đạt lai Lạt ma đang sống lưu vong được phép trở về Tây Tạng.
Hầu hết những vụ tự sát đều diễn ra ở thị trấn nhỏ Aba, trong tỉnh Tứ Xuyên nằm sát cạnh Tây Tạng và có các cộng đồng lớn người Tây Tạng.
Chính phủ Trung Quốc nói rằng các hành động đó đã châm ngòi cho những vụ biểu tình khác khắp vùng, là đi ngược lại với niềm tin và lời Phật dậy.
Nhưng học giả Tây Tạng ở trường Đại học Columbia, ông Robert Barnett không đồng ý.
Ông Barnett nói: “Có sử sách, rất ít, nhưng đề cập đến việc tự hủy mình như một tập tục tôn giáo trong quá khứ huyền thoại, nơi người ta làm như thế để chứng minh lòng sùng bái với Đức Phật. Vì thế ta không thể nói hoàn toàn rằng đây không phải là tập tục Phật giáo, vì sự kiện này đã từng xảy ra từ xa xưa.”
Song khác với cổ sử, tất cả những vụ tự hủy mình đã được coi như những phát biểu chính trị. Các nhóm Tây Tạng lưu vong đã tổ chức những buổi thắp nến để tưởng niệm những người mà họ gọi là thánh tử vì đạo và hối thúc những người khác chớ nên quên các hành động của họ.
Ông Barnett nói việc tự thiêu như một hành vi bầy tỏ chính kiến chưa hề xảy ra trong cộng đồng phản kháng Tây Tạng.
Ông Barnett nói tiếp: “Chúng ta phải rõ ràng. Hình thức phản kháng bằng cách tự thiêu đến chết hay tự đốt mình là hoàn toàn mới lạ ở Tây Tạng thời cận đại. Chúng ta không hề có một tiền lệ nào như thế này... Tập tục chính trị này hoàn toàn mới lạ.”
Những vụ tự hủy mình bắt đầu sau khi nhà chức trách Trung Quốc ở Bắc Kinh ra lệnh hạn chế tự do tôn giáo bằng cách buộc các nhà sư theo các khóa học tập chính trị. Các giới chức buộc các nhà sư từ bỏ lãnh tụ tinh thần là Đức Đạt lai Lạt ma và học tập chủ nghĩa cộng sản.
Các nhà sư đã lên tiếng phản đối ở các tu viện và vì thế nhà chức trách Trung Quốc đã có biện pháp.
Họ đặt những trạm công an bên trong một số tu viện và cắt điện nước ở những tu viện khác.
Một khi các vụ tự hủy mình bắt đầu, nhà chức trách đã đáp lại bằng cách gửi thêm công an chống bạo đồng đến Aba để ngăn ngừa những vụ tự sát khác. Một số công an được trang bị bằng dụng cụ cứu hỏa.
Giáo sư Barnett nói các hành động của giới phản kháng đã làm tăng thêm hình ảnh áp bức của chính quyền Trung Quốc.
Giáo sư Barnett cho biết: “Điều này rất quan trọng bởi vì nó chứng tỏ cho tất cả những người Tây Tạng, rằng các hành động này nổi bật như một dấu hiệu cực kỳ tuyệt vọng. Nó vẫn là sự lựa chọn cuối cùng. Nói cách khác, người Tây Tạng không coi đây hành động này có tính chiến lược, như một cách để được chú ý. Họ coi đó là một cách cho thấy rằng áp lực đối với các nhà sư này lớn đến độ họ không cảm thấy rằng họ có chọn lựa nào khác.”
Đối với các nhóm người Tây Tạng sống lưu vong, có sự đồng thuận rằng chính phủ Trung Quốc chịu trách nhiệm về những cái chết. Bà Stephanie Briggen là giám đốc tổ chức Tây Tạng Tự do có trụ sở ở London.
Bà Briggen nói: “Người Tây Tạng trẻ tuổi đang dũng cảm dâng hiến đời sống của mình để thu hút sự chú ý của quốc tế đến một trong những cuộc khủng hoảng về nhân quyền lớn nhất và kéo dài nhất ở Tây Tạng.”
Các chính phủ tây phương đã công bố các thông cáo thường phù hợp với quan điểm cho rằng các chiến thuật của Trung Quốc góp phần vào tình hình. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi Bắc Kinh giải quyết các khiếu nại cơ bản của khối dân Tây Tạng ở Trung Quốc.
Bắc Kinh đã cực lực phản đối quan điểm đó và tiếp tục mô tả những vụ tự hủy mình là kết quả chung quyết của chủ nghĩa khủng bố thực hiện bởi Đức Đạt lai Lạt ma và các phong trào tự do của Tây Tạng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói rằng mối quan tâm chính của Bắc Kinh là duy trì điều bà mô tả là trật tự xã hội bình thường ở Tứ Xuyên và Tây Tạng. Bà gọi những vụ tự hủy mình là “các hành động chia rẽ”, và đó là cách thức mà chính phủ Bắc Kinh mô tả các hành động đòi độc lập của Tây Tạng. Bà cũng gọi đó là chủ nghĩa khủng bố trá hình.
Học giả Barnett của trường Đại học Colombia nói rằng đây là phản ứng tiêu chuẩn của Bắc Kinh.
Học giả Barnett nói tiếp: “Bất cứ khi nào có biểu tình ở Tây Tạng, mà phía Trung Quốc nhận thấy là thuộc loại không thể chấp nhận được, thì đây là cách đáp ứng tiêu chuẩn. Tuy nhiên họ chưa nói về bất kỳ bằng chứng nào của những gì mà chúng ta có thể coi là khủng bố.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không nói rằng họ đã tiếp xúc với nhà chức trách Ấn Độ để theo đuổi các cáo trạng khủng bố chống lại các nhóm người Tây Tạng sống lưu vong ở Ấn Độ.
Trung Quốc từng nói rằng các chính phủ khác bình luận về vấn đề nay nên tự chế đừng đưa ra lời bình. Các giới chức Trung Quốc đáp lại những lời kêu gọi của Hoa Kỳ đề nghị tôn trọng quyền của công dân Tây Tạng và các công dân Trung Quốc khác bằng cách nói rằng Washington chớ nên can dự vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Căng thẳng tại hội nghị thượng đỉnh châu Âu
Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu trong 1 cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Bruxelles, Bỉ, 23/10/2011
Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron đã đụng độ tại các cuộc họp khẩn về đồng euro tại Bruxelles. Chuyện này diễn ra giữa lúc các nhà làm luật tại Quốc hội Anh tranh luận về biện pháp rời bỏ hẳn Liên hiệp châu Âu. Từ London, thông tín viên Henry Ridgewell tường trình về những căng thẳng mới nhất trong vụ khủng hoảng đồng euro.
Trước các máy thu hình, những người tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hôm Chủ nhật tại Bruxelles đều tươi cười, nhưng dưới bề mặt đó là những căng thẳng vẫn còn sôi sục.
Những hàng tựa đề trên các báo Pháp nêu bật sự rạn nứt giữa Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Lên tiếng hôm thứ Hai, Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin đoan quyết là các cuộc thảo luận vẫn tiến hành đúng hướng. Ông nói: "Theo tôi thì nếu có ai cho rằng đã tiến bộ được 2/3 kể từ thứ Sáu tuần trước thì đấy là lời nhận định công bằng." Ông nói tiếp: "Chúng ta đã thỏa thuận về chuyện giải ngân cho đợt cuối cùng của kế họach cứu nguy trước đây cho Hy Lạp và chúng ta đã đồng ý về mức độ tăng vốn trở lại cho các ngân hàng để đối phó với bất cứ những khó khăn bất ngờ nào có thể xảy ra."
Vậy thì các nước đã thực sự đồng ý được về những gì? Các ngân hàng châu Âu sẽ bị buộc phải gây vốn mới 100 tỉ euro để bảo đảm cho họ khỏi bị thua lỗ.
Những ngân hàng châu Âu cũng sẽ bị đòi hỏi phải xóa nợ thêm cho Hy Lạp, vượt xa 21% như đã được đồng ý vào tháng Bảy.
Trở ngại lớn nhất là tăng vốn cho quĩ cứu nguy của Liên hiệp châu Âu.
Giới phân tích cho là quĩ này với số tiền 440 tỉ euro quá ít không thể cứu nguy Tây Ban Nha hay Ý trong trường hợp hai nước này gặp nguy khốn.
Tổng thống Pháp Nicolas arkozy đề nghị một phương cách mới để nâng thu nhập. Ông nói: "Chúng ta đã nhắc nhở tất cả các đối tác châu Âu của chúng ta về việc đưa ra một khoản thuế đánh trên những lần giao dịch tài chính. Đó là một cam kết mà chúng ta cũng đã thỏa thuận và chúng ta sẽ theo đuổi."
Anh quốc, không thuộc khối sử dụng đồng euro, chống lại sắc thuế đó vì nền kinh tế của nước này lệ thuộc rất nhiều vào các dịch vụ tài chính. Thủ tướng Anh nói các nước thành viên của khối sử dụng đồng euro không nên áp đặt chính sách cho toàn thể Liên hiệp. Ông nói: "Hiệp định chỉ có thể thay đổi nếu được sự chấp thuận của tất cả 27 thành viên của Liên hiệp châu Âu EU, và bất cứ sự thay đổi nào, như lần thay đổi mới đây, là cơ hội để thăng tiến lợi ích quốc gia của chúng ta."
Tình hình căng thẳng giữa Anh và Pháp đang gia tăng. Tin trích dẫn lời ông Sarkozy nói với Thủ tướng Anh rằng ông "thấy ớn" vì sự chỉ trích của Anh và những gì mà Anh muốn bảo các nước euro phải làm.
Trong khi đó ông Cameron lại phải đương đầu với vấn đềm Liên hiệp châu Âu với hai trận chiến ở cả quốc ngoại lẫn quốc nội.
Những nhà lập pháp chống đối ngay trong đảng Bảo thủ của ông tại quốc hội muốn thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc để hỏi ý kiến dân có muốn hoàn toàn ra khỏi Liên hiệp châu Âu hay không.
Thủ tướng Anh nói rằng với tình thế châu Âu đang rối bời, nay không phải là lúc nước Anh khuấy động thêm nữa.
Giới lãnh đạo EU sẽ họp lần nữa vào thứ Tư để đưa ra quyết định chung cuộc về thỏa thuận cứu nguy. Nhiều nguời hy vọng thỏa thuận này sẽ đánh dấu khởi đầu cho việc chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu.
0 comments:
Post a Comment