Tài liệu Tham khảo đặc biệt TTXVN (Angiê 28/09)
Quyết định của Mỹ cho NATO không kích Libi không có gì liên quan đến cái mà Chính phủ Mỹ gọi là “sứ mệnh bảo vệ dân thường” mà trên thực tế, chiến dịch đó là một phần của kế hoạch rộng lớn hơn của NATO và Lầu Năm Góc nhằm kiểm soát tử huyệt của Trung Quốc:
đó là sự lệ thuộc mang tính chiến lược vào lượng dầu mỏ và khí đốt phải nhập khẩu ngày càng lớn. Đó là nhận xét của chuyên gia William Engdahl trên tạp chí “Mondialisation”. Dưới đây là trích lược bài viết “AFRICOM là mối đe doạ đối với an ninh năng lượng quốc gia của Trung Quốc”.
đó là sự lệ thuộc mang tính chiến lược vào lượng dầu mỏ và khí đốt phải nhập khẩu ngày càng lớn. Đó là nhận xét của chuyên gia William Engdahl trên tạp chí “Mondialisation”. Dưới đây là trích lược bài viết “AFRICOM là mối đe doạ đối với an ninh năng lượng quốc gia của Trung Quốc”.
Ngày nay, Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu mỏ nhiều thứ hai thế giới, sau Mỹ, và chiếc hồ ngăn cách đang được nhanh chóng lấp đầy. Vị trí địa lý của Bắc Phi và phương thức tổ chức của Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ (AFRICOM) cho thấy chiến lược của Mỹ là kiểm soát mọi con đường tiếp cận của Trung Quốc tới các nguồn cung chiến lược nhất ở châu Phi và Trung Đông về dầu mỏ và nguyên liệu.
Libi giáp Địa Trung Hải về phía Bắc và trực tiếp với Italia có ENI là công ty dầu mỏ nước ngoài lớn nhất hoạt động ở Libi từ nhiều năm nay, Tuynidi và Angiêri về phía Tây, Sát về phía Nam và Ai Cập cùng Xuđăng về phía Đông. Vị thế địa chính trị đó nói lên tầm quan trọng chiến lược về lâu dài của Libi đối với AFRICOM và Lầu Năm Góc liên quan đến khả năng kiểm soát châu Phi và nguồn tài nguyên của nước này.
Libi dưới thời ông Gaddafi đã kiểm soát được về mặt Nhà nước trữ lượng dầu mỏ dồi dào chất lượng cao. Theo dữ liệu từ năm 2006, nước này có trữ lượng lớn nhất châu Phi, nhiều hơn của Nigiêria khoảng 35%. Các thoả thuận khai thác được ký với các công ty dầu mỏ Nhà nước của Trung Quốc và Nga cũng như một số công ty khác trong những năm gần đây.
Từ nhiều năm nay, Mỹ đã dần dần tạo ra nhận thức rằng Trung Quốc, nước cách đây chưa đến 10 năm còn là người “bạn rất thân của nước Mỹ”, đang trở thành mối đe doạ lớn nhất đối với hoà bình thế giới vì nước này phát triển kinh tế quá mạnh. Việc một số công ty năng lượng và nhập khẩu nguyên liệu của Trung Quốc hoạt động mạnh ở châu Phi trở thành mối lo ngại lớn đối với Mỹ. Nhu cầu năng lượng cho tương lai trở nên quá rõ ràng từ nhiều năm nay buộc Trung Quốc phải bắt đầu một cuộc chiến ngoại giao kinh tế thực sự và chế áp ở châu Phi. Chiến lược này phát triển mạnh từ năm 2006 khi Trung Quốc trải thảm đỏ đón nguyên thủ hơn 40 nước châu Phi và thảo luận về việc mở rộng mối quan hệ thương mại với các nước này. Không có gì đáng ngạc nhiên đối với Trung Quốc là phải bảo đảm an ninh nguồn dầu mỏ trong tương lai để công nghiệp hoá đất nước. Vì vậy, Trung Quốc hướng về các nước không được các cường quốc thực dân châu Âu cũ – như Pháp, Anh hay Bồ Đào Nha – quan tâm.
Sát là một ví dụ điển hình. Đây là một trong những nước nghèo và bị cô lập nhất ở châu Phi. Trung Quốc ve vãn và chinh phục nước này bằng cách thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2006. Tháng 10/2007, Công ty dầu khí Nhà nước khổng lồ (CNPC) của Trung Quốc ký hợp đồng xây dựng một nhà máy lọc dầu liên doanh với Chính phủ Sát. Hai năm sau, hai nước bắt đầu xây dựng đường ống dẫn dầu để đưa dầu khai thác được từ mỏ do Trung Quốc kiểm soát ở miền Nam về nhà máy lọc dầu cách đó 300 km. Các tổ chức phi chính phủ được các nước phương Tây ủng hộ lúc đó bắt đầu lên tiếng về tác động môi trường do đường ống dẫn dầu của Trung Quốc gây ra. Song các tổ chức này lại im lặng một cách lạ lùng khi công ty Chevron phát hiện ra dầu ở Sát vào năm 2003. Mỏ dầu của Sát và Trung Quốc nằm gần một mỏ lớn khác cũng của Trung Quốc nằm ở Darfur của Xuđăng, ngay cạnh Sát.
Xuđăng là một nguồn cung cấp dầu quan trọng ngày càng nhiều cho Trung Quốc kể từ khi hợp tác được thiết lập giữa hai nước vào đầu những năm 1990. Từ năm 1998, CNPC xây dựng một đường ống dẫn dầu dài 1.500km từ mỏ ở Nam Xuđăng đến Port Sudan nằm bên bờ biển Đỏ và một nhà máy lọc dầu ở gần Khartum. Đầu năm 2011, dầu mỏ của Xuđăng được khai thác từ vùng có xung đột ở miền Nam, đáp ứng khoảng 10% lượng dầu mỏ mà Trung Quốc nhập khẩu, với hơn 60% sản lượng hàng ngày của Xuđăng (490.000 thùng/ngày). Xuđăng trở thành một điểm trọng yếu trong an ninh năng lượng quốc gia của Trung Quốc.
Phần dưới lòng đất chạy từ Darfur qua Sát đến Camơrun được đánh giá là một vùng dầu mỏ lớn đến mức có thể biến vùng này thành một Arập Xếut thứ hai. Kiểm soát được Nam Xuđăng và Sát cũng như Camơrun là việc có tính sống còn đối với chiến lược của Lầu Năm Góc nhằm triệt hạ về phương diện chiến lược nguồn cung ứng dầu mỏ trong tương lai của Trung Quốc. Theo lôgích đó, nếu chế độ hùng mạnh của ông Gaddafi còn tồn tại ở Tripôli, việc kiểm soát vùng này sẽ trở thành vấn đề lớn. Việc tách Nam Xuđăng khỏi Xuđăng gần như đồng thời với việc lật đổ chế độ ông Gaddafi là một ưu tiên chiến lược có tầm quan trọng hàng đầu với kế hoạch thống trị toàn bộ của Lầu Năm Góc.
Lực lượng chính đứng đằng sau chiến dịch tấn công Libi hay sự thay đổi chế độ kín đáo hơn ở Tuynidi, Ai Cập và cuộc trưng cầu dân ý về Nam Xuđăng biến vùng này thành một nước độc lập, là AFRICOM. Đây là Bộ chỉ huy đặc biệt của quân đội Mỹ được Chính quyền Bush thành lập năm 2008 để ngăn chặn có hiệu quả ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nguồn dự trữ dầu mỏ và nguyên liệu ở châu Phi.
Cuối năm 2007, Peter Pham, cố vấn các Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ, giải thích công khai rằng trong số các mục đích thiết thân nhất của AFRICOM có việc bảo vệ đường tiếp cận dầu mỏ và nguồn tài nguyên chiến lược rất phong phú ở châu Phi, một nhiệm vụ bao gồm bảo đảm giữ được nguồn tài nguyên thiên nhiên đó, đồng thời không cho một bên thứ ba nào như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản hay Nga có được thế độc quyền hay ưu tiên khai thác.
Tháng 7/2011, Nam Xuđăng tuyên bố độc lập và mang theo phần lớn nguồn dầu mỏ khiến Trung Quốc không vui. Tổng thống Obama công khai ủng hộ miền Nam Xuđăng li khai. Đây là một kế hoạch được Mỹ chỉ huy và tài trợ từ khi Chính quyền Bush quyết định đưa kế hoạch đó vào các vấn đề ưu tiên vào năm 2004. Giờ đây, Xuđăng đột nhiên mất thu nhập từ dầu mỏ. Miền Nam ly khai với ¾ sản lượng 490.000 thùng/ngày làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế của Xuđăng vì nước này mất đi khoảng 37% thu nhập quốc dân. Nam Xuđăng hiện đang được Mỹ khích lệ xây dựng một đường ống dẫn dầu mới độc lập với đường ống của Xuđăng và chạy qua Kênia, một vùng chịu sự ảnh hưởng rất mạnh của Mỹ ở châu Phi.
Mục đích thay đổi chế độ Libi được Mỹ ủng hộ cũng như toàn bộ kế hoạch đối với Trung Đông núp bóng “Mùa Xuân Arập”, là làm sao trong thời gian tới kiểm soát được các mỏ dầu quan trọng nhất hiện nay và chính sách sắp tới của một số nước, đặc biệt là Trung Quốc. Đối với kế hoạch tương lai liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia của Trung Quốc, câu trả lời là tìm kiếm nguồn năng lượng ngay tại nước mình. Phương pháp mới để thăm dò và đánh giá dầu mỏ có thể sẽ cho phép Trung Quốc thoát ra khỏi cái bẫy dầu mỏ đã được giăng ra đối với nước này./.
http://anhbasam.wordpress.com/2011/10/06/402-cuoc-chien-cua-nato-o-libi-la-nham-chong-trung-quoc/#more-30031
http://anhbasam.wordpress.com/2011/10/06/402-cuoc-chien-cua-nato-o-libi-la-nham-chong-trung-quoc/#more-30031
0 comments:
Post a Comment