Wednesday, October 26, 2011

Cần để Hy Lạp vỡ nợ?

Một hình ảnh biểu tình trên đường phố Athens. Ảnh google

Quốc hội Hy Lạp đã thông qua các biện pháp cắt giảm chi tiêu công, thắt lưng buộc bụng như sa thải công chức nhà nước, tăng thuế, giảm quyền lợi của nghiệp đoàn.

Các dân biểu hy vọng nhờ đó sẽ có thêm quỹ cứu trợ tài chính từ Liên Hiệp Châu Âu (EU).

Nhưng người dân Hy Lạp phản ứng bằng biểu tình bạo động và đình công.

Hiện còn chưa rõ EU sẽ ứng phó ra sao.

Câu hỏi cho Hy Lạp là nước này có nên tiếp tục lối mòn ‘cố gắng thắt lưng buộc bụng’ vốn chẳng có tác động gì nhiều để kiềm chế thâm thủng ngân sách, để rồi có đủ tiền cứu trợ từ EU nhằm tránh vỡ nợ, hoặc nên thừa nhận thực tế là đất nước cần tuyên bố vỡ nợ, bỏ đồng euro và tự lo cứu mình.

Nếu Hy Lạp vỡ nợ, đất nước sẽ ngay lập tức thoát được gánh nặng khổng lồ từ khoản lãi suất họ phải trả cho nợ nước ngoài, và để lại cho ngân sách một khoản thâm hụt khiêm tốn, không gồm cả món trả lãi suất rất lớn họ đang gặp phải.

Với kịch bản đó, sức ép về các khoản thắt lưng buộc bụng sẽ giảm nhiều, và sẽ cho phép Hy Lạp chọn lựa chính sách thúc đẩy tăng trưởng, thay vì cách làm nhằm giảm thâm thủng ngân sách nhưng bóp nghẹt tăng trưởng vì thuế cao.

Phục hồi tính cạnh tranh

Bằng việc bỏ đồng euro và chấp nhận tiền tệ đúng giá trị, Hy Lạp có thể phục hồi lại tính cạnh tranh quốc tế.

Điều này có nghĩa là họ sẽ tăng được việc làm nhờ nhu cầu trong nước và quốc tế.

Phần tiêu cực của phương án vỡ nợ cho Hy Lạp sẽ có nhiều khả năng mất cơ hội vào thị trường tín dụng quốc tế, dù đầu tư sẽ an toàn hơn là vỡ nợ như bây giờ.

Nhưng bị cấm cửa khỏi các nguồn cho vay ngoại quốc trong vài năm không phải là thảm họa.

Bất quá, nó chỉ khuyến khích việc cắt giảm những phần lãnh phí của chi tiêu công.

Một rủi ro nữa của phương án vỡ nợ là chấm dứt cuộc khủng hoảng có thể làm giảm đi sức ép nhằm cải thiện những vấn đề căn bản của kinh tế Hy Lạp: chủ nghĩa tư bản thân hữu, hệ thống thuế chằng chịt, kiểm soát quá mức, và bộ máy công quyền quá nặng nề.

Nếu Hy Lạp không cải tổ được, nước này sẽ gặp cảnh tăng trưởng chậm và một cuộc khủng hoảng mới sẽ nhanh chóng ập đến, bất kể họ làm gì bây giờ.

Các bước cần thiết

Vỡ nợ không phải là thuốc bổ cho Hy Lạp và chỉ tuyên bố vỡ nợ không thôi cũng chẳng hề đảm bảo rằng nợ của cá nhân và doanh nghiệp sẽ quay trở lại tình trạng lành mạnh, vì điều này còn tùy vào các hoạt động tiếp theo.

Nhưng vỡ nợ là bước đi cần thiết đầu tiên để cho Hy Lạp nghỉ lấy sức nhằm giải quyết, sắp đặt lại chính sách kinh tế trong không khí bình tĩnh, có suy tính.

Nhiều cá nhân và doanh nghiệp và cả các quốc gia đều từng trải qua giai đoạn vỡ nợ và phục hồi sau đó.

Với các chủ nợ của Hy Lạp, để nước này vỡ nợ tức là khiến họ mất đi khoản tiền trả nợ, và làm tăng nguy cơ các nước khác, như Ý, bị vỡ nợ theo.

Nhưng hai rủi ro này đều đang bị thổi phồng.

Khó có chuyện Hy Lạp đủ khả năng trả các khoản nợ lớn trong tương lai đoán trước được, hoặc chuyện này chỉ xảy ra khi các nước giàu hơn cho Hy Lạp tiền để trả nợ.

Gửi ra thông điệp đúng

Nhưng rủi ro vỡ nợ ở các nước khác sẽ dễ tìm được giải pháp nếu châu Âu tránh được cảnh biến đồng tiền tốt thành tiền xấu và dùng tiền đó để giúp những nước gặp khó khăn nhưng vẫn cứu được.

Để Hy Lạp vỡ nợ sẽ giúp giảm cảnh bất an và nhờ đó tạo điều kiện để tìm hướng giải quyết nợ xấu.

Với người đóng thuế ở châu Âu, để Hy Lạp vỡ nợ còn có điều tốt nữa là thông điệp gửi ra cho các chủ tín dụng rằng cho vay tức là đem lại rủi ro thực sự.

Họ nên cẩn thận hơn trong tương lai.

Thực tế là hiện nay, cả Hy Lạp và châu Âu đều vay quá nhiều và tiêu dùng quá mức trong những thập niên qua. Ai đó phải trả những khoản đó.

Cho vỡ nợ sẽ đạt mục tiêu đó nhanh chóng, và buộc những kẻ kiếm lời nhờ cho vay thời kỳ vàng son phải chịu gánh nặng thua lỗ bây giờ.

Đó là một hệ quả hợp lý.

——————————————————-

Ông Jeffrey Miron là tác giả cuốn ‘Libertarianism from A to Z’ và giám đốc một chương trình đào tạo tại ĐH Harvard cùng Viện Cato. Bài viết ban đầu được gửi cho BBC Mundo.

Nguồn BBC

0 comments:

Powered By Blogger