Wednesday, October 26, 2011

Xã hội tư bản là 'của 1%, do 1% và vì 1%'?

Người biểu tình ở Đài Bắc lấy cảm hứng từ các cuộc biểu tình Chiếm Phố Wall

Các cuộc biểu tình Chiếm Phố Wall đã lan ra nhiều nước trên thế giới trong đó có Đài Loan (trong ảnh), Philippines và Indonesia

Phong trào 'Chiếm Phố Wall' mà nay đã lan rộng ra khắp thế giới trong đó mới nhất là tới Jakarta, Indonesia, đã vừa bước qua tháng đầu tiên.

Một số người chiếm Phố Wall nói họ lấy cảm hứng từ cuộc xuống đường được biết tới với tên gọi 'Mùa Xuân Ảrập' tại một số nước Trung Đông và Bắc Phi.

Khẩu hiệu thường thấy của phe phản đối giới tài chính, các ngân hàng và chính trị gia là "Chúng tôi đại diện cho 99%".

Giáo sư có tiếng Jefferey Sachs từ Đại học Columbia ở New York nói với BBC chính quyền và cơ chế hiện nay của Hoa Kỳ, và có thể nói là của thế giới tư bản nói chung, là 'của 1%, do 1% và vì 1%'.

Ông Sachs nói khoảng cách giàu nghèo đã tăng mạnh tại các nước phát triển, nhất là tại Hoa Kỳ nơi 1% hộ gia đình hiện có thu nhập chiếm 20% thu nhập của cả nước so với 10% của năm 1980.

Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Hoa Kỳ đều là đảng trung hữu, theo ông Sachs, và họ có những chính sách thiên vị giới giàu mà thiếu cải cách chính trị.

Chia 'bánh' không đều

Nhà làm phim và tác giả Michael Moore, một trong những người tham gia phong trào Chiếm Phố Wall, nói cần "chấm dứt" hệ thống tư bản hiện nay.

Ông Moore, một người nổi tiếng với quan điểm cánh tả, nói:

"Đó là hệ thống tàn ác.

"Tôi đang nói về hệ thống được dựng lên để 1% những người giàu nhất nhận 40% chiếc bánh."

Nhà làm phim Michael Moore

Ông Michael Moore nói cần chấm dứt hệ thống tư bản như hiện nay trong đó một thiểu số chiếm đa số của cải trong xã hội

Ông nói tư bản chủ nghĩa cần được thay bởi một hệ thống trong đó người dân có quyền tham gia vào việc sắp đặt, điều hành hệ thống và 'chiếc bánh' phải được chia đều hơn.

Ông Moore dẫn ra một loạt các con số mà ông không dẫn nguồn trong đó có:

- 400 người Mỹ giàu nhất có nhiều tài sản hơn tổng tài sản của 150 triệu người Mỹ khác.

- 50 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế.

- Hơn 46 triệu người Mỹ sống trong nghèo khổ.

- Từ 13 tới 18 triệu trẻ em Mỹ thiếu dinh dưỡng.

Ông Moore nói cũng giống như phong trào đòi quyền bầu cử của phụ nữ cách đây khoảng 100 năm, nhiều người có thể cho rằng các cuộc xuống đường Chiếm Phố Wall là 'kỳ quặc' nhưng sự khởi đầu hiện nay có thể mang lại những thay đổi lớn.

'Mua chính trị gia'

Ngoài khoảng cách giàu nghèo và bất công trong xã hội, nhà phân tích chính sách ngoại giao Hoa Kỳ Richard Haass cũng cho rằng Hoa Kỳ đang đi trên quỹ đạo phát triển "không bền vững".

Ông nói nếu họ không giảm số nợ đi 700 tỷ đô la mỗi năm, số tiền gấp gần bảy lần GDP hiện nay của Việt Nam, thế giới sẽ "đánh thức" nước Mỹ bằng các khoản lãi suất cao hơn cho những khoản vay của Washington.

Điều này đồng nghĩa với ngân sách quốc phòng giảm, các khoản chi tiêu cho viện trợ nước ngoài và chính sách đối ngoại cũng giảm đi.

Bên cạnh đó những ngân sách cho các lĩnh vực mà ông Haass gọi là "yếu tố tạo tính cạnh tranh" của Hoa Kỳ như giáo dục, cơ sở hạ tầng... cũng đi xuống.

Các nhà bình luận nói rằng những vấn đề kinh tế và xã hội hiện nay của Hoa Kỳ trải dài qua các đời tổng thống của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Nhưng cả hai đảng này đều bị tố cáo là không muốn giải quyết vấn đề vì sợ ảnh hưởng tới những người tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của họ mà Phố Wall đóng vai trò trung tâm.

Giáo sư Sachs từ Đại học Colombia ở New York nói giải pháp là "tách tiền ra khỏi chính trị".

Một số nhà phân tích nói nay người ta có thể "mua các chính trị gia một cách hợp pháp" tại Hoa Kỳ vì những người ủng hộ giới tài phiệt đã có mặt tại cả Tòa Tối cao Hoa Kỳ chứ không chỉ trong chính phủ và quốc hội.

'Thách thực quyền lực'

Nhà tư tưởng Francis Fukuyama bình luận trên góc độ toàn cầu rằng quyền lực tương đối của Hoa Kỳ đã giảm đi kể từ năm 1989 do mô hình tư bản chủ nghĩa 'độc đoán' của Trung Quốc đã có những thành công.

Các nhà phân tích nói văn hóa 'thách thức quyền lực' của người Mỹ sẽ giúp đất nước này 'tự đổi mới'

Ông Fukuyama nói nếu Hoa Kỳ không vượt qua được giai đoạn khủng hoảng hiện nay thế giới sẽ rơi vào 'hỗn loạn' do không có nước nào sẵn sàng đứng lên thay vị trí 'lãnh đạo thế giới' mà đi kèm với nó là các khoản chi tiêu lớn.

Nhưng ông cho rằng sự tự tin của người Mỹ và văn hóa thách thức quyền lực của họ sẽ giúp nước Mỹ tiếp tục đi lên.

Ông nói một trong những lý do người Mỹ thích sở hữu súng là họ có thể bảo vệ các quyền công dân khi bị chính quyền xâm phạm.

Tiến sỹ Anne Marie từ Đại học Princeton cũng nói với BBC những khó khăn hiện nay của Hoa Kỳ chỉ là "tạm thời" và Washington cũng đã từng trải qua những giai đoạn tương tự.

Bà nói Hoa Kỳ có năng lực "tự đổi mới" và giới trẻ luôn được đào tạo để "thách thức quyền lực".

Vị tiến sỹ nói nhiều sinh viên hàng đầu của các nước khác trên thế giới đều phải học văn hóa "thách thức giáo viên thay vì nhắc lại" những gì giáo viên nói khi học ở Hoa Kỳ.

Bà Marie cũng nói người Mỹ có sự "lạc quan" và "kết nối" chưa từng có trong lịch sử với 67% giới trẻ nói rằng họ sẽ có những giai đoạn sống ở ngoài nước Mỹ.

Nhưng những người đang tham gia phong trào Chiếm Phố Wall có lẽ không chia sẻ sự lạc quan này.

Họ nói rằng từ "đủ" đã biến mất khỏi từ vựng của thế giới tư bản và "lòng tham" cũng như sự "thờ ơ" đang khiến cho bất bình đẳng và bất công tăng cao.

Sự lan rộng của phong trào Chiếm Phố Wall và của Mùa Xuân Ả Rập trước đó cho thấy sự hiện diện của một làn sóng bất bình đang tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới.

Nhưng cũng giống sự bất bình đẳng mà những người biểu tình phản đối, không phải ở bất cứ nơi nào sự bất bình cũng có điều kiện để được bộc lộ ra bên ngoài.

0 comments:

Powered By Blogger