Một buổi lễ tốt nghiệp tại Viện Kế Toán và Quản Trị Doanh Nghiệp (KT&QTDN) ở quận 10, Sài Gòn. (Hình: KT&QTDN)
Ðiều đáng ngạc nhiên là chỉ sau vài năm hoạt động được gọi là “chui,” Viện KT&QTDN này đã thu hút đến 350 người theo học chương trình tiến sĩ và thạc sĩ với học phí lên đến 5,000 đô cho mỗi khóa học. Tin báo Tuổi Trẻ cho biết hiện có 150 vị thạc sĩ, trong đó có khoảng 20 giảng viên của các trường Cao Ðẳng Kinh Tế, Ðại Học Nông Lâm, Ðại Học Quốc Gia Sài Gòn, Ðại Học Luật, Ngoại Thương, Lạc Hồng, Ngân Hàng, Hoa Sen, Marketing, Cửu Long, Yersin, Hồng Bàng… theo học tại đây.
Tiết lộ mới của báo Tuổi Trẻ cho biết đây là chương trình giảng dạy cấp bậc thạc sĩ và tiến sĩ của Viện KT&QTDN nói là liên kết với Ðại Học Quốc Tế Hoa Kỳ và Ðại Học Quốc Tế Adam nhưng chưa được Bộ Giáo Dục Việt Nam cấp giấy phép. Viện này cũng không xuất trình được giấy chấp thuận của cơ quan thẩm quyền Hoa Kỳ. Ðiều lạ là trong số các học viên theo học khóa tiến sĩ tại Viện KT&QTDN có cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng một số trường cao đẳng, đại học Việt Nam.
Một trong những “nhân chứng sống” là ông Lê Thanh Bình, hiệu trưởng trường Cao Ðẳng Công Thương Sài Gòn cho biết đã hoàn tất chương trình khóa 1 và được cấp bằng tiến sĩ. Theo ông, các giảng viên cũng như cán bộ quản trị các trường đại học Việt Nam theo học tại đây là để “nâng cao trình độ” bất chấp tính pháp lý của chương trình giảng dạy. Ða số họ đã dùng tiền túi của mình để đóng học phí và đến với Viện KT&QTDN qua hình thức “truyền miệng.”
Các học viên còn cho biết mỗi khóa học kéo dài 14 tháng và mỗi tháng chỉ cần tập họp tại lớp khoảng 2 ngày với các giảng viên người Mỹ và Malaysia. Với họ thì nội dung giảng dạy khá dễ vì có người thông dịch sang tiếng Việt.
Báo Tuổi Trẻ cũng cho rằng các lớp học của Viện KT&QTDN thu hút nhờ hình thức rỉ tai nhau, người học rồi quảng bá cho người khác. Nhờ vậy mà số giảng viên các trường cao đẳng, đại học Việt Nam đến ghi danh học ngày càng đông.
Vẫn theo báo Tuổi Trẻ, một số học viên đã bỏ lớp khi nghe tin Viện KT&QTDN là cơ sở “chui” và bị ông cục trưởng Cục Ðào Tạo Với Nước Ngoài của Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo Việt Nam, Nguyễn Xuân Vang, dọa không công nhận bằng cấp.
Ông Lê Thanh Bình còn tâm sự, sẽ biến bằng tốt nghiệp của mình thành “món quà kỷ niệm” và cho rằng việc mỗi người tự chi tiền để tìm kiếm kiến thức chuyên môn là một điều tốt.
Và không ai biết kiến thức chuyên môn kiểu đó là kiến thức gì chỉ được “nghe dạy” qua vài buổi “nghe dịch” và “sâu” đến đâu.
Trong khi đó, ông Lâm Tường Thoại, trưởng phòng đào tạo của trường Ðại Học Kinh Tế Sài Gòn cho biết sẽ “công nhận và tiếp nhận, bổ nhiệm người có bằng tiến sĩ Viện KT&QTDN về dạy tại trường bởi họ có lợi thế tiếng Anh so với nhiều giảng viên khác.”
Tin này đã làm bùng lên dư luận ồn ào chỉ trích Bộ Giáo Dục Việt Nam chậm chân và lạc hậu trước nhu cầu thực tế của xã hội. Có người còn cho rằng Viện KT&QTDN đã dám làm hành động để đáp ứng cơn khát kiến thức của người đi học. Ý kiến khác bênh vực cho Viện KT&QTDN khi cho rằng người ta tốn kém rất nhiều mới được cấp một giấy phép mở trường đại học. Tình thế đó làm tăng chi phí hoạt động, ảnh hưởng tới học phí của người đi học và đương nhiên ảnh hưởng tới thực chất hoạt động của nhà trường.
Cần một tấm bằng cấp để thăng quan tiến chức ở Việt Nam là một nhu cầu thiết thân của các đảng viên đảng CSVN nên đã đẻ ra nhu cầu mua những tấm bằng dỏm từ những tổ chức lường gạt chuyên bán các tấm bằng ngang giá trị giấy lộn.
Mới đây, ông Thứ Trưởng Bộ Y Tế Cao Minh Quang bị Bộ Giáo Dục Hà Nội từ chối công nhận cái chứng chỉ ông được một đại học ở Thụy Ðiển cấp “Licentiatexamen” là “bằng tiến sĩ.” Nó chỉ là chứng chỉ trung cấp giữa cử nhân và tiến sĩ, nhưng ông Quang đã in danh thiếp để quảng cáo mình là tiến sĩ được khoa.
Hồi tháng 7, ông Vũ Viết Ngoạn được cử làm chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia CSVN. Trên bản tiểu sử của ông công bố trên báo chí thấy nói ông tốt nghiệp “Tiến sĩ Tài chính học” ở Ðại Học Lasalle Hoa Kỳ. Cái trường Ðại Học Lasalle mà ông Ngoạn học là một tổ chức ở Louisiana cung cấp bằng dỏm cho những ai có nhu cầu lòe bịp người khác hoặc có nhu cầu lường gạt. Ðến nay, vẫn thấy ông Ngoạn ngồi vững trên cái ghế tương đương cấp bộ trưởng.
0 comments:
Post a Comment