Thursday, April 14, 2011

Tuyên truyền chống nước khác" - lời đáp cho "HS.TS.VN

Nguyễn Hướng Đạo - Xét về mặt quan hệ quốc tế, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia độc lập với nhau, như giữa các nước khác. Mỗi lần Việt Nam bỏ tù một nhà hoạt động chính trị, nước ngoài lên tiếng phản đối thì Bộ Ngoại Giao Việt Nam phản đối "can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam". Vậy tại sao Trung Quốc lại có thể yêu cầu xét xử hai công dân này?...

Tuần rồi, có hai diễn biến luật pháp tại Hà Nội đối với quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận. Đầu tuần (04/04) là phiên tòa đối với tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ và cuối tuần (08/04) là cáo trạng truy tố hai môn đệ Pháp Luân Công vì dùng sóng phát thanh đưa thông tin về giáo phái sang Trung Quốc.

Hai người bị khởi tố là Vũ Đức Trung và Lê Trung Thành, đều cư ngụ tại Hà Nội. Theo nguồn tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cáo trạng về "hành vi đưa thông tin trái phép lên mạng viễn thông" của hai ông này được ban hành hôm 25/02. Phiên tòa dự kiến diễn ra hôm 08/04 nhưng bị hoãn và không có thông báo ngày xét xử lại cụ thể.

Sự thực, hai ông Trung và Thành đã vi phạm quy định của Việt Nam về việc phát thanh qua sóng vô tuyến. Để được dùng một tần số FM như ông Trung, Thành, lẽ ra hai ông phải đăng kí với chính quyền. Tuy nhiên, vì sao họ lại không thực hiện thủ tục đó? Phải chăng là sẽ gặp trở ngại. Đúng vậy, chắc chắn họ sẽ bị ngăn cản nếu tiến hành đúng thủ tục trên.

Bản tin ngày 26/02 của báo Pháp Luật TP cho biết: "Trước đó, năm 2007, Trung đã móc nối với hai người Đài Loan lắp đặt hệ thống phát sóng radio tuyên truyền chống lại nước khác".

"Tuyên truyền chống lại nước khác", đó mới chính là điểm chủ chốt của vụ án này. Thực tế, Việt Nam đã không hề phát giác hoạt động của Trung, Thành cho đến khi đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội thông báo và đề nghị xử lý. Điều này khiến dư luận quan ngại tòa án bị Trung Quốc gây áp lực.

Xét về mặt quan hệ quốc tế, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia độc lập với nhau, như giữa các nước khác. Mỗi lần Việt Nam bỏ tù một nhà hoạt động chính trị, nước ngoài lên tiếng phản đối thì Bộ Ngoại Giao Việt Nam phản đối "can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam". Vậy tại sao Trung Quốc lại có thể yêu cầu xét xử hai công dân này?

Xét về hành vi "đưa thông tin trái phép", hai ông Trung, Thành tối đa chỉ bị phạt hành chính vì sóng radio được dùng là sóng ngắn, không ảnh hưởng được tới mạng thông tin quốc phòng hay là các cơ quan truyền thông khác. Vậy lí do hai ông bị truy tố trách nhiệm hình sự là "tuyên truyền chống lại nước khác".

Nước khác ở đây chính là chính quyền Trung Quốc vì hoạt động và thông tin của Trung, Thành là bất lợi cho chính quyền này. Cũng cần nói thêm, pháp môn Pháp Luân Công bị chính quyền Trung Quốc coi là "tà giáo" và cấm hoạt động do sức ảnh hưởng của nó quá lớn gây lo ngại cho giới lãnh đạo nước này. Các đệ tử bị bắt giam bí mật, tra tấn và ngược đãi, người dân bị cấm tham gia. Những vấn đề này lâu nay thế giới vẫn quan tâm, phản đối. Nhiều người đã yêu cầu Trung Quốc ngừng đàn áp Pháp Luân Công, trong đó có cả các đệ tử của môn pháp này khắp nơi trên thế giới. Ngoài việc biểu tình, vận động người ta còn lắp các trạm phát sóng hướng sang Trung Quốc nhằm nêu lên hiện tình này với người dân, tránh để khách quan nơi đây hiểu sai về môn pháp. Hai ông Vũ Đức Trung và Lê Trung Thành làm việc tương tự.

Thế nhưng, Pháp Luân Công bị cấm ở Trung Quốc chứ Việt Nam không cấm, tại sao Việt Nam lại phải quan tâm, xử lí nếu không có áp lực từ bên Trung Quốc cũng như chính khách thân Trung tại Việt Nam.

Người ta tự hỏi, những chính khách này là ai? Câu trả lời nằm ở bản tin của báo Pháp luật TP và được cả hệ thống truyền thông Nhà nước đưa lại. Báo này nói: "Theo cơ quan điều tra, hành vi trên của các bị can đã gây nhiều ảnh hưởng đến một số tần số liên lạc nghiệp vụ của Đảng và Nhà nước". Như đã nói, sóng FM của hai ông Trung, Thành không thể ảnh hưởng tới các làn sóng radio khác vậy thì cũng không thể ảnh hưởng tới "tần số liên lạc nghiệp vụ của Đảng và Nhà Nước". Có chăng, hoạt động này của hai ông sẽ làm Trung Quốc khó chịu, khiến một vài quan chức thân Trung gặp khó khăn để trục lợi từ mối quan hệ Việt-Trung.

Vụ án "tuyên truyền chống nước khác" cũng mở ra một lời giải đáp cho vấn đề khó hiểu bấy lâu nay ở Việt Nam. Từ năm 2008, các cuộc biểu tình "chống Trung Quốc xâm lược" trước đại sứ quán Trung Quốc đều bị đàn áp, người tham dự bị gây khó dễ, thậm chí bắt giam như blogger Điếu Cày. Sau đó, rải rác những người treo khẩu hiệu "Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam" bị gây phiền hà, cầm tù như cô Phạm Thanh Nghiên. Gần đây, phong trào viết chữ "HS.TS.VN" cũng như rải truyền đơn đều bị điều tra gắt gao. Người ta luôn thắc mắc tại sao chính quyền Việt Nam lại khó khăn với hành động yêu nước như vậy? Có nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng cho đến giờ, người ta mới hiểu, đó là vì có cái gọi là tội danh "tuyền truyền chống lại nước khác" trong ngành tư pháp và lập pháp Việt Nam.

Giờ đây, người dân Việt Nam đi giúp dân nước khác hay yêu nước Việt cũng nên cẩn thận xem mình có "tuyên truyền chống lại nước khác" hay không. Trong Hiến pháp và các bộ luật Việt Nam, không có điều khoản nào liên quan tới tội danh này nhưng bên chính quyền và công an thì lại có. Cần phải cẩn thận!

Nam Định ngày 14 tháng 04 năm 2011

Nguyễn Hướng Đạo - blogger Conmatthuba

0 comments:

Powered By Blogger