Những ngày cuối cùng cúa cuộc chiến, Thiết Đoàn 5 KB và SD 18 BB đã đánh một trận để đời tại Xuân Lộc , Long Khánh . Trận đánh là một trong những trận chiến hào hùng nhất của QLVNCH . Trận đánh đã làm nức lòng và được toàn dân ngưởng mộ. Qua ngòi bút tài hoa của Đại Uý Vũ Đình Lưu , Chi Đoàn Trưởng CD 2/5 Thiết Kỵ, cho chúng ta thấy sự chiến đấu dũng mãnh , sự hy sinh mà không bút mức nào diễn tả được trong một trận đánh mà sự chênh lệch về quân số tham chiến và vũ khí quá lớn giữa ta và địch . Trận chiến cô đơn, nhưng hào hùng trong một tình thế tuyệt vọng tại Long Khánh đã “khép lại” tạm thời Chiến sữ QLVNCH .

Một hình ảnh tuyệt đẹp và uy nghiêm là hình ảnh toàn thể Kỵ Binh CD 2/5 TK, giữa chiến trường máu lửa, đã đứng nghiêm chào kính để đưa tiển những đồng đội về nơi an nghĩ cuối cùng sau khi đã làm tròn nhiệm vụ của người trai trong cơn binh lửa

Xin trân trọng giới thiệu Bút ký chiến trường: Quốc lộ 20, Hành Lang Tử Thần, tác giả Đại Uý KB Vũ Đình Lưu, Chi Đoàn Trưởng chi đoàn 2/5 thiết kỵ , cùng quý độc giả , Quý Chiến Hữu và những Kỵ Binh can trường để nhớ lại một thời chinh chiến điêu linh.


Quốc lộ 20, Hành Lang Tử Thần
Thiết Giáp Tại Mặt Trận Tây Bắc Xuân Lộc, Tháng 4/1975

Bút Ký Chiến Trường: Kỵ Binh Vũ Ðình Lưu





Sau khi chiếm Tây nguyên, đại binh Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) gồm hàng chục sư đoàn Bộ Binh có chiến xa và trọng pháo yểm trợ đã lần lượt chiếm các tỉnh miền Trung và tiếp đến Phan Rang, Phan Thiết, Bình Tuy, Lâm Ðồng cũng rơi vào tay chúng

Cuối tháng 3 năm 1975, Quận Ðịnh Quán thuộc Tiểu Khu Long Khánh bị tràn ngập bởi Sư Ðoàn 341 CSBV. Lực Lượng Ðặc Nhiệm 52 (LLÐN 52) được thành lập, án ngữ tại xã Túc Trưng (trên quốc lộ 20 cách ngã ba Dầu Giây 25 km về hướng Bắc), để ngăn chận bước tiến của địch gồm các đơn vị trực thuộc Sư Ðoàn 18 Bộ Binh như sau:

* Trung Ðoàn 52 Bộ Binh (Ðại Tá Ngô Kỳ Dũng chỉ huy, cũng là chiến đoàn trưởng), với 3 tiểu đoàn:

- Tiểu đoàn 1/52 (Thiếu Tá Cam Phú, tiểu đoàn trưởng)
- Tiểu đoàn 2/52 (Ðại Úy Huỳnh Văn Út, tiểu đoàn trưởng)
- Tiểu đoàn 3/52 (Thiếu Tá Phan Tấn Mỹ, tiểu đoàn trưởng)
- Thiết đoàn 5 kỵ binh (Trung Tá Trần Văn Nô, thiết đoàn trưởng)

- Chi đoàn 1/5 chiến xa (Ðại Úy Lê Ðức Việt, chi đoàn trưởng)
- Chi đoàn 2/5 thiết kỵ (Ðại Úy Vũ Ðình Lưu, chi đoàn trưởng)
- Chi đoàn 3/5 thiết kỵ (Ðại Úy Lê Sơn, chi đoàn trưởng)
- Tiểu Ðoàn 182 Pháo Binh
- Lực lượng tăng phái: Công binh và đơn vị hỏa tiễn TOW
- Ðịa Phương Quân: một tiểu đoàn và Nghĩa Quân thuộc Tiểu Khu Long Khánh

Lực Lượng Ðặc Nhiệm 52 được thành lập nhằm ngăn chặn đại binh CSBV đang tiến công dữ dội về hướng Nam (Biên Hòa, Saigon). Chiến trường khốc liệt máu lửa chính của những ngày tháng 4 là địa danh ngã ba Dầu Giây, cũng là giao điểm của quốc lộ 1 và quốc lộ 20 cách thị xã Xuân Lộc 12 km về hướng Tây.

Vùng Túc Trưng, Kiệm Tân Gia Kiệm là vùng đất đỏ miền Ðông trù phú, với vườn cao su bạt ngàn và ruộng rẫy xanh tươi. Cư dân phân nữa là công nhân cạo mủ cho đồn điền cao su và xen kẽ là nhũng rẫy cà phê xanh tươi bát ngát, những vườn sầu riêng, chôm chôm, xoài và các loại trái cây khác của nông dân bản địa. Họ là những người miền Bắc di cư năm 1954. Sau bao năm dài thanh bình thịnh vượng của miền Nam tự do, nay lại phải tức tưởi gồng gánh lánh nạn cộng sản một lần nữa. Trước mắt tôi, dài theo QL 20 xuôi về hướng Biên Hòa Sài Gòn cả dòng người chạy giặc bằng mọi phương tiện từ thô sơ đến cơ giới. Chiếc xe gắn máy hai bánh phải chở đến 4, 5 người nheo nhóc trẻ con. Chiếc xe lam cong cả nhíp với bao người đu bám xung quanh. Xe bò, xe trâu, xe thồ tấp nập di chuyển về một chiều. Tất cả cùng một hướng xuôi Nam, nơi họ tin tưởng rằng còn là phần đất tự do được bảo vệ, che chở bởi người lính Việt Nam Cộng Hòa. Trên tất cả mọi khuôn mặt từ những ông bà già đến đứa trẻ con đều lộ vẻ hốt hoảng, nặng trĩu lo âu không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho gia đình họ trong những ngày sắp tới.

Ðêm 3 tháng 4 năm 1975, trời vừa tối, một trung đoàn của Sư Ðoàn 341 CSBV tấn công vào đồn Ðịa Phương Quân ở cầu La Ngà thuộc Chi khu Ðịnh Quán, tỉnh Long Khánh. Lực lượng trú phòng một tiểu đoàn trừ bị và một chi đội Thiết Vận Xa M113 (thuộc CÐ 2/5 TK) bảo vệ cầu La Ngà (cầu La Ngà nằm trên quốc lộ 20 cách ngã ba Dầu Giây 29 km về hướng Bắc). Chúng pháo kích ác liệt suốt đêm và sau đó là tấn công biển người. Rạng sáng ngày 4 tháng 4, Thiếu Úy Nho – chi đội trưởng M113 Thiết Kỵ – báo cáo cho tôi (chi đoàn trưởng Chi Ðoàn 2/5 thiết kỵ): “2 xe M113 bị bắn cháy, đồn Ðịa Phương Quân bị tràn ngập, địch đang cận kề.” Tôi ra lệnh cho Th/úy Nho dùng hết hỏa lực chống trả và rút lui bằng đường rừng theo cánh rừng chồi xuôi về phía Túc Trưng nơi có quân bạn. Chi đội này có 4 xe 113 thì 2 xe bị bắn cháy, 2 xe bất khiển dụng vì bị bắn đứt xích. Th/úy Nho cũng đã dụ địch bằng hai M113 bất khiển dụng. Ông lệnh cho anh em binh sĩ dùng dây thun cột mỏ vịt 2 trái lựu đạn rồi rút chốt bỏ vào thùng xăng, một lúc sau hai chiếc M113 cháy nổ dữ dội. Hơn nửa giờ, Chi Ðoàn 2/5 Thiết Kỵ đã đến bắt tay với chi đội và một trung đội Ðịa Phương Quân trở về Túc Trưng. Riêng phần chi đội thiệt hại 4 xe M113 và 5 hy sinh và bị thương.

Ngày 5 tháng 4, 1975, địch bao vây thị xã Xuân Lộc. Thiết Ðoàn 5 Kỵ Binh được lịnh rút về Long Khánh để tăng cường phòng thủ Xuân Lộc. Chỉ còn Chi Ðoàn 2/5 Thiết Kỵ và 1 chi đội chiến xa M41 của Chi Ðoàn 1/5 CX ở lại tiếp tục tăng phái cho LLÐN 52.

Cầu La Ngà đã bị chiếm, áp lực của địch rất nặng nề với khoảng cách chỉ còn 9 km từ cầu La Ngà đến Túc Trưng nên ngày 8 tháng 4, 1975 Lực Lượng Ðặc Nhiệm 52 lui binh về hướng Nam lập căn cứ dã chiến tại ấp Nguyễn Thái Học, nằm trên QL 20 cách ngã ba Dầu Giây 4km về hướng Bắc. Ðây là một ấp nhỏ, chung quanh là vườn cao su bạt ngàn. Dân cư phần lớn là phu cạo mủ của đồn điền, một số nhỏ là nông dân làm các rẫy cây ăn trái ven lộ. Hầu hết dân chúng đã di tản khỏi ấp khi thấy chiến trận đã cận kề.

Ngày 9 tháng 4, 1975, Quân Ðoàn 4 của CSBV bắt đầu mở cuộc tấn công vào thị xã Xuân Lộc với cường độ khốc liệt tiền pháo hậu xung.

Ngày 11 tháng 4, 1975, Tiểu Ðoàn 2/52 tăng cường bảo vệ Xuân Lộc. Thời điểm này, LLÐN52 chỉ còn 2 tiểu đoàn Bộ Binh, Chi Ðoàn 2/5 Thiết Kỵ 1, chi đội chiến xa M41, Ðại Ðội 52 Trinh Sát, Tiểu Ðoàn Pháo Binh 182, Công Binh và đơn vị hỏa tiễn TOW; đối diện với Sư Ðoàn 341 CSBV tăng cường chiến xa và pháo tầm xa.

Ngày 12 tháng 4, Chi Ðoàn 2/5 và một đại đội của Tiểu Ðoàn 1/52 (trừ bị) hành quân mở rộng phòng tuyến an ninh xuống ngã ba Dầu Giây. Chi đoàn băng qua vườn cao su di chuyển lên hướng Ðông (Long Khánh) dọc theo phía Nam quốc lộ 1 cạnh khu nhà Tây (ấp Trần Hưng Ðạo, dân địa phương còn gọi là ấp 97, cách ngã ba Dầu Giây 4km). Bất ngờ đụng phải một lực lượng CSBV phòng thủ kiên cố, cuộc giao tranh cực kỳ quyết liệt. Sau hơn nửa giờ, một Thiết Vận Xa M113 của Thiếu Úy Sơn bị bắn cháy, Thiếu Úy Sơn thoát thân ra ngoài với thân thể bốc lửa. Phía Nam của đội hình chi đoàn xe của Thiếu Úy Chiến cũng trúng đạn, Thiếu Úy Chiến và Binh Nhất Thành hy sinh. Tuy vậy, kỵ mã sắt vẫn còn khả năng tác chiến dưới sự điều động của Trung Sĩ Hiếu, một hạ sĩ quan hành quân dày dạn kinh nghiệm mặc dù đã bị thương, vừa bắn trả vừa lui lại phía sau. Sau nhiều giờ giằng co, chi đoàn lùi về hướng ngã ba Dầu Giây và bố trí phòng thủ đêm trong rừng cao su tại đây. Một đêm không thể chợp mắt được vì phía xa, hàng trăm ánh đèn soi sáng chập chờn. Tôi bảo thiếu úy tiền sát viên pháo binh xin pháo. Khi tiếng “depart” pháo thì ánh sáng đèn tắt ngấm, sau loạt pháo chúng lại tiếp tục soi đèn. Tôi bồn chồn đi vội lại xem tình hình anh em hy sinh và bị thương. Tổng kết ngày hôm đó, chi đoàn 3 hy sinh, 3 bị thương. Bên phía Bộ Binh 2 hy sinh và 4 bị thương nằm rải rác trong các xe. Quỳ xuống gốc cây cao su, tôi làm dấu Thánh Giá và cầu nguyện cho linh hồn các anh sớm về chốn bình yên vĩnh hằng. Các anh đã trả nợ nước non, tôi cầu xin các anh che chở cho những người còn lại thoát khỏi cơn hiểm nguy còn chập chùng trước mặt. Vĩnh biệt các anh với đôi mắt ngấn lệ. Nhưng đêm đó địch không đánh, có thể vì chưa biết chính xác vị trí của chúng tôi.

Ngày 13 tháng 4, 1975, lực lượng chúng tôi lại lùi về hướng căn cứ Bộ Chỉ Huy Chiến Ðoàn LLÐN ở ấp Nguyễn Thái Học và tái bố trí phòng thủ trong rừng cao su cách Căn cứ 1.5 km, cạnh QL 20. Ðến trưa, chúng tôi lại hứng pháo, CSBV pháo từng chập, đạn nổ khắp nơi, xung quanh, trên đầu, những cành lá cao su và miểng đạn bay tung tóe. Hạ sĩ Thảo, Hiệu thính viên Truyền Tin đã ngã gục trên người tôi, máu anh đã nhuộm đỏ bộ quân phục màu xanh của tôi. Sau tiền pháo là hậu xung, chúng ồ ạt tấn công. Với địa hình đã chuẩn bị sẵn sàng, Thiết Giáp bố trí vòng tròn, Bộ Binh đào hầm sâu xen kẽ, chúng tôi sẵn sàng chờ địch tới. Cường độ trận đánh thật ác liệt, địch ẩn núp sau các gốc cây cao su to, hết lớp này đến lớp khác bò tới, Thiết Giáp bắn đỏ nòng các khẩu đại liên 50 và 30. Khói súng không thoát khỏi các tàng cao su dày đặc, mờ mờ như màn sương. Hơn 1 giờ giao tranh, với lòng quả cảm và kinh nghiệm chiến đấu Kỵ Binh và Bộ Binh đã đẩy lùi được địch. CSBV rút lui với tổn thất nặng nề. Xác địch nằm rải rác trong vườn cao su từ gần đến xa, đếm không xuể. Bộ Binh lao lên thu chiến lợi phẩm gom thành một đống cao đủ loại vũ khí. Tinh thần mọi binh sĩ cả Thiết Giáp và Bộ Binh lên cao, hăng hái sau nhiều ngày lui binh từ chết đến bị thương. Số vũ khí tịch thu được tôi cho 1 chiến xa M41 cán nát vì có giữ cũng vô ích, cần chỗ trong xe để chở thêm đạn dược, xăng dầu, lương khô sẵn sàng cho những ngày sắp tới.

Trinh sát báo về, địch quân chỉ còn cách căn cứ không đầy 2km. Tôi gọi 18 (danh hiệu truyền tin của Ðại Tá Ngô Kỳ Dũng) xin chi đoàn về bố trí phòng thủ ở Bộ Chỉ Huy Chiến Ðoàn (LLÐN 52) để tải thương và tiếp tế. Chúng tôi về và bố trí các xe thành một vòng cung rìa ấp Nguyễn Thái Học, giữa các xe là Bộ Binh của Ðại Ðội 52 Trinh Sát. Công việc xong lúc 6 giờ tối.

Ðêm đó, 13 tháng 4, ngã ba Dầu Giây được phòng thủ bởi Tiểu Ðoàn1/52 Trừ Bị, Sư Ðoàn 6 CSBV tràn ngập. Mất ngã ba Dầu Giây, toàn bộ lực lượng Ðặc Nhiệm 52 còn lại như cá nằm trên thớt, tứ bề thọ địch. Trên QL20 địch đã tiếp cận đơn vị chúng tôi. Phía Nam trên QL1, địch đã chiếm ấp Trần Hưng Ðạo và giao tranh với chúng tôi trọn ngày hôm qua. Ðêm nay lại mất Dầu Giây nữa. Tình hình mặt trận chắc còn tệ hơn lực lượng Pháp đóng tại Ðiện Biên Phủ vào năm 1954.

Ngày 14 tháng 4, 1975, một ngày yên bình hiếm hoi, sáng dậy tôi mới biết là mình còn sống. Tôi xin trực thăng tản thương, tiếp tế xăng dầu, đạn dược lương khô được chở theo bằng xe M548 (một loại xe tải chạy bằng xích) và GMC. Tôi cho anh em kiểm tra bảo trì xe, vũ khí sau 2 ngày liên tục quần thảo với CSBV, sẵn sàng cho một cuộc giao tranh mới.

Tôi cùng các đơn vị trưởng trực thuộc có cuộc họp khẩn cấp tại Trung Tâm Hành Quân của LLÐN 52. Nơi họp là một căn hầm kiên cố do Công Binh xây dựng vách dày 1 mét, nóc với hàng chục lớp bao cát. Sau cuộc họp tôi được biết tình hình vô cùng nguy ngập. Trên tấm bản đồ Hành quân nhiều ký hiệu màu đỏ chỉ LLCSBV đang bao vây và tiếp cận chúng tôi gồm Sư Ðoàn 341, Sư Ðoàn 6, Trung Ðoàn 95 thuộc Sư Ðoàn 325, 2 Trung Ðoàn Ðịa phương 33 và 274.

Trong khi đó LLÐN52 thì có Tiểu Ðoàn 1/52 kiệt sức và thiệt hại nặng (200 hy sinh và bị thương). Tiểu đoàn 3/52 trấn giữ đồi Móng Ngựa (hướng Tây Bắc cách Xuân Lộc 12km) để yểm trợ Bộ chỉ huy LLÐN52. Một trung đội hỏa tiễn TOW. Chi đoàn 2/5 Thiết Kỵ, Ðại Ðội 52 Trinh Sát, Pháo Binh, Công Binh.

So sánh lực lượng thì quân số CSBV 20 còn quân ta chỉ có 1. Ðịch dùng lực lượng áp đảo này để mong xóa sổ toàn bộ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở đây, để mở đường cho đại binh CSBV tiến chiếm Saigon.

Trong những ngày kịch chiến vừa qua, chỉ có Pháo Binh yểm trợ cầm chừng vì mặt trận Xuân Lộc đang hồi quyết liệt, nên tất cả các phi tuần oanh tạc đều tập trung vào đó. Ðơn vị tiếp ứng là Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh thì bị chận đứng tại ấp Hưng Nghĩa hai ngày không tiến lên hướng Dầu Giây nổi. Trên QL1, địch quân bao vây thị xã Xuân Lộc và khống chế một đoạn đường dài 20km từ ngã ba Cua Heo ven thị xã Xuân Lộc đến ấp Hưng Nghĩa thuộc xã Hưng Lộc. Phía QL20, địch quân chiếm toàn bộ tỉnh Lâm Ðồng, Chi Khu Ðịnh Quán, Túc Trưng, Gia Kiệm. Lực lượng ta như một ốc đảo trên sa mạc, bốn bề là địch quân.

Ra khỏi phòng họp hành quân, tôi không về xe vội. Ngồi xuống 1 thân cây ngã, lấy thuốc ra hút. Miệng cay xè, râu ria tua tủa vì mấy đêm không ngủ. Nhìn về hướng chi đoàn các binh sĩ đang tất bật lau chùi vũ khí chuẩn bị cho trận kịch chiến sắp tới, biết chắc là sẽ xảy ra, bất cứ lúc nào, hôm nay, ngày mai. Cường độ đánh sắp tới chắc sẽ vô cùng khốc liệt, ai còn, ai mất? Ðem thân làm lính Kỵ Binh thì ngày xưa lấy da ngựa bọc thây, ngày nay nguyện chết trong lòng xe bọc thép. Bất giác tôi nhớ đến 4 câu thơ cổ của Tàu mà bây giờ không còn nhớ tên tác giả:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mặc tiếu ?
Cổ lai chinh chiến kỹ nhân hồi

(Bồ đào chén ngọc khuyên mời
Tiếng tỳ trên ngựa dục người ra đi
Sa trường nghiêng ngả cười chi?
Xưa nay chinh chiến mấy khi trở về)

Dòng suy nghĩ miên man, thân nhân của đồng đội tôi sẽ đau khổ như thế nào khi biết chồng con họ không bao giờ trở lại sau tấm thảm kịch này? Nghĩ đến H. người vợ hiền thục, thủy chung tháng nào cũng lặn lội thăm chồng trong vùng hành quân xa xôi: Tây Ninh, Rạch Bắp, Dầu Tiếng, Bình Giã, Căn cứ 4… Thằng bé D. mới vừa 3 tuổi và con bé L. 2 tuổi, cứ thấy cha cười toe toét đòi bồng. H. ơi! Liệu anh có về được để gặp em và 2 con không?

Về lại xe tôi gọi các sĩ quan chi đội trưởng phổ biến tình hình. Gương mặt mọi người nặng trĩu nhưng không ai lộ vẻ hốt hoảng, hoang mang. Chấp nhận đối mặt với mọi tình huống xấu nhất! Ðêm đó toàn thể quân nhân từ Kỵ Binh đến Bộ Binh, Pháo Binh. Từ cấp chỉ huy cao nhất đến anh tân binh vừa bổ sung đơn vị tuần qua đều không ai ngủ được, căng mắt nhìn bóng đêm. Bóng dáng tử thần lảng vảng mọi nơi, trên không trung, từ hàng trăm gốc cao su già mập mờ trong màn sương, từ những tàng cây rậm rạp ven suối… Nhưng đêm đó Cộng quân không tấn công. Ðịnh chơi trò hú tim sao đây?

Con suối Gia Nhan rộng chừng 10 mét, chảy vòng cung ôm trọn hướng Nam và Tây Bắc ấp Nguyễn Thái Học, bọc lấy Ðồi Móng Ngựa; mùa này khô cạn, nước chảy róc rách. Hai bên bờ là cây cối rậm rạp, chằng chịt dây leo, rất dễ cho địch quân len lỏi tiếp cận đơn vị chúng tôi.

Ngày 15 tháng 4, 1975, ngày dài nhất đã đến. Rạng sáng, đồi Móng Ngựa nơi đóng quân dã chiến của Tiểu Ðoàn 3/52 hứng pháo, lúc càng dồn dập. Pháo 130 ly, hỏa tiễn 122 ly, cối 82 ly từ nhiều hướng nổ chụp lên đồi Móng Ngựa. Cả ngàn trái trên vị trí diện tích chưa đầy 5km vuông. Sau chừng 1 giờ mưa pháo, Trung Ðoàn 95 của Sư Ðoàn 325 CSBV tấn công biển người vào vị trí phòng thủ của Tiểu Ðoàn 3/52 từ ven suối Gia Nhan. Các pháo đội của Tiểu Ðoàn Pháo Binh 182 bắn yểm trợ tối đa từ căn cứ ấp Nguyễn Thái Học. Nhưng không bao lâu chính vị trí Pháo Binh của TÐ 182 PB cũng bị đè bẹp bởi mưa pháo 130 ly và hỏa tiễn 122 của CSBV, hết phương yểm trợ cho Tiểu Ðoàn 3/52. Tới trưa sau hơn 4 giờ giằng co từng mét đất, đồi Móng Ngựa bị tràn ngập. Những lời yêu cầu tuyệt vọng của các đại đội trưởng của TÐ 3/52: Trung Úy Nguyễn Thanh Trường, Trung Úy Mai Mạnh Liêu mà tôi nghe được qua hệ thống truyền tin của LLÐN52, xin phi pháo dội nát đồi Móng ngựa, Pháo Binh cứ bắn lên đầu họ, họ đã bị tràn ngập. Lời yêu cầu lặp đi lặp lại vài lần rồi tắt hẳn. Tôi ứa nước mắt khi nghe những lời yêu cầu này. Thật là bi hùng, mã thượng. Các cao điểm bảo vệ Bộ Chỉ Huy Chiến Ðoàn đã hoàn toàn bị địch khống chế. Tới 4 giờ chiều, Ban Chỉ Huy Tiểu Ðoàn 3/52 len lỏi địa thế rậm rạp rút được về bố trí tại phía Tây quốc lộ 20, gần ấp Nguyễn Thái Học.

Mất Ðồi Móng Ngựa, căn cứ chiến đoàn bị pháo liên tục. Mặt khác, Sư Ðoàn 6 CSBV được bổ sung thêm 2 Trung Ðoàn địa phương là Trung Ðoàn 33 và 274 bắt đầu tấn công căn cứ chiến đoàn từ hướng Nam, Ðông và hướng Bắc là hướng Ðồi Móng Nhựa vừa chiếm được. Bắt đầu 1 giờ chiều, căn cứ nằm trong biển lửa, hàng ngàn quả pháo đủ loại dội lên đầu chúng tôi. Khoảng 2 giờ trưa, hầm của Bộ Chỉ Huy Chiến Ðoàn hứng hàng chục quả đạn pháo 130 ly chính xác nên sụp đổ. Như một trận đại hồng thủy đổ ập xuống Bộ Chỉ Huy Căn Cứ, Tôi đứng trong xe, nhìn thấy toàn bộ Bộ Chỉ Huy chạy băng qua bên kia quốc lộ 20 vào vườn cao su.

Và tiếp theo, địch bắt đầu tấn công chúng tôi, dưới ánh nắng gay gắt. Bò sau hàng trăm gốc cao su già tiến tới, len lỏi bờ suối chạy lên. Sau hàng chục quả mìn định hướng (mìn Claymore) được kích hỏa nổ vang trời,và tiếp theo, 4 khẩu đại bác76 ly của chi đội chiến xa M41, 20 khẩu đại liên 50, 40 khẩu đại liên 30, 3 khẩu cối 81 ly, 3 khẩu 106 ly không giật và hàng trăm vũ khí cá nhân, M16, M79 của Bộ Binh đồng loạt khai hỏa vang cả một góc trời chiến địa. Bên kia, từng lớp từng lớp người như những con thiêu thân, lao lên và ngã gục. Cơn cuồng phong dữ dội không quật nổi tinh thần quyết chiến của con cháu Thánh Gióng. Giữa hỗn độn âm thanh súng đạn của ta của địch, tôi nhận được báo cáo một chiến xa M41 và một M113 bị bắn cháy, một M113 bị đứt xích vì B40. Tuyến một của Ðại Ðội 52 Trinh Sát đã bị cày nát. Phía sau xe chỉ huy của tôi, chiếc M548 và chiếc GMC chở đạn cũng bị pháo trúng và bốc cháy. Rất may ngày hôm trước các xe này đã tiếp tế nhiên liệu và đạn cho tất cả xe trong chi đoàn, nếu bằng không trên 5,000 lít xăng dầu, cả tấn đạn các loại chắc chắn xe chỉ huy của tôi và vài chiếc M113 gần đó sẽ bị hỏa thiêu. Trong lúc vạn tử nhất sinh, Thiếu Tá Nguyễn Thanh Trước, Tiểu Ðoàn 182 Pháo Binh mặt mày đen sạm vì khói súng, cố gắng kéo hai khẩu 105 ly còn lại ra sát phòng tuyến trực xạ vào địch quân.

Tình thế cực kỳ hiểm nghèo, tôi buộc lòng phải liên lạc với Ðại Tá Ngô Kỳ Dũng chiến đoàn trưởng để xin lệnh rút lui, nguy ngập quá, trước sau gì cũng bể tuyến vì lực lượng địch quá đông và hung hãn. Lúc đó, Ðại Úy Mừng đại đội trưởng 52 Trinh Sát leo lên xe tôi và bảo: “Lưu ơi! Rút lui mày ơi.” Tôi với tay bịt miệng anh ta và nói: “Tao đang liên lạc với 18 (danh hiệu truyền tin của Ðại Tá Dũng) im chút coi.”

Hôm nay, Ðại Úy Mừng khác chi lạ. Cách đây hơn năm, ở Bến Cát, An Ðiền, Rạch Bắp, Ðại Úy Mừng ngày đó tự tin, giọng nói oang oang, tiếng cười sảng khoái. Nhìn ông bụi đất đầy người, bộ quân phục tác chiến lấm lem, nhàu nát, mặt mày như được vẽ màu ngụy trang trông te tua quá!

Tôi bảo Ðại Úy Mừng cho anh em lên xe gấp, kể cả bị thương và tử thương đều được đưa lên xe càng nhanh càng tốt rồi ra lệnh rút lui qua bên kia QL 20,vào vườn cao su. Ðoạn hậu là 3 xe M41 và 2 chi đội Thiết Kỵ dưới sự điều động của chi đoàn phó là Ðại Úy Hồ Thúc Hạ, và phá hủy chiếc M113 bất khiển dụng còn lại.

Xe chỉ huy của tôi vừa trờ qua chiếc xe Jeep bể bánh tôi nhìn thấy chú chó cưng Lucky nằm bẹp dưới gầm xe. Lòng tôi lại chợt nhói lên. Con chó cưng trung thành, hằng sáng thường cắn mùng đánh thức tôi dậy để khi tôi uống cà phê, rót cho nó 1 dĩa nhỏ cà phê bốc khói. Chó mà ghiền cà phê! Tôi nhờ anh xạ thủ đại liên xoay nòng qua, một loạt đạn bắn tung chiếc xe Jeep… Lúc đó, Ðại Úy Hạ cũng cho bắn cháy chiếc M113 và hai khẩu pháo 105 ly anh hùng.

May mắn làm sao, chi đoàn và đại đội Trinh Sát đã rút lui an toàn dưới làn mưa pháo của địch. Vừa vào sâu được trong vườn cao su phía Tây bên kia QL20 và bố trí xong, tôi liên lạc với Ðại Tá Dũng. Ông đến và lên xe tôi. Nếu không nhờ cặp lon đại tá trên bâu áo, tôi đã không nhận ra ông. Trước đây 24 giờ, ông oai phong,với giọng miền Nam ấm áp, rộn ràng, mệnh lệnh chắc nịch có phần cộc cằn. Ngay trước mắt tôi lúc đó, cả thân thể quần áo ông nhuộm đỏ màu đất và đen màu thuốc súng, lượm thượm chỉ có đôi mắt là sáng quắc đầy nghị lực. Ngay lập tức tôi cũng nhận ra mình hình dáng cũng không khác ông và Ðại Úy Mừng. Màu xanh olive của chiến bào nay đã thành màu loang lổ nâu đen đỏ lem luốt tả tơi. Chúng tôi trao đổi chừng 10 phút thì ngoài đường dầu, người dân chạy loạn báo là hàng đoàn chiến xa CSBV đang chạy xuống từ Gia Kiệm. Tiếp liền đó, một xe M113 lại bị bắn bởi 75 ly không giật. Ðến nay tôi nhớ mãi hình ảnh anh lính lái xe Nghiêm khôn ngoan và dũng cảm, đã lái chiếc xe ra khỏi đội hình phòng thủ chạy lẹ ra hướng quốc lộ 20, một khoảng xa.Tới đó anh liền nhảy ra khỏi xe thoát thân bằng cửa tài xế. Vừa chạy được khoảng 100 mét, chiếc M113 bật cháy ngùn ngụt.

Chưa bao giờ tôi có cái cảm giác vừa buồn vừa đau khổ như lúc nầy, miệng thì khô đắng, mắt cay xè. Chỉ trong 12 ngày chi đoàn mất 8 xe M113 và 1 xe M41, chỉ còn lại 15 xe. Ðịch quân nhất quyết xóa sổ chúng tôi. Hướng Ðông, nơi chúng tôi vừa lui quân, địch đã xuất hiện. Hướng Tây vườn cao su tức hướng ấp Bàu Hàm nhìn bằng mắt cũng thấy địch quân lố nhố. Hướng Bắc, tức hướng Gia Kiệm địch bắt đầu tấn công mạnh. Hướng Nam tức hướng ngã ba Dầu Giây súng nổ như bắp rang. Tứ bề thọ địch. Nếu còn chần chờ không quyết định nhanh, chúng tôi, LLÐN52 sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Ðịch quân đã bịt kín tất cả mọi nẻo đường. Tôi liền nghĩ ngay phải mở đường máu xuyên qua vòng vây. Nhìn qua Ðại Tá Dũng, tôi đọc được trong ánh mắt của ông. Chúng tôi gần như cùng nói một lúc: “Mở đướng máu.” Tôi vội vã cho lệnh Bộ Binh lên xe, gần xe nào lên xe ấy. Chúng tôi quyết định mở đường máu về phía Tây vườn cao xu hướng về ấp Bàu Hàm (một ấp nhỏ của người Nùng chuyên sống về nghề rẫy hoa màu phụ cách ngã ba Dầu Giây 7 km về hướng Tây Bắc).

Dựa vào hỏa lực mạnh, di chuyển nhanh của thiết giáp, và yếu tố bất ngờ, chúng tôi xuyên phá vòng vây. Ba chiến xa M41 dẫn đầu, các xe M113 bố trí trái, phải rồi cùng tiến về phía trước với đội hình quả trám. Cũng may vườn cao su non nên chiến xa dễ dàng cán rạp đè bẹp hầm hố địch. Tất cả các súng liên tiếp nhả đạn. Ðại bác 76 ly của chiến xa M41 hạ thấp nòng bắn trước đầu xe bằng đạn nổ, xới tung từng hầm hố. Hàng chục khẩu đại liên 50 và đại liên 30, hàng trăm cây M79 và M16 thi nhau bắn xối xả trước, bên hông xe để địch không ngóc đầu lên bắn B40 và đại bác 75 ly. Ðịch quân chống trả mãnh liệt nhưng thiết giáp càn qua đầu mà tiến chúng bung ra khỏi chốt chạy tán loạn và bị bắn hạ. May mắn thay, chi đoàn có 2 hạ sĩ quan trưởng xa và 2 anh tài xế là người địa phương trước làm rẫy ở ấp Bàu Hàm. Họ đóng góp quan trọng vào việc dẫn đoàn quân thoát nhanh và chính xác ra khỏi vòng vây địch quân. Vừa di chuyển vừa bắn. Không biết bao nhiêu trở ngại gặp phải: suối sâu, đá lớn, gốc cao su lớn vừa cưa chưa mục, lởm chởm dễ dàng làm trật xích chiến xa. Hỏa lực địch chống trả nặng nề nhất trong bề dày 500 mét đầu, tới gần bờ suối Bàu Hàm, áp lực nhẹ dần.

Hơn một giờ hành quân vượt thoát, lực lượng chúng tôi bắt tay được với Chi Ðoàn 1/18 Thiết Kỵ do Ðại Úy Hà Trung Hiếu bạn cùng khóa với tôi làm chi đoàn trưởng thuộc Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh. Ðến gần ấp Bàu Hàm, chúng tôi bố trí phòng thủ trong một khu rừng chồi thưa thớt. Xa xa,về hướng ấp Nguyễn Thái Học lửa còn cháy đỏ cả vòm trời. Lúc đó là 8 giờ tối ngày 15 tháng 4, 1975, một ngày dài nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi. Trên bầu trời hàng chục ánh hỏa châu treo lơ lửng cộng với khói, và những áng mây trôi lững lờ, tất cả quyện vào nhau tạo thành một thứ ánh sáng vàng vọt buồn phiền. Nơi đóng quân cây cối, xe cộ, bóng người lúc ẩn lúc hiện chập chờn ma quái.

Tôi mời Ðại tá Dũng ở lại xe, ăn cơm và nghỉ ngơi qua đêm. Ăn cơm gạo sấy nóng và cá Tuna. Thiết giáp lúc nào cũng được ăn cơm nóng, chỉ cần đổ nước vào bịch gạo sấy, treo ở nắp bô xe là có cơm nóng ăn khi tới chỗ dừng quân..

Người lính của tôi bưng ra một nón sắt đầy nước mời Ðại Tá Dũng và tôi rửa mặt. Hai người vội vàng bốc nước vào mặt để xóa bớt những bụi, khói mồ hôi bám dầy từ sáng đến giờ rồi ra tuyến phòng thủ. Ông và tôi đến từng chi đội để kiểm tra đôn đốc và quan trọng là khen ngợi để củng cố tinh thần anh em binh sĩ; Ở đó tất cả các y tá làm việc hết sức mình. Cả hai dừng lại từng xa đội để thăm hỏi.Những cảnh tượng quá đau thương. Tim tôi nhói lên mỗi khi những người lính Bộ Binh, Thiết Giáp, Pháo Binh rên rỉ. Họ cố gắng chịu đựng những cơn đau nhức. Vết thương đã được băng bó tạm thời nhưng cũng làm cho họ vô cùng đau đớn. Lòng tôi quặn thắt trước những chiến hữu đã hy sinh vì tổ quốc nằm gọn trong chiếc poncho buồn thảm. Trong các xe M113 nhiều thương binh, nhưng đã tối và tình hình còn nguy hiểm nên không thể tản thương được. Tôi ngậm ngùi trở về xe chỉ huy với Ðại Tá Dũng.

Hai người, Ðại Tá Dũng và tôi nhìn nhau rồi cúi mặt, cơm nuốt không vô mặc dù từ sáng sớm đến giờ không có gì bỏ bụng ngoài một ly cà phê nóng. Trong lòng dâng tràn nổi nghẹn ngào. LLÐN52 đã gánh vác một công việc quá lớn, quá tầm tay. Không được yểm trợ phi pháo, không được các đơn vị bạn tiếp cứu. Cơ sự đã thế này biết tỏ cùng ai! Tổng kết tình hình nhân lực vô cùng đau đớn, 3 phần 4 quân số bị thương hoặc hy sinh của Trung Ðoàn 52 Bộ Binh. Về thiết giáp, 9 chiến xa và M113 bị tiêu hủy, hơn 1/4 quân số bị loại ra khỏi vòng chiến đấu chỉ trong 12 ngày đêm. Canh bạc thua gần trắng tay. Ôi! phải chăng đây là đỉnh tột cùng của đau thương và nghiệt ngã đời lính? Chúng tôi không thể hình dung nổi ngày mai của cuộc chiến sẽ như thế nào, cho tôi và đồng đội thân yêu của tôi.

Ngày 16 tháng 4, 1975: Sáng sớm toàn bộ Chiến Ðoàn 52 còn lại di chuyển ra hương lộ đất đỏ nối liền QL1 và ấp Bàu Hàm. Chúng tôi vừa đến cùng một lúc với đoàn xe GMC và Hồng Thập Tự để tản thương và đưa Trung Ðoàn 52 Bộ Binh về Long Bình.

Tôi tiễn Ðại Tá Dũng đến tận xe jeep của ông, chào tạm biệt và bắt tay từ giã, ông bắt tay tôi thật chặt, thật lâu và nói hy vọng chúng ta còn gặp nhau trên cùng một chiến trường và cảm ơn với giọng trầm buồn. Nhưng vận nước nổi trôi, từ đó đến giờ tôi và ông chưa một lần gặp mặt. Tôi trở lại và đứng nghiêm trên xe, và hầu hết Kỵ Binh của chi đoàn đều đứng nghiêm đưa tay chào khi đoàn xe bắt đầu chuyển bánh. Chào vĩnh biệt các anh đã anh dũng hy sinh vì nước non, bây giờ các anh đang được vui sống muôn đời; “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” (Kinh Hòa Bình). Chào tạm biệt các anh đã hiên ngang chiến đấu, can trường xả thân vì dân tộc trong suốt thời gian 12 ngày đêm vừa qua cùng với Chi Ðoàn 2/5 Thiết Kỵ. Nguyện cầu cho các anh gặp nhiều may mắn trong thời gian tới. Tất cả đều đứng nghiêm chào cho đến khi đoàn xe khuất hẳn sau đám bụi đỏ mịt mù.

Trích từ web thietgiap.org