Từ Thức (Danlambao) - Trong tháng qua, tôi nhận được ít nhất mười lần mails báo động về chuyện tiệm ăn Tàu ở Paris bán thịt người. Kèm theo những hình ảnh ngoạn mục: chân tay, đầu cổ, tim phổi người cắt thái làm bánh bao, xá xíu, xào măng, kho mặn... Nhiều khi người gởi là những vị rất đứng đắn, đôi khi có uy tín trong cộng đồng.
Chỉ cần nhìn xuất xứ của bài viết cũng biết đây là tin vịt, một fake news lố bịch. Bài viết lấy từ Nordpresse, một tờ báo mạng ở Belgique, chuyên loan tin bịa đặt để dỡn chơi. Thí dụ tin Đức Giáo hoàng vừa từ trần...
Nordpresse có hồi nổi tiếng nhờ bà Christine Boutin, một chính trị gia Pháp chuyên môn phát ngôn bừa bãi. Nordpresse viết tin để dỡn chơi: Bà Boutin tuyên bố phải trừng phạt những trẻ em bị các thầy tu sờ mó. Trên TV, C. Boutin nói sẽ truy tố Nordpresse, khiến tờ báo mạng ít tai biết tới đột nhiên nổi tiếng.
Nordpresse là nhại tên Sudpresse, một cơ sở truyền thông hàng đầu ở Belgique.
Nordpresse bắt chước báo mạng Le Gorafi của Pháp, nhưng trong khi Nordpresse bịa tin một cách lố bịch để khiêu khích, để được người ta nói tới, Le Gorafi có tinh thần khôi hài, châm biếm.
Le Gorafi bịa ra những tin dựng đứng, một phần cũng để chỉ trích phương pháp làm báo ẩu tả, thiếu thận trọng, thích dựt ngân của media ngày nay. Và nhất là thói dễ tin của độc giả. Đọc trên Le Gorafi: chính phủ Pháp xếp C. Boutin vào loại tai họa thiên nhiên (catastrophe naturelle), Ca sĩ Louana tuyên bố: tôi sẽ giữ trinh tiết để làm gương cho các con tôi; cựu bộ trưởng J.P Placé nuốt xâu chìa khóa văn phòng để khỏi bàn giao cho người kế vị...
Vấn đề là tại sao một cái tin vô lý như tiệm Tàu bán thịt người có thể khiến nhiều người tin, sao gởi đi tùm lum? Nếu muốn lời nhiều, các tiệm Tàu chỉ việc cấu kết với các siêu thị Tàu, mua thịt cá quá hạn với giá rẻ mạt. Thay vì đổ đi theo luật định, người ta mang thịt cá hết hạn về, rửa chất hoá học, nhìn thấy tươi hơn thịt mới. Thiên hạ xúm lại, ăn uống xì xụp, khen ngợi rối rít. "Cao lâu" Tàu vẫn là cái gì rất sang với nhiều người Việt. Khỏi cần ra đường bắt người, mang về mổ bụng, cắt tiết, chặt chân tay, đầu cổ như trong Thủy Hử. Nghĩ đến một câu trong bài hát của Francis Cabrel: "Est- ce que ce monde est sérieux?" (Thế giới này có đứng đắn hay không?)
Cá nhân tôi không bước vào một tiệm ăn Tàu từ hai mươi năm nay. Không phải vì không thích ăn mì xào dòn thịt người. Chỉ vì đã thấy những phóng sự của truyền hình Pháp về những nhà bếp dơ bẩn của tiệm ăn Tàu. Cảnh những cô gái mại dâm Tàu, khi không tiếp khách, làm xíu mại, há cảo trong phòng ngủ, chất đầy dưới gậm giường hay trong… phòng vệ sinh, trước khi giao hàng cho các tiệm thực phẩm.
Tại sao thời đại của fake news, của photoshop, vẫn còn những người dễ tin và ẩu tả như vậy, kể cả những vị bằng cấp cùng mình? Ghét Tàu đến độ thấy cái gì xấu của họ là loan đi tùm lum. Những tệ hại có thực, ghê rợn, của Trung Quốc chưa đủ để cảnh giác, để tẩy chay?
Cũng như ghét Cộng Sản đến độ nghe tin gì xấu về CS là tin ngay, là hùng hục chuyển đi, không cần kiểm chứng. Những tệ hại có thực, man rợ, của chế độ CS chưa đủ để chống đối, để đòi thay đổi?
Thái độ ẩu tả đó chỉ có tác dụng ngược. Thực, giả lẫn lộn. Một ngày nào đó, Trung Quốc, chế độ CS có làm chuyện tai hại hơn nữa cũng không ai tin, vì không biết là giả hay thật.
29/8/2017
0 comments:
Post a Comment