Trần Gia Phụng (Danlambao) - Nhờ cộng tác với O.S.S, cơ quan tình báo Hoa Kỳ, Hồ Chí Minh (HCM) biết tin Anh Quốc cùng Trung Hoa sẽ đưa quân vào Việt Nam giải giới quân đội Nhật theo quyết định của tối hậu thư Potsdam (26-7-1945), và biết tin Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, nên Nhật Bản đầu hàng ngày 14-8-1945. Tổ chức O.S.S. là chữ viết tắt của Office of Strategic Services (Sở tình báo chiến lược) là tiền thân của C.I.A. (Central Intelligence Agency).
Vì vậy, HCM và Việt Minh (VM) nhanh tay cướp chính quyền ở Hà Nội ngày 19-8-1945, vận động quần chúng yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị, và thành lập gấp chính phủ lâm thời, nhằm tạo cơ cấu hành chánh có sẵn, đã rồi, trước khi quân đội Anh và quân đội Trung Hoa Quốc Dân Đảng vào Việt Nam.
1. Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh ngày 2/9/1945
Nguyên khi đảng Cộng Sản Động Dương (CSĐD) và tổ chức ngoại vi là Mặt trận Việt Minh (VM) cướp được chính quyền ở Hà Nội ngày 19-8-1945, thì ngày 21-8-1945, HCM từ Tuyên Quang đến Hà Nội và xuất hiện trước công chúng ngày 28-8-1945.
Vua Bảo Đại thoái vị tại Huế ngày 30-8-1945, thì tại Hà Nội, HCM gấp rút thành lập chính phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH), ra mắt ngày 2-9-1945, tại bãi Cột Cờ (Rond point Puginier), mới được đổi tên thành công viên Ba Đình từ đầu tháng 8-1945 khi còn chính phủ Trần Trọng Kim. Đây là nhà nước cộng sản (CS) đầu tiên ở Á Châu.
Trong buổi lễ, HCM đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, mở đầu bằng một câu hết sức danh tiếng trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”
Đây là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam sau bản tuyên ngôn đầu tiên của vua Bảo Đại công bố tại Huế ngày 11-3-1945 do Phạm Quỳnh soạn. Trong bản tuyên ngôn, HCM tự hào là đã “lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật”, chứ không phải do vua Bảo Đại chuyển lại.
Sau khi đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, HCM hô to các lời thề rất mạnh mẽ, trong đó lời thề cuối cùng là: “Nếu Pháp đến xâm lăng lần nữa thì chúng tôi xin thề: không đi lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không bán lương thực cho Pháp, không đưa đường cho Pháp.” (Tô Tử Hạ và nhiều tác giả, 60 năm chính phủ Việt Nam 1945-2005, Hà Nội: Nxb. Thông Tấn, 2005, tr. 17.)
Người giúp HCM soạn và sửa lại bản tuyên ngôn độc lập nầy là thiếu tá tình báo Hoa Kỳ Archimedes L. A. Patti, trưởng toán O.S.S. 202. (Archimedes L. A. Patti, Why Viet Nam?, University of California Press, 1980, tr. 223.) Bản tuyên ngôn nầy phỏng theo ý bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ ngày 4-7-1776 và bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp ngày 26-8-1789, văn kiện nền tảng của cách mạng Pháp (14-7-1789).
Về sau, trong bài diễn văn đọc tại Đại học Hà Nội ngày 17-11-2000, trong cuộc viếng thăm Việt Nam ba ngày kể từ 16-11-2000, tổng thống Hoa Kỳ là Bill Clinton (nhiệm kỳ 1993-1997, 1997-2001) đã nhắc lại việc nầy: "... In 1945, at the moment of your country's birth, the words of Thomas Jefferson were chosen to be echoed in your own Declaration of Independence: "All men are created equal. The Creator has given us certain inviolable rights - the right to life, the right to be free, the right to achieve happiness..." [Internet. November 17, 2000, Immediate Release, 3:50 PM (L)]. Tạm dịch: "... Vào năm 1945, khi đất nước của các bạn [VNDCCH] được khai sinh, những lời nói của Thomas Jefferson đã được chọn lựa vang lại trong bản Tuyên ngôn Độc lập của chính các bạn: "Mọi người được tạo ra bình đẳng. Đấng Tạo hóa đã ban cho chúng ta một số quyền bất khả xâm phạm - quyền được sống, quyền được tự do, quyền vươn tới hạnh phúc..."
Một điều khá đặc biệt, tuy HCM và mặt trận VM thuộc đảng CSĐD, nhưng HCM và VM không được một nước CS nào tiếp sức, mà lại được cơ quan tình báo O.S.S. của Hoa Kỳ, một nước tư bản, giúp đỡ để VM cướp chính quyền và lập nên nhà nước CS đầu tiên ở Á Châu, rồi lại còn giúp soạn ra bản tuyên ngôn nữa.
2. Cộng sản độc quyền chính trị
Sau bản tuyên ngôn, HCM công bố danh sách chính phủ lâm thời. Chính phủ lâm thời gồm đa số là đảng viên CS. Sử gia Trần Trọng Kim nhận xét: “Theo chính sách của Việt Minh, lập ra một chính phủ, đem những người các đảng phái khác hay không đảng phái vào làm bộ trưởng là cốt làm bình phong che mắt người ngoài, chứ không có thực quyền làm được việc gì cả.” (Lệ Thần Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Sai Gòn: Nxb Vĩnh Sơn, 1969, tr. 110.)
Ngoài nhận xét trên, Trần Trọng Kim còn kể thêm rằng: “Khi tôi còn ở Hà Nội, cụ Huỳnh Thúc Kháng ra nhận chức bộ trưởng bộ nội vụ, có đến thăm tôi. Ngồi nói chuyện, tôi hỏi: “Cụ nay đứng đầu một bộ rất quan trọng trong chính phủ, chắc là bận việc lắm”. Cụ Huỳnh nói: “Bây giờ việc gì cũng do địa phương tự trị cả, thành ra không có việc gì mấy, và khi có việc gì, thì họ làm sẵn xong cả rồi, tôi chỉ có vài chữ ký mà thôi”. Nhưng khi có hội đồng chính phủ thì bàn định những gì? “Cũng chưa thấy có việc gì, thường thì họ đem những việc họ đã làm, rồi nói cho chúng tôi biết”. Xem như thế thì các ông bộ trưởng chỉ đứng để làm vị mà thôi, chứ không có quyết định gì cả. Có người hỏi ông Nguyễn Tường Tam rằng: “Khi ông nhận chức bộ trưởng bộ ngoại giao, ông thấy có việc gì quan trọng lắm không?” Ông trả lời: “Tất cả giấy má trong bộ ngoại giao của cụ Hồ giao lại cho tôi, tôi chỉ thấy có ba lá đơn của mấy người sĩ quan Tàu nhờ tìm cho mấy cái nhà, và tìm cái ví đựng tiền bị kẻ cắp lấy mất”. Câu chuyện có thể là ông Tam nói khôi hài, nhưng đủ rõ việc các ông bộ trưởng không có gì... Cái thực quyền trong chính phủ lúc ấy là ở mấy người như ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và ở tổng bộ cộng sản điều khiển hết cả.” (Lệ Thần Trần Trọng Kim sđd. tr. 110.)
Để cách ly cựu hoàng Bảo Đại với những cận thần cũ và nhứt là đưa cựu hoàng ra khỏi địa bàn hàng mấy trăm năm của nhà Nguyễn là cựu đô Thuận Hóa, nay trở lại tên Huế, VM mời cựu hoàng rời Huế ra Hà Nội hết sức gấp rút ngày 4-9-1945.
Việt Minh nói “mời” theo ngôn ngữ ngoại giao và hành chánh, chứ thật ra lúc đó, VM áp lực buộc cựu hoàng phải ra đi khỏi Huế. Theo lời cựu hoàng, ông “rời Huế bằng đường bộ ngày 4 tháng 9. Tôi ra đi rất thản nhiên, không quan ngại nỗi gì. Có thể là do tính tò mò thúc đẩy, vì tôi muốn gặp những người tôi đã trao quyền, nhất là lãnh tụ của họ, nhân vật Hồ Chí Minh bí mật kia.” (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, California: Xuân Thu, 1990, tr. 195.)
Trong cuộc gặp gỡ riêng tại Hà Nội giữa hai người vào ngày 7-9-1945, HCM mời cựu hoàng làm “cố vấn” chính phủ lâm thời, và sau đó chính thức bổ nhiệm cựu hoàng bằng sắc lệnh số 23 ngày 11-9-1945. Đây là một chức vụ hữu danh vô thực, vì chẳng những riêng cựu hoàng, mà một số bộ trưởng không thuộc phe cánh VM và đảng Cộng Sản, cũng chẳng có tý quyền hành gì.
Để tuyên truyền cho tân chế độ, HCM ký sắc lệnh bổ nhiệm cựu hoàng hậu Nam Phương vào “Uỷ ban tái thiết” cùng vớí 20 nhân sĩ và trí thức khác. (Daniel Grandclément, Bao Dai ou les derniers jours de l'empire d'Annam, Paris: Éditions Jean-Claude Lattès, 1997, tr. 208.) Chức vụ nầy cũng hữu danh vô thực, nhằm phong tặng hư vị vô quyền, làm cảnh cho chế độ mới.
Dân chúng Việt Nam quen sống dưới chế độ quân chủ cả hàng ngàn năm, vốn tôn trọng vị hoàng đế là người vừa nắm thế quyền, vừa nắm thần quyền vì vua có quyền phong thần. Do sự tôn kính đối với nhà vua, nên khi được tin nhà vua đã trao quyền cho VM và HCM, dân chúng dễ dàng chấp nhận nhà cầm quyền mới, chứ lúc đó thật sự rất ít ai biết VM là gì, hay HCM là người nào?
Cũng chính nhờ chiếu thoái vị của vua Bảo Đại, với lời kêu gọi “đoàn kết có nghĩa là sống, mà chia rẽ là chết”, mà nhiều lãnh tụ và tổ chức chính trị lâu nay chống lại VM, nhất là các đoàn thể ở Nam bộ, đã tạm ngưng phản đối VM từ tháng 9 năm 1945, đồng thời tạm thời đoàn kết với VM, chống lại sự trở lui của quân đội Pháp, đang theo chân người Anh đến giải giới quân đội Nhật ở Đông Dương.
Gần 10 ngày sau khi ra mắt chính phủ VNDCCH, HCM tổ chức hội nghị Trung ương đảng CSĐD tại Hà Nội ngày 11-9-1945 đưa ra nguyên tắc căn bản là đảng CSĐD nắm độc quyền điều khiển mặt trận VM, và một mình thực hiện cách mạng, (Philippe Devillers, Histoire du Viet-Nam de 1940 à 1952, Editions Du Seuil, Paris 1952, tr. 143.) Điều nầy có nghĩa là đảng CSĐD độc quyền cai trị đất nước.
Hồ Chí Minh và VM nhanh chóng để lộ bản chất CS nên khi gặp nhau tại Hồng Kông năm 1947, cựu hoàng Bảo Đại đã nói với cựu thủ tướng Trần Trọng Kim: “Chúng mình già trẻ mắc lừa bọn du côn”. (Lệ Thần Trần Trọng Kim, sđd. tr. 146.)
Qua việc HCM tự hào là đã cướp chính quyền từ tay người Nhật, việc áp lực vua Bảo Đại thoái vị, việc cựu hoàng nhận ra sai lầm khi trao quyền cho “bọn du côn”, và nhất là chủ trương độc tài đảng trị CS, thì VNDCCH chắc chắn không phải là chính thể kế thừa theo truyền thống Việt Nam, mà chỉ là một chế độ trên thực tế giành được quyền hành bằng bạo lực mà thôi. Đó là trường hợp hầu hết các nước CS trên thế giới.
3. Liên xô không giúp đỡ việc HCM cướp chính quyền
Khi HCM và VM cướp chính quyền, thành lập nhà nước VNDCCH (2-9-1945), đảng Cộng Sản Trung Hoa (CSTH) chưa thành công, còn đang ở phía bắc, và đang đánh nhau với Quốc Dân Đảng Trung Hoa, nên đảng CSTH chỉ gởi cán bộ giúp huấn luyện quân đội VM, mà chưa viện trợ được cho VM.
Về phía cộng sản Liên Xô, khi thế chiến hai chấm dứt, Liên Xô bận rộn tái thiết trong nước Liên Xô, và tổ chức cai trị các nước Đông Âu do Liên Xô xâm lăng. Lúc đó, Liên Xô thân thiện với Pháp vì muốn lôi kéo Pháp về phía Liên Xô trong việc đối đầu với Hoa Kỳ tại Tây Âu, đồng thời Liên Xô ủng hộ đảng Cộng Sản (CS) Pháp, đang chuẩn bị tranh cử vào quốc hội ngày 10-11-1946. Nếu Liên Xô ủng hộ VM chống Pháp ở Đông Dương, nơi xa xôi mà Liên Xô chẳng có quyền lợi gì, thì cử tri Pháp sẽ ngưng ủng hộ và không bỏ phiếu cho đảng CS Pháp.
Đúng như Liên Xô dự tính, tại Pháp, trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 10-11-1946, kết quả đảng CS Pháp (PCF) dẫn đầu (183 ghế), đảng MRP (Mouvement républicain populaire) (167 ghế) và đảng SFIO (Section française de l'internationale ouvrière) (105 ghế). (Marcel Medrano (cựu đại tá quân đội Pháp ở Đông Dương), Histoire de l'Indochine française durant la seconde guerre mondiale (1939-1945), chương “Le retour des français en Indochine”, mục 2 “L'affaire de Haiphong (20 novembre 1946)”. (Trích từ Internet)
Hơn nữa, Stalin vốn đa nghi, và rất nghi ngờ những nước nào theo chủ nghĩa CS mà không do Liên Xô trực tiếp đứng ra thành lập, như Yougoslavia do Josip Bronz Tito (1892-1980) lãnh đạo. Lúc đó, Stalin nghi ngờ HCM vì HCM hợp tác với O.S.S. trước năm 1945 và Stalin cho rằng lập trường cộng sản của HCM thiếu trung kiên. (Mark Philip Bradley, “Making Sence of the French War”, trong sách do Mark Atwood Lawrence & Fredrik Logewall biên tập, The First Vietnam War, Cambridge, Massachussets: Harvard University Press, 2007, tr. 25.)
Lãnh tụ CS Pháp là Maurice Thorez ghi nhận là Stalin nghi ngờ HCM vì Stalin cho rằng HCM giao thiệp quá thân tình với tình báo Hoa Kỳ và Anh trước năm 1945. (Mark Philip Bradley, bđd., sđd. tr. 25.) Tình báo Hoa Kỳ là O.S.S.. Còn tình báo Anh có lẽ Stalin nghi HCM liên hệ với tình báo người Anh khi bị tù ở Hồng Kông, hoặc về việc các luật sư Anh đã giúp HCM trong vụ tù ở Hồng Kông năm 1931. Chính vì vụ ở tù nầy, HCM bị cơ quan mật vụ KGB (Liên Xô) điều tra, chà xát, kiểm điểm thật kỹ càng, đến độ gay gắt, khi HCM trở qua Liên Xô từ năm 1934 đến năm 1938. (Xin xem Sophie Quinn-Judge, Ho Chi Minh, the Missing Years, University of California Press, 2002, chương “Death in Hong Kong, Burial in Moscow (1931-8)”.)
Dàu sao, trong lễ đầu hàng và giải giới quân đội Nhật phía bắc vĩ tuyến 16 theo tối hậu thư Potsdam tổ chức tại Hà Nội ngày 28-9-1945, ngoài đại diện các nước Đồng minh, còn có sự hiện diện của Stephane Solosieff, đại diện Liên Xô. (Archimedes L. A. Patti, sđd.tt. 360-361.)
Archimedes Patti, thiếu tá tình báo Hoa Kỳ, trưởng toán O.S.S. 202, cho biết khi ông đến Hà Nội ngày 22-8-1945, thì ngày hôm sau (23-9-1945), Stephane Solosieff liên lạc ngay với Patti. Điều nầy chứng tỏ Solosieff theo dõi kỹ hoạt động của tình báo Hoa Kỳ. Theo Patti, Solosieff có thể vừa là nhân viên ngoại giao, vừa là nhân viên tình báo của Liên Xô, được cử đến Hà Nội để theo dõi tình hình.
Không ai được biết Solosieff liên lạc như thế nào với HCM? Thiếu tá Patti cho biết Solosieff đang kiếm cách rời Hà Nội, và đưa những nhân viên người Âu Châu trong mặt trận Việt Minh (VM) rời Hà Nội hoặc rời Đông Dương trước khi lực lượng Pháp và Trung Hoa đến. Cũng theo Patti, có một toán cộng sản, gồm người Nga, Đức, Bỉ, Hung, trong đạo quân Lê-dương của Pháp, đã từng cộng tác với VM trước khi VM cướp được chính quyền. (Archimedes L. A. Patti, sđd. tt. 178-181.)
Kết luận
Tóm lại, nhờ O.S.S., HCM và VM biết tin về hội nghị Potsdam và tin Nhật Bản đầu hàng. Hồ Chí Minh và VM nhanh tay cướp chính quyền, thành lập Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9-1945, nhà nước CS đầu tiên ở Á Châu, trước cả Trung Cộng (1-10-1949). Trong bàn tuyên ngôn độc lập, HCM hứa hẹn sẽ thiết lập một chế độ dân chủ và tuyên thệ chống Pháp đến cùng nếu Pháp trở lui.
Tuy nhiên, gần mười ngày sau, HCM họp trung ương đảng CSĐD quyết định VM một mình cai trị đất nước, nghĩa là VM độc tôn quyền lực, để lộ ngay bản chất độc tài CS. Chẳng những thế, HCM còn nuốt luôn lời thề chống Pháp. Hồ Chí Minh thỏa hiệp với Pháp khi Pháp trở lui tái chiếm Việt Nam. Hồ Chí Minh ký kết hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 tại Hà Nội và Tạm ước ngày 14-9-1946 tại Paris, hợp thức hóa sự hiện diện của người Pháp tại Việt Nam.
Chỉ khi bị Pháp áp lực, dọa bắt, và không còn thỏa hiệp với Pháp được nữa, thì đảng CSĐD mới quyết định chống Pháp ngày 19-12-1946, nhằm có lý do hợp lý chạy trốn ra khỏi Hà Nội, tránh bị dân chúng chê trách. Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân kháng chiến chống Pháp, vừa giành lấy chính nghĩa bảo vệ độc lập dân tộc, vừa đổ gánh nặng chiến tranh lên vai dân tộc Việt Nam.
Điểm đáng nói, tuy HCM là một gián điệp do Liên Xô đào tạo và VM là mặt trận của đảng CSĐD, nhưng việc cướp chính quyền thành công là nhờ sự giúp đỡ của cơ quan tình báo Hoa Kỳ là O.S.S. Chẳng những thế, O.S.S. còn giúp HCM soạn bản tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945. Tuy nhiên, mười năm sau, tại hội nghị Liễu Châu (Trung Hoa), từ 2 đến 5-7-1954, HCM vâng lệnh Châu Ân Lai, thủ tướng Trung Cộng, không tiếc lời đả kích thậm tệ Hoa Kỳ, theo chủ trương của Trung Cộng. (Trích từ sách Chiến tranh 1946-1954, sẽ xuất bản.)
(Toronto, 29-08-2017)
0 comments:
Post a Comment