Trúc Giang MN (Danlambao) - “Việt kiều yêu nước” nghe lời dụ dỗ mang tiền về nước làm ăn, nếu thành công rực rỡ như ông Trịnh Vĩnh Bình thì dễ trở thành nạn nhân của công an, bị cướp đoạt tài sản nếu không lo hối lộ cho công an địa phương. Mất tất cả tài sản mà suýt bị toi mạng vì âm mưu độc hiểm của Tổng Cục 2, an ninh Bộ Quốc Phòng, nếu không nhờ có “quới nhân” giúp đỡ để ông Bình trốn về nước. Bị một cú đầu mà chưa tởn, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ trước sự nham hiểm lật lọng của CSVN trong nội dung bản cam kết tại tòa Singapore.
*
1. Mở bài
Ông Trịnh Vĩnh Bình bị kết án 11 năm tù giam nhưng làm thế nào thoát ra khỏi Việt Nam để về Hòa Lan?. Đó là một bí ẩn đầy phức tạp của vụ án.
“Thời bao cấp” của nền kinh tế quốc doanh đưa Việt Nam đến chỗ kiệt quệ. Để được sống còn, đảng CSVN buộc phải mở cửa hội nhập vào kinh tế thế giới. Chính phủ mời gọi Việt kiều về nước đầu tư kinh doanh. Đó là thời kỳ vàng son của Việt kiều. Người trong nước có cái tâm lý trấn lột, “chặt đẹp” Việt kiều. Ngay cả bạn bè, bà con và công an cũng có cái não trạng đó. Và Trịnh Vĩnh Bình là một nạn nhân.
Những người bà con trong ban quản trị công ty cấu kết nhau ăn cắp một số tiền mấy trăm ngàn đô la trong một thời gian dài. Bị phát hiện, họ hối lộ cho công an và công an nhân cơ hội đó chụp mũ công ty trốn thuế, bắt giam và khám nhà tịch thu tài sản của Trịnh Vĩnh Bình.
Chính phủ Hòa Lan can thiệp. Thủ tướng Phan Văn Khải ra chỉ thị cho Bộ Công An không truy tố ra tòa, nhưng công an địa phương không thi hành. Phan Văn Khải, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Dy Niên bênh vực cho người về nước đầu tư.
Tổng Cục 2 Bộ Quốc Phòng nhảy vào, ngụy tạo hồ sơ, biến vụ án kinh tế thành vụ án chính trị. Những người bênh vực Trịnh Vĩnh Bình đó co vòi, nằm yên. Trịnh Vĩnh Bình bị kết án 11 năm tù, bị tịch thu tài sản, nhưng lại trốn thoát về Hòa Lan và sau đó đâm đơn kiện nhà nước VN. Hai bên thỏa thuận dàn xếp bên ngoài tòa án. Nhưng VN không thi hành thỏa thuận, nên Trịnh Vĩnh Bình lại lôi nhà nước CS nầy ra tòa án quốc tế một lần nữa về tội lừa đảo.
Ngày 21-8-2017, Tòa Trọng tài Thương mại Quốc Tế tại Paris khởi đầu phiên xử.
2. Những bí ẩn trong việc Trịnh Vĩnh Bình đào thoát khỏi Việt Nam sau khi bị kết án 11 năm tù.
Một người bị kết án 11 năm tù giam mà làm thế nào lên phi cơ bay về Hòa Lan?
Theo lời giải thích của một người trong nước, tên là Trần Quốc Hoàn, thì Tổng Cục 2 của Bộ Quốc Phòng do Đặng Vũ Chính và con rể là Nguyễn Chí Vịnh đã tham gia việc bắt giam và tịch thu tài sản của TVB.
Vì nhận thấy việc bắt giam không có cơ sở pháp lý, trái luật pháp quốc tế và luật VN sẽ tạo ra bất lợi cho VN trên trường quốc tế nên tạo cơ hội để cho Trịnh Vĩnh Bình trốn thoát, rồi sau đó thanh toán bằng một vụ án do các băng đảng thanh toán lẫn nhau, thì nhà nước VN không chịu trách nhiệm. Giết người cướp của.
Trong khi phiên tòa phúc thẩm mở ra ở TP/HCM, Trịnh Vĩnh Bình chạy vào nhà thương Chợ Rẫy xin cứu cấp vì cao huyết áp. Tòa phúc thẩm chỉ căn cứ vào hồ sơ của tòa sơ thẩm mà ra phán quyết. Không cần bị cáo có mặt tại tòa.
Trịnh Vĩnh Bình được người của Phan Văn Khải giúp đỡ cho về Hòa Lan.
3. Tòa Trọng tài Thương mại Quốc tế tại Paris mở ra xét xử ngày 21-8-2017
Trước kia, hồi năm 2003, Tổ hợp Luật sư Covington Burling (Hoa Kỳ), đại diện cho Trịnh Vĩnh Bình, nạp đơn tại tòa án quốc tế thuộc LHQ, khởi kiện Nhà Nước VN về việc giam giữ và tịch thu tài sản. Tòa tuyên bố phiên xét xử mở ra từ ngày 4-12-2005 đến 12-12-2005.
Ba tuần lễ trước ngày xử, tòa tuyên bố tạm hoãn vì hai bên thỏa thuận dàn xếp ngoài tòa.
Bên ngoài tòa, hai bên thương lượng và đồng ý cam kết không tiết lộ số tiền mà Nhà Nước VN bồi thường cho Trịnh Vĩnh Bình, và VN sẽ hoàn trả tài sản lại cho đương sự. Thỏa thuận làm tại tòa Singapore năm 2006.
Vì VN không hoàn trả tài sản như đã cam kết nên ông Bình lại khởi kiện lần thứ hai, đòi bồi thường thiệt hại hàng tỷ đô la.
Tòa án Trọng tài Quốc tế thuộc Phòng Thương mại Quốc tế ICC (International Chamber of Commerce).
Ngày 21/8/2017, tòa án quốc tế xét vụ án này tại Paris với nguyên đơn là ông Trịnh Vĩnh Bình đòi nhà nước Việt Nam bồi thường vì:
- Vi phạm luật đầu tư liên quan đến Hiệp thương đầu tư song phương giữa Hà Lan Việt Nam (BIT)
- Vi phạm Nhân quyền: nhốt người oan sai
Luật sư của Trịnh Vĩnh Bình là Tổ hợp luật sư nổi tiếng Hoa Kỳ, King&Spalding. Luật sư của Nhà nước Việt Nam là nhóm luật sư nổi tiếng nước Anh, là Freshfields Bruckhaus Deringer LLP. (LLP=Limited Liability Partnership)
3.1. Nội dung Bản cam kết trước tòa án Singapore
Nhà nước Việt Nam đã thương lượng với ông Trịnh Vĩnh Bình để ký một thỏa thuận tại tòa Singapore năm 2006. Trong thỏa thuận này, về phía nhà nước Việt Nam đã cam kết:
- Việt Nam bồi thường các chi phí phát sinh từ việc theo đuổi phiên tòa
- Miễn án cho ông Trịnh Vĩnh Bình
- Trả lại toàn bộ tài sản cho ông Trịnh Vĩnh Bình
- Tạo điều kiện cho ông Trịnh Vĩnh Bình trở lại Việt Nam đầu tư
Về phía ông Trịnh Vĩnh Bình:
- Ngưng phiên tòa quốc tế ở Stockholm (Thụy Điển)
- Không tiết lộ về nội dung thỏa thuận với các cơ quan truyền thông
Ông Trịnh Vĩnh Bình tuyên bố: “Khi mà ký thỏa thuận ở Singapore thì chính phủ VN hứa trả lại toàn bộ tài sản. Nhưng sau 7 năm trời chính phủ VN không trả, dù một tài sản nhỏ cũng không trả”.
3.2. Những câu hỏi về pháp lý của Bản thỏa thuận
1. Bản thỏa thuận về những cam kết giữa ông Trịnh Vĩnh Bình với Nhà nước Việt Nam ở tòa Singapore có giá trị pháp lý đối với Tòa Trọng tài Quốc tế ICC hay không?. Nói rộng ra, những thỏa thuận của hai bên ở các tòa án như Campuchia, Lào, Trung Quốc… có giá trị pháp lý cho phiên tòa thứ hai ở Paris hay không?
Nếu không có giá trị thì xem như không có Bản cam kết đó. Không có cam kết thì không có bên nào vi phạm cả.
2. Bản thỏa thuận tại Singapore không có ấn định thời hạn nào. Nếu không có thời hạn thì không thể cáo buộc VN không thi hành cam kết. “Chưa thi hành” chớ không phải “không thi hành”
3. Bản cam kết không có biện pháp chế tài đối với bên vi phạm, vậy thì người vi phạm không có hề hấn gì cả.
4. Việc trả toàn bộ tài sản lại cho ông Trịnh Vĩnh Bình. Về mặt pháp lý, không có chứng từ hợp pháp nào xác định ông Trịnh Vĩnh Bình làm chủ tài sản nào cả. Người đứng tên công ty là bà con của ông. Ông nầy đứng tên làm giám đốc công ty, đã toa rập để ăn cắp tiền của ông. Lo hối lộ và đứng về phe công an chống lại ông.
Thẩm quyền chứng nhận sở hữu chủ là chính quyền Việt Nam. Nhất là tài sản đó do Việt Nam tước đoạt hoặc do cán bộ đảng viên cướp đoạt từ tay ông Trịnh Vĩnh Bình. Luật sư Mỹ của ông Bình có thể vào VN để mở cuộc điều tra xác định chủ quyền hay không? Về mặt pháp lý, chắc chắn là không.
Tóm lại, ông Trịnh Vĩnh Bình bị lừa gạt ở bản thỏa thuận tại tòa Singapore. Không có thời hạn thực hiện cam kết. Không có biện pháp chế tài đối với người vi phạm.
Nhà nước CSVN cầm đằng chuôi của con dao, Trịnh Vĩnh Bình nắm đằng lưỡi.
5. Nói thêm về pháp lý. Ông Trịnh Vĩnh Bình cho biết, ông đã làm di chúc, để tài sản của ông cho người của ông.
Người thực hiện di chúc, chuyển giao quyền sở hữu lại cho ai, là chính quyền và tòa án Việt Nam. Trước cái đám cướp của giết người nầy thì dễ gì họ chịu chuyển giao tài sản của người chết hoặc người ở nước ngoài lại cho người thân của ông Trịnh Vĩnh Bình. Trước kia Cộng Sản tuyên bố, nhà cửa, tài sản của người ở nước ngoài thì thuộc diện nhà nước quản lý. Một trường hợp cụ thể là ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhà sách Khai Trí. Cuộc đời của ông chỉ mua bán sách thế mà bị bắt bỏ tù để cướp tài sản. Ông khiếu nại. Nhà nước VN ra điều kiện, chỉ trả nhà lại cho người về VN sinh sống. Ông và gia đình trở về, nhưng bên này đổ thừa cho bên kia, và rốt cuộc ông không lấy lại được nhà.
Tòa Trọng tài Quốc tế tại Paris đã mở ra xét xử ngày 21-8-2017. Để xem hai nhóm luật sư Anh, Mỹ tranh hùng ra sao? Tuy nhiên quyền ra phán quyết thì thuộc về ông chánh án hay hội đồng xét xử.
4. Vụ án Trịnh Vĩnh Bình
4.1. Việc kinh doanh của ông Trịnh Vĩnh Bình
Ông Trịnh Vĩnh Bình sinh năm 1947 tại Sóc Trăng. Năm 1976, vượt biên qua định cư ở Hoà Lan với hai bàn tay trắng. Ông tiếp tục học và tốt nghiệp đại học. Được báo chí Hoà Lan ca ngợi là một thành công trong hội nhập, và thành công trong kinh doanh. Báo chí gọi là “Ông vua chả giò”. Ông tham gia đảng chính trị Dân Chủ Tự Do, là đảng cầm quyền cuối thập niên 1980 ở Hòa Lan.
Đầu năm 1990, TVB tháp tùng đoàn doanh nghiệp Hòa Lan, đến VN thăm dò khả năng đầu tư.
Ông quyết định đóng cửa công ty chả giò ở Hòa Lan, đem 2,328,250 USD tiền mặt, và 96 kí vàng về đầu tư ở VN.
Thành lập công ty Tín Thành ở Sài Gòn, xuất cảng nông, thủy sản. Công ty Bình Châu có nhà máy hải sản đông lạnh ở Vũng Tàu. Mua một số nhà đất ở Sài Gòn và BR/VT để phục vụ sản xuất. Xử dụng số vốn rất lớn trên 200 hecta đất ở Bà Rịa để trồng rừng, nghiên cứu việc nuôi tôm.
Xây dựng cơ sở biến chế thủy hải sản xuất cảng, với sản lượng 35% trên tổng số đánh bắt ở BR/VT. Dự án xây khách sạn 10 tầng.
Sau 8 năm thành công trong kinh doanh, tài sản lên tới 6 tỷ đồng VN.
Dự án xây khách sạn 10 tầng ở đường Trần Hưng Đạo Sài Gòn
4.2. Lòng tham của công an Việt Nam
Trịnh Vĩnh Bình nói tiếp: “Thấy Việt kiều về nước làm ăn phát đạt nên họ có ý cướp giật. Tôi không quen đút lót, làm ăn chân chính, cho nên trở thành nạn nhân. Ở VN, khi Việt kiều làm ăn phát đạt thì bị chính quyền địa phương gây khó dễ để đòi tiền. Đây là vụ án mà tôi bị hàm oan. Qua một thơi gian dài, gia đình tôi, bản thân tôi và một số người bênh vực công lý, đã gởi nhiều đơn khiếu nại khắp nơi, nhưng không được cứu xét. Cuối cùng, tôi phải dựa vào Hiệp Ước thương mại giữa VN và HL, đưa vụ tranh chấp ra Toà án Quốc Tế thuộc Liên Hiệp Quốc.
Sau một thời gian tại ngoại, tôi rất lo ngại cho mạng sống của mình, có thể bị bắt và bị giết, cho nên tôi phải đào thoát khỏi VN.” (Trả lời phỏng vấn đài RFA)
4.3. Năm 1996 bị bắt về “tội trốn thuế”
Năm 1996 bị bắt về tội trốn thuế.
Trịnh Vĩnh Bình trả lời phỏng vấn của đài RFA như sau:
“Công ty tôi có một số anh em cấu kết nhau, ăn cắp một số tiền ước lượng mấy trăm ngàn đô la qua nhiều năm tháng. Sau khi bị phát hiện, họ sợ bị tù tội nên dùng tiền bạc đút lót cho công an địa phương, phòng đó là PA-42, phòng cảnh sát điều tra Vũng Tàu.
Đó là giám đốc, phó giám đốc và trưởng phòng tài chánh của công ty tôi, thành một hệ thống ăn cắp. Thân nhân của tôi đứng tên điều hành công ty.
Bên công an nhận hối lộ, tìm cách bao che. Họ ra tay trước. Chụp mũ công ty tôi trốn thuế, khám xét công ty, tịch thu tài sản và bắt giam tôi.
Việt kiều về nước không được quyền mua nhà đất, cho nên phải nhờ thân nhân đứng tên. Một số người bà con lật lọng, tráo trở, giật tiền, tôi ở trong trường hợp đó.
5. Trên nói dưới không nghe
5.1. Bút phê của Thủ tướng Phan Văn Khải
Ông Trịnh Vĩnh Bình, một công dân Hoà Lan gốc Việt, theo mời gọi của đảng CSVN, đã đem tiền về VN đầu tư. Việc kinh doanh phát đạt, bị công an địa phương hãm hại để cướp tài sản.
Năm 1996, ông Trịnh Vĩnh Bình (TVB) bị bắt giam ở phòng cảnh sát điều tra PA-42 do trung tá Ngô Chí Đan làm trưởng phòng.
Gia đình khiếu nại và sự can thiệp mạnh mẽ của nước Hoà Lan.
Ngày 13-5-1998, sau khi xem hồ sơ, Thủ tướng Phan Văn Khải bút phê và gởi qua Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương, nguyên văn như sau:
“Anh (chỉ ông Hương) chỉ đạo cho công an Bà Rịa-Vũng Tàu xem lại trường hợp của Trịnh Vĩnh Bình. Thủ tướng Hoà Lan đã đặt vấn đề. Tôi đã hỏi trực tiếp một số đồng chí lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, anh Bình không có lỗi đến mức phải xử. Do anh dựa vào người trong nước, bị họ lừa gạt, làm bậy”. (Bút phê của Phan Văn Khải)
Lê Minh Hương chuyển bút phê của Thủ tướng Khải xuống cho Thứ trưởng công an Nguyễn Khánh Toàn, đề nghị giải quyết theo chỉ thị của ông Khải.
Câu chuyện tưởng như được giải quyết theo lịnh của Thủ tướng Khải, là không đưa ra toà xét xử, nhưng không ngờ, Trịnh Vĩnh Bình lại bị đưa ra Toà án Nhân Dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) và bị kêu án 13 năm tù, đóng phạt 480 lượng vàng (Do xét công ty tịch thu 96 kg) và tịch thu toàn bộ tài sản về tội “kinh doanh bất hợp pháp” (trốn thuế) và tội lo hối lộ.
5.2. Hệ thống tham nhũng
Nguyên do là Nguyễn Khánh Toàn đã bênh vực đàn em là trung tá Ngô Chí Đan, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra BR-VT. Mà cũng có thể đàn em nầy là tay kinh tài của xếp trên.
Vụ án trở nên phức tạp vì có nhiều cơ quan nhảy vào để bênh vực che chở cho nhau. Những âm mưu được dàn dựng, hồ sơ ngụy tạo, biến vụ kiện kinh tế thành vụ kiện chính trị, làm cho những người cho rằng TVB là vô tội, như Phan Văn Khải, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Dy Niên, Nguyễn Mạnh Cầm đành phải co vòi, bó tay. Cuối cùng, công an địa phương, trung tá Ngô Chí Đan, đàn em của Nguyễn Khánh Toàn, thắng trận. Phép vua thua lệ làng.
6. Báo chí Cộng Sản kết tội Trịnh Vĩnh Bình
Xin trích nguyên văn bài báo:
“Trịnh Vĩnh Bình sinh năm 1947 tại Sóc Trăng. Năm 1976 vượt biên qua Hòa Lan.
Tính đến tháng 8 năm 1998, TVB nhập cảnh VN 63 lần, mỗi lần như thế mang theo vàng và đô la, tổng cộng 2,328,250 đô la và 96 kí vàng. Lập công ty Tín Thành mua bán nông hải sản.
Nhờ Trịnh Hiền Thanh chạy lo hộ khẩu cho mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Thi, cho các em vợ là Phạm Thị Huệ, Phạm Thị Bé, Phạm Thị Tuyết Hằng về cư ngụ tại nhà, thuộc huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Nhưng có thêm hai hộ khẩu nữa ở thành phố Hồ Chí Minh và tại huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Vợ chồng của đứa cháu gái là Trịnh Mộng Kiều và Triệu Văn Dữ, và cả Trịnh Hiền Thanh cũng có tên trong hộ khẩu ở Vũng Tàu, với mục đích đứng tên mua nhà cửa và bất động sản. TVB nhận đất trồng rừng theo chương trình 327 của chính phủ.
Trịnh Vĩnh Bình nắm trong tay 11 căn nhà, 114 nền nhà và 2,847,745 mét vuông đất.
Năm 1992, TVB chỉ đạo cho nhân viên đưa hối lộ 510 triệu đồng cho Tạ Quang Luyện, cán bộ phụ trách Nhà Đất tỉnh BR-VT.
Ngày 11-12-1998, Tòa án Nhân dân BR-VT phạt TVB 13 năm tù giam”.(Hết trích)
7. Phản ứng của chính phủ Hoà Lan
Năm 1996, Trịnh Vĩnh Bình bị bắt giam. Năm 1998 đem ra xử.
Đầu năm 2000, chính phủ Hoà Lan (HL) phổ biến một tập tài liệu 752 trang về vụ án của TVB. Người tích cực vận động cho TVB là GS J.J.C. Voorhoever, là một trong 18 thành viên của Hội đồng Chính phủ Hoà Lan. Cựu Bộ trưởng Quốc Phòng HL, cựu chủ tịch đảng Dân Chủ Tự Do mà TVB là một đảng viên.
- Thủ tướng HL, Wim Kok và Bộ trưởng Ngoại giao Van Aartsen gởi thơ trực tiếp cho Chủ tịch nước Trần Đức Lương yêu cầu giải quyết vụ án TVB. Đồng thời, triệu tập đại sứ CSVN là Đinh Hoàng Thắng đến Bộ Ngoại giao để phản đối.
- Cắt viện trợ phát triển và nhân đạo cho VN.
- Trong năm 2000, có 8 phái đoàn CSVN đến thăm Hòa Lan. Đã bị tiếp đón lạnh nhạt và bị chất vấn tơi bời về vụ án TVB. Các phái đoàn của Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An (QH), Phan Văn Khải, Nguyễn Dy Niên (NG), Nguyễn Đình Bin… đều bị chất vấn và chống đối. Báo chí nổi giận gọi họ là “Những khách không mời mà đến”. Tệ hại hơn nữa, công khai loan tin họ là “Những con vẹt chỉ biết nói mà không biết nghe”. Trong khi đó, báo chí VN cho rằng các chuyến công du thành công mỹ mãn.
- Bà Margareeth de Boer, Chủ tịch Ủy Ban Ngoại giao Hạ viện HL dẫn đầu một phái đoàn sang VN, trực tiếp gặp Bộ trưởng NG Nguyễn Dy Niên. Bà Boer nhấn mạnh “Vì quyền lợi của hai nước, vụ án TVB phải được giải quyết tức khắc”.
Kết quả. Hoà Lan chỉ nhận được một công hàm của Bộ Ngoại giao CSVN, thông báo với nội dung là “Bắt đúng người, xử đúng tội, áp dụng đúng luật pháp”.
Thật là hết ý kiến.
Sự khác biệt về quan điểm giữa VN và Hoà Lan đưa đến bế tắc.
CSVN cho rằng, TVB là công dân VN. Vụ án là việc nội bộ của VN, và Hòa Lan đã xen vào công việc nội bộ của VN.
Trái lại, Hoà Lan coi vụ án là một vi phạm vào Hiệp ước Thương mại mà hai nước đã ký năm 1994. Trong đó bao gồm những khoản cho phép thân nhân trong nước được tham gia kinh doanh dưới hình thức là những công ty con, còn gọi là “đầu tư đội nón”.
Ngày 4-11-2001, tại Đại hội Đảng bộ Vũng Tàu, Trung Ương Đảng cho rằng vụ Trịnh Vĩnh Bình là một vụ xử sai lầm, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài, vì thế cấp trên thi hành kỷ luật đảng bộ Vũng Tàu. *(Đây là bằng chứng mà TVB nắm lấy)
Ở Hoà Lan, một luận án tiến sĩ đệ nạp tại Đại học Luật Khoa Den Haag, trình bày rõ ràng trường hợp đầu tư của TVB, dựa theo Hiệp Ước Thương mại giữa hai nước VN và HL ký kết năm 1994. Luận án được in thành sách với 3 thứ tiếng, Hoà Lan, Anh và Pháp. Một bản tiếng Việt được phát hành sau đó.
Luận án nêu rõ luật rừng ở VN, sự lộng hành của Công an VN, phép vua thua lệ làng, cuối cùng đưa người đầu tư đến tù tội và bị tịch thu tài sản.
8. Thế giới lên án Cộng Sản Việt Nam
Vụ án TVB gây sôi nổi khắp thế giới.
Ngày 28-3-2005, nghị sĩ Jules Maaten, Quốc Hội Liên Âu (EU), từ Brussels cho biết, vụ án TVB đã gây hoang mang trong giới đầu tư ở châu Âu. Vụ án là một tác động tiêu cực đến quan hệ giữa EU và VN.
Tháng 6 năm 2005, khi Phan Văn Khải sang thăm Hoa Kỳ, kêu gọi ngoại quốc và người Việt đầu tư vào VN, thì các cơ quan truyền thông đồng loạt loan tin về CSVN âm mưu chiếm đoạt tài sản của công dân Hòa Lan Trịnh Vĩnh Bình. Đài RFA (Mỹ), đài RFI (Pháp), đài BBC (Anh) đều phổ biến bài phỏng vấn ông TVB về trường hợp nạp đơn kiện CSVN tại Toà Án QT đòi bồi thường 100 triệu đô la.
Tờ báo Ngày Nay đăng một loạt tài liệu mà nhà báo Trọng Kim đã thu thập trong thời gian 10 năm về âm mưu của CSVN trong việc cướp đoạt tài sản TVB.
Dư luận nhận thấy đầu tư vào VN là một việc bấp bênh do cái thành tích lật lọng, tráo trở của CSVN. Đồng thời nhắc lại những vụ án trước kia để làm bằng chứng. Đó là vụ án của Luật sư người Ý Manizio Liberato, kiện sự lật lọng của VNAirlines và phán quyết của Toà án châu Âu, buộc phía VN phải bồi thường 6.5 triệu đô la cho nguyên cáo. CSVN không chịu bồi thường, tưởng đâu không có ai dám vào VN đòi tiền. Tức thời, toà án ra phán quyết phong toả tất cả những chương mục của VN Airlines trên toàn châu Âu, và nếu VN không bồi thường, thì một án lịnh cho một ngân hàng xuất tiền ra bồi thường cho nguyên cáo Manizio Liberato. CSVN chịu thua. Vừa nhục vừa đau hơn bị bò đá vào dế.
9. Trịnh Vĩnh Bình vô tội
Ngày 4-12-1996, một người bà con của TVB là Trịnh Hiền Thanh vu cáo TVB đưa hối lộ, khiến cho TVB bị bắt giam. Việc vu cáo nằm trong âm mưu của công an BR-VT.
Đến ngày 24-6-2002, Trịnh Hiền Thanh thú nhận bằng văn bản là y đã vu cáo cho TVB. Thanh chết vài năm sau đó do bịnh tiểu đường.
Bút phê của Phan Văn Khải cũng là một bằng chứng cụ thể TVB không có tội. Qua lời phát biểu của bà Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch nước, tại QH và qua Trung Ương đảng tuyên bố thi hành kỷ luật đảng bộ Vũng Tàu và qua lời xác nhận của Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên với các quan chức Hoà Lan, là vụ án có nhiều sai trái. Tất cả đều chứng tỏ TVB vô tội. Đó là những bằng chứng mà TVB sẽ xử dụng tại Tòa án QT, để chứng minh rằng mình vô tội, và đòi bồi thường 100 triệu USD.
10. Vụ án kinh tế biến thành vụ án chính trị
Phòng cảnh sát điều tra PA-42 do trung tá Ngô Chí Đan làm trưởng phòng, đã nhận hối lộ và cũng thừa cơ hội đó, thực hiện âm mưu cướp tài sản của TVB. Thế lực của Ngô Chí Đan rất mạnh, và có ô dù ở trên bao che, cho nên thường tống tiền các doanh nhân, cụ thể là trong vụ án Phương Vicarrent, đã tống tiền 100,000 đô la. Ngô Chí Đan bị cách chức, tước danh hiệu Công an nhân dân.
Trung tá Ngô Chí Đan và anh vợ là Phạm Văn Phương đã trở thành 2 “ông trùm” ở địa phương. Vì TVB không biết luật giang hồ ở BR-VT, đã không “thần phục”, không làm lễ ra mắt ông trùm, không “cống nạp”, cho nên đã trở thành nạn nhân, bị tù và tịch thu tài sản.
Trong xã hội VN, làm ăn lương thiện thì bị nạn là thế. Cũng đừng ỷ lại vào việc cống nạp cho cấp trên là đủ. Phải nhớ qui luật, phép vua thua lệ làng mới tồn tại an toàn được.
Trung tá Ngô Chí Đan là đàn em của Thứ trưởng CA Nguyễn Khánh Toàn, ngoài ra, từ Tổng bí thư đảng cho đến những chức vụ lãnh đạo, Ngô Chí Đan quen lớn trên vài chục người.
Một bí mật ít người biết đến là, khi một Việt kiều về nước đầu tư, làm ăn, đều bị bí mật giám sát chặt chẽ của an ninh CS.
Ban đầu chỉ là một vụ có mục đích tống tiền, xét công ty và nhà để lấy vàng và tiền mặt, nhưng vì áp lực bên trên khá mạnh, cho nên vụ án kinh tế đã biến thành vụ án chính trị.
Bắt đầu, TVB là một đảng viên của đảng Dân Chủ Tự Do của Hoà Lan, do đó, TVB bị ghép vào tội làm gián điệp. Những bằng chứng được ngụy tạo, kế hoạch được dàn dựng, khiến cho những người cho rằng TVB vô tội như Phan Văn Khải, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Dy Niên, Nguyễn Mạnh Cầm đều lạnh cẳng, thụt lùi, như con rùa đen rút cổ.
Những chứng cớ được ngụy tạo như việc TVB đã gặp Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT Nguyễn Trọng Minh, để móc nối, lôi kéo, mua chuộc làm gián điệp. Thật sự, có việc gặp gỡ, đưa tiền, nhưng đó không phải là gián điệp, mà là một hình thức “bôi trơn” phong bì để làm ăn dễ dàng. Nhưng rất tiếc là TVB không biết bôi trơn ở địa phương, cho nên mới ra nông nổi như thế.
Bị nắm cái tẩy, cho nên Phan Văn Khải không dám tiếp tục can thiệp nữa. Trong vụ TVB, Nguyễn Trọng Minh bị mất chức Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT.
11. Kiện ra tòa án quốc tế
11.1. Trịnh Vĩnh Bình khởi kiện
Ngày 15-10-2003, vụ án bước sang giai đoạn mới, vượt ra khỏi phạm vi hai nước VN và HL, ông Trịnh Vĩnh Bình đã chính thức nhờ Tổ hợp Luật sư Covington Burling, có trụ sở ở Anh và Hoa Kỳ, đứng ra kiện nhà cầm quyền VN đòi bồi thường 100 triệu đô la Mỹ, trong khi số vốn đầu tư mang về VN khoảng 4 triệu.
Phụ trách vụ án, Tổ hợp Covington Burling có 1 luật sư đứng tòa, 3 luật sư lo hồ sơ, 2 thông dịch viên, 2 thư ký. Riêng TVB có một luật sư VN phụ trách liên lạc giữa TVB với Tổ hợp luật sư Mỹ. Ông TVB ký quỹ 150 ngàn USD cho tổ hợp luật sư.
Đầu tiên, luật sư Thomas Johnson, đại diện cho TVB gởi thơ cho Viện trưởng Viện Kiểm Sát ND Tối Cao VN là Hà Minh Trí, đề nghị dàn xếp giữa hai bên.
Nổ lực dàn xếp kéo dài gần 2 năm không có kết quả.
Tháng 5 năm 2004, TVB chính thức nạp đơn lên Toà Án Quốc Tế thuộc Liên Hiệp Quốc. Toà án thụ lý và sẽ mở phiên tòa xét xử tại Stockholm, Thủ đô Thụy Điển vào cuối năm 2005. Tòa nầy gồm 3 thẩm phán, một người Thụy Điển, một người gốc Mỹ và một gốc Pháp.
Phía CSVN, cũng đã ký quỹ 150 ngàn USD để nhờ Tổ hợp luật sư Pháp Glide Loyrette Rouel, có văn phòng tại Hà Nội. Việc nầy chứng tỏ CSVN chấp nhận việc bồi thường 100 triệu USD cho TVB, nếu bị thua kiện.
Toà Án QT thông báo sẽ mở ra xét xử từ ngày 4-12-2005 đến 12-12-2005.
Ba tuần lễ trước phiên xử, Tổ hợp luật sư Mỹ thấy chắc ăn, cho nên tăng số tiền đòi bồi thường lên thành 150 triệu USD. Viện dẫn lý do là dựa theo giá mới.
11.2. Việt Nam bắt buộc phải tham dự phiên toà
CSVN là bị cáo, nếu không tham dự phiên toà thì bị mất quyền tự bào chữa. Nếu vắng mặt thì bị xử khiếm diện và buộc phải tuân theo phán quyết của toà án.
Do kinh nghiệm lần trước, vụ một luật sư người Ý, ông Manizio Liberato kiện hãng hàng không VNAirlines, phía VN thua kiện mà không chịu bồi thường, tưởng rằng không có ai dám vào VN đòi tiền, cho nên tất cả các chương mục của VNAirlines ở các ngân hàng châu Âu bị phong toả để trả tiền bồi thường.
11.3. Toà Án Quốc Tế tạm hoãn.
Đáng lẽ Toà mở phiên xử từ ngày 4-12-2005 đến 12-12-2005, nhưng Toà tuyên bố tạm hoãn, vì lý do hai bên thỏa thuận dàn xếp bên ngoài Tòa. Xem như bãi nại.
Sau đó hai bên đã ký một thỏa thuận về cam kết tại tòa án Singapore năm 2006.
12. Thế mạnh của Trịnh Vĩnh Bình
12.1. Đúng thời cơ
Đó là cuối năm 2006, VN có thể được gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới (World Trade Organization=WTO) là cơ hội để được tham gia vào sinh hoạt của nền Kinh tế Thị trường tự do của chế độ tư bản. Vì kinh tế quốc doanh XHCN của Cộng Sản không ai thèm giao dịch và bị tư bản chèn ép về tội bán phá giá. Từ đó, VN sẽ có điều kiện dễ dàng ký những Hiệp ước thương mại với các quốc gia khác, mà VN rất muốn, gọi là mở cửa, hội nhập.
VN rất cần có nguồn vốn, cho nên kêu gọi ngoại quốc đầu tư do đó phải bỏ bớt thói quen ngang tàng côn đồ cố hữu. Đành phải chịu nhượng bộ, đó là thời cơ thuận lợi cho vụ án của TVB.
12.2. Trịnh Vĩnh Bình vô tội
Chính những văn bản và tài liệu chính thức của các quan chức VN đã xác nhận TVB vô tội. Cụ thể là bút phê của Thủ tướng Khải. Chính Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên thừa nhận với quan chức Hòa Lan “Có sự sai sót trong vụ án TVB và hứa sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra lại”.
CSVN muốn dàn xếp bên ngoài Toà án, vì ở đó, số tiền bồi thường có thể được giữ bí mật. Hơn nữa, nếu bị xử có tội và bị phạt bồi thường thì mất mặt quá. VN muốn còn chút đỉnh thể diện để mạnh dạn kêu gọi hùn hạp làm ăn. Nếu bản án được loan truyền khắp thế giới thì còn mặt mũi gì nữa.
Ông Trịnh Vĩnh Bình đã giữ cam kết với nhà cầm quyền VN là không tiết lộ số tiền mà VN bồi thường.
Cam kết làm tại tòa án Singapore, nhưng suốt 7 năm mà VN không thực hiện nên nội vụ được đưa ra tòa án Quốc tế Paris, mở ra ngày 21-8-2017 nầy.
13. Kết luận
Trong vụ án Trịnh Vĩnh Bình, Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương ra lịnh mà công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không thi hành cho nên Việt Nam phải vác chiếu ra tòa án quốc tế, phải bồi thường 15 triệu đô la và cam kết trả lại toàn bộ tài sản cho ông Trịnh Vĩnh Bình.
“Việt kiều yêu nước” nghe lời dụ dỗ mang tiền về nước làm ăn, nếu thành công rực rỡ như ông Trịnh Vĩnh Bình thì dễ trở thành nạn nhân của công an, bị cướp đoạt tài sản nếu không lo hối lộ cho công an địa phương.
Mất tất cả tài sản mà suýt bị toi mạng vì âm mưu độc hiểm của Tổng Cục 2, an ninh Bộ Quốc Phòng, nếu không nhờ có “quới nhân” giúp đỡ để ông Bình trốn về nước.
Bị một cú đầu mà chưa tởn, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ trước sự nham hiểm lật lọng của CSVN trong nội dung bản cam kết tại tòa Singapore.
Phiên tòa thứ nhất tại Stockholm, Trịnh Vĩnh Bình chiếm thế thượng phong, nhưng ở phiên tòa đã mở ra ngày 21-8-2017 nầy ở Paris, thì ông Bình ở tình trạng 5 ăn, 5 thua. (50%).
Ai thắng hay thua gì không biết, nhưng chắc chắn là phải tốn một số tiền không nhỏ cho luật sư hai bên.
Quý vị “Việt kiều yêu nước” đã có một thời được tiếp đón nồng hậu, có xe còi hụ dẫn đường. Nhưng khi Nghị Quyết 36 thành công thì quý vị yêu chế độ Cộng Sản nầy gặp phải tình trạng đúng như câu nói: “Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh” nghĩa là khi con thỏ khôn đã chết thì chó săn bị mổ làm thịt.
Minnesota ngày 23-8-2017
0 comments:
Post a Comment