Hải Âu (Danlambao) - Tại buổi họp báo thường kỳ của nhà cầm quyền CSVN vào chiều ngày 8/3, nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến việc nhận chìm 1 triệu m3 "bùn thải" của nhà máy nhiêt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển Bình Thuận. Đây được xem là một dự án gây nhiều phẫn nộ trong dư luận về vấn đề môi trường sau thảm họa biển chết tại miền Trung do Formosa gây ra. Sau khi thứ trưởng Bộ Tài Môi Nguyễn Linh Ngọc ký cấp phép cho dự án này, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phản đối vì cho rằng dự án nhận chìm chất thải của Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái biển tại tỉnh Bình Thuận.
Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng đã xem xét nhiều bước trong quy trình cấp phép dựa trên quy định pháp luật và các cơ sở khoa học. Nhiều nhà khoa học đã tham gia nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường khi thực hiện dự án nhận chìm bùn thải của công ty nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Bộ trưởng Tài Môi Nguyễn Hồng Hà khẳng định: “trong giấy phép chúng tôi yêu cầu khảo sát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng môi trường biển…”
Tuy nhiên cho đến nay nhiều người dân cũng như dư luận, báo chí và một số nhà khoa học lo ngại tính khả thi từ những đánh giá của các cơ quan chính phủ. Hàng loạt nhà khoa học đã lên tiếng phản đối dự án cũng như phẫn nộ khi tên tuổi của họ bị mạo danh trong bản báo cáo dự án được gửi cho Bộ Tài Môi.
Thế nhưng Nguyễn Hồng Hà lại khẳng định: “22 nhà khoa học trong hội đồng của Bộ là những nhà khoa học hàng đầu ngành trong các lĩnh vực. Không một nhà khoa học nào bị mạo danh cả. Còn các nhà khoa học bị mạo danh là thuộc bên tư vấn và thuộc về trách nhiệm pháp lý giữa nhà đầu tư với đơn vị tư vấn chứ không thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Tôi khẳng định như vậy”.
Đây là một dự án quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến môi trường và hệ sinh thái biển Bình Thuận. Thế nhưng Bộ Tài Môi đã vội vàng cấp phép, bỏ qua những khuyến cáo của nhiều nhà khoa học, tệ hơn nữa là việc lợi dụng danh tiếng của họ. Một việc làm bất minh như thế càng làm cho người dân hiểu rõ bộ mặt dối trá của nhà cầm quyền.
Nhà cầm quyền luôn miệng rêu rao quan điểm “môi trường là trên hết, không đánh đổi môi trường, phải bảo vệ môi trường v.v...” Nhưng trên thực tế thì Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Môi trường đang bị tàn phá từng ngày, từng giờ, từ nam chí bắc.
Dự án nhận 1 triệu m3 thải xuống biển sẽ gây ra thảm họa môi trường biển tại tỉnh Bình Thuận theo đánh giá của một số nhà khoa học. Nhưng công ty nhiệt điện Vĩnh Tân 1 lại là doanh nghiệp có 95% số vốn của Trung cộng. Chắc hẳn người dân Việt Nam chưa thể nào quên thảm họa biển tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra. Đây cũng là một doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến Trung cộng.
Bộ Tài Môi luôn tỏ ra ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi cho những công ty, tập đoàn có liên quan đến Trung cộng. Bất chấp những dự án đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, đến môi trường sống của người dân Việt.
Đảng và nhà cầm quyền ngày càng tỏ ra hèn hạ trước sự ngang ngược của Trung cộng ngoài biển Đông cũng như trên đất liền, nhưng lại rất “anh hùng” khi tàn bạo ra tay đánh đập, bắt bớ, giam cầm những người dân yêu nước lên tiếng phản đối Trung cộng tàn phá môi trường Việt Nam. Tất cả dường như đang nằm trong chiến lược thôn tính nước Việt bằng cách hủy hoại môi trường Việt Nam. Trong chiến lược thâm độc đó có sự tiếp tay, góp sức của đảng CSVN.
04.08.2017
0 comments:
Post a Comment